Cựu nữ quân nhân Triều Tiên sau khi trốn thoát kể về thảm cảnh khi phục vụ trong quân đội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cô gái Bắc Triều Tiên đã nhập ngũ vì khao khát có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng sau khi nhập ngũ, cô mới nhận ra cuộc sống trong quân đội khốn khổ như thế nào. 

Sau khi giải ngũ, cô trốn khỏi Bắc Triều Tiên và đến Hàn Quốc. Hiện tại cô là một người nổi tiếng trên mạng xã hội ở Hàn Quốc, cô đã chia sẻ với mọi người về cuộc sống ở Bắc Triều Tiên. Cô nói rằng, cô hối hận vì đã là một người lính ở Bắc Triều Tiên, và cô ước mình đã không nộp đơn xin việc đó.

Theo Đài Á châu Tự do, cựu nữ quân nhân Triều Tiên Kim Dan Geum đã đào thoát khỏi Triều Tiên vào năm 2009, và tới Hàn Quốc hai năm sau đó. Hiện cô đang quản lý một kênh Youtube chia sẻ về cuộc sống ở Bắc Triều Tiên.

Kim Dan Geum cho biết, cô gia nhập quân đội Triều Tiên ngay sau khi tốt nghiệp trung học vì hy vọng có một cuộc sống tốt hơn. Lúc đó cô mới 17 tuổi.

Tại Bắc Triều Tiên, gia nhập quân đội là một trong những cách để trở thành đảng viên của Đảng Lao động. Việc trở thành đảng viên sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội thăng tiến và đặc quyền, chẳng hạn như tăng khẩu phần ăn, công việc tốt hơn và lương cao hơn.

Kim Dan Geum nói rằng, có một doanh trại quân đội trước nhà cô, và cô nghĩ rằng các nữ quân nhân trông rất đẹp khi họ mặc quân phục. Việc nhìn thấy các nữ quân nhân mỗi ngày đã thôi thúc cô gia nhập quân đội.

Tuy nhiên, sau khi nhập ngũ, cô sớm phát hiện ra cuộc sống trong quân đội khắc nghiệt và tàn nhẫn như thế nào. Cô sẽ không bao giờ quên được cái lạnh cóng đến thấu xương.

Cô nói: "Thời tiết ở Bình Nhưỡng rất lạnh, tôi phải làm việc trong gió lạnh đến thấu xương. Tôi phải đào một cái hố trên băng để gội đầu và mặc quần áo".

"Lúc nào tôi cũng đói. Khẩu phần ăn không đủ. Một bữa chỉ có bát cơm và canh cải, với vài củ cải muối".

Cô kể rằng, họ không có băng vệ sinh để dùng, suất của mỗi người chỉ là những miếng gạc dài một mét. Cô phải cắt nó thành các phần để sử dụng, thậm chí giặt sạch để tái sử dụng.

Nữ quân nhân Triều Tiên phải lao động khổ sai

Nam giới Triều Tiên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ 7 đến 8 năm, trong khi phụ nữ nước này có thể thực hiện nghĩa vụ tự nguyện, và sau khi nhập ngũ thì phải phục vụ 5 năm. Mặc dù phụ nữ Triều Tiên phục vụ như những người tình nguyện, nhưng trong những năm gần đây, chính phủ đã khuyến khích mạnh mẽ phụ nữ phục vụ trong quân đội, gần như đến mức bắt buộc.

Lính Bắc Triều Tiên, nam hay nữ, ít nhiều được coi là lao động tự do cho chính phủ. Ngoài việc tham gia huấn luyện quân sự, họ cũng sẽ được gửi đến vùng đất nông nghiệp và công trường xây dựng để làm những công việc nặng nhọc, cho dù là nữ quân nhân.

Một cựu nữ quân nhân Bắc Hàn khác, Son Na Jung, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, không có sự khác biệt về lương lao động giữa quân nhân nam và nữ.

Son Na Jung từng là trung sĩ khi xuất ngũ, tiết lộ rằng ở Triều Tiên, mọi thứ đều được vận chuyển bằng sức người, cô đã nhiều lần dùng cáng để khuân vác đá.

Cô nói: "Giới tính không tồn tại khi bạn ở trong quân đội. Chúng tôi đều là quân nhân, vì vậy (công việc) phải được chia đều giữa nam và nữ. Dù bạn là phụ nữ, bạn cũng phải tham gia các việc".

Một nhóm nữ quân nhân Bắc Triều Tiên đứng cạnh một hàng rào ở Bình Nhưỡng, ngày 12 tháng 4 năm 2012. (Ed Jones/AFP qua Getty Images)

Hối hận khi là nữ quân nhân Triều Tiên

Cả Kim Dan Geum và Son Na Jung đều cho biết, ngoại trừ một số trường hợp, một khi phụ nữ Triều Tiên nhập ngũ, họ không có bất kỳ ngày nghỉ, thăm gia đình hay cơ hội ra ngoài nào trong 5 năm.

Kim Dan Geum cho biết, cô rất nghiêm túc trong quá trình luyện tập và cố gắng hết sức để thể hiện. Cô được khen ngợi vì tài thiện xạ của mình và được nghỉ phép sau năm đầu tiên phục vụ.

Cô chia sẻ: "Một người lính bình thường không thể nghỉ phép, không có kỳ nghỉ. Bạn chỉ được về nhà (nghỉ phép) nếu huấn luyện tốt và được khen thưởng".

Cô cho biết, trong thời gian tại ngũ và ngay sau khi xuất ngũ, cô tự hào mình là người lính và cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Cô cũng đã học đại học nhờ thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó lần lượt giữ chức bí thư đảng ủy và quan chức chính phủ.

Nhưng sau khi đến Hàn Quốc, suy nghĩ của cô đã thay đổi. Cô nhận thấy rằng, những người lính Hàn Quốc có nhiều lợi ích, điều này khiến cô hối hận vì đã phục vụ như một người lính ở Bắc Triều Tiên. Cô ước mình đã không nộp đơn xin nhập ngũ. Bây giờ cô không thể tưởng tượng được mình đã từng sống trong một môi trường khắc nghiệt như thế.

Son Na Jung cũng bày tỏ sự tiếc nuối. Cô nói rằng họ đã phục vụ trong thời kỳ đỉnh cao của tuổi trẻ. Đó nên là thời gian để họ đến trường và hẹn hò. Nhưng là nữ quân nhân, họ không có cơ hội tận hưởng tất cả những điều này.

"Bây giờ tôi đang nghĩ: Tại sao tôi lại sống cuộc sống của mình như vậy? Tôi đang sống một cuộc sống thật ngu ngốc" - cô nói.

Lãng phí tuổi trẻ vì Kim Jong Un

Trong 10 năm qua, giáo sư Kang Dong Wan của Đại học Dong-A, Hàn Quốc, thường đến các khu vực tiếp giáp với Triều Tiên ở Trung Quốc, và chụp ảnh người Triều Tiên ở bên kia sông Áp Lục.

Kang Dong Wan nói rằng, ông đã nhìn thấy nhiều nữ quân nhân Triều Tiên ở đó, họ đều còn rất trẻ, nên được gọi là thiếu nữ chứ không phải phụ nữ.

Một lần, ông nhìn thấy một chàng trai và một cô gái mặc quân phục ném đá bên sông Áp Lục, không chỉ cùng cười mà còn nắm tay nhau.

"Đây là những nam nữ thanh niên ở độ tuổi 20. Họ có những giấc mơ và tình cảm lãng mạn, và khi sống cùng một nơi, họ đã thu hút lẫn nhau" - Giáo sư Kang nói.

Ông nói: “Thật đáng thương khi sống như một người hầu của Kim Jong Un và không thể bày tỏ cảm xúc hay theo đuổi ước mơ của mình”.

Kênh Youtube của cô Kim Dan Geum (xem ở đây)

Video cô Kim Dan Geum kể lại câu chuyện của mình sau khi đào thoát.

Trần Tuấn Thôn - Epochtimes
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cựu nữ quân nhân Triều Tiên sau khi trốn thoát kể về thảm cảnh khi phục vụ trong quân đội