Làm người tốt khó không? Câu chuyện chiếc ‘ATM gạo’ và những con sâu làm rầu nồi canh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người nghèo - dường như có cả một tầng lớp đông đảo đang sống cùng chúng ta trong xã hội, nhưng lại bị “bỏ rơi” ở đâu đó. Và để họ vượt qua cơn khốn khó trước dịch bệnh, một chiếc máy “ATM gạo" đã ra đời…

"Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác"

Đây là thông điệp dễ thương mà chủ sáng kiến “ATM gạo" dành tặng những người nghèo thiếu thốn trong khoảng thời gian cách ly xã hội, để “không ai bị bỏ lại phía sau". Thay vì ATM nhả tiền, chỉ cần bấm nút, "ATM gạo" sẽ nhả gạo. Máy nhả gạo này đặc biệt phát miễn phí cho người nghèo ở Sài Gòn. Mỗi người được nhận một bịch gạo khoảng 1,5kg sau mỗi lần bấm nút.

Ý tưởng độc đáo này đến từ anh Hoàng Tuấn Anh, chủ một công ty về cảm biến vân tay ở quận Tân Phú, TP. HCM. Anh muốn làm điều gì đó giúp đỡ những số phận lay lắt, những người chạy ăn từng bữa. Cách ly xã hội là khoảng thời gian “sống chậm" dành cho nhiều gia đình đủ ăn đủ mặc, nhưng với người nghèo, đó là một cuộc chiến mà “giặc đói" sẽ đến đầu tiên. Nguyện vọng của anh là có thể để chiếc máy tự phát gạo, không cần tập trung đông người, vừa đảm bảo an toàn cho người nhận, vừa thuận tiện cho người cung cấp.

Đặc biệt hơn, tổ chức từ thiện này cũng tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch bệnh đó là người nhận gạo đứng cách nhau từ 1,5 - 2m trong khi chờ, vị trí đứng đã được đánh dấu sẵn trên vỉa hè. “Cấu tạo máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo. Khi một người tới nhấn nút, gạo sẽ tự động theo đường ống được nối trong với thùng chứa gạo, đến túi nilon đựng gạo được người dân cầm sẵn", anh Tuấn Anh chia sẻ.

Máy "ATM gạo" có gắn hệ thống cảm biến và camera để quan sát người nhận gạo. Có nhân viên của công ty trực quan sát qua camera để kiểm soát tình hình trật tự và lượng gạo còn bao nhiêu trong bồn chứa 500 lít, từ đó tiếp thêm gạo. Hệ thống sẽ hoạt động 24/24 giờ để phục vụ người dân. Dự án này sẽ kéo dài đến hết mùa dịch. Anh Tuấn Anh vẫn đang kêu gọi cộng đồng chung sức để chia sẻ lòng tốt tới nhiều người hơn.

Trường hợp những người khá giả nhưng đột nhiên mất công việc do dịch bệnh, trong khi họ đang nuôi đến 4-5 người trong gia đình, cũng được nhận một túi gạo 1,5kg.

"Vì đang làm thiện nguyện nên cũng muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa nhất đến mọi người. Biết đâu bây giờ họ nhận của mình, sau này khi có công việc rồi thì họ có thể cho người nghèo nhiều hơn gấp 2-3 lần chẳng hạn, nên tôi đặt niềm tin vào những người nhận gạo từ chúng tôi", chủ nhân “ATM gạo” tâm sự.

“Những con sâu làm rầu nồi canh”

Sau khi chiến dịch của anh Tuấn Anh được cộng đồng mạng hưởng ứng, ngày qua ngày, nhiều mạnh thường quân cũng liên tục chở gạo đến góp. Tuy nhiên, có một số người đã lợi dụng lòng từ tâm của tổ chức từ thiện để làm việc xấu. Có nhóm “nhận gạo chuyên nghiệp” thường xuyên tập trung đến điểm “ATM nhả gạo” để nhận gạo, tranh giành của những người nghèo khác. Thông thường nhóm này khi nhận lần đầu xong, khoảng 1 tiếng sau họ lại xếp hàng nhận tiếp.

Biết được sự thật này, anh Tuấn Anh rất buồn. Hành động ích kỉ của họ không những đẩy người nghèo khác vào đường cùng, mà còn làm giảm niềm tin và sự nhiệt huyết của những nhà từ thiện.

Theo anh Tuấn Anh, anh đã nhắc nhở nhóm người này nhiều lần, nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai. Sau đó, anh quyết định thực hiện giải pháp: với người đã nhiều lần xếp hàng như vậy, khi phát hiện, máy "ATM gạo" sẽ không nhả gạo. Đứng đợi khoảng 15-20 phút mà không nhận được gạo, lúc này những người này đã bỏ cuộc ra về.

Hiện tại chủ nhân "ATM gạo" sẽ từ chối những người cố tình nhận nhiều lần gạo trong ngày thông qua hệ thống camera quan sát. Đáng lẽ, việc phát gạo sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu người dân có ý thức, nhưng giờ nhóm từ thiện phải mất thêm công sức và thời gian kiểm soát những đối tượng xấu trên.

Làm người tốt khó không?

Đây không phải là trường hợp duy nhất “làm việc tốt mà cảm thấy thật khó". Đáng buồn là, văn hoá trục lợi và hành vi kém văn minh đã ngấm sâu vào tư tưởng của một bộ phận người dân.

Đã từng có trường hợp một thanh niên bị đâm trọng thương vì đưa cô gái vào viện cấp cứu. Vụ việc xảy ra ở tỉnh Bắc Ninh vào ngày 11/2/2017, cô gái trẻ tên Dung gặp tai nạn giao thông khi đâm vào xe taxi. Anh Sơn đi qua thấy vậy đã bế cô gái bị nạn lên xe và đưa đi bệnh viện. Khi vào đến bệnh viện, cô gái đã đưa điện thoại cho anh Sơn nhờ anh này gọi giúp thông báo cho người thân. Khoảng 10 phút sau, một nhóm nam thanh niên đến và đâm anh Sơn một nhát vào lưng vì nghĩ anh Sơn là người gây ra tai nạn. Anh Sơn phải nhập viện cấp cứu.

Và còn rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, khi cứu người mà lại bị “đánh".

Năm 2019, vụ việc tài xế Vinasun bỏ rơi cô gái chết bên vệ đường mà không đưa đi bệnh viện đã gây nhiều tranh cãi. Người thì phê phán đó là thói vô cảm, người thì cho rằng người tài xế lúc đó chạm vào cô gái có khi lại bỏ mạng.

Không ít người có tâm lý tiêu cực này. Họ nghĩ: hai nguyên nhân chính khiến con người sợ cứu người tai nạn không chỉ đến từ sự mất bình tĩnh khi chưa hiểu ngọn ngành của người nhà nạn nhân, mà còn là nỗi phiền toái khi vướng tới pháp luật. Ví như một độc giả chia sẻ với Zing câu chuyện của mình: “Khoảng 10 năm trước cha mẹ đi khuya về gặp một người đàn ông tự ngã. Đường vắng không bóng xe, cha mẹ tôi dừng xuống hỏi thăm và đỡ dậy. Thế là ông ta ăn vạ nói là ba mẹ tôi đụng, rồi phải lên công an xác nhận tùm lum. Mất thời gian và tiền nữa chứ. Dù không gây ra tai nạn, gia đình tôi vẫn phải hỗ trợ tiền thuốc vì bên kia quá lằng nhằng... Đấy, thà vô tâm còn hơn mang họa".

Không chỉ vậy, nhiều người cũng lo lòng tốt được đặt không đúng chỗ, khi dừng lại giúp người song vô tình trở thành nạn nhân của vụ cướp dàn cảnh.

Người ta bắt đầu ngại giúp đỡ người khác, sợ rước vạ vào thân; đi trên đường thấy điều bất bình chẳng dám hé răng nửa lời, cho rằng chẳng may làm ơn mà mắc oán. Và cứ thế, người dân ta hình thành tâm lý “sợ làm việc tốt". Có người hỏi tại sao phải làm việc tốt, cứ thờ ơ vô tâm thì có chết đâu?!

Nhưng lòng tốt là cái gốc của con người, là nền tảng để một xã hội phát triển. “Cho dù có lý luận, phương pháp hoàn hảo đến đâu mà chính người nói không phải là người tốt thì khó mà thực hiện. Con người là tài sản quý giá nhất và quan trọng nhất" - Saigo Takamori. Khi chúng ta thờ ơ với người khác, chúng ta sẽ tạo nên một thứ văn hoá “vô cảm", mà sau này chính chúng ta trở thành nạn nhân của nó.

"Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chỉ hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm..." - Chuyện tử tế, đạo diễn Trần Văn Thuỷ.

Rõ ràng, phải quay về bản ngã con người, đi “chính đạo” để tiến hành mọi việc. Chính đạo nghĩa là đạo lý làm người, đơn giản bình dị như những lời cha mẹ, thầy cô dạy ta từ tấm bé. Theo chính đạo là không sống theo chủ nghĩa thuận lợi cho bản thân, không sống theo kiểu thoả hiệp, người ta nói vậy nên ta cũng làm theo cho yên ổn.

“Hễ đã đi trên chính đạo thì chắc chắn gặp khó khăn. Nhưng là người thì phải đi trên chính đạo, nên việc thực hành hay đi trên đó không có người hay kẻ dở, cũng chẳng có ai là không thể" - Saigo Takamori.

Làm việc tốt dĩ nhiên sẽ có thử thách, nhưng “đi con đường chính đạo chắc chắn sẽ được báo đáp". Chỉ có nhân cách mới khiến cuộc đời một người đi đúng hướng. Mà nhân cách, bên cạnh những gì cha sinh mẹ đẻ ban cho, được hình thành từ những gì người đó học hỏi, thu nhận trong cuộc đời. Do đó, nếu mỗi người ngày ngày trau dồi đạo đức, chính là đang nỗ lực xây dựng cho mình một con đường đến tương lai tốt đẹp.

Cuộc sống này cần những mạnh thường quân như anh Hoàng Tuấn Anh, và rất nhiều những tấm lòng cao thượng khác. Nếu không muốn xã hội chúng ta chết dần chết mòn vì thứ văn hoá “vô cảm", mỗi cá nhân cần hành động và tin tưởng vào “chính đạo".

Minh Anh



BÀI CHỌN LỌC

Làm người tốt khó không? Câu chuyện chiếc ‘ATM gạo’ và những con sâu làm rầu nồi canh