Đàn ông Trung Quốc ‘ế vợ’ ngày càng đông, dẫn đến rất nhiều hủ tục như thuê vợ, mua bán hôn nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự mất cân bằng giới tính và sự thay đổi quan niệm hôn nhân của một bộ phận phụ nữ đã khiến đàn ông Trung Quốc khó lấy vợ, số lượng đàn ông ế vợ gia tăng tại các làng quê Trung Quốc. Từ đó, những hủ tục như mua bán hôn nhân, thuê vợ, thông gia kép... đã quay trở lại và phổ biến trong xã hội hiện đại.

Theo số liệu do Cục thống kê tỉnh Hà Nam, Trung Quốc công bố hồi năm 2019, tỷ lệ nam giới trên 15 tuổi sống tại vùng nông thôn của tỉnh này (chưa kết hôn) luôn cao hơn so với nữ giới. Chẳng hạn, nam giới trong độ tuổi từ 25-29 chưa lập gia đình cao hơn 9,3% so với nữ giới; còn với nhóm dân số có độ tuổi từ 65 trở lên thì là 3,4%.

Phó Giáo sư Phan Lỗ làm việc tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc nhận định, hiện tượng nam giới ở những vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc khó kết hôn đang ở mức báo động. Và có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

  • Sự mất cân bằng về tỷ lệ giới tính ở nông thôn đã kéo dài trong rất nhiều năm qua.;
  • Phụ nữ nông thôn có thể đi làm thuê ở các tỉnh khác, từ đó tạo ra xu hướng tìm bạn đời nơi thành thị;
  • Sự thay đổi về quan niệm tình yêu và hôn nhân cũng như các tập tục thách cưới cao đã khiến nhiều nam giới ở các vùng nông thôn Trung Quốc khó có thể lấy vợ.

Vay vốn kết hôn

Vài năm trở lại đây, một số ngân hàng ở các vùng nông thôn Trung Quốc bắt đầu mở dịch vụ "vay vốn kết hôn". Một người được vay tối đa 300.000 nhân dân tệ (NDT) với lãi suất tối thiểu 4,9%/năm, theo Sohu.

Số tiền này được vay với mục đích tổ chức hôn lễ hoặc lo đồ sính lễ cho nhà gái. Điều kiện bắt buộc của người vay vốn là phải làm việc trong các tổ chức, cơ quan nhà nước.

Theo số liệu, dân số độc thân ở Trung Quốc sẽ đạt 400 triệu người trong tương lai. Bức ảnh chụp một số công nhân nhập cư ở Trung Quốc đi trên đường vào ngày 26/10/2005. (FREDERIC J.BROWN / AFP qua Getty Images)
Theo số liệu, dân số độc thân ở Trung Quốc sẽ đạt 400 triệu người trong tương lai. Bức ảnh chụp một số công nhân nhập cư ở Trung Quốc đi trên đường vào ngày 26/10/2005. (FREDERIC J.BROWN / AFP qua Getty Images)

Dịch vụ cho vay này hiện tạo ra nhiều cuộc tranh luận. Nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là giải pháp trước mắt để giúp 30 triệu nam giới ở các vùng quê thoát khỏi cảnh ế vợ.

Tuy nhiên, số khác phản đối với lý do dịch vụ vay vốn này không giải quyết triệt để thực trạng trên, mà chỉ khuyến khích các hủ tục và làm nảy sinh những vấn đề khác như thách cưới, thuê vợ, hôn nhân đổi chác...

Mua bán hôn nhân

Mua bán hôn nhân nghĩa là xây dựng quan hệ vợ chồng bằng phương thức trao đổi tiền bạc, của cải. Theo Sohu, có hai hình thức mua bán chính là công khai hoặc giao dịch ngầm.

Loại công khai thường có sự tham gia của bên thứ ba là các dịch vụ, người mai mối, và nhà trai phải trả phí “hoa hồng” cho bên thứ ba. Còn đối với giao dịch ngầm, cha mẹ nhà gái thường không nêu rõ số tiền cưới dâu, nhưng luôn yêu cầu số lượng hồi môn nhất định.

Ở một số vùng nông thôn, nơi phụ nữ ngày một khan hiếm, nhiều gia đình đã hiện thực hóa mong muốn kết hôn bằng việc mua bán.

Trung Quốc là một trong những quốc gia mất cân bằng về giới tính nhất trên thế giới, với tỷ lệ trẻ sinh ra là 114 nam/100 nữ.

Thông gia kép

Mua bán hôn nhân ngày càng phổ biến. Tuy nhiên với những gia đình nghèo, việc vay mượn một số tiền lớn không phải là chuyện dễ dàng. Trong trường hợp này, không ít người sẽ nghĩ đến hôn nhân trao đổi, có 3 loại: trao đổi ngang hàng, trao đổi tam giác hoặc trao đổi đa phương.

Trao đổi ngang hàng là phổ biến và đơn giản nhất, trong đó con trai, con gái của gia đình này sẽ lấy hai anh em/chị em trong một gia đình khác. Điều kiện tiên quyết là hai gia đình có một trai, một gái và chấp nhận việc kết thông gia kép.

Có những loại trao đổi phức tạp hơn giữa 3, 4 thậm chí 5 gia đình - được gọi là trao đổi tam giác hoặc đa phương.

Thuê vợ

Theo nhà nghiên cứu Peng Taisong, tác giả cuốn sách “Làng độc thân” xuất bản năm 2017, cho thuê vợ chính là biến vợ mình thành món hàng, mang đi cầm cố, cho thuê trong khoảng thời gian nhất định.

Hai bên sẽ thỏa thuận kỳ hạn, tiền thuê và các điều khoản khác để thống nhất hợp đồng. Sau khi ký kết hợp đồng, người vợ sẽ bắt đầu có quan hệ vợ chồng “tạm thời" với người chồng mới. Một vài trường hợp thậm chí còn yêu cầu người vợ phải sinh con cho chồng mới.

Năm 2010, một cuộc khảo sát được thực hiện với hàng nghìn người di cư nông thôn tại 10 thành phố trên khắp Trung Quốc, kết luận rằng kinh tế khó khăn, mất cân bằng giới tính cùng tư tưởng phân biệt vùng miền, khiến số lượng "đàn ông ế vợ" tại các vùng quê ngày càng nhiều.

"Tình trạng mua bán hôn nhân, thuê vợ, thông gia kép vốn là những hủ tục nhưng nay đã quay trở lại, phổ biến trong xã hội hiện đại, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề", nhà nghiên cứu Peng Taisong nhận định.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Đàn ông Trung Quốc ‘ế vợ’ ngày càng đông, dẫn đến rất nhiều hủ tục như thuê vợ, mua bán hôn nhân