Đoàn xe tăng dài 65km của quân đội Nga đổ bộ vào thủ đô Kyiv, Ukraine lại bị thử thách một lần nữa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 1/3 (thứ Ba) đánh dấu ngày thứ 6 Nga xâm lược Ukraine. Một đoàn xe dài 65km gồm xe tăng Nga và các phương tiện chiến đấu khác tiến về phía thủ đô Kyiv của Ukraine. Đồng thời, Nga cũng đang tăng cường pháo kích vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine. 

Ukraine liên tục chống lại cuộc tấn công của Nga, một lần nữa bị thử thách nghiêm trọng. Nhưng Nga cũng nhận thấy mình ngày càng bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng tiền giảm giá mạnh và lo ngại trong nước xuất hiện.

Ukraine từ chối đàm phán hòa bình khi bị pháo kích

Vào thứ Hai (28/2), Ukraine và Nga đã tổ chức cuộc đàm phán hòa bình kéo dài 5 giờ đầu tiên sau khi hai bên nổ ra chiến tranh, nhưng cuộc giao tranh vẫn chưa dừng lại và rất ít hy vọng về một giải pháp thương lượng. Tuy nhiên họ cũng đồng ý một cuộc họp khác trong vài ngày tới. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng việc Nga tăng cường pháo kích là để buộc ông phải nhượng bộ.

Tổng thống Zelensky nói trong một bài phát biểu video vào cuối ngày thứ Hai: "Tôi tin rằng Nga đang cố gắng gây áp lực lên Ukraine bằng phương pháp đơn giản này ( tăng cường pháo kích)".

Ông không cung cấp chi tiết về cuộc đàm phán hôm thứ Hai, nhưng nói rằng Kyiv không sẵn sàng nhượng bộ "khi một bên bắn tên lửa vào bên kia".

Các binh sĩ Ukraine tại địa điểm xảy ra giao tranh với nhóm đột kích của Nga ở thủ đô Kyiv của Ukraine vào sáng ngày 26/2/2022. (Ảnh: SERGEI SUPINSKY/AFP via Getty Images)

Nga tiếp tục tập hợp vũ khí hạng nặng tấn công Ukraine trong những tình huống bất lợi, đoàn xe tăng dài 65km tiến vào Kyiv

Cuộc xâm lược Ukraine của quân đội Nga đã bước sang ngày thứ 6, với các hoạt động bị đình trệ do mất quyền kiểm soát ‘không phận’ một cách đáng ngạc nhiên và sự kháng cự quyết liệt của Ukraine trên bộ.

Các thành viên của một đơn vị phòng thủ dân sự Ukraine ở mặt trận phía bắc của Kyiv. (Ảnh: Getty Images)

Phía Nga, vốn định đánh chớp nhoáng, cũng tỏ ra kích động, thậm chí gây ra bóng ma chiến tranh hạt nhân 2 lần trong vài ngày qua, khiến kho vũ khí hạt nhân bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM và máy bay ném bom tầm xa, trong tình trạng báo động cao.

Khi Nga ngày càng phải chịu các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn, nền kinh tế trong nước bị siết chặt, đồng rúp giảm mạnh và vị thế quốc tế của nước này ngày càng bị cô lập. Đồng thời, các cường quốc phương Tây tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine, và Nga ngày càng ít lựa chọn hơn. Trong hoàn cảnh bất lợi đó, quân đội Nga một lần nữa tập hợp các binh đoàn hạng nặng để đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm vào hai thành phố lớn nhất của Ukraine.


Một xe bọc thép của Nga (APC) bốc cháy cạnh thi thể của các binh sĩ không rõ danh tính trong trận chiến với lực lượng vũ trang Ukraine ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, vào ngày 27/2/2022. (Ảnh: SERGEY BOBOK / AFP qua Getty Images)

Theo hãng tin AP, Kharkiv, thành phố lớn thứ hai với dân số 1,5 triệu người ở đông bắc Ukraine, gần biên giới Nga, lại bị quân đội Nga nã pháo vào hôm thứ Ba (1/3). Video được đăng tải trực tuyến cho thấy các cuộc pháo kích của Nga gây ra các vụ nổ tại các tòa nhà hành chính thời Liên Xô và các khu dân cư dân sự ở Kharkiv.

Chính quyền thành phố Kharkiv cho biết ít nhất 11 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Họ cảnh báo rằng con số thương vong có thể cao hơn nhiều. Các bệnh viện ở Kharkiv vẫn tiếp tục hoạt động, phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh được chuyển đến các hầm trú bom.


Một bác sĩ nói chuyện qua điện thoại khi cô ấy đứng trong trung tâm nhi khoa sơ tán ở Kyiv. (Ảnh: Getty)


Các bà mẹ Ukraine chăm con trong trung tâm nhi khoa sơ tán ở Kyiv. (Ảnh: Getty Images)

Theo hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies, một đoàn xe quân sự của Nga gồm xe bọc thép, xe tăng, pháo và các phương tiện hỗ trợ đã cách trung tâm Kyiv khoảng 25km vào sáng thứ Ba. Đoàn xe kéo dài khoảng 65km đe dọa thủ đô 3 triệu dân của Ukraine.

Tổng thống Zelensky cho biết Kyiv vẫn là "mục tiêu quan trọng" đối với Nga, lưu ý rằng thủ đô đã bị trúng 3 tên lửa vào thứ Hai (28/2), với hàng trăm kẻ phá hoại của Nga đi lang thang trong thành phố.

Ông nói: “Họ muốn làm suy yếu vị thế quốc gia của chúng tôi, đó là lý do tại sao thủ đô thường xuyên bị đe dọa.”

Bất chấp tin tức về đoàn xe tăng Nga, người dân Kyiv vẫn ra khỏi nơi trú ẩn của họ để mua nhu yếu phẩm sau giờ giới nghiêm cuối tuần, họ đứng xếp hàng bình tĩnh và trật tự bên ngoài siêu thị.


Người dân xếp hàng mua thực phẩm trước siêu thị ở Kyiv, thủ đô Ukraine, vào ngày 1/3/2022, với một tòa nhà bị hư hại một phần do pháo kích của Nga ở phía sau. Vệ tinh cho thấy một đoàn xe tăng Nga kéo dài 65 km về phía Kyiv. Đây là ngày thứ 6 Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: DIMITAR DILKOFF/ AFP/ Getty Images)

Các thành phố khác của Ukraine cũng đang tiếp tục cuộc chiến

Theo báo cáo, một kho dầu ở Sumy, một thành phố ở đông bắc Ukraine gần biên giới Ukraine-Nga, đã bị lực lượng Nga ném bom.


Khói đen bốc lên từ một sân bay quân sự ở Chuguyev gần Kharkiv, Ukraine, ngày 24/02/2022. (Ảnh: Aris Messinis/ AFP/ Getty Images)

Chính phủ Ukraine hôm Chủ nhật (27/2) đã công bố thông tin chi tiết và hình ảnh về cuộc tấn công của Nga nhằm vào một căn cứ quân sự ở Okhtyrka, một thành phố khác nằm sát biên giới Ukraine-Nga. Ukraine cho biết, hơn 70 binh sĩ Ukraine và một số cư dân địa phương đã thiệt mạng.

Quân đội Nga dường như không được tiếp tế đầy đủ, binh lính đến cửa hàng Ukraine để cướp thực phẩm

Tại khu nghỉ mát ven biển Berdyansk, một thành phố cảng chiến lược khác ở Ukraine, hàng chục người biểu tình đã giận dữ hô vang các khẩu hiệu chống lại sự xâm lược của Nga ở quảng trường trung tâm, yêu cầu những người lính Nga đó hãy về nhà và hát quốc ca Ukraine.

Người dân ở thị trấn nhỏ này mô tả những người lính Nga là những thanh niên kiệt sức vì nghĩa vụ quân sự.

Konstantin Maloletka, người điều hành một cửa hàng nhỏ nói với hãng thông tấn Associated Press qua điện thoại: “Họ muốn ăn". Ông mô tả những người lính Nga đi vào một siêu thị và giật thịt hộp, rượu vodka và thuốc lá.

Ông Maloletka tiếp tục: "Họ ăn ở cửa hàng, và có vẻ như họ đã không có đủ thức ăn trong vài ngày qua."

Điều này dường như cho thấy quân đội Nga đang thiếu nguồn cung cấp một cách nghiêm trọng.

Các biện pháp phản chế của Nga không thể dập tắt nỗi lo trong nước

Với việc đồng rúp của Nga lao dốc khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với các ngân hàng Nga và các tổ chức khác, ngân hàng trung ương Nga và Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh hạn chế ngoại hối với hy vọng tăng giá cho đồng rúp.

Nhưng điều đó không dập tắt được nỗi sợ hãi của Nga. Tại Moscow, người dân xếp hàng dài để rút tiền mặt khi các lệnh trừng phạt đe dọa đẩy giá cả và giảm mức sống của hàng triệu người dân Nga.


Vụ nổ tại Chuhuiv lấy đi sinh mệnh của một cậu bé khi tòa chung cư này bị phá hủy ở vùng Đông Bắc Ukraine. (Ảnh: Lực lượng đặc nhiệm Ukraine cung cấp)

Các hãng hàng không của Nga bị cấm bay vào không phận châu Âu, các phương tiện truyền thông của Nga bị hạn chế ở một số quốc gia và một số sản phẩm công nghệ cao không còn được xuất khẩu sang Nga.

Vào thứ Hai (28/2), các cơ quan thể thao quốc tế bắt đầu loại trừ các vận động viên và quan chức Nga khỏi các sự kiện quốc tế, bao gồm cả World Cup.

Hôm thứ Hai, Mỹ tuyên bố trục xuất 12 thành viên phái bộ Liên Hợp Quốc của Nga với cáo buộc họ hoạt động gián điệp.

Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế cho biết sẽ sớm mở cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra của Nga và tội ác chống lại loài người ở Ukraine.

Quân đội Nga đã nhiều lần phủ nhận việc họ nhắm mục tiêu vào các khu dân cư, nhưng các phóng viên của Associated Press trên khắp Ukraine đã ghi lại nhiều bằng chứng về việc quân đội Nga đã pháo kích vào các nhà dân, trường học và bệnh viện của Ukraine.


Khói bốc lên từ các tòa nhà ở Kyiv, thủ đô Ukraine ngày 26/2/2022. (Ảnh: Pierre Crom/ Getty Images)

Hôm thứ Hai, người đứng đầu nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 102 thường dân Ukraine đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, đồng thời cảnh báo rằng con số này có thể bị đánh giá thấp.

Một quan chức khác của Liên Hợp Quốc cho biết hơn nửa triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, trong đó nhiều người đến Ba Lan, Romania và Hungary.


Người dân chạy loạn để tránh bom đạn của quân đội Nga. (Ảnh: GETTY IMAGES)

Cao Nguyên
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Đoàn xe tăng dài 65km của quân đội Nga đổ bộ vào thủ đô Kyiv, Ukraine lại bị thử thách một lần nữa