Cảnh tượng độc đáo: Cuộc di cư của 65 triệu con cua đỏ trên đảo Giáng sinh của Australia

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc di cư của cua đỏ là một cảnh tượng độc đáo trên đảo Giáng sinh ở Úc, và cuộc di cư năm nay đã bắt đầu. Ước tính hơn 65 triệu con cua đỏ sẽ di chuyển từ rừng mưa nhiệt đới tới bờ biển để giao phối và đẻ trứng. Để bảo vệ loài cua đỏ, chính quyền địa phương đã đặc biệt xây dựng các lối đi dành cho động vật hoang dã, và thậm chí đóng cửa đường bộ và đường sắt trong quá trình đàn cua di cư.

Đảo Giáng sinh (Đảo Chrismas) nằm ở phía tây bắc Ấn Độ Dương của Australia, có 14 loài cua sinh sống trên đảo, trong đó cua đỏ là loài phổ biến nhất và số lượng rất đáng kinh ngạc. Vào những ngày cua đỏ di cư, cả một vùng bãi biển rộng lớn được nhuộm đỏ bởi những con cua đang bò chầm chậm, thật là ngoạn mục.

Derek Ball, người quản lý các loài kỳ lạ của Công viên Quốc gia Đảo Giáng sinh, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Cua đỏ là loài chiếm ưu thế trên đảo Giáng sinh, và sức khỏe của quần thể cua đỏ là yếu tố cơ bản đối với sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái trên đảo. Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm, cua đỏ bắt đầu công việc sinh sản quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng, chúng rời hang trong rừng và di cư ra bờ biển để giao phối và sinh sản. Đây là một sự kiện rất thú vị”.

Một số lượng lớn cua đỏ di chuyển từ rừng nhiệt đới đến bờ biển để giao phối và đẻ trứng. (Được sự cho phép của Parks Australia)

Giống như hầu hết các loài cua trên cạn, cua đỏ sử dụng mang để thở. Để tránh bị mất nước do ánh nắng trực tiếp chiếu vào, cua đỏ đào hang trong rừng ở Đảo Giáng sinh để trốn nắng, chúng thường ở trong hang quanh năm. Trong mùa khô, chúng che chắn lối vào hang để giữ độ ẩm cao và ở đó trong ba tháng cho đến khi mùa mưa bắt đầu.

Trận mưa lớn vào ngày 29/10 vừa qua đã mở màn cho cuộc diễu hành của những chú cua đỏ trên đảo năm nay, toàn bộ quá trình di cư mất khoảng 3 tháng và tổng hành trình dài khoảng 20 km.

Ball nói: “Đây có vẻ sẽ là một cuộc di cư lớn. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ trong vài tuần tới”.

Trong quá trình di cư, cua đực thường đến trước cua cái, khi đã đến bờ biển, chúng sẽ ngâm mình dưới biển để bù nước. Các con đực sau đó đào hang cạnh nhau, và chúng cũng bảo vệ hang của mình khỏi những con đực khác.

Số lượng lớn cua đỏ đang di cư. (Được sự cho phép của Parks Australia)

Tiếp theo, chúng giao phối gần hang với những con cua cái đến muộn hơn. Khi hoàn tất, con đực sẽ quay trở lại rừng một lần nữa, trong khi con cái sẽ ở trong hang ẩm ướt khoảng hai tuần. Trong thời gian này, chúng sẽ đẻ trứng và chờ đợi trứng phát triển. Khi thủy triều lên, cua cái rời hang, thả trứng xuống biển rồi quay trở lại rừng.

Những quả trứng do cua cái đẻ ra sẽ nở ngay khi chúng tiếp xúc với nước biển, và những đàn cua con ở gần các rạn đá trên bờ biển cho đến khi chúng bị trôi ra biển. Những con non đã ấp sẽ ở lại biển trong ba đến bốn tuần nữa. Trong thời gian này, cua con trải qua một số giai đoạn phát triển, cuối cùng phát triển thành megalopa giống tôm.

Những ấu trùng này tập trung trên bờ trong một hoặc hai ngày và sau đó trở thành cua non được hình thành hoàn chỉnh. Chúng lại một lần nữa nhuộm đỏ bờ biển về số lượng của chúng. Sau đó, những con non sống sót rời khỏi mặt nước và quay trở lại rừng sau cuộc hành trình khoảng chín ngày. Cua đỏ sinh trưởng chậm và đạt độ tuổi thành thục sinh dục vào khoảng 4-5 năm tuổi, sau đó chúng lại tham gia vào cuộc di cư lớn hàng năm.

Các nhà chức trách Australia đã đóng cửa các con đường, không cho xe cộ đi lại để cho phép loài cua đỏ di cư. (Được sự cho phép của Parks Australia)

Để đảm bảo an toàn cho cua và con người, nhân viên làm việc tại công viên địa phương thường dành vài tháng để chuẩn bị trước, bao gồm việc dựng rào chắn dài vài km và biển báo yêu cầu người qua đường nhường đường, đồng thời xây dựng một cây cầu Cua đỏ cao 5 mét. Trong thời gian di chuyển cao điểm của cua đỏ, một số khu vực có thể bị đóng cửa trong một khoảng thời gian ngắn, một phần hoặc cả ngày.

Parks Australia cho biết, mỗi con cua cái có thể đẻ tới 100.000 trứng, và theo chu kỳ âm lịch, sự kiện sinh sản năm nay dự kiến ​​sẽ diễn ra từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 11.

Số lượng cua đỏ đã tăng trở lại trong những năm gần đây, tăng gần gấp đôi so với 5 hoặc 6 năm trước, từ 45-50 triệu lên tới 100 triệu con, nhờ một số chương trình bảo tồn, bao gồm cả kiểm soát dịch hại.

Thanh Hương

Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh tượng độc đáo: Cuộc di cư của 65 triệu con cua đỏ trên đảo Giáng sinh của Australia