Chó Pitbull cắn chết người: Trách nhiệm thuộc về ai, và có nên nuôi chó dữ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ việc thương tâm về hai con chó Pitbull bất ngờ tấn công một người đàn ông tử vong, người chủ cũng bị cắn trọng thương - đã khiến dư luận xôn xao trong thời gian gần đây. Vấn đề “nóng hổi” được đặt ra là làm sao phòng tránh trường hợp này, và “trách nhiệm thuộc về ai?”

Sự việc xảy ra vào khoảng 23h 30 ngày 20/5. Anh Hải (37 tuổi, ở Long An) dẫn 2 con chó Pitbull (chó nhà nuôi) khoảng 30kg và 60kg đi dạo, và đến một quán để uống cà phê.

Lúc đó, một người đàn ông là bạn anh Hải đến ngồi nói chuyện và có hành động quơ tay, quơ chân. Bất ngờ, anh này bị 2 con chó Pitbull đứng cạnh đó phóng tới tấn công, quật ngã xuống nền gạch rồi cắn nhiều vết trên cơ thể, khiến anh bị chấn thương nặng, máu chảy nhiều và tử vong tại chỗ.

Anh Hải lao vào cứu bạn nhưng cũng bị quật ngã, bị cắn nhiều vết trên đầu, vai, tay khiến anh bị trọng thương.

Tội vô ý làm chết người

Anh Hải bị tổn thương nặng phần mắt, cánh tay bị gãy, rách cơ tay, vành tai bị đứt một phần cùng nhiều vết xây xát. Sau khi được bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Long An phẫu thuật, anh đã dần phục hồi sức khoẻ.

Hải cho biết tối đó, anh dắt hai con chó đi dạo cách nhà hơn một km thì gặp lại người này. Hai bên xảy ra cự cãi, hai con chó bênh chủ nên lao vào cắn người đàn ông. Nạn nhân sợ quá nhảy xuống mương nước bỏ chạy, nhưng hai con chó vẫn không buông tha. Anh Hải cũng nhảy xuống nước cố can ngăn và cũng bị chúng cắn.

Sau đó, con chó cái tự về nhà chủ và được nhốt lại. Còn con đực đến sáng hôm sau được người dân phát hiện cách hiện trường khoảng vài trăm mét. Hàng chục công an, quân sự dùng súng tiêu diệt nó.

Theo bà Hà, chị anh Hải cho biết anh này từng đi cai nghiện ma túy, không vợ con, sống một mình. Hai con chó được Hải được mua tại TP HCM, nuôi gần 2 năm. Con cái đã đẻ một lứa 6 con, trong đó 5 con đã bán với giá 6 triệu đồng mỗi con.

Gia đình thấy đây là loài chó dữ, đã nhiều lần khuyên can nhưng anh Hải không nghe.

Theo pháp luật, trường hợp chủ nuôi chó không tuân thủ các quy định của pháp luật để chó cắn người, gây thương tích cho người khác hoặc gây thiệt mạng cho nạn nhân, chủ nuôi sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc tội vô ý làm chết người.

Có nên nuôi chó dữ?

Trước đó, tại Quảng Nam, vào tháng 1/2020, bà N.T.H. 79 tuổi, đang đi bộ trên đường thì bất ngờ bị con chó Pitbull nhà hàng xóm tuột xích, hung tợn lao tới cắn xé khiến nạn nhân bị chấn thương nặng. Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiếp nhận và chẩn đoán nạn nhân bị chấn thương phức tạp, gãy rời cẳng tay trái.

Tháng 1/2021, hai phụ nữ ở Phú Thọ phải nhập viện trong tình trạng gãy chân, thương tích chằng chịt do bị chó Pitbull cắn. Trước đó chỉ vài tháng, tại Thái Nguyên, một cháu bé cũng bị chó Pitbull cắn trọng thương tại vùng cổ, ngực và cánh tay. Tại Hà Nội, một cháu bé bị chó Pitbull tấn công khiến gãy xương đùi và nhập viện với nhiều vết cắn đau đớn trên cơ thể.

Trong tổng số hơn 400 loài chó hiện nay trên thế giới, dòng chó Pitbull được xếp vào danh mục 11 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người. Thậm chí, theo bảng xếp hạng giống chó nguy hiểm thì loài Pitbull đứng đầu trong số đó. Dòng chó này có nguồn gốc từ châu Mỹ và đang dần được nuôi phổ biến ở Việt Nam.

Chó Pitbull được con người lai tạo giữa giống chó Bull Anh và chó sục. Chúng có ngoại hình dữ dằn, được nuôi để trông giữ nhà và cũng được huấn luyện để đi săn... điểm nổi bật của chúng chính là sự bền bỉ không gì khuất phục được.

Mặc dù giống chó Pitbull đã được thuần hóa, nuôi dưỡng như thú cưng trong các hộ gia đình, nhưng bản năng chúng vẫn là loại động vật tiềm ẩn những mỗi nguy hiểm đến sự an toàn của con người. Chó Pitbull khi đã ngoạm vật gì thì chỉ khi vật đó bị đứt lìa, nó mới nhả ra và chuyển sang ngoạm chỗ khác, lực cắn của chúng có thể lên đến 106,5 kg.

Chó Pitbull. (Ảnh minh họa/ Pxhere)
Chó Pitbull. (Ảnh minh họa/ Pxhere)

Làn sóng tranh cãi

Một lần nữa, làn sóng tranh cãi xoay quanh chuyện có nên cấm nuôi chó dữ hay không và trách nhiệm của chủ nuôi chó được đưa ra bình luận.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "Pitbull cắn người" trên Google, ngay lập tức bạn sẽ được trả về hơn... 11 triệu kết quả.

Nhiều người cho rằng Pitbull vốn là loài chó có tính chiến đấu cao, thường phải nuôi trong môi trường đặc biệt, huấn luyện theo chế độ riêng. Người nuôi dưỡng, chăm sóc loại chó này cũng cần có kinh nghiệm, được đào tạo kiến thức chuyên sâu chứ không đơn thuần như nuôi chó cảnh.

"Mình đồng ý với việc cấm nuôi chó dữ. Bao lần đi ngoài đường chó nuôi trong nhà hung hãn vồ ra như muốn vồ xé người đi đường, may mà nó đã bị xích lại. Mà càng xích thì con chó càng khó chịu hung dữ, bản thân cháu mình đã bị chó cắn ngay Tết, do chủ nhà đi vắng mà thả chó ra ngoài. Rất bức xúc với việc nuôi chó dữ mà gây hoảng sợ cho người khác", một dân mạng chia sẻ.

Một “đại gia” sở hữu trang trại chó với khoảng 20 chú chó Pitbull ở Hà Nam cho rằng bản thân người chủ có lỗi chứ chú chó không có lỗi. Cụ thể ở trường hợp này, khi dắt chó Pitbull ra ngoài, chủ chó đã không tuân theo quy định là đeo rọ mõm cho chó.

Chưa kể là khi chó Pitbull thấy người nói chuyện lớn tiếng, "quơ tay quơ chân" thì người chủ cần phải cảnh giác ngay vì bản năng của chó Pitbull lúc ấy sẽ nghĩ "người này muốn tấn công gây nguy hiểm cho chủ", hoặc cảm thấy bản thân bị uy hiếp và dẫn đến khả năng chó Pitbull sẽ tấn công để bảo vệ chủ hoặc tự vệ.

Không riêng gì giống chó Pitbull, những giống chó khác có tính bảo vệ chủ hoặc bản năng tự vệ khi thấy nguy hiểm. Nhưng với giống chó Pitbull, một khi đã cắn thì sẽ rất khó can, càng đánh nó và nó càng thấy máu… thì càng kích thích bản năng nó hơn. Đồng thời, tính sát thương của Pitbull rất lớn nên cần cẩn thận một khi quyết định nuôi giống chó này”, người này chia sẻ thêm.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có lệnh cấm hoặc đưa ra những quy định nghiêm ngặt về việc nuôi chó Pitbull như Argentina, Belarus, Đan Mạch... Tại Ý, tuy lệnh cấm nuôi các giống chó nguy hiểm (trong đó có Pitbull) đã được gỡ bỏ vào năm 2009, song luật pháp nước này yêu cầu chủ nuôi phải đảm bảo an toàn nơi công cộng khi dắt chó đi dạo bằng cách rọ mõm và buộc dây xích, kể cả những giống chó nhỏ.

Chó tấn công người, chủ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Ở Việt Nam, trong các loài thú cưng, thì chó, mèo là loại được nhiều người ưa thích, chọn làm vật nuôi trong nhà... Dù nuôi với mục đích gì, việc nuôi nhốt chó mèo vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình...

Chủ nuôi phải thường xuyên tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó mèo. Đồng thời, chủ nuôi khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh, bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.

  • Trong trường hợp chủ nuôi vô ý để chó cắn người, gây thương tích chưa tới 31%, thì chủ nuôi phải bồi thường theo quy định pháp luật, kể cả trường hợp chủ nuôi không có lỗi.
  • Trong trường hợp chủ nuôi không tuân thủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn với chó mèo, để chó mèo cắn người gây thương tích đến 31%, hoặc gây thiệt mạng cho nạn nhân, thì chủ nuôi sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc tội vô ý làm chết người.

Không nghiêng về phía ủng hộ hay phản đối việc cấm nuôi chó dữ, nhiều người cho rằng điều quan trọng nhất cần bàn đến là cần thay đổi ý thức của chủ nuôi. Nhiều người chỉ biết đem chó dữ về nuôi cho “oai”, nhưng không biết “dạy chó” và không áp dụng các biện pháp thích hợp khi nuôi chó dữ.

”Đổ tội lên con chó thì cũng chẳng làm người bị cắn sống lại được, lỗi là do chủ không có ý thức”, một người chia sẻ.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Chó Pitbull cắn chết người: Trách nhiệm thuộc về ai, và có nên nuôi chó dữ?