Chuyện lạ: Cây trúc nở hoa kết trái hàng loạt ở Trung Quốc, là điềm báo sắp có tai ương?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, tại Triệu Khánh, Quảng Đông đã xuất hiện cảnh tượng cây trúc bỗng nhiên nở hoa, kết trái. Trong dân gian có câu: “Cây trúc nở hoa, lập tức dọn nhà”. Bởi vậy, hiện tượng này đã dấy lên nhiều đồn đoán sắp xảy ra tai ương.

Vậy vì sao người ta lại sợ cây trúc, cây tre nở hoa như vậy?

Cây trúc nở hoa

Trúc là một loại thực vật thuộc phân họ tre thân gỗ sống lâu năm, thân cao, mảnh mai, xanh tươi quanh năm, được người Trung Quốc rất ưa thích. Trúc cùng với mai, lan, cúc được gọi là “Tứ quân tử”, cùng với mai, tùng gọi là “Tuế hàn tam hữu” (ba người bằng hữu ngày đông lạnh). Rất nhiều người yêu thích trúc và vịnh trúc. Người ta cũng thích trồng một ít trúc ở trong sân tạo cảnh quan cho ngôi nhà.

Cây trúc là thực vật sinh sản vô tính, không giống như những loài cây khác hàng năm nở hoa rực rỡ. Vì vậy, nhiều người lầm tưởng rằng cây trúc (cũng như cây tre) không nở hoa. Trên thực tế, khi cây trúc phát triển đến một giai đoạn nào đó cũng sẽ nở hoa và kết trái, nhưng điểm khác biệt là những bông hoa của cây trúc có màu trắng dạng bông, trong những bông hoa màu trắng còn có những hạt giống như hạt thóc, được gọi là "gạo trúc" (gạo tre).

Vào những năm bình thường, cây trúc sẽ không nở hoa, nó chỉ nở hoa khi môi trường khí hậu hết sức phức tạp. Ví dụ trước khi xảy ra những tai họa như lũ lụt, hạn hán, nạn sâu bọ… thì cây trúc mới nở hoa. Hơn nữa, một khi cây trúc nở hoa, sẽ xuất hiện càng thêm nhiều hiện tượng tử vong phát sinh.

Cây trúc không chịu được “hạn hán” hoặc “nạn sâu bệnh”, nó sẽ chết héo trên diện rộng, trước khi chết nó sẽ nở hoa, trở thành một lần xán lạn cuối cùng của sinh mệnh.

Nói cách khác, khi cây trúc đi đến phần cuối của sinh mệnh, thì hoa sẽ nở rộ, tiêu hao hết những chất dinh dưỡng cuối cùng trong cây, sau đó kết thúc sinh mệnh.

Sự ra hoa của cây trúc sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho một số loài động vật có thức ăn chính là trúc, chẳng hạn như gấu trúc lớn (giant panda).

Theo ông Trương Hòa Dân (Zhang Hemin), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Gấu trúc lớn Trung Quốc ở Ngọa Long, Tứ Xuyên: “Gấu trúc lớn có sở thích ăn một loại thức ăn duy nhất. Chúng đã quen với việc chỉ ăn một loại cây trúc trong thời gian dài. Sau khi một loại trúc nở hoa và chết, những con gấu trúc lớn sẽ phải tìm thức ăn khác, đây sẽ là một quá trình tương đối gian nan. Trong đó những con gấu trúc già, yếu và tàn tật có thể bị đào thải".

Ông Trương cũng cho rằng, việc cây trúc nở hoa "chắc chắn sẽ có tác động xấu đến những con gấu trúc lớn sống trong khu vực". Tuy nhiên, gấu trúc sẽ theo thức ăn mà di cư, vì vậy ngay cả khi rừng trúc chúng sống bắt đầu khô héo, miễn là có rừng trúc ăn được ở gần đó, gấu trúc vẫn sẽ sống sót.

Việc cây trúc nở hoa chắc chắn sẽ có tác động xấu đến những con gấu trúc lớn sống trong khu vực. (Ảnh: pixabay)
Việc cây trúc nở hoa chắc chắn sẽ có tác động xấu đến những con gấu trúc lớn sống trong khu vực. (Ảnh: pixabay)

“Trúc nở hoa ắt có tai ương”, “Trúc nở hoa, lập tức dọn nhà”

Một số người già thường nói rằng: "Cây trúc nở hoa, ắt có tai ương", nó là điềm báo sắp có tai ương. Đây không phải chỉ là một lời đồn thổi hay “mê tín dị đoan”. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, trước khi xảy ra một số tai họa lớn như hạn hán… thì cây trúc sẽ trổ bông và khô héo trên diện rộng. Người ta nói rằng, là bởi vì cây trúc có thể cảm ứng được một số biến động của thổ nhưỡng.

Mặt khác, hạt tre còn là thức ăn tuyệt vời cho các loài gặm nhấm. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, khi chu kỳ cây trúc nở hoa 50 năm một lần ở đông bắc Ấn Độ, số lượng chuột sẽ tăng lên gấp 4 lần. Số lượng chuột tăng đột biến khiến lương thực dự trữ trong làng nhanh chóng bị tiêu hao, dẫn đến nạn đói phát sinh

Trong quá khứ, người ta quan sát rằng, ngay khi cây trúc nở hoa (hay cây tre nở hoa), tai họa sẽ ập đến nơi này, xảy ra nạn đói và tử vong. Nơi này không thể cư ngụ, vì vậy hãy lập tức dọn nhà rời đi.

Động đất ở Đường Sơn (Ảnh: Wikipedia)
Động đất ở Đường Sơn (Ảnh: Wikipedia)

Trong lịch sử đã xuất hiện vô số lần cây trúc nở hoa (hoặc cây tre nở hoa) trên diện rộng. Ví dụ: vào năm 1933, rừng trúc 10 km xung quanh thị trấn Mã Đầu, Lục An, An Huy, toàn bộ nở hoa; vào năm 1984, cây trúc ở Ngọa Long, Tứ Xuyên đã nở hoa với số lượng lớn, khiến nhiều gấu trúc lớn chết vì thiếu thức ăn. Vào năm 1976, trước khi Đường Sơn xảy ra địa chấn, trúc ở Đường Sơn và Thiên Tân cũng nở hoa. Bởi vậy, trong dân gian lại lưu truyền những câu nói rằng: “trúc nở hoa ắt có tai ương”, “cây trúc nở hoa, lập tức dọn nhà”.

Sau khi phân tích một số lượng lớn các ví dụ, một số nhà khoa học phát hiện ra rằng trước khi thảm họa xảy ra ở một số địa khu, nơi đó sẽ xuất hiện hiện tượng cây trúc nở hoa và khô héo trên quy mô lớn.

Khi phát hiện cây trúc nở hoa, người dân địa phương cho rằng đây là điềm báo thiên tai, bởi vậy cần phải chuẩn bị càng sớm càng tốt để giảm bớt ảnh hưởng của thiên tai.

Nhiều người nông dân tinh ý đã phát hiện ra quy luật kỳ lạ này, họ tin rằng “hoa trúc” là điềm báo, nhắc nhở thế nhân trước khi thiên tai ập đến, hoa trúc thường đi kèm với thiên tai nên mọi người cần nhanh chóng di dời.

Sau khi video trúc nở hoa ở Triệu Khánh, Quảng Đông được đăng tải trên mạng Internet, đã lập tức thu hút sự thảo luận sôi nổi của cư dân mạng. Đa số các bình luận của cư dân mạng đều nói về những điềm báo thảm họa từ hiện tượng này.

Một tài khoản bình luận: “Trong lịch sử đã nhiều lần xảy ra rằng việc cây trúc nở hoa là dấu hiệu của nạn đói và kéo theo bệnh dịch. Vì quả của cây tre giúp chuột sinh sản nhanh, khi chuột trở thành một đội quân sẽ xâm chiếm làng và ăn hết thức ăn, gây ra nạn đói lớn”.

Một người khác nói: “Vào năm 2019, tôi thấy một giống tre lùn cao hơn 1m để làm cảnh, sau mùa thu nó khô héo nhưng không thấy có quả, rồi đại dịch virus Vũ Hán bùng phát. Tháng 3 năm nay, tôi đi thắng cảnh ngắm hoa, thì thấy bên chân núi có hàng trúc nở hoa…”

Một tài khoản khác bình luận: “Tôi nhớ trước đây mình đã đọc một cuốn sách, trong đó nói rằng tai họa sẽ đến khi cây trúc nở hoa”.

Lý Tuệ (t/h)

 



BÀI CHỌN LỌC

Chuyện lạ: Cây trúc nở hoa kết trái hàng loạt ở Trung Quốc, là điềm báo sắp có tai ương?