Cảm giác kết nối thúc đẩy chúng ta trở nên tốt đẹp, nhân ái hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mọi mối quan hệ bắt đầu với một kết nối. Đây là cách mà tình bạn, tình yêu “đâm chồi”, tình đồng nghiệp bắt đầu, tình người phát triển... Biết cách kết nối với người khác giúp chúng ta trở thành những người bạn, người yêu, cha mẹ... tốt hơn, và trở nên nhân ái hơn với con người, cuộc sống xung quanh.

Kết nối xã hội cho phép chúng ta tạo ra một tác động lớn hơn trong cuộc sống của chính mình và những người khác, và làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta.

Có một sự thật đơn giản rằng, khi kết nối với những người xung quanh, chúng ta đều sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, vị tha hơn. Không những thế, các nghiên cứu khoa học còn chứng minh mối liên hệ giữa các kết nối xã hội với cảm giác tích cực, sức khỏe và tuổi thọ của con người .

Mặt khác, một vài nghiên cứu đã kiểm chứng được rằng cảm giác được kết nối sẽ thúc đẩy con người thực hiện những hành động tốt đẹp, hữu ích. Đây là một trong ba điều cốt lõi mang đến sự thành công cho chúng ta trong cuộc sống; hai điều khác là: cảm giác có khả năng đạt được mục tiêu của bản thân, được gọi là “năng lực”, và cảm giác kiểm soát được các hành động và quyết định của bản thân, được gọi là “quyền tự chủ”.

Cảm giác kết nối thúc đẩy sự quan tâm, lòng vị tha của con người

Trong một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia đọc các từ liên quan đến kết nối xã hội, như là: cộng đồng, kết nối, mối quan hệ… các từ có ý nghĩa về sự tự chủ, như là: tự do, lựa chọn, ưu tiên... hoặc về năng lực, như là: có kỹ năng, chuyên gia, có thẩm quyền… Sau đó, hỏi xem họ có sẵn sàng làm tình nguyện cho một tổ chức từ thiện. Kết quả cho thấy, mọi người sẵn sàng hơn đối với việc làm từ thiện sau khi đọc những từ đó so với sau khi đọc các từ có ý nghĩa “trung tính” khác, ví dụ: sách, đèn, giày...

Trong thí nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia viết về khoảng thời gian mà họ cảm thấy có mối liên kết chặt chẽ với người khác. Kết quả là những người tham gia, sau khi viết xong, cảm thấy sẵn sàng để thực hiện những hành động vì xã hội, bao gồm việc quyên góp tiền từ thiện, đi ra ngoài để giúp đỡ những người lạ gặp khó khăn...

Các nghiên cứu trên đã gợi mở một điều rất ý nghĩa, đó là việc suy nghĩ về các mối liên hệ chặt chẽ giữa người với người sẽ thúc đẩy lòng vị tha của chúng ta, từ đó khuyến khích ta có những ý định tốt, và hành động tử tế và hào phóng hơn.

việc suy nghĩ về các mối liên hệ chặt chẽ giữa người với người sẽ thúc đẩy lòng vị tha của chúng ta, từ đó khuyến khích ta có những ý định tốt, và hành động tử tế và hào phóng hơn.
Việc suy nghĩ về các mối liên hệ chặt chẽ giữa người với người sẽ thúc đẩy lòng vị tha của chúng ta, từ đó khuyến khích ta có những ý định tốt, và hành động tử tế và hào phóng hơn. (Ảnh: Shutterstock)

Bài nghiên cứu được công bố trên Personality and Social Psychology Bulletin đã chỉ ra rằng nếu con người có cảm giác xa cách, hay cảm thấy bị loại trừ khỏi các kết nối xã hội, họ sẽ bộc phát tính gây hấn và giảm các hành vi giúp ích xã hội, ngược lại cảm giác được kết nối giúp tăng tính thân mật, gắn kết, giảm sự chia rẽ giữa người với người, từ đó mang lại lợi ích sức khỏe cho cá nhân và toàn xã hội.

Sau đây là một số cách hữu ích giúp chúng ta dễ dàng kết nối với người khác:

Kết nối ‘trực tiếp’ thay vì ‘trực tuyến’

Trong xã hội ngày nay, bạn chắc chắn có thể bắt đầu kết nối với bất kỳ ai bằng cách “trực tuyến” thông qua hệ thống mạng xã hội. Nhưng nhiều người không có cảm giác “kết nối” trong những mối quan hệ “ảo” như thế . Hãy ra khỏi bàn làm việc của bạn và dành thời gian với mọi người. Những giao tiếp thực sự giữa người với người sẽ giúp chúng ta cảm nhận tình người một cách sâu sắc hơn, khiến tâm hồn chúng ta trở nên rộng mở, phóng khoáng hơn.

Lắng nghe người khác bằng sự chú tâm:

Khi bạn không chú tâm lắng nghe người khác, hoặc có vẻ như bạn không muốn nghe, đối phương sẽ nhận thông điệp tiêu cực rằng: bạn không quan tâm đến họ, họ không đủ quan trọng để bạn dành thời gian và sự chú ý cho họ.

Tuy nhiên, một điều đơn giản như quan tâm, lắng nghe người khác có thể là chìa khóa để kết nối với họ ngay từ đầu và duy trì kết nối sau này. Tích cực lắng nghe ai đó gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng: bạn quan tâm đến họ.

Khiêm tốn khi giao tiếp với người khác

Dù là trong một cuộc trò chuyện nho nhỏ, hay trong một cuộc họp gay gắt giữa các đồng nghiệp hoặc với một ông chủ khó tính, sự khiêm tốn của bạn sẽ là chìa khóa cho việc kết nối thành công với người khác.

Tác giả Mark Driscoll đã nói: “Mọi người đều có điều gì đó để dạy bạn nếu bạn đủ khiêm tốn để học hỏi”.

Khi cố chấp vào quan điểm cá nhân, vào các định kiến đối với người khác hay tình huống, bạn sẽ không học được gì từ đó cả. Hãy sẵn sàng học hỏi từ những người khác, thay vì cố gắng tỏ ra biết tất cả mọi thứ, đó cũng là cách chúng ta “khởi động” những kết nối.

Chân thành và thiện chí trong mọi mối quan hệ

Không có gì khác thực sự quan trọng nếu bạn không thể hiện được sự quan tâm thật lòng đến những người khác. Những lời nói mang tính khích lệ, tích cực, nâng cao và hỗ trợ là “phương tiện” cho mọi kết nối xã hội. Tuy nhiên, điều này chỉ đem lại kết nối trên bề mặt giao tiếp xã hội; kết nối từ tâm hồn bởi sự tử tế và thiện chí trong mối quan hệ mới là kết nối chân thật, vững bền nhất.

Nghĩ đến người khác trước tiên

Nếu bạn dành một chút thời gian sau khi thức dậy để suy nghĩ về cách bạn có thể giúp ích gì cho những người mà mình sẽ tiếp xúc, từ vợ hoặc chồng của bạn, đến đồng nghiệp, người bán hàng, cô giáo của con bạn… bạn sẽ thấy rằng bản thân mình không “chạy theo” truy cầu mọi thứ từ các mối quan hệ nữa, thay vào đó là kết nối với người khác bằng sự chân thành và tử tế của mình.

Hãy xây dựng kết nối thật sự với mọi người, thay vì chỉ là một “mạng lưới” mối quan hệ mà không có sự kết nối chân thật nào cả. Bất kể địa vị hay danh tiếng của bạn là gì, chúng ta đều có điểm chung để kết nối, đó chính là tình người, lòng nhân ái và vị tha.

Nguyễn Minh - Trọng Khiêm
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cảm giác kết nối thúc đẩy chúng ta trở nên tốt đẹp, nhân ái hơn