Chim bồ câu và con người - Một mối quan hệ lâu dài và phức tạp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chim bồ câu và con người đã có mối liên hệ từ xa xưa. Trong quá trình lịch sử, những con chim này đã đóng vai trò là vật nuôi, sử giả, nguồn cung cấp thức ăn và hoạt động giải trí, thậm chí chúng có vai trò như một anh hùng. Điều gì đã khiến những chú chim nhỏ bé khiêm tốn này trở nên đáng chú ý như vậy? Hãy bắt đầu với tên gọi của chúng.

Sự khác biệt giữa tên gọi 'pigeon' và 'dove' là gì?

pigeons-and-people-pexels
Chim bồ câu trắng thường được biết đến là biểu tượng của hòa bình. (Hình ảnh: Pexels)

Từ “Dove” thường gợi nhớ đến loài chim trắng được sử dụng như một biểu tượng của hòa bình. Tuy nhiên, trong tiếng Anh có hai khái niệm để cùng nhắc đến loài chim này. “Pigeon” và “Dove” cùng đề cập đến một họ chim - họ Columbidae - và sự khác biệt chỉ đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ.

Theo Paul Sweet tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, từ “dove” có liên quan đến các ngôn ngữ Bắc Âu, trong khi “pigeon” có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Trên thực tế, cả hai từ đều chỉ một họ chim.

Thông thường mọi người có xu hướng sử dụng từ “Pigeon” cho loài chim lớn hơn và “Dove” cho loài nhỏ hơn. Người bản ngữ thường nói về pigeon như một loài chim được nuôi trong nhà, hoặc sống tự do ở công viên hay quảng trường ở các thành phố Châu Âu. Còn dove thường được liên tưởng tới loài chim hoang dã là biểu tượng của tình yêu và hòa bình. Một bài thơ tình có vẻ sẽ nhắc đến dove hơn là pigeon.

Có một cách giải thích khác, đó là dove và pigeon là hai từ tiếng Anh gần nghĩa có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác nhau. Dove bắt nguồn từ tiếng Đức (taube) còn pigeon bắt nguồn từ tiếng Pháp (pigeon).

.Màn thể hiện tình cảm của đôi chim bồ câu. (Hình ảnh: Ashithosh U qua Pexels)
.Màn thể hiện tình cảm của đôi chim bồ câu. (Hình ảnh: Ashithosh U qua Pexels)

Chim bồ câu và con người đều thể hiện lòng trắc ẩn

Các nữ thần của tình yêu và sinh sản — Ishtar, Venus và Aphrodite — đều được tượng trưng bởi chim bồ câu. Thời kỳ đồ đồng (2400-1500 TCN), các bức tượng thờ Mẫu Ninhursag đã được phát hiện cùng với hình ảnh chim bồ câu sống động như thật. Chim bồ câu sở hữu khả năng sinh sản đáng nể, nhưng có những lý do khác khiến chúng có mối quan hệ với những vị Thần này.

Trở lại nền văn minh đầu tiên của Lưỡng Hà, chim bồ câu đá (pigeons) đã được sử dụng như một nguồn thực phẩm. Khi quan sát hành vi của chúng, con người bắt đầu nhận ra những đặc điểm đáng kinh ngạc - chúng có bản năng nuôi dưỡng và hướng về gia đình. Chúng là những sinh vật chung thủy và nhân ái, quan tâm đến nhau và những đứa con non nớt. Ngay cả sự tán tỉnh của chúng cũng dịu dàng và đáng yêu.

Chim bồ câu cực kỳ chung thủy với bạn đời. Chúng có thể nhận ra người bạn đời của mình không chỉ trong một đàn chim lớn, mà còn sau một thời gian dài tách biệt. Chúng sẽ tỏ ra vô cùng đau khổ khi người bạn đời hoặc một trong những đứa con của chúng chết. Theo truyền thống của Trung Quốc, chim bồ câu tượng trưng cho lòng chung thủy và tuổi thọ; không những thế chúng còn thể hiện nhiều tài năng hữu ích.

Bản năng tìm đường của chim bồ câu

Trong tự nhiên, có rất nhiều loài chim có khả năng bay lượn tìm đường về nhà từ bất cứ đâu; nhưng chim bồ câu còn có thể tiếp thụ sự huấn luyện và chúng cũng bay rất nhanh (khoảng 60 dặm/giờ). Điều này làm cho chúng cực kỳ hữu ích trong việc trao đổi tin tức hoặc thư từ từ rất lâu trước khi điện thoại, radio và cả điện báo được phát minh. Ở Hy Lạp cổ đại, chim bồ câu được sử dụng để mang kết quả của Thế vận hội Olympic về làng của họ.

Bản năng bay lượn này đến từ khả năng sử dụng từ trường, một khả năng cảm nhận cho phép nhiều loài động vật được định hướng bởi từ trường của Trái đất. Khả năng này phần lớn đã cho phép những con chim này hỗ trợ chúng ta như là “bồ câu đưa thư” - giúp chúng ta gửi đi những thông điệp quan trọng một cách nhanh chóng và đáng tin cậy.

Chúng ta sẽ tự hỏi, bằng cách nào chúng nhận biết được nơi cần đến? Liệu có giống như những con cú của Hogwarts - có khả năng nhận biết bất cứ vị trí nào của người cần nhận thư? Câu trả lời là không, điều đó chỉ có trong phim ảnh. Chim bồ câu chỉ có thể tìm thấy nhà riêng của chúng; vì vậy một con chim chỉ có thể cung cấp thông tin liên lạc một chiều.

Để sử dụng chim cho việc trao đổi thư từ, cần phải có kế hoạch và đào tạo tốt.

Trước tiên, một con chim sẽ được nuôi dưỡng tại địa điểm của người nhận để nó ghi nhớ đây là nơi để trở về. Để huấn luyện nó, con chim sẽ được thả để kiếm thức ăn ngày càng xa và trở về nhà; tăng cường bản năng tìm tổ của nó.

Khi đến thời điểm dự kiến, chim bồ câu phải được đưa đến địa điểm nơi phát đi thông điệp và nhốt trong lồng cho đến khi cần. Khi con bồ câu được thả - với một thông điệp bằng văn bản gắn vào chân của nó, nó sẽ bay về nhà, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nó sẽ không bay trở lại, vì vậy cần có nhiều chim bồ câu để thư từ hai chiều.

Một người lính dùng một con chim bồ câu để gửi thông điệp trên chiến hào. (Hình ảnh: Miền công cộng qua Wikimedia Commons)
Một người lính dùng một con chim bồ câu để gửi thông điệp trên chiến hào. (Hình ảnh: Miền công cộng qua Wikimedia Commons)

Chim bồ câu phục vụ trong chiến tranh

Ước tính có khoảng 100.000 con chim bồ câu đưa thư đã được Mỹ, Pháp, Đức và Anh sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Sau khi được huấn luyện (bắt đầu từ năm tuần tuổi) tại các địa điểm chiến lược, những con chim bồ câu được gửi đến các chiến hào. Những con chim được tung ra cùng với một thông điệp sẽ bay trở lại nơi chúng được nuôi dưỡng — “nhà” của chúng.

Bất chấp tiếng súng, hơi ngạt và những kẻ săn mồi, chim bồ câu vẫn có thể truyền tải được những thông tin quan trọng.

Nhân vật chiến tranh được công nhận nhiều nhất trong số các con chim là Cher Ami, nó đã cứu cả một tiểu đoàn khỏi hỏa lực thân thiện (hay còn gọi là quân ta bắn quân mình, là việc quân đội tấn công vào chính lực lượng quân sự của họ hoặc quân trung lập trong nỗ lực tấn công kẻ địch). Mặc dù bị mất một mắt và một chân, nhưng chú chim bồ câu này vẫn có thể truyền đi thông điệp của mình và 194 người đã được cứu. Cher Ami đã nhận được một huy chương cho công việc anh hùng của mình.

Những chú chim có trí tuệ

Thuật ngữ "não chim" không bao giờ là một lời khen ngợi, nhưng chim bồ câu lại không thiếu trí thông minh. Chim bồ câu có thể được dạy để nhận ra tất cả 26 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh.

Trong một nghiên cứu về sức mạnh não bộ của chim bồ câu, những con chim đã được huấn luyện hơn 300 từ bốn chữ cái và được kiểm tra để nhận biết. Một số chú chim bồ câu có thể nhận ra hàng chục từ, phân biệt chúng với những từ vô nghĩa và cả cách viết đúng và sai.

Một nghiên cứu khác cho thấy chim bồ câu có khả năng nhận dạng khuôn mặt người. Khi hai nhà nghiên cứu cho chim bồ câu thức ăn, một trong số họ đuổi chúng đi trong khi người kia chỉ để mặc chúng. Những con chim bồ câu nhanh chóng học cách tránh xa người đã đuổi chúng, ngay cả khi cả hai thay quần áo.

Chim bồ câu là một trong mười loài động vật có thể nhận ra mình trong gương. Chúng cũng có thể học được các hành động phức tạp và trình tự phản ứng.

Hoàn cảnh của chim bồ câu viễn khách

Chim bồ câu viễn khách bản địa của Bắc Mỹ đã bị dẫn đến tuyệt chủng vào năm 1914. (Ảnh: Cephas qua Wikimedia Commons CC BY-SA 3.0)
Chim bồ câu viễn khách bản địa của Bắc Mỹ đã bị dẫn đến tuyệt chủng vào năm 1914. (Ảnh: Cephas qua Wikimedia Commons CC BY-SA 3.0)

Rất ít người còn biết đến chim bồ câu viễn khách. Chúng từng là loài chim nhiều nhất ở Bắc Mỹ - ước tính khoảng vài tỷ con.

Những lần di cư của chúng được cho là diễn ra liên tục, mất hàng giờ đồng hồ để hàng triệu con chim đi qua một địa điểm. Âm thanh của cuộc di cư của chúng được ví như tiếng sấm hoặc của một đội quân đang tiến quân trên lưng ngựa; ồn ào đến mức không thể nói chuyện được. Mặt trời sẽ bị che phủ bởi mật độ dày đặc của chúng trên bầu trời.

Những con chim ồn ào, tàn phá mùa màng và đè nặng cây cối bởi những chiếc tổ to lớn của chúng; nhưng chúng cũng là một nguồn cung cấp protein tuyệt vời - nhưng điều này vẫn chưa đủ để đẩy chúng đến nguy cơ tuyệt chủng.

Công nghệ mới của thế kỷ 19 đã nhanh chóng kết thúc sự phong phú của chúng. Điện báo cho phép các vận động viên và thợ săn nhanh chóng chia sẻ thông tin về sự di chuyển và làm tổ của chim, trong khi đường sắt cho phép con người theo dõi đàn chim. Điều này giúp cho việc thương mại hóa ngành chăn nuôi chim bồ câu trở nên gần giống như cơn sốt tìm vàng.

Như tờ Wisconsin Mirror của Kilbourn City đã đưa tin vào năm 1871: “Các khách sạn đã kín chỗ, những người chăn nuôi bận rộn đóng thùng, đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang tích cực đóng gói những con chim. Chúng được vận chuyển đến tất cả các nơi bằng đường sắt: Milwaukee, Chicago, St. Louis, Cincinnati, Philadelphia, New York và Boston”.

Số lượng chim bồ câu viễn khách giảm mạnh vào cuối những năm 1800, cho đến khi các đàn chỉ gồm hàng chục chứ không phải hàng triệu con. Không có nỗ lực bảo tồn nào vào thời điểm đó, và con chim hoang dã cuối cùng được biết đến đã bị bắn vào năm 1901. Ngoại trừ một số ít bị nuôi nhốt, chim bồ câu viễn khách đã tuyệt chủng.

Năm 1914, con chim bồ câu viễn khách cuối cùng tên là Martha đã chết tại vườn thú Cincinnati. Nó sống đến 29 tuổi, nhưng không bao giờ đẻ một quả trứng nào trong điều kiện nuôi nhốt.

pigeons-and-people
Một đàn chim bồ câu nhỏ đậu thoải mái trên ngọn đèn đường. (Hình ảnh: smith_cl9 qua Flickr CC BY-SA 2.0)

Trong khi chim bồ câu bản địa vẫn phát triển mạnh ở Bắc Mỹ, hầu hết chim bồ câu mà chúng ta thấy ngày nay là hậu duệ của các loài chim du nhập từ châu Âu. Mặc dù một số người có ý tưởng khôi phục lại loài chim bồ câu viễn khách bằng công nghệ gen hiện đại - tuy nhiên điều đó đã dẫn đến nhiều tranh cãi. Hầu hết mọi người đều mong muốn con người nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật.

Mặc dù chúng ta không còn sử dụng những chú chim bồ câu làm sứ giả đưa thư, nhưng nhiều người vẫn nuôi và huấn luyện chim bồ câu như một công việc hoặc thú vui. Đua chim bồ câu đã trở thành một môn thể thao giải trí phổ biến, đặc biệt là ở Trung Quốc, và nuôi chim bồ câu là một thú vui đơn giản mà hầu như ai cũng có thể làm được.

Từ Tịnh

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Chim bồ câu và con người - Một mối quan hệ lâu dài và phức tạp