Đường trái cây có hại không? Chuyên gia dinh dưỡng lật tẩy những ‘huyền thoại’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái cây là một món ăn ngọt ngào và thiết yếu nhưng lại đang bị “nói xấu” một cách đầy bất công.

Người ta thường nghe nói rằng nên ăn nhiều rau và trái cây tươi, nhưng không có nhiều người thực sự ăn nhiều trái cây, có thể là họ lo lắng về lượng đường có trong loại thực phẩm này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, chỉ khoảng 10% người trưởng thành ăn đủ trái cây hoặc rau quả. Vào năm 2015, chỉ có 12% người trưởng thành đáp ứng được lượng trái cây khuyến nghị và các nhóm ăn ít trái cây nhất là nam giới, thanh niên và người trưởng thành nghèo.

Đường trái cây là gì?

Đường trái cây là loại đường mà bạn tìm thấy trong trái cây, cụ thể là fructose. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn một lượng lớn đường fructose có hại cho sức khỏe của bạn; nhưng điều đó không đúng đối với việc ăn trái cây.

Tiêu thụ đường fructose đậm đặc (đường tinh luyện) có liên quan đến các vấn đề như axit uric cao, chất béo trung tính cao, tích tụ mỡ bụng và tăng cảm giác đói. Axit uric cao có thể dẫn đến huyết áp cao và bệnh gút; chất béo trung tính cao có thể dẫn đến bệnh tim; tích tụ mỡ ở bụng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

Nhưng điều quan trọng cần nhớ là đường fructose tự nhiên được tìm thấy trong trái cây có hàm lượng tương đối thấp.

Điều cần chú ý là những loại đường tinh chế, chẳng hạn như xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, nên hạn chế tiêu thụ.

Đường trong trái cây có hại không?

Đường trong trái cây vô hại vì những lý do sau:

Đúng là đường tinh luyện có hại cho sức khỏe của bạn, nhưng trái cây thì khác. Bạn phải ăn một lượng trái cây rất lớn thì mới có lượng fructose lớn như vậy. Trái cây tươi cũng rất giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chất xơ và nước, tất cả đều cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Chất xơ trong trái cây có thể làm chậm tốc độ hấp thụ đường fructose. Trái cây là một loại thực phẩm lành mạnh. Chúng ta nên ăn trái cây hàng ngày và thưởng thức hương vị của nó. Không cần phải thận trọng hay sợ hãi khi ăn quá nhiều, bởi vì nó là một phần thiết yếu của dinh dưỡng tổng thể của chúng ta.

Tại sao đường trái cây lại tốt cho bạn?

Không phải tất cả các loại đường đều được tạo ra như nhau, và đường tinh chế rất khác với đường tự nhiên có trong trái cây và rau quả.

Cả cơ thể và bộ não của chúng ta đều cần đường để hoạt động. Các tế bào của chúng ta cần loại đường thích hợp để hoạt động, và loại đường thích hợp được tìm thấy trong trái cây tươi và một số loại rau, chẳng hạn như bí và khoai lang.

Não dự trữ glycogen, và thành phần chính của glycogen là glucose. Glycogen là hình thức lưu trữ glucose chính của cơ thể. Cơ thể con người chuyển đổi fructose thành glucose (29% đến 54% fructose được gan chuyển hóa thành glucose), vì vậy chúng ta cần fructose - loại fructose tốt, giống như fructose trong trái cây.

Thưởng thức trái cây

Làm thế nào để có thể ăn nhiều trái cây hơn mỗi ngày? Hãy thử các phương pháp sau và bạn sẽ yêu trái cây.

  • Bổ sung trái cây vào bữa ăn hàng ngày. Thêm trái cây tươi vào ngũ cốc, salad và sinh tố để có hương vị hấp dẫn hơn. Một số loại trái cây, chẳng hạn như quả mọng và chuối, đặc biệt ngon khi ăn đông lạnh.
  • Nếu bạn phải hạn chế carbohydrate, hãy chọn các loại trái cây ít carb, ít đường và nhiều chất dinh dưỡng như dâu tây, mâm xôi, kiwi, dưa vàng, dưa hấu, dưa lê và bơ.
  • Khi mua nước ép trái cây, hãy đảm bảo rằng không có thêm đường trong đó và cố gắng mua các sản phẩm hữu cơ.
  • Kem trái cây tự làm phù hợp với mọi lứa tuổi.
  • Hạn chế ăn các loại trái cây có lượng đường cao, chẳng hạn như: chà là, xoài khô, dứa khô và các loại trái cây sấy khô khác.
  • Khi mua trái cây khô, hãy cẩn thận để không chứa sulfit. Trái cây sấy khô có hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất xơ cao gấp 3,5 lần so với cùng trọng lượng trái cây tươi, vì vậy bạn có thể nhận được rất nhiều chất dinh dưỡng chỉ với một lượng nhỏ. Trái cây sấy khô có hàm lượng polyphenol đặc biệt cao, giúp cải thiện lưu lượng máu, cũng như có đặc tính chống viêm và thúc đẩy tiêu hóa. Trái cây sấy khô cũng chứa nhiều đường fructose và calo, vì vậy hãy chú ý đến lượng ăn của bạn.
  • Khi bạn ăn rau và thực phẩm giàu protein, hãy bổ sung thêm một ly nước ép trái cây để có một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng.

Tóm tắt

Đừng sợ đường trái cây. Nếu bạn ăn đủ lượng trái cây được khuyến nghị mỗi ngày và loại trừ đường tinh chế khỏi chế độ ăn uống của mình, cơ thể sẽ cảm ơn bạn.

Giới thiệu về tác giả: Lisa Roth Collins là một chuyên gia dinh dưỡng toàn diện được chứng nhận và cũng là giám đốc tiếp thị cho trang web sức khỏe Natural Savvy.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đường trái cây có hại không? Chuyên gia dinh dưỡng lật tẩy những ‘huyền thoại’