Cô gái được trao giải Nobel năm 17 tuổi: Hồi sinh từ những viên đạn của Taliban

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một cô gái sinh ra tại Pakistan, 11 tuổi cô lên tiếng đấu tranh cho quyền được đến trường của trẻ em gái, 12 tuổi viết blog cho BBC kể về cuộc sống của quê mình dưới ách thống trị của Taliban, 15 tuổi bị Taliban bắn vào đầu, để từ đó làm dấy lên phong trào chống Taliban trên toàn thế giới, 17 tuổi trở thành chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Hòa bình. Giờ đây, ở 24 tuổi, cô ấy vẫn cống hiến hết mình vì sứ mệnh giúp 130 triệu trẻ em gái được đến trường.

Cô gái ấy chính là Malala Yousafzai, sinh năm 1997 tại một vùng quê nghèo của Pakistan. Ý chí mãnh liệt và sự gan dạ phi thường của Malala đã thắp lên hy vọng cho hàng triệu trẻ em gái không được đến trường về một tương lai tươi sáng hơn, giúp họ theo đuổi những ước mơ, hoài bão mà không phải lo sợ khuôn khổ quá khắc nghiệt đeo bám bấy lâu.

Cô gái nhỏ can đảm chống lại Taliban

Tại Pakistan, sự ra đời của một bé gái không phải lúc nào cũng là tin mừng, vì những quan niệm hà khắc với phụ nữ. Song, cha mẹ của Malala Yousafzai hạnh phúc vì sự ra đời của con và quyết tâm sẽ trao cho con mọi cơ hội mà một cậu bé trai có được.

Cha cô là một nhà hoạt động giáo dục và ông đã thành lập một trường nữ sinh ở thung lũng Swat. Trong vài năm đầu đời, quê hương của Malala vẫn là một điểm du lịch nổi tiếng, với các lễ hội mùa hè sôi động.

Bố mẹ Malala là những người đấu tranh vì hòa bình và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: Malala.org)
Bố mẹ Malala là những người đấu tranh vì hòa bình và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. (Ảnh: Malala.org)

Nhưng rồi cuộc sống bình yên ở Thung lũng Swat - quê hương Malala - đã chấm dứt, khi phiến quân Taliban nắm quyền kiểm soát nơi đây. Những kẻ cực đoan cấm đoán nhiều thứ, không cho sở hữu tivi hay chơi nhạc và thi hành những hình phạt khắc nghiệt đối với những người bất chấp mệnh lệnh của chúng.

Với Malala, điều vô lý nhất của Taliban là chúng đã áp đặt sắc lệnh cấm trẻ em gái đến trường, phá hủy các ngôi trường dành cho nữ sinh và xâm phạm các trẻ em gái. Tất cả những hình ảnh hung bạo ấy đã nung nấu trong Malala một ý chí mạnh mẽ, bất chấp phải đánh đổi sinh mạng để đấu tranh.

Tháng 9/2008, cô bé Malala 10 tuổi đã can đảm đứng lên cất tiếng nói của mình với bài phát biểu với tiêu đề "Tại sao Taliban tước quyền giáo dục cơ bản của tôi?" trước giới truyền thông và công chúng.

Từ lúc ấy, cô bé liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để chỉ trích Taliban. Malala viết blog cho đài BBC kể về cuộc sống của mình và mọi người dưới chế độ Taliban, tham gia thực hiện các đoạn phim tư liệu cũng như xuất hiện trên mặt báo, để giúp cả thế giới hiểu được những gì đang xảy ra ở Pakistan, đặc biệt ở khu vực mà Taliban chiếm đóng.

Vượt qua mọi sự cấm đoán của Taliban, Malala vẫn kiên quyết đến trường, đồng thời kêu gọi những bạn nữ của mình không từ bỏ việc học.

Hoạt động tích cực đã cho Malala cơ hội đề cử Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế năm 2011. Malala là nữ sinh đầu tiên của Pakistan nhận được đề cử này. Tháng 11/2011, cô được Thủ tướng Yousaf Raza Gillani trao Giải thưởng Hòa bình quốc gia vì thế hệ trẻ.

Cùng với giải thưởng này, theo thỉnh nguyện của Malala, chính quyền Pakistan đã đồng ý và nhanh chóng thành lập Đại học Công nghệ thông tin vùng Swat cho phụ nữ. Ngoài ra, chính quyền còn xây mới một ngôi trường dành cho học sinh cấp 2 tại khu vực này.

Cái tên Malala ngày càng tạo được tiếng vang lớn và tạo được sức mạnh lan tỏa trong cộng đồng vì quyền trẻ em. Nhưng cũng chính những điều ấy đã khiến Malala trở thành mục tiêu của Taliban.

Viên đạn bắn vào đầu và tinh thần Malala lan tỏa khắp thế giới

Ngày 9/10/2012, khi Malala đang trên xe buýt từ trường về nhà, thì một tay súng Taliban đã nhảy lên xe và hỏi lớn: "Malala là ai?". Giữa tất cả những khuôn mặt lo sợ, cúi gằm, Malala nhìn thẳng. Tay súng dễ dàng nhận ra, nhắm thẳng vào Malala mà bắn hai phát súng vào đầu và cổ cô. Thiếu nữ 15 tuổi ấy ngã xuống, không một tiếng la hét.

Thế nhưng, hành động tàn bạo ấy của Taliban đã khiến cả thế giới phẫn nộ và tạo nên một làn sóng lên án Taliban dữ dội trên toàn thế giới. Hàng ngàn người từ rất nhiều quốc gia đã đứng lên, dương cao biểu ngữ đáp lời “Tôi là Malala” để phản đối Taliban và kêu gọi hành động để đảm bảo quyền được đến trường của trẻ em gái.

Malala ngã xuống, nhưng hàng triệu người đã đứng lên đáp lời Taliban “Tôi là Malala” (Ảnh: tổng hợp)
Malala ngã xuống, nhưng hàng triệu người đã đứng lên đáp lời Taliban “Tôi là Malala” (Ảnh: tổng hợp)

Hơn 2 triệu người dân Pakistan đã đồng lòng ký đơn kêu gọi chính quyền Pakistan thông qua dự luật “Quyền được đến trường” để trấn áp những sắc lệnh vô nghĩa của Taliban.

Malala trở thành biểu tượng của hòa bình trong cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) cùng nguyên thủ của nhiều nước đều lên tiếng chỉ trích Taliban và tôn vinh Malala. Malala khi ấy trở thành một hiện tượng mà ai cũng phải nhắc đến.

Một điều kỳ diệu là hai viên đạn đã không thể giết chết Malala. Nhưng chúng cũng đã khiến cô rơi vào tình trạng nguy kịch. Sau nhiều lần chuyển viện và cuối cùng phải sang tận nước Anh, mạng sống của Malala mới được giữ lại. Cô dần hồi phục và cô đã cùng gia đình mình đã được ở lại Anh để đảm bảo an toàn.

Ngày 12/7/2013, đúng sinh nhật tròn 16 tuổi, Malala lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau vụ tấn công và có bài phát biểu vô cùng xúc động tại trụ sở LHQ để kêu gọi cả thế giới mở rộng cánh cửa cho giáo dục. LHQ cũng đã đặt tên ngày này là “Ngày Malala” - Ngày của quyền được học hành của các bé gái và phụ nữ trên khắp hành tinh. Đối với Malala, đó không phải là ngày của cá nhân mình, mà đó là ngày để mọi trẻ em trên thế giới đều có quyền gửi thông điệp về tương lai giáo dục cho mình.

Sứ mệnh cuộc đời và giải Nobel

Có thể Taliban nghĩ rằng hành động sát hại của chúng sẽ ngăn chặn sứ mệnh của Malala, nhưng không, như phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn, Malala đã vươn lên với tuyên bố: “Sự yếu đuối, nỗi sợ hãi và vô vọng trong tôi đã chết để nhường chỗ cho sức mạnh, sự mạnh mẽ và lòng dũng cảm”.

Cô đã cùng cha mình thành lập Quỹ Malala với sứ mệnh gỡ bỏ những rào cản đang cản trở hàng triệu trẻ em gái đến trường, để mọi cô gái đều được học hành và có cơ hội lựa chọn tương lai của mình.

Năm 2014, Malala Yousafzai trở thành người trẻ nhất trong lịch sử nhận được giải Nobel Hòa Bình danh giá. Cô đã sử dụng số tiền thưởng của giải Nobel này để xây dựng một trường trung học cho nữ sinh ở Pakistan, và đánh dấu tuổi 18 bằng một trường cho trẻ em Syria trong một trại tị nạn ở Lebanon. Cô cũng là sứ giả hòa bình của Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ 2 năm. Một tiểu hành tinh cũng được các nhà khoa học đặt theo tên cô.

Malala được giải Nobel Hòa Bình năm 2014 - lúc cô 17 tuổi. Thông điệp cuộc đời cô là: "Tôi kể câu chuyện của mình không phải vì nó là duy nhất, mà vì nó là câu chuyện của nhiều cô gái". (Ảnh: AFP)
Malala được giải Nobel Hòa Bình năm 2014 - lúc cô 17 tuổi. Thông điệp cuộc đời cô là: "Tôi kể câu chuyện của mình không phải vì nó là duy nhất, mà vì nó là câu chuyện của nhiều cô gái". (Ảnh: AFP)

Cựu Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi từng nhận xét về Malala, đối với ông, cô như một anh hùng của Pakistan. "Cô ấy là người có tầm ảnh hưởng trong lịch sử của Pakistan. Thế giới đã vinh danh cô và Pakistan cũng sẽ như vậy. Đây là quê hương của cô ấy. Đất nước chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ cô ấy".

Cuộc chiến giữa Thiện và Ác vẫn còn tiếp diễn

Bất kể Malala đang ở đâu, Taliban vẫn không hề buông tha cho cô gái nhỏ. Tháng 2 năm nay, chúng một lần nữa lại gửi thông điệp đến cô rằng "Lần sau, sẽ không có sai sót".

Dù cho cơ thể Malala đến tận bây giờ vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi viên đạn bắn vào đầu và cô vừa trải qua cuộc phẫu thuật thứ sáu liên quan đến vết thương ấy tại Boston (Mỹ), nhưng cô vẫn không ngừng nghĩ mở rộng trái tim dành cho những người dân Afghanistan đang bị Taliban đàn áp.

Cô chia sẻ: “Chín năm sau khi bị bắn, tôi vẫn đang dần hồi phục chỉ sau một viên đạn. Nhưng, những người dân Afghanistan đã hứng chịu hàng triệu viên đạn trong bốn thập kỷ qua. Trái tim tôi tan nát khi nghĩ đến những người đã khuất, những tiếng kêu cứu không được đáp lại".

“Khi Taliban bắn tôi, các nhà báo ở Pakistan và một số hãng truyền thông quốc tế đã đăng tải về vụ tấn công và mọi người trên khắp thế giới đã phản ứng. Câu chuyện có thể đã khác, nếu vụ ám sát chỉ đăng ở một mục tin tức địa phương”.

“Nếu không có đám đông cầm bảng hiệu "Tôi là Malala", không có hàng nghìn lá thư và lời đề nghị hỗ trợ, lời cầu nguyện của mọi người và các bài báo, tôi có thể đã không được chăm sóc y tế. Cha mẹ tôi chắc chắn sẽ không thể tự trang trải chi phí. Tôi có thể đã không sống sót”.

Malala năm 2014 và hộp sọ cô đặt trên giá sách ở nhà. (Ảnh: Instagram Malala Yousafzai)
Malala năm 2014 và hộp sọ cô đặt trên giá sách ở nhà. (Ảnh: Instagram Malala Yousafzai)

Những ngày qua, trên chính giường bệnh của mình, cô đã viết thư gửi các nhà lãnh đạo toàn cầu kêu gọi hãy hành động vì người dân Afghanistan và gửi thông điệp đến người dân trên thế giới rằng: "Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp. Chúng ta phải chung tay hỗ trợ. Tôi rất lo lắng về tình hình hiện tại ở Afghanistan, đặc biệt là sự an toàn của các phụ nữ và bé gái ở đó”.

Giờ đây, mặc dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, những đe dọa và nguy hiểm tiềm tàng từ phía Taliban, nhưng Malala vẫn dũng cảm tiếp bước trên con đường đòi nhân quyền - những quyền cơ bản của con người, đặc biệt quyền được đi học cho 130 triệu trẻ em gái trên hành tinh.

Malala Yousafzai thật sự là nguồn cổ vũ lớn lao cho giới trẻ khắp nơi trên thế giới vượt qua mọi khó khăn và dấn thân vào các hoạt động ý nghĩa giúp xã hội ngày càng công bằng và tốt đẹp hơn.

Hoa Long - Hà Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Cô gái được trao giải Nobel năm 17 tuổi: Hồi sinh từ những viên đạn của Taliban