Cha mẹ nên làm gì để khiến những đứa trẻ luôn ‘trì hoãn’ quản lý thời gian một cách hiệu quả?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều thực sự nới rộng khoảng cách giữa những đứa trẻ không phải là chỉ số IQ mà là khả năng quản lý thời gian.

"Sao còn chưa viết?" "Khi nào thì viết xong?"

11 giờ khuya, một loạt tiếng hò hét phát ra từ nhà hàng xóm, chị Lý lại bắt đầu chế độ “bão táp”đối với đứa con nhỏ của mình.

Con chị là một đứa trẻ "trì hoãn" điển hình, ăn một tiếng, tắm một tiếng và trì hoãn làm bài tập hết lần này đến lần khác. Với mức độ trì hoãn như thế này, tôi sợ rằng mười con bò cũng không thể kéo cậu bé lên.

Trì hoãn ở nhà và làm bài tập về nhà giờ đây đã trở thành tiêu chuẩn của trẻ em.

Cách đây một thời gian, khi trường học sắp khai giảng, video về những đứa trẻ hối hả làm bài tập về nhà đã thống trị danh sách tìm kiếm nóng trên tất cả các nền tảng chính.

Đứa trẻ đã khóc và cầu xin cha mẹ giúp nó làm bài tập về nhà cho kỳ nghỉ đông. Bố mẹ không còn cách nào khác đành nhờ họ hàng, bạn bè giúp đỡ viết bài cho con.

Một số phụ huynh nói đùa: Một cây bút, một ngọn đèn, một "tốc độ Trung Hoa" tạo nên kỳ tích trong một đêm.

Khoảng cách lớn nhất giữa những đứa trẻ: Cách sử dụng thời gian

Điều đặc biệt quan trọng là phát triển kỹ năng quản lý thời gian của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Nếu không biết quản lý thời gian, trẻ sẽ càng trì hoãn.

Cách đây một thời gian, tôi đến nhà một người bạn chơi, vừa bước vào cửa, tôi đã nghe chồng bạn tôi hét vào mặt đứa con trai 9 tuổi:

"Quần áo tối qua bố đã yêu cầu con chuẩn bị, con đã chuẩn bị xong chưa? Sao còn chưa thay?" "Tại sao con vẫn chưa chuẩn bị sách vở đi học?"

"Nhanh lên, nhanh lên! Sắp muộn thi rồi!"

Còn đứa con trai thì sao? Nó dường như không để vào tai những lời nói ấy, nó vừa ăn sáng vừa vuốt ve con mèo ở bàn ăn, như thể những chuyện ấy không liên quan đến mình.

Người bạn nói với tôi: "Thằng bé ngồi vào bàn ăn được nửa tiếng rồi, nó cứ lừ đừ. Nó đã học lớp 3 tiểu học rồi mà làm việc gì cũng phải giục nhiều lần và nó không có ý thức về thời gian".

Đây không phải là "chân dung" của trẻ em ngày nay sao? Ý thức về thời gian kém, không biết sử dụng thời gian hợp lý, để mọi việc chần chừ, trì hoãn.

Mẹ kéo đằng trước, bố đẩy đằng sau, bà lo lắng ở bên cạnh, nhưng đứa trẻ thì không để tâm, một việc nhỏ cá nhân cũng không làm nổi. Có một khoảng cách giữa những đứa trẻ trong một ngày, và khoảng cách trong cả cuộc đời có thể còn lớn hơn.

Các chuyên gia giáo dục trẻ em của Mỹ cho rằng: khả năng quản lý thời gian ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của trẻ, hiệu quả học tập quyết định kết quả học tập.

Trẻ biết quản lý thời gian luôn sắp xếp tốt việc học, chủ động hoàn thành bài tập, hiệu quả học tập cao đáng kinh ngạc. Mặt khác, những đứa trẻ không biết quản lý thời gian không chỉ làm mọi việc chậm chạp, lãng phí thời gian mà khi lớn lên cũng không biết lập kế hoạch, không có mục tiêu, thậm chí có thể tầm thường cả đời.

Trong “Đời không có gì là không thể buông bỏ” có một câu: “Không có khái niệm về thời gian, không có thái độ nghiêm túc, là thất bại một nửa”.

Bất cứ khi nào bạn tôi nói về quá khứ của cô ấy, cô ấy sẽ nói: "Nếu tôi không trì hoãn, tôi đã được nhận vào một trường chuyên trung học".

Khi cô ấy học trung học cơ sở, biết rằng điểm môn khoa học của mình không tốt, cô ấy đã mua một cuốn sổ mới và điền vào kế hoạch hàng ngày của mình. Đến ngày thứ hai, cô ấy cảm thấy mình còn nhiều thời gian nên tạm thời để đó, ngày mai nhất định sẽ hoàn thành.

Ngày thứ ba, kế hoạch này lại tạm hoãn lại bởi vì cô còn muốn xem một bộ phim hay trước. Những ngày tiếp theo, kế hoạch ban đầu đã sớm tan thành mây khói.

Khi đến kỳ thi tuyển sinh cấp ba, cô chỉ có thể vào trường cấp ba bình thường vì điểm kém môn khoa học.

Cho dù đó là một kế hoạch đã được đặt ra từ đầu nhưng nếu bạn không biết cách quản lý thời gian hợp lý thì cuối cùng cũng chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.

Đối với trẻ em, học cách quản lý thời gian là một nửa trận chiến.

Trẻ trì hoãn vì cha mẹ lỏng lẻo

Giáo sư Lý Mân Cẩn - Giáo sư tâm lý học tội phạm nổi tiếng của Trung Quốc - cho biết: Các vấn đề của trẻ em đều liên quan đến sự giáo dục của cha mẹ chúng. Khi còn nhỏ, hầu hết các em đều thiếu tự chủ và sẽ luôn có thói quen xấu là trì hoãn và chậm chạp, lúc này, kỷ luật của cha mẹ là đặc biệt quan trọng.

Một người bạn đã 10 năm làm trong ngành giáo dục chia sẻ rằng: Trong lớp có một học sinh như vậy, bất kể là hoạt động gì, nó đều có thể tham gia, nhưng chỉ cần yêu cầu viết bài tập về nhà, nó trở thành là một người khác.

Với cây bút trong tay, nó giống như bị thôi miên và nó có thể chơi trong một giờ trong trạng thái mê mẩn. Bài tập về nhà luôn không được hoàn thành đúng hạn và điểm số luôn ở mức trung bình và thấp hơn nhiều so với các bạn cùng lớp.

Hóa ra bố mẹ em học sinh này đi làm rất bận, tối nào đi làm về cũng đã muộn, khi về đến nhà thì em học sinh đó thường đã ngủ say, không có thời gian làm bài cùng con.

Khi trẻ cần được giáo dục nhất, nếu buông lỏng kỷ luật thì hậu quả khó có thể cứu vãn được

Khi Ninh Ninh đi học về mỗi ngày, bố mẹ cho phép nó nghỉ ngơi nửa giờ. Kết quả nửa tiếng trôi qua, Ninh Ninh làm nũng đòi mẹ cho xem tập phim hoạt hình, mẹ nhìn đứa con gái đáng yêu của mình không nỡ, liền đồng ý cho xem TV trong nửa giờ.

Ăn tối xong là đến giờ làm bài, Ninh Ninh nghịch đồ chơi không muốn buông tay, cứ trì hoãn việc làm bài. Bố mẹ đang xem TV và không nói gì. Đến khuya, Ninh Ninh mới bắt đầu giở sách vở và chậm rãi làm bài.

Sự cho phép và sự nuông chiều mù quáng của cha mẹ khiến Ninh Ninh không thể hoàn thành mọi việc trong thời gian hạn hẹp, khiến mọi thứ bị trì hoãn hết lần này đến lần khác.

Sự trưởng thành của trẻ em không thể tách rời khỏi kỷ luật của cha mẹ. Kỷ luật lỏng lẻo của cha mẹ khiến con cái buông thả, trì hoãn, làm việc lộn xộn, không thể quản lý tốt thời gian của mình chứ đừng nói đến việc tự lên kế hoạch cho cuộc đời mình.

4 thủ thuật giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý thời gian một cách từ từ

Trẻ em trì hoãn là một sự lãng phí thời gian. Không có người trì hoãn bẩm sinh, chỉ có cha mẹ không thể quản lý.

Thời gian là một khái niệm trừu tượng đối với trẻ em, trẻ em luôn hiếu động và những thứ bên ngoài sẽ luôn khiến trẻ mất tập trung.

Trẻ em hiếu động là trạng thái bình thường, nhưng cha mẹ luôn có xu hướng yêu cầu “hoàn hảo” đối với con, luôn muốn con có thể hoàn thành bài tập về nhà nhanh chóng và có thành tích học tập xuất sắc.

Nhưng người ta thường quên rằng việc quản lý thời gian cần được trau dồi từ từ. Nếu muốn con học cách quản lý thời gian, cha mẹ có thể làm như sau:

1. Hãy để trẻ cảm nhận sự tồn tại của thời gian

Thời gian là thứ vô hình, lúc này cần những dụng cụ có thể phản ánh thời gian như đồng hồ, đồng hồ cát, đồng hồ bấm giờ. Hãy để trẻ em cảm thấy sự tồn tại của thời gian.

Ví dụ: đặt đồng hồ ở nơi dễ thấy trong phòng khách, đặt đồng hồ báo thức ở đầu giường, dán thời gian biểu hàng ngày ở cửa.

Để trẻ hiểu khái niệm thời gian thông qua đồng hồ và đồng hồ đeo tay, sau khi nắm vững các khái niệm thời gian cơ bản này, trẻ có thể có nhận thức rõ ràng hơn về thời gian và hiểu rằng mọi việc đều cần mỗi phút mỗi giây.

2. Diễn đạt ngôn ngữ dễ hiểu để trẻ hiểu chính xác về thời gian

Bố mẹ luôn giục con “mau ăn cơm”, “mau làm bài đi”, “mau tắt tivi đi”, nhưng đứa trẻ không thể hiểu khi nào thì "nhanh lên".

Khi gặp phải yêu cầu mơ hồ này của cha mẹ, trẻ đương nhiên không biết làm theo yêu cầu, lúc này cha mẹ cần phải thay đổi. Cố gắng thay đổi các từ thúc giục thành ngôn ngữ thời gian cụ thể, chẳng hạn như: "Còn 10 phút nữa là đến giờ mở quà. Nếu không ăn hết, bạn sẽ bỏ lỡ việc mở quà".

"Còn có 30 phút trước khi đi ngủ. Nếu bây giờ không viết bài, hôm nay sẽ không thể hoàn thành bài tập".

"Con đã xem TV được 25 phút rồi, theo quy định thì 5 phút nữa là phải tắt".

Cha mẹ có thể sử dụng khái niệm chính xác về thời gian để giao tiếp với con cái, để trẻ có thể nhận ra mối quan hệ giữa thời gian và bản thân, đồng thời nhận thức rõ hơn về sự tồn tại thực sự của thời gian.

3. Lập thời gian biểu để trẻ nhận biết lại thời gian

Thông qua hai phương pháp trên, trẻ có thể hiểu rõ khái niệm về thời gian một cách hiệu quả, nhưng mối quan hệ giữa những việc trẻ làm hàng ngày và thời gian cần có thời gian biểu để thể hiện.

Bằng cách cùng con lập thời gian biểu, cha mẹ có thể cho trẻ hiểu mối quan hệ giữa những việc mình làm hàng ngày và thời gian, đồng thời để trẻ nhận thức rõ tầm quan trọng của thời gian.

4. Bản thân cha mẹ làm gương tốt

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, mọi việc con cái làm đều là cái bóng của cha mẹ. Chỉ khi cha mẹ làm gương tốt, trẻ mới có thể bắt chước và học theo một cách tự nhiên.

Trong khi giải quyết vấn đề trì hoãn của trẻ, trước tiên cha mẹ phải giải quyết vấn đề thói quen của chính mình.

Cha mẹ muốn con đi ngủ sớm và dậy sớm, vậy thì cha mẹ cần bỏ thói quen thức khuya, làm việc và nghỉ ngơi không điều độ. Nếu trẻ luôn trì hoãn khi ăn thì cha mẹ cần bỏ thói quen xem tivi, xem điện thoại di động khi ăn. Chỉ khi cha mẹ làm những gì họ có thể, con cái mới có thể trở nên tốt hơn.

Sự trưởng thành của trẻ không cần phải hoàn hảo 100%, không cần lần nào cũng đạt điểm tuyệt đối, chỉ cần trẻ biết quản lý thời gian, quản lý bản thân để việc học tập và cuộc sống ngày càng dễ dàng hơn, đây là điều mà cha mẹ nên làm nhất.

Hãy giúp trẻ học cách quản lý thời gian và trở thành người làm chủ thời gian trong xã hội hối hả này, để tương lai trẻ có thể nổi bật và trở thành một người có kỷ luật, tự tin và xuất sắc.

Theo Vương Hòa - Aboluowang

Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cha mẹ nên làm gì để khiến những đứa trẻ luôn ‘trì hoãn’ quản lý thời gian một cách hiệu quả?