Cuộc sống như địa ngục của nữ VĐV Hàn Quốc tự tử vì bạo hành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau cái chết của Vận động viên (VĐV) Choi Suk-hyeon, gia đình cô đã tiết lộ một bản ghi âm bí mật miêu tả việc bác sĩ của đội và huấn luyện viên đã bạo hành Choi cả về thể xác và tinh thần.

Cái chết đau thương

Nửa đêm ngày 26/6, Choi Suk-hyeon, một VĐV ba môn phối hợp tiềm năng, đã gửi đi 2 tin nhắn. Tin nhắn đầu tiên là dành cho đồng đội của Choi, cô nhờ họ chăm sóc cho chú chó nuôi của mình. Và tin nhắn thứ hai là gửi đến mẹ Choi, tin nhắn này thật thê lương...

Trong tin nhắn, cô gái 22 tuổi đã nói với mẹ rằng cô yêu mẹ nhiều thế nào, và sau đó là những lời trăng trối đầy ám ảnh: “Mẹ, hãy để thế giới biết tội ác mà họ đã làm".

Cha mẹ và đồng đội cũ của cô gái đều hiểu “họ" ở trong tin nhắn là ai.

Sau khi Choi tự tử, gia đình cô bé đã công bố một cuốn nhật ký và các bản ghi âm bí mật, trong đó nữ vận động viên trẻ đã ghi lại chi tiết những năm tháng bị bạo hành cả về thể chất và tinh thần bởi huấn luyện viên, bác sĩ và 2 thành viên lâu năm trong đội.

Trong một bản ghi âm, bác sĩ Ahn Ju-hyeon đã liên tục đánh đập cô. “Câm miệng lại! Đi đến đây mau!”. Đây là lời nói của ông Ahn được nghe thấy trong bản ghi âm vào tháng 3/2019, tiếp theo sau đó là hàng loạt tiếng đánh đập và ngã xuống đất.

Xuất hiện trong phiên điều trần hôm 6/7, HLV Kim Kyu-bong và đội trưởng Jang Yun-jung - người giành HCB tại Đại hội thể thao châu Á 2018 - bị tuyên cấm thi đấu và hoạt động thể thao suốt đời vì liên quan đến bê bối lạm dụng nữ VĐV. Đây là án phạt nặng nhất theo quy định kỷ luật của Liên đoàn ba môn phối hợp Hàn Quốc. Một VĐV khác liên quan cũng bị cấm thi đấu 10 năm. HLV Kim và các VĐV một mực phủ nhận hành vi sai trái.

HLV Kim Kyu-bong - người giành HCB tại Đại hội thể thao châu Á 2018 - bị tuyên cấm thi đấu và hoạt động thể thao suốt đời vì liên quan đến bê bối lạm dụng nữ VĐV.
HLV Kim Kyu-bong - người giành HCB tại Đại hội thể thao châu Á 2018 - bị tuyên cấm thi đấu và hoạt động thể thao suốt đời vì liên quan đến bê bối lạm dụng nữ VĐV. (Ảnh chụp màn hình Yonhap)

Phía Liên đoàn nói họ không thể kỷ luật "bác sĩ" của đội Ahn Joo-hyeon. Cơ quan này cho biết, vị "bác sĩ" này thực chất là một nhà vật lý trị liệu không có giấy phép và không phải là thành viên chính thức trong đội. Ahn không được đội trả tiền, được đưa vào trong các đơn vị huấn luyện bằng mối quan hệ với đội trưởng Jang. Hiện chưa rõ nơi ở của Ahn. Ông cũng không trả lời điện thoại hay bất kỳ tin nhắn nào.

Hàn Quốc đã rất tự hào trong những năm gần đây về những thành tích thể thao trên trường quốc tế và những vận động viên đạt huy chương vàng Olympic. Nhưng vụ bê bối này đã vạch trần những góc khuất trong lĩnh vực thể thao: bạo lực, xâm hại tình dục và hình thức bạo hành khác đối với vận động viên. Rất nhiều VĐV còn trẻ, dễ bị tổn thương và sống xa gia đình trong suốt quá trình huấn luyện.

Những VĐV trẻ sống cùng nhau trong kí túc xá và thường phải bỏ các lớp học để tham gia luyện tập, vì vậy họ có rất ít lựa chọn nghề nghiệp sau này, ngoại trừ thể thao. Hệ thống này khiến cho các huấn luyện viên có quyền lực tuyệt đối với các VĐV. Những nạn nhân khác cũng cho biết họ sợ phải nói ra vì như vậy họ có thể thất nghiệp hoặc bị các đồng đội tẩy chay.

Liên đoàn 3 môn phối hợp Hàn Quốc công bố án phạt liên quan vụ bê bối lạm dụng
Liên đoàn 3 môn phối hợp Hàn Quốc công bố án phạt liên quan vụ bê bối lạm dụng. (Ảnh chụp màn hình Yonhap)

Chỉ có một trong những VĐV hiếm hoi Hàn Quốc dám lên tiếng là Shim Suk-hee, người 2 lần đạt huy chương vàng ở hạng mục trượt băng tốc độ cự ly ngắn. Sự kiện này đã gây sốc cho Hàn Quốc vào năm ngoái. Cô tố cáo vị HLV cũ Cho Jae-beom của mình đã cưỡng bức cô từ năm 17 tuổi. HLV này sau đó đã phải chịu 10 tháng tù giam vì đã bạo hành 4 VĐV, từ giữa năm 2011 cho đến khoảng chuẩn bị cho thế vận hội Olympic mùa đông năm 2018 ở Pyeongchang. Hiện HLV này vẫn đang phủ nhận tới cùng về việc cưỡng hiếp Shim tại toà án.

Trường hợp của Hàn Quốc chỉ là một phần trong xu hướng của thế giới. Nữ VĐV phải lên tiếng về việc bị bạo hành thể xác, cảm xúc và tình dục bởi chính HLV và bác sĩ của họ. Ở Mỹ, Larry Nasser, một bác sĩ đã bị tuyên án tù 40 đến 175 năm vì đã quấy rối các nữ VĐV dưới vỏ bọc là cho họ một cơ hội thi đấu, rất nhiều trong số đó là vận động viên Olympic.

Góc khuất của ngành “công nghiệp" thể thao tại Hàn Quốc

Rất khó để hiểu hết suy nghĩ của Choi, cô gái 22 tuổi này đã gửi đơn tố cáo và nhờ sự trợ giúp của chính phủ, nhưng đều thất bại. Vào những tháng ngày trước khi cô tự tử, cô đã báo cáo trường hợp của mình cho Uỷ ban Nhân quyền quốc gia, Hiệp hội Ba môn phối hợp Hàn Quốc, và Hội đồng Olympic và thể thao Hàn Quốc, và sở cảnh sát ở thành phố Gyeongju, nơi đội của cô đang sinh sống.

Choi Suk-hyeon, một VĐV ba môn phối hợp.
Choi Suk-hyeon, một VĐV ba môn phối hợp. (Ảnh chụp video)

Choi đã nói với các quan chức rằng ông Ahn đã tát, đấm và đạp vào người cô hơn 20 lần vào ngày cô ghi âm sự việc, hành động bạo lực đó đã khiến cô bị gãy một chiếc xương sườn. Cô không đi điều trị y tế vào thời điểm đó vì sợ bị trả thù.

“Con gái tôi bị căng thẳng gần đây vì những người mà nó khiếu nại đã hành xử như thể đánh đập và bạo hành là được phép trong thể thao", bố của Choi, ông Choi Young-hee nói. “Chính quyền đã nói với Choi rằng: ‘Những người bị con gái tôi tố cáo phủ nhận mọi việc làm sai trái, và cơ quan điều tra đã không có đủ bằng chứng để hành động dù chúng tôi đã đưa cho họ những bản thu âm’".

“Đất nước của chúng tôi đã phát triển ở những lĩnh vực, nhưng nhân quyền trong thể thao vẫn đang bị mắc kẹt từ những năm 1970 - 1980. Ai có thể trả lại mạng sống cho con gái tôi?”.

Trong nhật ký năm ngoái, Choi đã mô tả lại những trận đánh, những lần bị bắt nạt và lạm dụng một cách nghiêm trọng.

“Tôi ước mình chết đi. Tôi ước tôi có thể chạy ra trước xe ô tô trên đường hay bị một tên cướp đâm chết khi đang ngủ", Choi đã viết vào tháng 7 năm 2019.

“Tôi ước mình chết đi. tôi ước tôi có thể chạy ra trước xe ô tô trên đường hay bị một tên cướp đâm chết khi đang ngủ", Choi đã viết vào tháng 7 năm 2019. 
“Tôi ước mình chết đi. Tôi ước tôi có thể chạy ra trước xe ô tô trên đường hay bị một tên cướp đâm chết khi đang ngủ", Choi đã viết vào tháng 7 năm 2019. (Ảnh chụp video)

Choi tự hỏi liệu cô có “mất trí" và “hoang tưởng" như những kẻ đánh đập cô vẫn nói.

Choi sau đó đã chia sẻ với cảnh sát rằng cô bị bác sĩ đánh vào tháng 3/2019 trong suốt chuyến huấn luyện ở New Zealand vì đã ăn đào, mặc dù HLV yêu cầu cô phải giảm cân. Trong bản ghi âm ngày hôm đó, Choi khóc lóc quỳ xuống van xin tha thứ, liên tục nói: “Em xin lỗi, thưa ông".

“Vị bác sĩ trong đội đánh mày vì muốn tốt cho mày”, vị huấn luyện viên Kim Gyu-bong nói với Choi.

“Đừng có rên rỉ nữa. Không thì tao sẽ đánh chết mày đấy!”.

Choi là một thần đồng bơi lội từ khi còn bé, cô được chọn vào đội ba môn phối hợp quốc gia năm 2015, và sau đó giành được ba huy chương vàng. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 2017, cô gia nhập đội ba môn phối hợp ở Gyeongju.

Việc bắt nạt và đánh đập bắt đầu khi Choi vẫn còn là học sinh cấp 3 nhưng phải tham gia luyện tập với đội các anh chị lớn ở Gyeongju.

Choi nói rằng phần lớn cô phải nghe những lời chửi rủa từ Jang, ngôi sao của đội và là nhà vô địch quốc gia.

Choi là một thần đồng bơi lội từ khi còn bé, cô được chọn vào đội ba môn phối hợp quốc gia năm 2015, và sau đó giành được ba huy chương vàng.
Choi là một thần đồng bơi lội từ khi còn bé, cô được chọn vào đội ba môn phối hợp quốc gia năm 2015, và sau đó giành được ba huy chương vàng. (Ảnh chụp màn hình Yonhap)

Trong tài liệu gửi cho chính quyền, Choi nói rằng Jang “đánh vào đầu tôi, đẩy và đấm tôi, liên tục gọi tên tôi". Jang luôn sỉ nhục cô trước mặt các đồng đội khác bằng cách nói rằng Choi quan hệ tình dục bừa bãi. Có một lần, HLV đã bắt Choi phải quỳ trước mặt Jang.

Việc Jang bắt nạt mình là lý do chính khiến Choi rời đội 1 năm và điều trị y tế.

Trong khi tập luyện ở New Zealand vào 2016, HLV của cô đã tát cô bằng một chiếc giày. Cùng năm đó, HLV và bác sĩ buộc Choi và vận động viên khác phải ăn bánh mì hết 168 USD. Họ cứ ăn rồi nôn và lại ăn cho đến sáng hôm sau, Choi nói.

Choi được chọn vào đội tuyển quốc gia năm 2018, nhưng phải nghỉ một năm để nhận tư vấn y tế.

“Tôi quay trở lại New Zealand và đây là một khởi đầu mới", cô viết trong nhật ký vào tháng 1/2019 sau khi gia nhập lại đội để chuẩn bị cho mùa đào tạo hàng năm. “Tôi có thể có một sự trở lại tuyệt vời! Tôi có thể làm được! Cố lên!”.

Nhưng bạo hành tiếp tục tái diễn.

“Chúng tao cơ bản là thích mày. Tất cả đội ngũ huấn luyện đều mừng cho mày, nhưng mày đã lừa chúng tao", bác sĩ Ahn nói với Choi trong bản ghi âm. Ông nói sẽ phạt cô vì cô dám phàn nàn về việc đánh đập với người khác.

Sau khi Choi tự tử, một vài thành viên cũ của đội đã cùng làm chứng cho lời buộc tội của Choi và chia sẻ câu chuyện họ bị bạo hành thế nào
Sau khi Choi tự tử, một vài thành viên cũ của đội đã cùng làm chứng cho lời buộc tội của Choi và chia sẻ câu chuyện họ bị bạo hành thế nào. (Ảnh chụp màn hình)

Trong một bản ghi âm khác ở điện thoại của Choi, HLV Kim cũng đánh đập cô 1 lần. Một lần khác, ông gọi cô là “tâm thần” và yêu cầu cô không được ăn trong 3 ngày để tránh tăng cân.

Năm này, Choi đã rời Gyeongju để tới một đội khác, và tiếp tục gửi hồ sơ tố cáo đồng đội, HLV và bác sĩ trước đây.

HLV, Jang và cả Kim Do-hwan và một VĐV khác đã bắt nạt Choi đều không đưa ra bình luận gì, đội của Choi cũng không công bố thông tin. Chưa rõ liệu 3 người có được tư vấn pháp lý không. Cũng không rõ bác sĩ Ahn có luật sư đại diện không. Không chỉ xem đơn tố cáo bạo hành, các công tố viên cũng mở cuộc điều tra về số tiền mà đội ngũ huấn luyện viên và Jang thường xuyên lấy từ các thành viên trong đội dưới cái vỏ bọc là chi phí đi lại hàng không, điều trị tâm lý và những chi phí khác, mặc dù đội này đã được thành phố Gyeongju hỗ trợ tài chính. Gia đình của Choi đã gửi hơn 23.000 USD cho họ.

Sau khi Choi tự tử, một vài thành viên cũ của đội đã cùng làm chứng cho lời buộc tội của Choi và chia sẻ câu chuyện họ bị bạo hành thế nào, theo Lee Yong, cựu HLV của đội tuyển Olympic Hàn Quốc về bộ môn trượt băng nằm sấp. Hiện ông đang là nhà lập pháp.

Trong một buổi họp hôm thứ Hai, 2 thành viên cũ của nhóm Choi nói rằng: đội của họ giống như một vương quốc được cai trị bởi HLV Kim và ngôi sao Jang. Họ bị đánh đập 10 ngày trong 1 tháng và việc lăng mạ sỉ nhục là chuyện rất bình thường.

Hai vận động viên đó đã nói trong cuộc họp là ông Ahn còn chạm vào ngực và đùi của họ, lấy cớ là đang trị liệu vật lý. Truyền thông Hàn Quốc giấu tên hai VĐV này.

“Chúng tôi tham gia vào đội Gyeongju từ lúc còn học cấp 3. Mặc dù chúng tôi rất sợ bạo lực và sự áp bức của HLV cũng như đội trưởng, nhưng mọi người đều che giấu sự thật. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một phần của cuộc sống VĐV mà chúng tôi phải chịu đựng".

Thiên An
Theo The New York Times



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc sống như địa ngục của nữ VĐV Hàn Quốc tự tử vì bạo hành