Giới nhà giàu Trung Quốc tăng tốc di cư, mang hàng trăm tỷ USD ra nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Bắc Kinh dỡ bỏ các hạn chế đi lại, giới nhà giàu Trung Quốc đang đẩy mạnh di cư, họ đổ tiền vào bất động sản và tài sản ở nước ngoài, khiến khoảng 150 tỷ USD chảy ra nước ngoài mỗi năm.

Các chuyên gia tư vấn nhập cư cho biết, kể từ khi kết thúc chính sách “Zero Covid” vào tháng 12-2022, nhiều người giàu Trung Quốc đã bắt đầu ra nước ngoài để khảo sát bất động sản hoặc xác định kế hoạch nhập cư.

Người Trung Quốc chán ngấy - tư vấn di cư tăng đột biến

Trong hai năm qua, cuộc đàn áp của Tập Cận Bình đối với các ngành như công nghệ, bất động sản và giáo dục, cũng như việc ông thúc đẩy "sự thịnh vượng chung", đã khiến giới giàu có Trung Quốc khiếp sợ. Đặc biệt kể từ khi ông Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, những lo lắng của người giàu về tương lai của họ ở Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ.

Hãng tin Bloomberg ngày 25/1 đưa tin, công ty luật di cư Canada Sobirovs nhận thấy khách hàng Trung Quốc tìm cách di cư đến các nước Bắc Mỹ ngày càng trở nên cấp thiết.

Feruza Djamalova, luật sư cấp cao của Sobirovs, nói với Bloomberg rằng: "Tôi có thể nói rằng, mọi người đã thực sự chán ngấy trong 6 tháng qua. Vì vậy, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng số lượng đặt lịch tư vấn. Hiện tại, các khách hàng của chúng tôi đến từ Trung Quốc, họ sẵn sàng để di cư, và họ muốn di cư càng sớm càng tốt".

Alicia Garcia Herrero, giám đốc điều hành bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Natixis SA, nói với Bloomberg rằng, trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc phải đối mặt với khoảng 150 tỷ đô la vốn chảy ra nước ngoài hàng năm, bởi vì mọi người không thể đi du lịch nước ngoài trong ba năm qua. Tuy nhiên, năm 2023 con số này có thể còn cao hơn. Các tính toán của cô dựa trên việc xem xét sự khác biệt không giải thích được trong dữ liệu du lịch toàn cầu, ước tính đây là số tiền người Trung Quốc chi tiêu vĩnh viễn ở lại nước ngoài.

"Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một lượng lớn tiền chảy ra trong năm nay, điều này có thể gây áp lực lên đồng nhân dân tệ và tài khoản vãng lai" - García Herrero nói rằng, nếu nhiều người không thể rút tiền, quy mô của dòng vốn có thể không lớn hơn những năm trước, nhưng nó vẫn có thể ảnh hưởng đến lực lượng lao động, năng suất và tăng trưởng.

Những người có giá trị tài sản ròng cao rời khỏi Trung Quốc

Một số lượng lớn người Trung Quốc giàu có đã di cư ra nước ngoài kể từ năm ngoái. Theo New World Wealth, đối tác tình báo dữ liệu toàn cầu của công ty tư vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners, khoảng 10.800 người Trung Quốc giàu di cư vào năm 2022, nhiều nhất kể từ năm 2019, và chỉ đứng sau Nga.

Henley & Partners nhận thấy các câu hỏi từ các cá nhân Trung Quốc về vấn đề di cư đã tăng hơn gấp bốn lần trong những ngày sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại so với một tuần trước đó. Số lượng người di cư thấp trong những ngày đầu của đại dịch COVID, nhưng các yêu cầu đã tăng gấp đôi vào năm 2022.

Juwai IQI, một công ty bất động sản, giúp bán bất động sản quốc tế cho khách hàng châu Á, cho biết số lượng yêu cầu từ người mua Trung Quốc đã giảm 26% vào năm 2021 và 11% vào năm 2022, nhưng đã tăng 55% cho đến năm 2023 và duy trì ở mức này.

Các công ty quản lý tài sản cho biết, những người Trung Quốc giàu có đang lo lắng về cái gọi là khẩu hiệu "sự thịnh vượng chung" của ông Tập Cận Bình, vì vậy họ đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư bất động sản và vốn cổ phần tư nhân ở nước ngoài - những nơi như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Các ngân hàng tư nhân đã xây dựng nền tảng dịch vụ của họ để xử lý các dòng vốn, khi các cá nhân giàu có tìm cách đầu tư ra nước ngoài.

Bloomberg đưa tin, các ngân hàng như JPMorgan Chase và Julius Baer đã mở văn phòng có bàn làm việc dành cho nhân viên ở Khu vực Vịnh San Francisco và các địa điểm khác ở Zurich, nơi nhân viên nói tiếng Quan Thoại. Một phát ngôn viên của Julius Baer xác nhận rằng, ngân hàng của họ có những nhân viên nói tiếng Quan Thoại phục vụ các khách hàng giàu có ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. JPMorgan từ chối bình luận.

Phạm vi người Trung Quốc muốn di cư mở rộng

Denny Ko, một luật sư di cư Hong Kong chuyên tư vấn cho các khách hàng Trung Quốc giàu có, nói với Bloomberg rằng, những người thực sự giàu có đã có kế hoạch dự phòng trong nhiều năm, còn những người hiện đang tìm kiếm các lựa chọn (di cư) thường có quy mô tài sản của họ nhỏ hơn, bao gồm tầng lớp trung lưu thượng lưu, doanh nhân và các cấp quản lý cao cấp.

Vào ngày 26 tháng 12 năm 2022, lượt tìm kiếm và lượt đề cập từ khóa cho “di cư” trên WeChat đã tăng gần gấp 5 lần lên 110,7 triệu lượt.

Ví dụ, Bloomberg báo cáo rằng, gia đình của Dahua điều hành một công ty dược phẩm ở miền trung Trung Quốc. Cô ấy đã trở lại Trung Quốc trước khi dịch bệnh bùng phát, và không thể quay lại Hoa Kỳ để dành thời gian cần thiết ở Hoa Kỳ theo quy định, vì vậy những nỗ lực xin thẻ xanh ở Hoa Kỳ trước đây của cô ấy đã thất bại.

Dahua hiện đang tìm kiếm một chương trình ở Canada, cho phép người nộp đơn học tập tại Canada, và cuối cùng có được tư cách thường trú nhân sau khi làm việc được vài năm. Cô nói, nhiều đồng nghiệp và bạn bè của cô đã di cư, hoặc đang tích cực tìm kiếm lựa chọn đó, nhiều người đã mất niềm tin vào tương lai của đất nước.

“Bây giờ chúng tôi có thể đi du lịch nước ngoài, đã đến lúc khởi động lại chương trình di cư của tôi, và nó sẽ dễ giải quyết hơn rất nhiều so với khi chúng tôi vẫn còn bị phong tỏa” - cô nói với Bloomberg.

Theo một nhân viên ngân hàng tư nhân, những người giàu có đã nói với anh rằng, chi phí chuyển tiền ra nước ngoài đã tăng vào cuối năm ngoái, từ 1 xu trên 1 đô la trong những năm trước đại dịch COVID, lên 12 xu trên 1 đô la, do chính phủ (ĐCSTQ) hạn chế chuyển tiền.

Điều đó không ngăn được những người muốn rời khỏi Trung Quốc. Peter Luo, cố vấn trưởng tại Express Immigration, một công ty tư vấn di cư New Zealand, nói với Bloomberg rằng, đã có một lượng lớn đơn đăng ký từ các khách hàng Trung Quốc, hầu hết trong số họ đến từ cộng đồng doanh nghiệp. “Điều quan trọng cần lưu ý là họ rất khẩn cấp, và yêu cầu đơn đăng ký phải được phê duyệt càng sớm càng tốt” - ông nói.

Người dân chán ngán tình hình xã hội dưới sự cai trị của ĐCSTQ

Phiên bản trực tuyến của tạp chí Foreign Affairs đã đăng một bài báo vào ngày 11 tháng 1 nói rằng, cái giá phải trả về mặt chính trị cho những quyết định thất thường của ông Tập Cận Bình có thể mất một thời gian để trở nên rõ ràng. ĐCSTQ vẫn có thể phải trả giá cho việc quản lý sai lầm đối với COVID-19 trong những năm tới.

Mặc dù rất khó để đánh giá thiệt hại do ông Tập và vị thế của Đảng đã gây ra, nhưng mạng xã hội cho thấy sự chán ngán của người dân đối với tình hình xã hội dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Các từ trực tuyến phổ biến nhất vào năm 2022 bao gồm ‘runxue’ (nghiên cứu những cách ra đi khỏi Trung Quốc), ‘bailan’ (tự nguyện từ bỏ việc theo đuổi các mục tiêu nhất định vì họ nhận ra rằng chúng đơn giản là không thể đạt được) và ‘tangping’ - ‘nằm yên’ (làm việc và tiêu dùng tối thiểu hóa, làm ít nhất, tiêu ít nhất). Những từ này thể hiện sự thất vọng của mọi người với hiện trạng xã hội và niềm tin bất lực của họ rằng không thể làm gì để cải thiện hiện trạng.

Tờ Foreign Affairs cho rằng, di cư đến một nơi "xanh hơn" không còn là mong ước duy nhất của giới nhà giàu Trung Quốc, và sự tức giận không chỉ bùng phát ở giới trẻ. Cả hai tình cảm hiện đã thấm vào dân chúng nói chung. Trong những tuần gần đây, các cuộc biểu tình bạo lực và bất ổn ngày càng gia tăng nhắm vào cảnh sát Trung Quốc, và các đại diện khác của nhà nước độc đảng.

Tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 được tổ chức vào tháng 10 năm ngoái, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình đã khiến những người giàu có lo lắng. "Sự thịnh vượng chung" đã nhiều lần xuất hiện trong các bài phát biểu của ông Tập như một nguyên tắc và chính sách lớn, ông coi "sự thịnh vượng chung" là một phần của "hiện đại hóa kiểu Trung Quốc", và tuyên bố sẽ tiêu chuẩn hóa cơ chế tích lũy của cải, và "điều chỉnh thu nhập quá cao".

Sau khi thực hiện các cuộc phỏng vấn với những người giàu trốn khỏi Trung Quốc, cũng như các luật sư, chuyên gia di cư, và chuyên gia tư vấn làm việc với người giàu ở Trung Quốc, Financial Times cho rằng, Đại hội 20 là một bước ngoặt khiến người giàu ở Trung Quốc nhìn thấy tương lai của Trung Quốc như thế nào.

"Wall Street Journal" ngày 14 tháng 1 đưa tin, Alfred Wu, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Đối với Tập Cận Bình, đây có thể là một năm đầy sóng gió".

Theo Hạ Vũ - Epochtimes

Đại Minh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giới nhà giàu Trung Quốc tăng tốc di cư, mang hàng trăm tỷ USD ra nước ngoài