Động đất kinh hoàng ở Vân Nam (Trung Quốc) và những bí mật bị chôn giấu hơn ba thập kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin chi tiết về trận động đất ở Vân Nam (Trung Quốc) vào năm 1970 vẫn còn bị chính quyền che đậy với công chúng trong nhiều thập kỷ. Một người là nhân chứng sống sót sau thảm họa đã chia sẻ những ký ức kinh hoàng và cuộc điều tra cá nhân của mình về sự thật bị chôn giấu.

Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc vào ngày 4/1/1970 đã giết chết hơn 15.000 người.

Yang Yang lên 7 tuổi khi trận động đất xảy ra. Vào tháng 8/1995, ông bắt đầu một cuộc điều tra độc lập của riêng mình. Ông đi khắp khu vực xảy ra thảm họa, cố gắng thu thập ảnh, tư liệu lịch sử và phỏng vấn nhiều nạn nhân.

Trong bài báo “Kinh nghiệm của tôi về trận động đất ở Tonghai năm 1970”, đăng trên tờ Southern Weekly vào ngày 17/3/2012, ông Yang cho biết các nhà địa chấn học đã quan sát thấy những hiện tượng lạ trước trận động đất, và trong khi trận động đất diễn ra, dân làng đã cảm thấy nó như một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các nhà chức trách đã cảnh báo người dân phải giữ im lặng về mức độ tàn phá của thảm họa, vì vậy, họ không nhận được bất kỳ hỗ trợ thiên tai nào trong nước hay viện trợ quốc tế.

Sau đây là các đoạn trích từ bài báo của Wang Wang, được trình bày ở ngôi thứ nhất:

Chính quyền Trung Quốc coi số người chết do bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào là bí mật quốc gia. Vào năm 2005, lệnh cấm rò rỉ dữ liệu liên quan đến trận động đất ở Tonghai đã được dỡ bỏ, sau đó tôi đọc các số liệu thống kê về thiệt hại do trận động đất ngày 15/6/1970 trong Văn khố của tỉnh Vân Nam, tôi thấy những điều sau:

Số người chết được công bố là 15.621 nạn nhân. Trong đó:

  • Có tổng cộng 836 hộ gia đình mà tất cả các thành viên đều thiệt mạng;
  • 5.638 người bị thương nặng;
  • 166.117 nhà bị sập;
  • 261 trẻ mồ côi và người già bị bỏ lại mà không có thân nhân.

Tài liệu và số liệu thống kê đã được xếp vào loại "tuyệt mật" trong hơn ba thập kỷ.

Tôi cũng thấy rằng mặc dù phạm vi của trận động đất đó rất lớn nhưng diện tích bị tàn phá chỉ 8.881 km vuông, trong đó khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chỉ là 2.400 km vuông.

Tâm chấn của trận động đất nằm ở biên giới của các quận Tonghai, Jianshui và Ershan. Số người chết ở ba quận này là 14.917 người, chiếm 95% tổng số các nạn nhân.

Lời kể của người trong cuộc - ông Yang Yang

Lúc đó tôi 7 tuổi. Trong trận động đất, tôi cảm giác như thể cả thế giới đang rung chuyển. Có những âm thanh lớn, rồi sau đó hoàn toàn im lặng. Nhưng sự im lặng chỉ kéo dài trong chốc lát. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng người khóc, tiếng chó sủa và đủ thứ âm thanh khác. Mọi thứ đều trở nên hỗn loạn.

Tôi vẫn không biết làm cách nào mà bố tôi cứu được mẹ cùng các chị em tôi thoát khỏi căn nhà đổ sập. Tôi chỉ nhớ rằng chúng tôi không thể tìm thấy cửa chính và lối ra. Tất cả những thứ quen thuộc đã không còn nữa. Cha mẹ tôi dắt chúng tôi đi trong bóng tối, trèo từ mái nhà này sang mái nhà khác để trốn và tìm nơi ẩn náu ngoài làng. Có rất nhiều người chết trong đống đổ nát mà chúng tôi trèo qua.

Chúng tôi tập trung trên một cánh đồng và ở đó suốt đêm. Đến sáng, tôi thấy mặt, miệng, tai và mũi của tất cả mọi người đều phủ đầy bụi bẩn màu đen. Ngay cả răng của chúng tôi cũng đen ngòm.

Bố mẹ nhiều lần dặn tôi không được đi rẫy nhưng tôi vẫn lẻn ra ngoài. Tôi thấy xác chết ở khắp mọi nơi trên các con đường. Đáng sợ hơn là người ta liên tục mang thêm xác chết để chất thành đống. Có khoảng 80 hoặc 90 thi thể.

Vài ngày sau, dân làng nhận được chỉ thị từ chính quyền yêu cầu không được nói chuyện hoặc hỏi về số người chết.

Vùng tâm chấn

Trận động đất xảy ra vào lúc 1 giờ sáng ngày 5/1/1970, với tâm chấn ở làng Wujie, thị trấn Gaoda, huyện Tonghai.

Hơn 2.300 trong số 8.000 cư dân của thị trấn Gaoda đã bỏ mạng.

Pucong, một ngôi làng có 70 hộ gia đình, đã có số người chết lên tới 613 người. Trong đó, có 10 gia đình không còn một ai.

Trong số 597 người sống ở làng Wujie, cũng là tâm chấn của trận động đất, đã có 194 người chết với nạn nhân nhỏ nhất là 2 giờ tuổi.

Làng Caozi chỉ có vỏn vẹn 25 người, nhưng có đến 20 người tử vong. Những người sống sót còn lại duy nhất là hai người già, hai trẻ em và một phụ nữ.

Gần 50% trong số 150 cư dân ở làng Laomao cũng đã chết.

Tại làng Daiban, có một phụ nữ đã hạ sinh một bé trai ba hoặc bốn ngày trước trận động đất. Tuy nhiên, cả hai đều được cho là đã chết. Người ta đào đống đổ nát lên và đặt hai mẹ con lại với nhau. Sau khi chôn các thi thể khác, họ quay lại chôn cất thi thể của hai người thì bất ngờ phát hiện đứa bé vẫn còn sống… và đang bú sữa từ người mẹ đã chết.

Hiện tượng lạ: Hoa nở vào mùa đông

Trận động đất ở Tonghai xảy ra dọc theo đới đứt gãy Qujiang ở Vân Nam, là khu vực có hoạt động địa chấn liên tục, tương đối cao trong suốt lịch sử được ghi lại.

Li Siguang, người sáng lập lĩnh vực nghiên cứu địa cơ của Trung Quốc, đã nhận thức được nguy cơ động đất ở phía Tây Nam Trung Quốc. Ông Li thành lập Nhóm Khảo sát Địa chất Địa chấn Tây Nam (SSGST), và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu đới đứt gãy ở vùng Vân Nam vì hoạt động địa chấn thường xuyên của nó.

Vào tháng 12/1968, ông Li đề xuất một nghiên cứu về cấu trúc địa chất của khu vực phía tây nam để cải thiện khả năng giám sát và dự đoán động đất trong khu vực. Cuối tháng 11/1969, ông chỉ đạo các đội SSGST đi thực địa. Một nhóm như vậy đã đến Tonghai vào đầu tháng 12/1969. Một ngôi làng mà họ đến thăm chỉ cách làng Wujie (tâm chấn của trận động đất) chỉ 10 phút đi bộ.

Đội địa chất đã làm việc hơn một tháng ở Tonghai. Trong thời gian đó, họ đã chứng kiến ​​một số hiện tượng bất thường. Họ thấy những cây tre xung quanh nhà mình bỗng nở hoa. Những cây đào, cây lê ở làng cũng nở hoa giữa mùa đông. Chứng kiến ​​càng nhiều hoa nở, các nhà nghiên cứu càng lo lắng. Họ kết luận rằng cây cối nở hoa vào mùa đông là kết quả của nhiệt độ dưới lòng đất cao hơn, đưa cây cối ra khỏi trạng thái ngủ đông.

Trong đêm ngày 4/1, các thành viên của nhóm địa chất cảm thấy không khí trong phòng quá ngột ngạt, vì vậy họ đã ra ngoài và đi dạo trên đường phố. Họ nhận thấy nhiều con chuột nhốn nháo theo đàn. Đến 1h sáng, trận động đất xảy ra...

Hoàng Tuấn
Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Động đất kinh hoàng ở Vân Nam (Trung Quốc) và những bí mật bị chôn giấu hơn ba thập kỷ