Cưỡng chế chặt cây ăn quả để trồng ngũ cốc - Trung Quốc đang khủng hoảng lương thực trầm trọng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhiều tháng trở lại đây, chính quyền Trung Quốc bắt đầu cưỡng chế yêu cầu nông dân chuyển từ trồng cây sang trồng các loại ngũ cốc chính, bất chấp nhu cầu và hoàn cảnh của họ. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc 1,4 tỷ người Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực cận kề.

Theo voachinese.com đưa tin, lời kêu gọi hạn chế lãng phí thực phẩm của Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm dấy lên suy đoán rằng, nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực do đại dịch, lũ lụt tàn phá và căng thẳng thương chiến với Mỹ và các nước khác.

Nhiều nông dân đã phàn nàn về việc chính quyền cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc nghiệt, nhằm bắt họ chuyển đổi sang trồng các loại cây lương thực chính, càng củng cố thêm những suy đoán này.

Tháng 4/2020, chính quyền thị trấn Shilai ở Tân Thái (tỉnh Sơn Đông) đã yêu cầu tất cả người dân ở các làng mạc phải chặt hết cây cối để trồng ngũ cốc trong vòng 5 năm tới. Nhiều cây cối đang trong giai đoạn trưởng thành đều bị cưỡng chế chặt đi để nhường đất cho cây lương thực.

Tại làng Zuojiagou, tất cả các cây dương đều bị đốn chặt chỉ trong một đêm mà không hề có sự đồng ý của người nông dân. Khi người dân khiếu nại lên các cấp trên để tìm kiếm công lý, câu trả lời duy nhất mà họ nhận được là: “Đây là mệnh lệnh từ cấp trên".

Một người dân trong làng cho biết: “Chính phủ yêu cầu trồng cây lương thực vì dự trữ ngũ cốc quốc gia cạn kiệt, trong khi lại không thể nhập khẩu ngũ cốc từ Hoa Kỳ”.

Cư dân của một thị trấn khác ở thành phố Tân Thái nói rằng, khoảng gần 67.000 diện tích cây ăn quả của hơn 10 ngôi làng đã bị chính quyền địa phương cho côn đồ tới chặt phá vào tháng 7 vừa qua.

Một người dân lớn tuổi cho biết: “Họ chặt phá bí mật vào ban đêm. Ít nhất chính quyền nên thông báo cho người dân. Chúng tôi sẽ không thể bán những cây đã bị chặt mà chỉ có thể sử dụng làm củi. Ở Trung Quốc, người dân luôn là người chịu thiệt".

Một người dân làng khác khoảng 60 tuổi nói thêm: "Những tên côn đồ có hung khí sẽ tấn công bất cứ ai chống cự lại chúng. Vì vậy không ai dám phản đối. Chính sách chặt cây là bắt buộc; không có chỗ để người dân thảo luận".

Vào tháng 5, các quan chức từ thị trấn Wenshi của quận Guanyang ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã phát động chiến dịch chặt bỏ cây ăn quả và sử dụng đất để trồng ngũ cốc.
Vào tháng 5, các quan chức ở thị trấn Wenshi của quận Guanyang ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã phát động chiến dịch chặt bỏ cây ăn quả và sử dụng đất để trồng ngũ cốc.

Những người dân cao tuổi ở vùng nông thôn ở ngoại vi Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) buộc phải trồng lúa trên diện tích đất trồng cây của họ.

Một nông dân địa phương giải thích: “Chính phủ đã ban hành một thông báo, yêu cầu trồng lúa thay cây trên tất cả các cánh đồng bắt đầu từ ngày 1/5, nếu không họ sẽ thu hồi quyền quản lý đất của chúng tôi”.

Ở Trung Quốc, đất đai nông nghiệp là thuộc sở hữu tập thể và do nhà nước kiểm soát, nên nông dân chỉ được sử dụng theo hợp đồng hoặc ủy quyền quản lý. Do đó, chính quyền hiện đang dọa sẽ thu hồi các quyền này để ép người dân phải trồng các loại cây lương thực mà họ yêu cầu.

Những nông dân lớn tuổi, không thể làm những công việc nặng nhọc, nay phải thuê nhân công trồng trọt để đảm bảo chính quyền không lấy mất đất của họ. Con cái của họ cũng bị buộc phải trở về nhà để giúp đỡ cha mẹ.

Một người dân than thở: “Tôi đã ngoài 70 tuổi và sức khỏe kém. Tôi đã không làm việc ngoài ruộng hơn 10 năm nay rồi, nhưng giờ tôi bị buộc phải quay lại làm việc".

Lệnh xóa sổ cây ăn quả và thay vào đó là trồng cây lương thực ở vùng nông thôn tỉnh Sơn Đông đã gây ra nhiều cuộc thảo luận trực tuyến.
Lệnh xóa sổ cây ăn quả và thay vào đó là trồng cây lương thực ở vùng nông thôn tỉnh Sơn Đông đã gây ra nhiều cuộc thảo luận trực tuyến.

Trước kia, chính quyền Trung Quốc đã từng ra lệnh trồng cây ăn quả, và bây giờ là trồng lúa. Bất cứ ai không tuân theo có thể bị mất quyền sử dụng đất. Người dân Trung Quốc thậm chí không thể sở hữu một mảnh đất.

Tại một ngôi làng khác ở Quảng Châu, người dân nhận thông báo trong vòng 17 ngày phải phá hủy tất cả các cây ăn quả và trồng lúa thay vào đó, mặc dù đã sắp tới mùa thu hoạch trái cây. Rất nhiều hộ nông dân trồng trái vải sắp đến ngày thu hoạch đều phải chặt bỏ, gây thiệt hại hàng chục ngàn nhân dân tệ mỗi hộ mà không được chính quyền địa phương bồi thường.

Một người dân phàn nàn: “Có thông tin cho rằng nhà nước vẫn có đủ nguồn cung lương thực, nhưng vì sao lại buộc chúng tôi phải trồng cây lương thực. Có thể nhà nước đang thiếu ngũ cốc, họ không bao giờ nói sự thật".

Nông dân tại một ngôi làng thuộc quyền quản lý của thị trấn Guali ở huyện Tiêu Sơn, Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, đã nhận được lệnh của chính phủ vào tháng 7 để sử dụng những cánh đồng non của họ để trồng ngũ cốc.
Nông dân tại một ngôi làng thuộc quyền quản lý của thị trấn Guali ở huyện Tiêu Sơn, Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, đã nhận được lệnh của chính phủ vào tháng 7 yêu cầu sử dụng những cánh đồng cây non của họ để trồng ngũ cốc.

Bất chấp những tuyên truyền của ĐCSTQ nhằm xoa dịu nỗi hoang mang về tình trạng thiếu lương thực, các chuyên gia vẫn tiếp tục đưa ra những lo ngại.

Nhà kinh tế Trung Quốc Hu Xingdou tin rằng sản xuất lương thực của Trung Quốc đang phải đối mặt với tương lai không chắc chắn, và nước này có thể gặp rủi ro khi nhập khẩu ngũ cốc: “Tôi lo ngại rằng Trung Quốc vẫn cần phải dựa vào khả năng tự cung tự cấp trong tương lai, và tăng tỷ lệ tự cung tự cấp lên 90-95%. Khả năng tự cung cấp ngũ cốc của Trung Quốc hiện ở mức khoảng 80%, và nước này vẫn là nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới".

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Cưỡng chế chặt cây ăn quả để trồng ngũ cốc - Trung Quốc đang khủng hoảng lương thực trầm trọng?