Đời đắng cay công nhân thu gom rác bị nợ lương 6 tháng, và câu chuyện cổ tích đến từ trái tim

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây thông tin về việc 200 công nhân môi trường bị nợ lương 6 tháng, cuộc sống rơi vào bế tắc cùng cực đang được dư luận quan tâm. Có ai ngờ được giữa trung tâm bậc nhất của cả nước lại có sự việc hy hữu như vậy diễn ra, với những mảnh đời bất hạnh của người lao động nghèo - mà những giọt mồ hôi hòa lẫn với nước mắt đắng cay...

Vay tiền cho con đóng học, đi thuê trọ vì bị mẹ già chửi mắng, vay tiền để sinh hoạt, người cụt chân vẫn cố gắng mò mẫm trong rác... là những nỗi cơ cực mà những công nhân môi trường bị nợ lương phải gánh chịu.

Hoàn cảnh sống của những công nhân lao động này phần lớn đều khó khăn, có người phải thuê nhà, có người đêm đến làm việc, sáng sớm lại bắt xe bus trở về nhà. Cuộc sống của họ có thể nói là phụ thuộc rất lớn vào đồng lương hàng tháng.

Đời đắng cay của những mảnh đời vất vả

Đối với một người bình thường nếu bị nợ lương 1, 2 tháng mà nói đã là rất khó khăn, nhưng với những người dân lao động với mức lương còm cõi này, gánh nặng dường như còn khiến họ oằn vai hơn nữa.

Để trang trải cho cuộc sống trong khi bị nợ lương 6 tháng, hầu hết các công nhân này đều phải tìm một công việc bên ngoài. Người đi nhặt ve chai kiếm sống, người xin làm thêm dọn rác ở các tòa nhà, dịch bệnh Covid khiến ngay cả ve chai để nhặt cũng khó kiếm, càng làm cuộc sống họ khó khăn hơn.

Nhưng số tiền ít ỏi đó chỉ đủ đỡ đần rau cháo qua ngày, khi túng thiếu họ đành chạy vạy, vay mượn khắp nơi.

Chị Nguyễn Thị Minh Uyên - một trong những công nhân bị Công ty Minh Quân nợ lương 6 tháng cho biết, chị bắt đầu đi làm tại công ty từ năm 2017 với mức lương 174.000 đồng/1 ngày, nhưng từ giữa đến cuối năm 2020 công ty đã chậm trả lương. Những công nhân lao động như chị đã nhiều lần kiến nghị lên công ty, tuy nhiên những gì nhận lại chỉ là lời hứa.

"Ai cũng khó khăn nên mọi người cứ nhường nhau, người nào vay nợ nhiều hay nợ tiền học của con thì được ưu tiên nhận trước”. (Ảnh tổng hợp)
"Ai cũng khó khăn nên mọi người cứ nhường nhau, người nào vay nợ nhiều hay nợ tiền học của con thì được ưu tiên nhận trước”. (Ảnh tổng hợp)

Gần đây, khi sự việc này được báo chí phản ánh, dưới áp lực của dư luận, phía công ty Minh Quân mới hứa sẽ chi trả đầy đủ lương bị chậm cho người lao động. Hiện tại họ mới chỉ chi trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại "hứa" sẽ thanh toán trước ngày 10/7.

Bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Chỉ tính riêng tổ của tôi, công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội thanh toán 500 triệu đồng, còn hơn 1,3 tỷ đồng nữa. Ai cũng khó khăn nên mọi người cứ nhường nhau, người nào vay nợ nhiều hay nợ tiền học của con thì được ưu tiên nhận trước”.

Khóc cho đời cơ cực

Tiếp xúc với những người lao động nghèo này, họ đều không giấu được nỗi buồn tủi trong cảnh khốn khó, giữa trăm sự bộn bề cuộc sống đều cần đến tiền để chi trả, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, tiền đóng học cho con cái… Cứ hẹn lại lên, tất cả những khoản tiền ấy đều phải vay mượn, nhiều khi họ không dám chia sẻ nỗi cơ cực này với người nhà, chỉ âm thầm nuốt lấy nước mắt cay đắng vào trong.

Vốn có hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi mẹ già và con nhỏ đang độ tuổi đi học, chị Uyên đã phải sống những tháng ngày cơ cực khi phía công ty chậm lương.

“Tôi không dám nói chuyện công ty nợ lương vì sợ mẹ tôi nghĩ là tôi ăn chơi nên hết tiền. Đến khi mọi chuyện vỡ lở, bây giờ mẹ tôi mới thông cảm và hiểu cho con”, chị Uyên tâm sự.

Trong suốt quãng thời gian đó, chị phải nhặt vỏ chai bán để kiếm sống qua ngày, có lúc khó khăn quá thì vay mượn hàng xóm mấy chục nghìn tiền đong gạo, nhưng những khoản chi lớn hơn như tiền đóng học cho cậu con trai thì quả thực quá sức với chị. Vay nợ mãi, lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều khi chủ nợ nói những lời nặng nề cũng đành phải im lặng.

Đáng thương nhất là con trai chị, vì thường xuyên nộp chậm tiền học mà cháu bị bạn bè chế giễu, có lúc xấu hổ quá phải nghỉ học. Mỗi lần nhắc tới con trai, nước mắt chị lại trào ra vì thương con.

Hoàn cảnh khó khăn khác như bác Nguyễn Văn Đăng (ở Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng là một trường hợp đau lòng. Năm nay bác đã 60 tuổi, bị cụt một chân, nhưng hàng ngày người đàn ông này vẫn đang siết đôi chân mình trong chiếc chân giả, nén cơn đau lại, vật lộn với rác để mưu sinh.

Sau khi công ty Minh Quân chấm dứt hợp đồng lao động, bác Đăng chuyển sang làm việc ở công ty môi trường khác. Nhà ở cách chỗ làm 30 km, mỗi ngày bác phải đi xe bus trước giờ làm 2 tiếng để kịp bắt đầu buổi làm việc vào lúc 17h30.

Công việc của bác thường kết thúc vào 1, 2 giờ đêm, sau khi hoàn thành công việc bác trở về nghỉ tạm tại túp lều đằng sau khu điền kinh của thành phố, chờ trời sáng bắt xe bus về nhà.

Khi công khai thông tin về đôi chân của mình, bác cũng e ngại việc công ty sẽ cho nghỉ việc, nhưng số tiền chậm lương khiến bác quyết định nói ra. "Cái chân tôi đây này, bây giờ nhiều người biết rồi, không biết có được đi làm nữa không, trường hợp công ty không cho làm việc nữa tôi cũng đành chấp nhận", bác Đăng nói.

Chuyện cổ tích đến từ những trái tim

Sau khi thông tin của 200 công nhân vệ sinh được báo đài đưa tin, sự việc nhận được nhiều quan tâm của dư luận, đồng thời cũng có rất nhiều nhà hảo tâm ngỏ ý muốn hỗ trợ các công nhân này, mong san sẻ phần nào khó khăn để họ ổn định cuộc sống.

Có những quyên góp 40, 50 nghìn từ những túi tiền eo hẹp cho đến cả triệu đồng, chục triệu đồng, hoặc đề nghị giúp đỡ chi trả tiền học phí cho con cái người lao động (Ảnh tổng hợp)
Có những quyên góp 40, 50 nghìn từ những túi tiền eo hẹp cho đến cả triệu đồng, chục triệu đồng, hoặc đề nghị giúp đỡ chi trả tiền học phí cho con cái người lao động (Ảnh tổng hợp)

Có những quyên góp 40, 50 nghìn từ những túi tiền eo hẹp cho đến cả triệu đồng, chục triệu đồng, hoặc đề nghị giúp đỡ chi trả tiền học phí cho con cái người lao động, hoặc giúp đỡ thu xếp tìm công việc mới.

Anh Mạc Văn Giang – chủ 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vệ sinh (có trụ sở tại Hà Đông, Hà Nội) đã tìm cách liên lạc với chị Uyên, đề nghị chị vào làm trong công ty và cam kết rằng tiền học phí của con trai chị sẽ do chính công ty chi trả, nhưng chị đã khiêm tốn từ chối.

Nói về điều này chị Uyên chia sẻ: "Tôi cảm ơn rất nhiều tấm lòng của mọi người và cảm ơn anh Giang. Tôi từ chối không phải vì khen chê gì, mà vì khi tôi khó khăn đã có nơi giúp đỡ, thì không thể nào khi có đề nghị tốt hơn lại ra đi. Hiện giờ, chỗ làm mới của tôi cũng đang rất tốt".

Giống như chị Uyên, ông Đăng (người bị cụt mất một chân, năm nay đã gần 60 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đeo chân giả đi 60km, vắt kiệt sức lực để vật lộn với rác) cũng vui mừng khi tự nhiên được nhận khoản tiền gấp mấy lần tháng lương của mình.

Ông hạnh phúc cho biết thậm chí "họ đi ngoài đường cũng chạy vào nhà tôi động viên. Họ bảo tôi nên nghỉ nghề này đi, ở nhà chăn nuôi, giữ sức khoẻ".

"Mấy hôm nay có nhiều người liên hệ với chúng tôi để ủng hộ lắm. Tôi được hơn 10 người ủng hộ rồi, có người cho vài trăm, người cho vài triệu, chị Uyên cũng thế. Có hôm đi làm, 1 giờ sáng vừa về lều ngủ tạm thì có người đến cho tiền. Thế là vừa nóng bức, vừa sợ mất tiền nên thức cả đêm luôn. Có thể đối với người khác vài triệu là nhỏ nhưng đối với tôi là một khoản tiền lớn", bác Đăng vui mừng nói.

Có ai ngờ được giữa trung tâm bậc nhất của cả nước lại có sự việc hy hữu như vậy diễn ra, với những hoàn cảnh khó khăn của người dân lao động nghèo - mà nước mắt hòa lẫn với mồ hôi. Nhưng trong cơn bĩ cực này mới thấy rằng có rất nhiều tấm lòng đẹp xung quanh chúng ta. Có những người sẵn sàng bớt lại suất ăn của mình để giúp đỡ những mảnh đời cơ cực khác.

ngay cả những người được nhận sự giúp đỡ cũng rất biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, không thấy lợi mà quên đi nghĩa tình những người đã cưu mang mình. Câu chuyện cổ tích thời hiện đại được dệt lên không chỉ bởi tấm lòng của những người cho đi, mà còn của cả những người được nhận.

Từ Tịnh



BÀI CHỌN LỌC

Đời đắng cay công nhân thu gom rác bị nợ lương 6 tháng, và câu chuyện cổ tích đến từ trái tim