Chuối đốm nâu có thể chống ung thư? Chuyên gia giải đáp giúp bạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuối là loại trái cây nhiệt đới có nhiều quanh năm, hàm lượng kali cực cao, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn chuối có thể ngăn ngừa bệnh cao huyết áp và bệnh tim. Tuy nhiên, trên mạng lan truyền thông tin rằng ăn chuối đốm nâu có thể chống ung thư, liệu có đáng tin?

Chuối có vị đặc, thơm, hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu protein, pectin, kali, canxi, phốt pho, khoáng chất sắt, vitamin A, B, C, E, F, caroten, v.v. Đường trong chuối có thể trực tiếp chuyển hóa thành glucose để cơ thể hấp thụ, thích hợp ăn trước và sau khi tập luyện để bổ sung năng lượng cho cơ thể.

Ăn chuối có nhiều lợi ích nhưng người dân không dám ăn chuối có đốm hoặc đốm đen, thậm chí còn vứt đi. Tuy nhiên, hiện nay trên mạng đang đồn thổi thông tin rằng chuối có đốm nâu có thể chống ung thư, vậy điều này có đúng không?

Về vấn đề này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan đã trả lời các câu hỏi và cho biết, một số nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng chuối đốm nâu có thể kích thích hệ thống miễn dịch, tăng bạch cầu. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu trên động vật chứ không phải là kết quả nghiên cứu trên người và nó cần được hỗ trợ bởi nhiều nghiên cứu thực nghiệm hơn trước khi có thể đưa ra kết luận. Đồng thời, người dân cũng được nhắc nhở nếu cảm thấy không khỏe nên kịp thời đi khám và tuân thủ lời khuyên điều trị của bác sĩ, không nên nghe theo các bài thuốc dân gian mà trì hoãn thời gian khám bệnh.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, những đốm nâu trên vỏ chuối là do quá trình oxy hóa tự nhiên sau khi chuối chín, chỉ cần phần cùi bên trong còn nguyên vẹn, không bị hư thì vẫn có thể yên tâm ăn.

Ăn chuối đốm có hại không? Làm thế nào để lựa chọn chuối ngon?

Chuối có đốm có ăn được không? Những nông dân trồng chuối giải thích, những quả chuối bình thường có đốm thường là chuối đã chín từ lâu, những đốm đen trên vỏ tượng trưng cho chất chống oxy hóa lectin, vị ngọt hơn. Ngay cả khi chuối bị nhiễm bệnh thán thư và gây ra đốm, vẫn có thể ăn được, vì vi khuẩn thán thư này chỉ xâm nhập vào chuối và không ảnh hưởng đến cơ thể con người.

Vậy, làm thế nào để người tiêu dùng chọn được chuối ngon? Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, một số điểm chính cần được chú ý: bề mặt vỏ chuối có màu vàng, nhẵn bóng, không có vết va chạm, các đường gờ ở mép ngoài của vỏ không nổi rõ, thân chuối đầy đặn, tròn trịa, phần cuống không bị thâm đen hoặc khô và teo lại, có mùi thơm nồng của trái cây. Những quả chuối này là tốt nhất.

Chuối rất giàu kali, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn chuối có thể ngăn ngừa bệnh cao huyết áp và bệnh tim. (Zeng Yanjun/The Epoch Times)
Chuối rất giàu kali, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn chuối có thể ngăn ngừa bệnh cao huyết áp và bệnh tim. (Zeng Yanjun/The Epoch Times)

Những đối tượng không nên ăn nhiều chuối

Mặc dù chuối rất bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng thích hợp ăn chuối. Vì chuối rất giàu kali nên những người bị bệnh thận hoặc chức năng thận kém nếu ăn quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, chuối còn có rất nhiều đường, đối với bệnh nhân đái tháo đường có lượng đường trong máu cao, ăn chuối có thể làm chậm quá trình lưu thông máu và gây tích tụ các chất chuyển hóa làm bệnh nặng thêm. Ngoài ra, những bệnh nhân bị viêm khớp hay đau cơ cũng không thích hợp ăn chuối vì nó dễ làm tiêu hao lượng vitamin B trong cơ thể, có thể làm triệu chứng đau nhức trầm trọng hơn.

Y học cổ truyền cho rằng chuối tiêu tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, có tác dụng thanh nhiệt đối với người bệnh ho khan, đờm vàng đặc, đau họng, khản tiếng; tuy nhiên, do chuối có tính lạnh nên người tỳ vị hư hàn nên ăn ít để tránh bị tiêu chảy.

Tác giả: Zeng Yanjun - Epochtimes

Tuyết Liên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuối đốm nâu có thể chống ung thư? Chuyên gia giải đáp giúp bạn