Đồ ăn khiến người ta như được vỗ về và hoài niệm - “comfort food” 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người yêu điện ảnh hẳn không thể quên được phân cảnh đấu trí quyết định trong phim “Chuột đầu bếp” (2007) của hãng phim Pixar, khi nhà phê bình ẩm thực u ám khắc nghiệt Anton Ego bỗng chốc “thu bé lại vừa bằng một cậu nhóc”, tất cả chỉ vì ông được nếm lại món ratatouille - món ăn giản dị làm từ rau củ gắn liền với sự chăm sóc, vỗ về của người mẹ khi ông còn thơ.

Trong tiếng Anh, có hẳn một thuật ngữ để nói về những thứ giống như ratatouille, đó là “comfort food”. “Comfort food” là món ăn, thực phẩm mang lại giá trị hoài niệm hoặc tình cảm cho ai đó, hoài niệm có thể dành riêng cho một cá nhân, hoặc nó có thể áp dụng cho một nền văn hóa cụ thể. Về mặt nào đó thì “comfort food” khá gần với “món ăn tuổi thơ”, dù không hoàn toàn là một. Vì thường gắn liền với tuổi thơ, là món trẻ con thích, nên nhiều “comfort food” có tính calo cao, mức carbohydrate cao hoặc cách chế biến đơn giản, hay nói một cách nôm na là tinh bột, đường hoặc chiên dầu mỡ.

Tuy vậy, định nghĩa của “comfort food” dường như còn bao hàm rộng hơn. Ví như một người Việt Nam sống tại Việt Nam, “món ăn vỗ về” của anh ta có thể là kẹo kéo, kẹo bông, bánh mỳ nướng muối ớt, bánh tráng trộn, ô mai… - những thức quà vặt gắn liền với tuổi thơ; nhưng cũng người Việt Nam ấy khi xa xứ, lang thang nơi đất khách quê người, thì “món ăn vỗ về” của anh ta lúc này rất có thể lại là “phở”, “hủ tiếu”, “bún bò”, “bánh canh”… - tức những món ăn hợp khẩu vị, gợi nhắc quê nhà.

Định nghĩa và lịch sử

Thuật ngữ “comfort food” đã được bắt nguồn ít nhất là từ năm 1966, khi tờ Palm Beach Post sử dụng nó trong một câu chuyện: "Người trưởng thành, khi bị căng thẳng tinh thần nghiêm trọng, tìm đến thứ có thể gọi là 'comfort food' — thực phẩm gắn liền với sự an toàn của thời thơ ấu, như món trứng luộc của mẹ hay món súp gà trứ danh." Theo một nghiên cứu của April White tại JSTOR, có thể Liza Minnelli là người đã sử dụng thuật ngữ này lần đầu tiên theo nghĩa hiện đại của nó trong một cuộc phỏng vấn, khi bà thừa nhận thèm ăn một chiếc bánh hamburger.

Khi thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện, các tờ báo đã sử dụng nó trong dấu ngoặc kép. Vào những năm 1970, “comfort food” phổ biến nhất ở Hoa Kỳ là những món ăn có liên quan đến khoai tây và súp gà, nhưng ngay cả vào thời điểm đó, định nghĩa của mỗi người vẫn khác nhau. Trong những thập kỷ tiếp theo, bản chất của “comfort food” đã thay đổi ở Hoa Kỳ, chuyển từ các món mặn sang món ngọt, sách dạy nấu ăn theo chủ đề “comfort food” bắt đầu lan rộng và các nhà hàng bắt đầu cung cấp các đồ ăn được dán nhãn như vậy, khi thuật ngữ này ban đầu được sử dụng cho các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ ở nhà một mình. Các xu hướng ăn kiêng trên toàn thế giới, nổi lên vào những năm 1990, như chế độ ăn ít chất béo hoặc ít carb đã không thể chấm dứt cảm giác thèm “comfort food”. Theo White, đại dịch COVID-19 tấn công thế giới vào năm 2020 càng củng cố nhu cầu của mọi người đối với “comfort food” - thứ gợi lên nỗi nhớ và cảm giác thân thuộc.

Nghiên cứu tâm lý

Tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, nhiều calo, nhiều chất béo, muối hoặc đường, chẳng hạn như kem hoặc khoai tây chiên, có thể kích hoạt hệ thống phần thưởng trong não người, mang lại cảm giác sảng khoái đặc biệt hoặc cảm giác thăng hoa và thư giãn tạm thời về cảm xúc. Những cảm giác này cũng có thể được gây ra bởi các thành phần kích thích thần kinh có trong các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như cà phê và sô cô la. Khi có bệnh lý tâm lý, người ta thường dùng “comfort food” để chữa bệnh. Những người có cảm xúc tiêu cực có xu hướng ăn thực phẩm không tốt cho sức khỏe để cố gắng trải nghiệm cảm giác hài lòng tức thời đi kèm với nó, ngay cả khi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Một nghiên cứu đã chia nhận dạng “comfort food” của sinh viên đại học thành bốn loại (thực phẩm hoài niệm, thực phẩm thỏa mãn, thực phẩm tiện lợi và thực phẩm thoải mái về thể chất) với sự nhấn mạnh đặc biệt vào việc lựa chọn có chủ ý các loại thực phẩm cụ thể để thay đổi tâm trạng hoặc mong muốn, và chỉ ra rằng việc sử dụng các loại thực phẩm cụ thể trong y tế rốt cuộc có thể chỉ là vấn đề thay đổi tâm trạng.

Việc xác định các mặt hàng cụ thể là “comfort food” có thể tùy thuộc vào loại nghiên cứu, nhưng nhìn chung chúng khá tương tự. Trong một nghiên cứu về sở thích của người Mỹ, "nam giới thích những món ấm áp, thịnh soạn, phù hợp với bữa chính (chẳng hạn như bít tết, thịt hầm và súp) trong khi phụ nữ lại thích những ‘comfort food’ kiểu đồ ăn vặt hơn (chẳng hạn như sô cô la và kem). Ngoài ra, những người trẻ tuổi thích “comfort food” kiểu ăn vặt hơn so với những người trên 55 tuổi." Nghiên cứu cũng tiết lộ mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiêu thụ “comfort food” và cảm giác tội lỗi.

Tiêu thụ “comfort food” được coi là một phản ứng đối với căng thẳng cảm xúc và do đó, là nguyên nhân chính gây ra nạn béo phì ở Hoa Kỳ.

Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng việc tiêu thụ “comfort food” được kích hoạt ở nam giới bởi những cảm xúc tích cực, còn ở phụ nữ là bởi những cảm xúc tiêu cực. Hiệu ứng đặc biệt rõ rệt ở nữ giới trong độ tuổi đại học, chỉ có 33% lựa chọn ăn uống lành mạnh trong thời gian căng thẳng về cảm xúc.

Những nghiên cứu đã cung cấp thêm phương án cho việc điều trị y tế, ví dụ như cung cấp “comfort food” cho những bệnh nhân lớn tuổi bị chứng biếng ăn.

Trong các nền văn hóa trên thế giới

Mỗi quốc gia, và thậm chí mỗi cá nhân sẽ có lựa chọn “comfort food” cho riêng mình. Nhưng nhìn chung có thể thấy những nét tương đồng trong ẩm thực nói chung cũng như “comfort food” nói riêng của các nước theo địa lý, quyển văn hóa và quyển tôn giáo. Chưa kể vì đặc tính nhanh, tiện lợi của “comfort food” nên chúng ta sẽ thấy phần lớn chúng là các món cháo, súp, cơm rang, cơm trộn, salad, rau củ trộn, món cuốn, bánh kẹp, thịt bằm v.v…

Ví dụ như những quốc gia chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, và những quốc gia ở khu vực địa lý Trung Đông, sẽ có những món ăn phổ thông, bao gồm “comfort food” liên quan đến bánh mỳ dẹt, thịt xiên cừu nướng, sữa lên men. Những quốc gia thuộc quyển văn hóa Trung Hoa, ở khu vực Đông Á, sẽ có những món “comfort food” như mỳ sợi, đồ ăn vặt làm từ bột gạo. Những quốc gia nói tiếng Anh thì ưa chuộng khoai tây rán.

Sau đây chúng ta sẽ điểm qua “comfort food” nổi tiếng của một số quốc gia trên thế giới:

Apple Pie ở Mỹ

Nguồn: Unsplash.

Không phải hamburger, mà chính bánh pie mới được xem là món ăn quốc gia của Mỹ. Nó được nhắc tới trong rất nhiều tác phẩm thơ ca, và xuất hiện dày đặc trong văn hóa đại chúng.

Súp hành ở Pháp

Nguồn: Unsplash.

Thưởng thức ngon nhất với một lát bánh mì giòn, súp hành kiểu Pháp là món ăn ngon nhất. Đậm đà, ấm áp và được bao phủ bởi một lượng lớn pho mát kem, món súp hành kiểu Pháp có thể khiến ngày tồi tệ nhất trở nên dễ chịu hơn một chút.

Mỳ Ramen ở Nhật Bản

Nguồn: Unsplash.

Từ những gói mì ăn liền được tìm thấy trong mọi ký túc xá đại học cho đến quán ăn đạt sao Michelin ở Tokyo, Nhật Bản, mì ramen đã phát triển thành một nỗi ám ảnh toàn cầu.

Cá tẩm bột rán và khoai tây chiên ở Vương quốc Anh

Nguồn: Unsplash.

Đây là combo món ăn vô cùng đơn giản, thường được chấm kèm sốt tatar.

Wiener schnitzel rất phổ biến ở Áo

Nguồn: Unsplash.

Wiener schnitzel, món ăn quốc gia của Áo, sử dụng thịt rút xương, thái mỏng (thường là thịt bê) sau đó được tẩm bột và chiên ngập dầu cho đến khi đạt độ giòn ngon nhất.

Spaghetti alla carbonara là một trong rất nhiều “món ăn vỗ về” ở Ý

Nguồn: Wikipedia.

Có nguồn gốc từ vùng Lazio, món mì spaghetti sang trọng này là hỗn hợp béo ngậy của thịt xông khói giòn, dầu ô liu sánh mượt, lòng đỏ trứng và pho mát Parmesan.

Pierogis là phiên bản Ba Lan của há cảo

Nguồn: Unsplash.

Pierogies là món há cảo luộc thường có nhân là hỗn hợp khoai tây và kem phô mai, và thường được thưởng thức với một lượng lớn kem chua và hành tây áp chảo.

Xúc xích bratwurst ở Đức

Nguồn: Unsplash

Một trong những đóng góp lớn của người Đức cho nhân loại, bratwurst là loại xúc xích kiểu Đức thường được dùng kết hợp với dưa bắp cải hầm và một ly bia cao, mát lạnh.

Paella trứ danh ở Tây Ban Nha

Nguồn: Unsplash

Giàu nguyên liệu, nhiều vị khói, bổ dưỡng, người dân Valencia rất coi trọng paella (một món cơm phủ hải sản) của họ - xét cho cùng, đây là món ăn được người nước ngoài biết đến nhiều nhất của Tây Ban Nha.

Súp borscht ở Ukraine

Nguồn: Pexels.

Borscht — một món súp chua có màu đỏ rực rỡ nhờ nguyên liệu chính là củ cải đường — được chế biến theo truyền thống với thịt hoặc xương hầm, rau củ trộn và nước ép củ cải đường lên men, mặc dù có vô số biến thể của món ăn.

Cơm Khichuri, hay Khichdi ở Ấn Độ

Nguồn: Pexels.

Khichuri, còn được gọi là Khichdi, là một món ăn cổ xưa của Ấn Độ được làm từ gạo và đậu lăng thường được nấu chung và phục vụ trong một chiếc nồi.

Cháo ở Trung Quốc

Nguồn: Wikipedia

Cháo là một trong những món ăn vô cùng phổ biến ở Trung Quốc. Cháo dễ nấu, dễ ăn, lại có thể kết hợp với nhiều thực phẩm khác nhau cũng như các vị thuốc.

Hữu Đức

Tư liệu tham khảo:

– Comfort food; Wikipedia.



BÀI CHỌN LỌC

Đồ ăn khiến người ta như được vỗ về và hoài niệm - “comfort food”