Công ty khởi nghiệp New Orleans biến thủy tinh thành cát: Tái chế 900 tấn chai lọ bỏ đi trong 2 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một công ty khởi nghiệp ở New Orleans đã gây chú ý với ý tưởng sáng tạo tuyệt vời của họ - biến những mảnh thủy tinh và chai lọ bỏ đi trở thành cát.

Cô Franziska Trautmann, 24 tuổi, là sinh viên năm cuối Đại học Tulane. Khi cô ấy thấy những tấm kính, chai lọ thủy tinh bị vứt bỏ ở bãi rác, cô cảm thấy rất thất vọng và đã nảy ra ý tưởng muốn giải quyết vấn đề lãng phí này. Vào mùa xuân năm 2020, cô và anh Max Steitz đã bắt tay vào công việc tái chế thủy tinh ngay tại sân sau nhà họ.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, họ không hề biết rằng ý tưởng đơn giản nhưng tuyệt vời này sẽ trở nên phổ biến trong cộng đồng.

(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)
(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)

Mùa xuân năm 2020, họ cùng sáng lập tổ chức Glass Half Full, cho tới nay nhóm này đã tái chế được khoảng 900 tấn thủy tinh. Doanh nghiệp nhỏ trong sân sau của họ giờ đây đã điều hành một nhà kho lớn và nhận được rất nhiều tình cảm cùng sự ủng hộ của mọi người.

Cô Trautmann nói với The Epoch Times: Cộng đồng cư dân ở New Orleans rất hứng thú với ý tưởng tái chế này và đã ủng hộ chúng tôi thông qua chiến dịch GoFundMe khi được kêu gọi. Chúng tôi đã quyên góp đủ tiền để mua chiếc máy đầu tiên và bắt đầu tái chế một lượng nhỏ thủy tinh. Và từ đó, từng chút một, quy mô của chúng tôi lớn dần lên. Chúng tôi hiện đang tái chế hơn 45 tấn thủy tinh mỗi tháng”.

Chỉ sau một vài tháng, nhóm tái chế gồm sáu người đã chuyển đến một nhà kho nhỏ và sau đó họ chuyển đến cơ sở hiện tại của mình, rộng khoảng 3700 mét vuông.

(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)
(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)

Sau khi học về kỹ thuật hóa học, doanh nhân trẻ tuổi này đã cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn tái chế. Vì ở địa phương đó không có cơ sở sản xuất thủy tinh nào nên cô và Max đã nghĩ đến việc biến thủy tinh thành cát.

Trautmann giải thích cho ý tưởng này: “Chúng tôi không muốn vận chuyển nó đi xa vì nó sẽ lại thải ra một lượng lớn khí thải carbon và tốn chi phí cao. Chúng tôi cũng biết rằng không thể biến nó trở lại thành thủy tinh mới được. Chúng tôi đã nghĩ về cát, về tất cả những công dụng của cát có thể được sử dụng tại địa phương. Đầu tiên là bao cát, ở New Orleans này bao cát được dùng để chống lũ lụt. Bất cứ khi nào có bão hoặc mưa lớn, người dân dùng bao cát để ngăn nước tràn vào nhà của họ. Đó là một lựa chọn hoàn hảo”.

Ngoài vấn đề này, cặp đôi cũng bắt đầu suy nghĩ về một vấn đề lớn khác mà bang của họ đang phải đối mặt - cuộc khủng hoảng xói mòn bờ biển - và cát cần thiết cho các dự án lớn như vậy. Do đó, bằng cách tái chế thủy tinh và biến nó thành cát, họ nghĩ rằng họ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này và khôi phục một phần đất đai cho quê hương.

Giải thích chi tiết về quá trình tái chế, Trautmann cho biết mọi người sẽ đem những tấm kính, chai lọ thủy tinh không sử dụng của họ đến đây, sau đó, chúng được vận chuyển đến nhà kho để kiểm tra một lần nữa nhằm đảm bảo không còn nắp chai hoặc vật lạ, rồi nó sẽ được đưa vào máy nghiền để nghiền thành hỗn hợp cát và sỏi.

(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)
(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)

Sau khi ra khỏi máy nghiền, hỗn hợp này sẽ được sàng lọc thành các kích cỡ khác nhau để đồng đều hơn.

Cô giải thích: “Mỗi loại cát kích thước khác nhau được sử dụng cho những công việc khác nhau. Cát cỡ nhỏ sẽ dùng cho việc phun cát và cát thô sẽ dùng để phục hồi bờ biển. Sỏi thì phù hợp cho vườn mưa. Hiện tại chúng tôi có cát với năm kích cỡ và sáu màu sắc khác nhau để lựa chọn”.

(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)
(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)

Glass Half Full đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải “Giữ cho Louisiana luôn xinh đẹp”. Công ty khởi nghiệp này cũng đã nhận được tài trợ của Quỹ Khoa học Quốc gia với Đại học Tulane để tiến hành nghiên cứu phục hồi bờ biển.

Vì Trautmann muốn đưa mô hình hữu ích này của mình đi xa hơn, do đó hiện cô đang làm việc với hội đồng thành phố để tìm cách tái chế nhiều thủy tinh hơn. Cô nói: “Chúng tôi hy vọng có thể mở rộng ra khắp tiểu bang Louisiana vì ở đây không có hoạt động tái chế thủy tinh nào. Sau đó, sẽ mở rộng ra khắp đất nước và xa hơn là có thể tới các thành phố khác trên thế giới mà hiện không có hoạt động tái chế thủy tinh”.

Trautmann cho biết, người dân ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới rất đỗi ngạc nhiên khi biết ở Mỹ hầu như không có các chương trình tái chế do chính phủ điều hành. Họ thường trả lời: “Ồ, chúng tôi đã làm việc này suốt 50 năm rồi”.

Tuy vậy, cô lại nhận được sự đồng cảm của những người dân quê hương mình, cô chia sẻ: “Mọi người ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ đều hiểu những vấn đề mà chúng tôi phải đối mặt, họ rất vui mừng và ấn tượng về những việc chúng tôi đang làm”.

(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)
(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)

Mô hình tái chế của cô cũng luôn gặp phải những thách thức to lớn. Trautmann cho biết rõ hơn: “Điều đầu tiên cần giải quyết là vấn đề tài trợ. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ chính phủ hoặc bất kỳ khoản trợ cấp lớn nào. Tất cả số tiền nhận được chủ yếu thông qua các khoản quyên góp nhỏ một đô la từ cư dân, qua chương trình GoFundMe. Chúng tôi đã duy trì hoạt động tái chế như vậy".

Cô ấy nói rằng để có một nhà kho và máy móc như hiện nay, cũng như có thể trả lương cho nhân viên là một quá trình rất khó khăn mà công ty phải vượt qua. Hiện tại vì nhu cầu tái chế thủy tinh rất lớn, vượt khỏi khả năng xử lý của họ, do đó cô luôn hy vọng trong tương lai họ sẽ có thể gây quỹ nhiều hơn để có thể mở rộng quy mô hoạt động của mình.

(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)
(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)

Trautmann nhớ lại rằng khi thành lập công ty gần hai năm trước đây, cặp đôi không hề biết gì về công việc tái chế này, vì vậy họ đã phải học hỏi rất nhiều trong suốt chặng đường hoạt động. Họ tự học trên internet và nói chuyện với các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Với hành trình đã qua của mình, Trautmann muốn gửi gắm một số lời khuyên chân thành và vô giá cho những người muốn tạo ra ảnh hưởng trong thế giới này, cô nói: “Có rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi nghe mọi người chỉ phàn nàn về mọi thứ. Tôi nghĩ hầu hết những người trẻ tuổi đều nhận ra rằng chúng ta không thực sự có thời gian để chờ đợi chính phủ hoặc những người khác giải quyết tất cả những vấn đề lớn này. Chúng ta phải tự mình làm nếu chúng ta muốn mọi thứ khác đi. Việc bắt tay vào hành động là cực kỳ quan trọng. Rất nhiều người nghĩ rằng họ phải biết mọi thứ trước khi bắt đầu hoặc có bằng cấp phù hợp, hoặc có đủ tiền hoặc đã tìm hiểu kỹ mọi thứ. Nhưng thực sự, tôi cho rằng bạn chỉ cần bắt đầu đặt bước chân đầu tiên của mình, mọi thứ khác sẽ đâu vào đấy. Triết lý Glass Half Full đã đưa chúng tôi đi suốt quãng thời gian khó khăn này”.

(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)
(Ảnh: Franziska Trautmann / Glass Half Full)

Liên Hoa

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Công ty khởi nghiệp New Orleans biến thủy tinh thành cát: Tái chế 900 tấn chai lọ bỏ đi trong 2 năm