Cụ bà bán vé số miền Tây được vinh danh ‘Những phụ nữ có sức ảnh hưởng trên thế giới’ (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nhắc đến những nhân vật có sức ảnh hưởng hay truyền cảm hứng, người ta thường nghĩ đến những gương mặt thành đạt, nổi tiếng hay học vấn cao, nhưng có một người phụ nữ khốn khó, mưu sinh bằng nghề bán vé số đã có mặt trong danh sách danh giá ấy. Đó chính là bà Sáu Thia - người đã thầm lặng dạy bơi cho gần 4.000 trẻ em trong suốt 19 năm qua, chỉ với một ước muốn nhỏ nhỏ - “không còn trẻ em nào bị chết đuối trong vùng”.

Bà Sáu Thia tên thật là Trần Thị Kim Thia (63 tuổi), sinh ra và lớn lên ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Nhà nghèo, ba mẹ mất sớm, năm 34 tuổi, bà đến xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp sinh sống cho đến nay.

Vì không có điều kiện ăn học, bà phải làm đủ nghề để kiếm sống và đi bán vé số kiếm tiền. Nhưng với trái tim đôn hậu, bà hiểu rất rõ ở vùng quê miền Tây “ra khỏi cửa là gặp sông” ấy, nếu một đứa trẻ không biết bơi sẽ có thể gặp phải nguy hiểm đến tính mạng. Bà không muốn gia đình nào phải đau lòng vì con bị đuối nước. Bởi vậy, năm 2002, khi nghe UBND xã tìm huấn luyện viên bơi lội cho “Chương trình phổ cập bơi cho các em nhỏ trong vùng”, bà tình nguyện tham gia ngay.

Hành trình 19 năm dạy bơi miễn phí

Bà Sáu kể, thời gian đầu có khá nhiều khó khăn và cũng không có hồ bơi, để dạy các em nhỏ, bà phải tự đóng cọc, quây lưới dưới mé sông làm thành hồ bơi. Rồi những ngày có lịch dạy bơi, mỗi sáng bà dậy từ sáng sớm chạy chiếc xe máy cà tàng đến chỗ dạy bơi, rồi vội chạy về đi làm thuê hoặc nhận vé số đi bán dạo.

Thấy cảnh bà vừa đi bán vé số vừa dạy bơi, nhiều người nói bà sao “lo chuyện bao đồng”, khuyên bà lo đi bán vé số kiếm tiền chứ dạy bơi tình nguyện thì kiếm đâu ra tiền. Bà chỉ cười hoặc chia sẻ: “Thấy trên truyền hình, nhiều trẻ em chết đuối quá, trong lòng tôi rất băn khoăn. Nên để tôi dạy cho trẻ em biết lội, sau này đỡ cho cái xã Hưng Thạnh này”.

Thế là bà đi từng ngõ, gõ từng nhà để kêu gọi các gia đình cho con em đến điểm học bơi. Dù mưa gió cỡ nào bà cũng ráng dạy từng em biết bơi.

Cứ thế, trung bình mỗi năm, bà dạy khoảng 8 lớp cho khoảng 240 em từ 6 - 15 tuổi. Thời gian mở lớp thường trong dịp hè, khi nước lũ sắp về. Mỗi buổi học khoảng 1 giờ rưỡi.

Bây giờ, đang kỳ nghỉ hè và do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không tập trung nhiều em một lúc được, bà Sáu dạy bơi cả sáng lẫn chiều. Mỗi sáng, bà dậy lúc 4 giờ, nấu cơm ăn xong, 7 giờ bà chạy xe đi dạy bơi cho bọn trẻ. Đến 2 giờ chiều, bà lại bắt đầu một ca mới, có lúc 6 - 7 giờ tối bà mới về đến nhà. Rảnh rỗi, em nào không có ba mẹ đón, bà còn chở về tận nhà. Thỉnh thoảng bà lại nấu cơm cho ăn, coi chúng như con cháu, không so đo tính toán thiệt hơn.

Thấm thoát cũng 19 năm trôi qua, bà đã giúp cho gần 4.000 em nhỏ ở vùng sông nước miền Tây biết bơi và giúp các gia đình bớt đi nỗi lo trẻ bị đuối nước.

Giờ đây, ở cái tuổi 63, dù sức khỏe đã yếu đi nhiều sau đợt bệnh nguy kịch vào năm 2020, bà vẫn không từ bỏ công việc thiện nguyện này, vẫn miệt mài dạy cho các em nhỏ trong vùng.

Cụ bà
Thấm thoát cũng 19 năm trôi qua, bà đã giúp cho gần 4.000 em nhỏ ở vùng sông nước miền Tây biết bơi và giúp các gia đình bớt đi nỗi lo trẻ bị đuối nước. (Ảnh: tổng hợp)

Trái tim lớn trong một cụ bà vất vả

Dù không được đào tạo bơi chuyên nghiệp, nhưng với thiện tâm và lòng nhiệt tình, bà Sáu dạy bơi rất “mát tay”. Những em nhỏ được bà dạy rất nhanh biết bơi, nhanh nhất thì 5 ngày, chậm khoảng 10 ngày là có thể "tốt nghiệp". Tiếng lành đồn xa, bà Sáu được nhiều phụ huynh tin tưởng, quý mến gửi con theo học.

Sau mỗi ngày dạy bơi và mưu sinh vất vả, bà lại trở về bên túp lều tranh đơn sơ. Bà không chồng, không con, chỉ một thân một mình không có ai để nương tựa. Ấy vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, ngoài tiền trợ cấp tiền xăng của chính quyền địa phương, bà không chịu nhận thêm đồng nào từ phụ huynh, có nhiều nhà gia đình có điều kiện “dúi” vào tay bà vài ba trăm ngàn, bà cũng không nhận. Bởi bà nghĩ: “Tôi nhận như thế thì những đứa trẻ ba mẹ nghèo sẽ không dám cho con đến học nữa”.

Bà trải lòng với ánh mắt ánh lên niềm vui: "Tuy cuộc sống không có chồng con, nhưng tôi coi trẻ như con cháu trong gia đình, tôi ráng dạy cho trẻ không bị chết đuối, đỡ cho xã hội là tôi vui rồi".

Sự dấn thân của bà đã được ghi nhận và truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta

Sau những đóng góp thầm lặng mà ý nghĩa,những cống hiến của bà đã được quốc gia và thế giới ghi nhận:

  • Năm 2017, bà Sáu Thia được hãng tin BBC của Anh bình chọn vào “Danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng trên toàn thế giới”.
  • Năm 2018, bà Sáu Thia được trao giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp.
  • Năm 2020, bà vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
  • Năm nay, tạp chí Forbes Việt Nam chọn bà Sáu là 1 trong 20 Phụ nữ truyền cảm hứng của năm 2021.

Nếu so sánh với 19 gương mặt khác trong danh sách này, bà Sáu Thia quả thực có quá nhiều khác biệt. Không quyền lực, không địa vị xã hội hay học vấn cao, song những đóng góp của bà vô cùng có ý nghĩa với cộng đồng, đặc biệt là với hàng nghìn đứa trẻ đã được “xóa mù bơi” nhờ có bà.

Nhìn dáng hình khắc khổ, nước da rám nắng của bà Sáu Thia, chúng ta cũng có thể hình dung được người phụ nữ ấy đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn và gian truân của cuộc đời. Nhưng bà đã không vì thế mà bi quan hay trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền và xã hội.

Ngược lại, bà đã sống hết mình vì người khác, không màng danh lợi và góp cho đời những việc làm ý nghĩa. Bà thật sự là một tấm gương và truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta, giúp chúng ta thêm niềm tin vào cuộc sống và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của chính mình.

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Cụ bà bán vé số miền Tây được vinh danh ‘Những phụ nữ có sức ảnh hưởng trên thế giới’ (Radio)