Câu nói: "Tai to ắt có phúc, mắt liếc xéo ắt có dã tâm" có còn chính xác?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người thời xưa thường rất chú trọng việc xem tướng mạo, bởi tướng do tâm sinh, vẻ bên ngoài có thể phản ánh nội tâm, vận mệnh tương lai của người đó. Câu nói: “Tai to ắt có phúc, mắt liếc xéo ắt có dã tâm”, thể hiện cách nhìn người có phúc và người có tâm xấu của người xưa.

“Tai to ắt có phúc"

Con người có số phận, mỗi người khi sinh ra đều có định số, sướng hay khổ, giàu hay nghèo đều dựa vào Đức và Nghiệp tích từ bao đời. Kiếp trước làm được nhiều việc thiện, việc thiện to lớn tích được đại đức như vậy kiếp tới sẽ được sinh ra nơi giàu sang, quyền quý, tướng đẹp, con trai thì mặt mũi khôi ngô tuấn tú, con gái thì xinh đẹp...Có nhiều những đứa trẻ lúc mới sinh đã có tai đẹp, to tròn, dái tai dày. Dù sinh trong gia đình lúc đó bố mẹ chưa kiếm được nhiều tiền nhưng tiềm ẩn là có tương lai, không khổ.

Theo nhân tướng học thì những người sở hữu đôi tai to là người có phúc khí, sống thọ vận mệnh vô cùng tốt. Trong công danh tài lộc những người có tướng mặt này làm việc gì cũng gặp nhiều may mắn luôn có quý nhân trợ giúp. Đặc biệt, những người có vành tai hoặc dái tai dày và nhiều thịt thường là những người giàu có, nếu biết chớp thời cơ nhất định sẽ làm nên chuyện lớn, một tay dựng cả cơ đồ khiến ai cũng phải nể trọng. Ví dụ rõ nhất trong lịch sử là Lưu Bị, có đôi tai to, Lã Bố trước khi bị xử trảm đã mắng chửi Lưu Bị là "Thằng tai to".

undefined
Lưu Bị. (Miền công cộng)

Tai là một bộ phận rất quan trọng trong ngũ quan trên gương mặt, bởi xem tướng tai có thể đoán được vận thế khi còn nhỏ, trình độ văn hóa, tính cách, sự nghiệp và đường tình duyên của một người. Người có tai to thường là những người năng nổ, nhiệt tình, là người biết lắng nghe, luôn tràn đầy sức sống và sống trường thọ. Họ rất nhanh nhẹn, hoạt bát và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi làm bất cứ việc gì.

"Mắt liếc xéo ắt có dã tâm”

Người ta thường nói "Đôi mắt là cửa sổ tâm hôn", mắt là nơi phản ánh rõ nhất nội tâm của một người. "Mắt liếc xéo ắt có dã tâm", mắt liếc xéo chỉ về thần thái, sắc mắt của người đó không nhìn thẳng người đối diện mà hay trộm nhìn xiên ngang, xéo nói chung là cái nhìn không trực diện. "Dã tâm" tâm ác, tâm xấu hại người lợi mình.

Người quân tử,đàng hoàng không làm điều gì khuất tất nên tâm luôn thanh thản, an nhiên thể hiện ra phong thái đường hoàng, đĩnh đạc. Kẻ tiểu nhân thường lo lắng, ủ mưu tính kế, làm những việc khuất tất nên tâm không được yên, lúc nào cũng dò xét ý người khác thể hiện ra bên ngoài mắt lia mày láu. "Có tật giật mình", những kẻ không dám nhìn thẳng vào mắt người khác, chỉ dám liếc xéo người đối diện thường là người xấu tính, không đáng tin.

Việc nhìn ngang, liếc xéo quả thật không phải là một cái nhìn đẹp, có thiện ý nhưng chỉ dựa vào điểm đó để đánh giá về bản chất của một người thì chưa đủ. Cần dựa vào hành động, việc làm cụ thể trong cuộc sống khi tiếp xúc, những tình huống thực tế để nhìn nhận.

Tướng do tâm sinh, tướng tùy tâm diệt

Trong thuật xem tướng có lưu truyền câu nói: “Hữu tâm vô tướng, tướng do tâm sinh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”, câu này có nghĩa là: "Có tâm mà không có tướng, thì tướng cũng sẽ do tâm mà sinh ra. Có tướng mà không có tâm, thì tướng ấy cũng sẽ bị mất đi theo cái tâm ấy". Tướng mạo con người sẽ tùy theo cái tâm thiện - ác của người đó mà thay đổi.

"Số mệnh" của con người là đã định, tuy nhiên vẫn có thể thay đổi được. "Tướng tùy tâm sinh", khi trong tâm chứa suy nghĩ thiện lương, tâm thiện thì tướng cũng theo đó thay đổi. Người xưa rất chú trọng vào tu tâm, dưỡng tính để được thân tâm an lạc. Muốn có phúc thì cần làm việc chăm chỉ, làm nhiều việc thiện giúp người, giúp đời. Những người "Mắt liếc xéo" khi tu sửa tâm, bỏ đi "dã tâm" biết nghĩ đến lợi ích của tập thể, cá nhân khác trước cái lợi của thân, không ủ mưu, tính kế nữa thì tự nhiên sẽ đạt được tâm an. Khi tâm cải mệnh sẽ chuyển, tướng sẽ đổi. Ví dụ lịch sử rõ nhất là Bùi Độ, người vốn có tướng ăn mày, được cao tăng Nhất Hạnh khuyên bảo, dốc sức hành thiện, sau trở thành Tể tướng triều Đường.

Câu nói của người xưa: “Tai to ắt có phúc, mắt liếc xéo ắt có dã tâm”, ngắn gọn, xúc tích, về hai loại người tốt-xấu, có phúc-nghiệp, mang nội hàm sâu sắc về cách nhìn người của người xưa. Đến nay vẫn áp dụng trong cuộc sống, tham khảo về cách nhìn người để kết giao, làm ăn, hợp tác.

Đương nhiên, không thể đánh giá một người có phúc hay không khi nhìn vào đôi mắt hay đôi tai của họ. Bởi xã hội ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình "lên ngôi" người ta có thể "đập đi xây lại" toàn bộ khuôn mặt, mắt mũi, miệng để đẹp như ý. Vì vậy, để đánh giá một người bạn cần phải quan sát họ qua một quá trình dài, không nên vội vàng kết luận một người thông qua cái nhìn đầu tiên.

Sách «Tứ Khố Toàn Thư» luận thuật rằng: “Chưa cần xem tướng người, mà trước tiên hãy nghe giọng nói của người ấy. Chưa cần nghe giọng nói người ta mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ấy. Chưa cần xem hành vi người ta mà trước tiên hãy xem xét cái tâm của người ấy". Đây cũng là nhấn mạnh rằng cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người. Sự thay đổi tướng mặt chính là do tâm thay đổi mà biểu hiện ra bên ngoài.

Ngọc Liên



BÀI CHỌN LỌC

Câu nói: "Tai to ắt có phúc, mắt liếc xéo ắt có dã tâm" có còn chính xác?