Động lực đến từ đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bối cảnh là chìa khóa để duy trì động lực luôn hướng tới các mục tiêu dài hạn. Có một điều thú vị khi được làm cha mẹ - đó là con cái của chúng ta, đôi khi, sẽ giúp chúng ta nhìn thấy một khía cạnh khác của cuộc sống, một cách nhìn trong ánh sáng hoàn toàn mới lạ.

Điều này đã xảy ra với tôi cách đây không lâu, khi con gái chúng tôi bỗng nhiên khá khó chịu sau khi tôi yêu cầu cô bé dọn dẹp. Cô bé muốn được tiếp tục chơi nên giận tôi và đã nói ra những lời không hay.

Sau khi giải quyết mâu thuẫn tương đối nhẹ nhàng này, tôi cùng con gái mình ngồi lại và chia sẻ với nhau về mâu thuẫn đó. Tôi đã hỏi cô bé một trong những câu hỏi “dành cho phụ huynh”. Những câu hỏi dạng này có thể hữu ích hoặc không hữu ích với một số bậc cha mẹ, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng bạn chắc cũng tò mò muốn biết đó là câu hỏi gì.

Tôi hỏi cô bé nếu ở trường được cô giáo yêu cầu dọn dẹp, liệu có hành động tương tự như đối với tôi hay không? Cô bé nhanh nhảu trả lời, nhưng không hề có ý thiếu tôn trọng tôi: "Tất nhiên là không, điều đó sẽ rất đáng xấu hổ!".

Tôi cũng đã nhiều lần xét đến các ngữ cảnh khác nhau có thể dẫn tới các hành động khác nhau của con cái mình, tuy nhiên, chưa lần nào tôi nghe cháu nói rõ ràng và không hề có ý giả vờ như thế.

Tôi hỏi cô bé nếu ở trường được cô giáo yêu cầu dọn dẹp, liệu có hành động tương tự như đối với tôi hay không? Cô bé nhanh nhảu trả lời: "Tất nhiên là không, điều đó sẽ rất đáng xấu hổ!". (Ảnh: Polesie Toys/ Pexels)
Tôi hỏi cô bé nếu ở trường được cô giáo yêu cầu dọn dẹp, liệu có hành động tương tự như đối với tôi hay không? Cô bé nhanh nhảu trả lời: "Tất nhiên là không, điều đó sẽ rất đáng xấu hổ!". (Ảnh: Polesie Toys/ Pexels)

Những mâu thuẫn của cá nhân tôi

Khi đề cập đến động lực, từ lâu tôi đã thấy chủ đề này hơi ‘bí ẩn’ và đã âm thầm quan sát thấy hai mâu thuẫn trong cuộc sống của chính mình.

1. Tôi có những mục tiêu lớn, nhưng không có động lực để thực hiện

Tôi không hiểu được vì sao tôi luôn có những mong muốn mạnh mẽ đạt được gì đó trong tương lai, mong muốn gặt hái những thành công lớn, song lại có quá ít động lực để biến chúng thành hiện thực ngay từ hôm nay?

Trong phần lớn cuộc đời của mình kể từ khi trưởng thành, tôi đã sống với giả định rằng những mong muốn và mục tiêu xa vời của mình, cuối cùng, sẽ tự động được chuyển thành động lực ngắn hạn. Tôi nghĩ rằng động lực đến từ các mục tiêu của mình và tự động chuyển xuống một trạng thái cảm xúc nào đó để khích lệ bản thân, mà tôi gọi đó là “động lực”.

Với suy nghĩ như thế, tôi cứ thức dậy vào mỗi buổi sáng và cho rằng sáng hôm ấy mình đã là một phiên bản mới hoàn toàn. Phiên bản mới này khá ‘thông minh’ khi có thể nhận ra được vài điều mâu thuẫn ở trong bản thân nó: Mình có thể tự thỏa mãn bản thân bằng một lối suy nghĩ ‘một ngày nào đó mình sẽ đạt được thứ mình muốn, trong khi không phải đối mặt với bất kỳ công việc thực tế hoặc sự khó chịu nào ngay hôm nay; phiên bản tương lai của mình sẽ lo việc đó’.

Nếu tôi vẫn duy trì lối suy nghĩ trên, thì mọi việc thật là nhàn nhã. Vì hành động của ngày hôm nay không quan trọng và không ảnh hưởng lắm đến kế hoạch lớn trong tương lai. Tuy nhiên, sự thật thì hoàn toàn ngược lại, nếu tôi cứ nhàn nhã như thế thì tôi chẳng bao giờ đạt được mục tiêu của mình.

Vì vậy, nhận ra mâu thuẫn kia cũng không giúp được gì.

Tôi không hiểu được vì sao tôi luôn có những mong muốn mạnh mẽ đạt được gì đó trong tương lai, mong muốn gặt hái những thành công lớn, song lại có quá ít động lực để biến chúng thành hiện thực ngay từ hôm nay? (Ảnh: Andrea Piacquadio/ Pexels)
Tôi không hiểu được vì sao tôi luôn có những mong muốn mạnh mẽ đạt được gì đó trong tương lai, mong muốn gặt hái những thành công lớn, song lại có quá ít động lực để biến chúng thành hiện thực ngay từ hôm nay? (Ảnh: Andrea Piacquadio/ Pexels)

2. Mức độ mạnh mẽ của động lực tùy thuộc vào những lĩnh vực khác nhau

Tôi có thể có động lực thúc đẩy bản thân hành động trong lĩnh vực này, nhưng lĩnh vực khác thì lại chẳng có động lực.

Tôi luôn tự hỏi mình: “Làm thế nào có thể có động lực cực kỳ mạnh mẽ trong một số lĩnh vực trong cuộc sống của mình, nhưng không phải ở những lĩnh vực khác - ngay cả khi cả hai lĩnh vực đều quan trọng đối với mình?”.

Ở trường trung học và đại học, tôi đã tham gia vào đội tuyển việt dã của trường mình. Là một phần của đội, tôi đã chạy bất cứ nơi nào từ 50 đến 60 dặm mỗi tuần trong phần lớn thời gian của năm. Trong thời kỳ đó, tôi cũng là một người ham đọc sách, thường xuyên đọc từ hai đến bốn cuốn sách mỗi tháng.

Nếu đó là tất cả những gì bạn biết về tôi, bạn có thể cho rằng tôi cực kỳ kỷ luật trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, sự thật thì hoàn toàn không phải vậy. Trong khi tôi rất có động lực và kỷ luật về việc chạy bộ và đọc sách, thì tôi thường trì hoãn công việc ở trường và phải kéo dài đến tận đêm để hoàn thành công việc của mình.

Và vấn đề là, tôi vừa muốn đạt điểm cao và thành công ở trường, cũng vừa tự nhủ rằng mình có thể đạt điểm cao nhưng được quyền trì hoãn công việc hoặc được phép lười một chút. Nhận thức đó khiến tôi gần như không thể có động lực để làm bài tập ở trường cho đến khi thời hạn sắp đến - và sau đó tôi lại có động lực.

Thật không may, tôi đã mang theo một số thói quen “không mấy tốt” này đến tận khi trưởng thành và tôi đã phải không ngừng cố gắng để có được tiến bộ kể từ đó.

Ví dụ về chuyện của con gái tôi chỉ là một cách khác để nhìn nhận vấn đề tương tự. Tại sao cô bé có quyền tự chủ để dọn dẹp ở trường, mà không phải ở nhà?

Mức độ mạnh mẽ của động lực tùy thuộc vào những lĩnh vực khác nhau. (Ảnh: Andrea Piacquadio/ Pexels)
Mức độ mạnh mẽ của động lực tùy thuộc vào những lĩnh vực khác nhau. (Ảnh: Andrea Piacquadio/ Pexels)

Các vấn đề về ngữ cảnh

Kể từ khi con gái tôi đưa ra nhận xét đó, tôi tiếp tục quay lại lập luận “động lực phụ thuộc vào ngữ cảnh”.

Con gái tôi biết rằng nếu nó không dọn dẹp khi chúng tôi yêu cầu, thì hầu như luôn có hậu quả không tốt. Thông thường, điều này đồng nghĩa với việc cô bé sẽ mất đi thứ gì đó mà cô bé thích, chẳng hạn như món tráng miệng hoặc thời gian xem phim. Vì vậy, không phải là không có gì ở nhà để thúc đẩy cô bé dọn dẹp.

Nhưng dường như ở trường, có điều gì đó thậm chí còn mạnh mẽ hơn để thúc đẩy cô bé dọn dẹp - sợ xấu hổ. Cô bé không muốn mình sẽ bị gọi là một cô bé “không ngoan và không tốt” trước mặt bạn bè.

Cùng một nhiệm vụ, nhưng có kết quả vô cùng khác nhau tùy thuộc vào động cơ của từng bối cảnh.

Một cách nhìn khác ngoài giải pháp ‘cố gắng hơn’

Tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng động lực vẫn là một câu đố mà tôi đang cố gắng giải quyết, nó khá là phức tạp. Các bạn có biết rằng mặc dù tôi đang viết về chủ đề này, nhưng tôi vẫn còn đang trong giai đoạn trải nghiệm và nghiên cứu thêm về nó.

Có một điều tôi đã nhận ra được, mà tôi nghĩ là chìa khóa để hiểu nhiều hơn, đó là: động lực sẽ xuất hiện tùy theo ngữ cảnh. Nó được tạo ra bởi sự kết hợp của một số niềm tin, giá trị, mục tiêu bên trong và môi trường xung quanh tôi.

Tôi không còn nghĩ rằng mình là một người có động lực, hay không có động lực nữa. Mà thay vào đó, tôi hiểu rằng một người sẽ được thúc đẩy làm việc gì đó tùy thuộc vào ngữ cảnh khác nhau. Có thể trong ngữ cảnh này, người đó sẽ có động lực, nhưng trong ngữ cảnh khác thì kết quả có thể là con số Không. Khi bạn nghĩ đến câu đố về động lực ở trên, dưới quan điểm mới này, bạn dễ dàng nhận thấy rằng khi không có động lực làm một việc gì đó thì không phải “cố gắng hơn” luôn là giải pháp hoàn hảo, ít nhất về mặt lâu dài.

Thay vào đó, bạn cần tìm những thứ đã thúc đẩy bạn và sử dụng chúng để thúc đẩy các hành động giúp bạn hướng tới mục tiêu dài hạn.

Bài viết này ban đầu được đăng trên ThisEvergreenHome.com.

Hoa Long

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Động lực đến từ đâu?