Gửi thế hệ tương lai - Phần 13: Hãy làm chủ cuộc đời mình, và đừng đánh giá thấp những gì có thể đạt được

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngài Thượng sĩ vốn đã biết sự thật, ông ấy chỉ đang chờ xem liệu tôi có nói với ông những lời bào chữa khập khiễng mà ông đã nghe trong suốt hơn 20 năm sự nghiệp Thủy quân lục chiến của mình hay không... Tôi đã học được một bài học quý giá: Hãy luôn nói sự thật và nhận trách nhiệm về hành động của mình. Bạn hãy tự trọng và người khác sẽ tôn trọng bạn...

Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6, Phần 7, Phần 8, Phần 9, Phần 10, Phần 11, Phần 12

Gửi thế hệ tương lai,

Có rất nhiều điều mà tôi đã học được trong 70 năm cuộc đời mình. Điều quan trọng đối với thế hệ trẻ là học hỏi những thành công, thất bại và câu chuyện từ những người đi trước. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một số bài học quan trọng đã giúp tôi có được một cuộc sống bình yên và thịnh vượng ngày hôm nay.

Có lẽ một trong những bài học quan trọng nhất là việc nhận ra rằng cuộc sống “trông có vẻ” không công bằng. Đó là thử thách để chúng ta trui rèn chính mình, biết chấp nhận và không đổ lỗi về hoàn cảnh của mình cho người khác. Sẽ luôn có người thông minh hơn, giàu có hơn, khỏe mạnh hơn và xinh đẹp hơn bạn. Nhưng đây không phải là điều ngăn cản bạn nỗ lực để trở thành người tốt nhất có thể.

Hãy chấp nhận sự thật rằng không ai nợ bạn bất cứ điều gì. Đặt mục tiêu cho bản thân và đừng bao giờ bỏ cuộc.

Tôi bắt đầu cuộc sống với mọi thứ dường như đều chống lại mình, cha mẹ tôi đều ở tuổi thanh thiếu niên và rất nghèo. Khi tôi 7 tuổi, chúng tôi sống trong căn hộ một phòng ngủ ở Atlanta, không có máy lạnh hay TV. Cha tôi gặp rắc rối với luật pháp và kết quả là, cha mẹ tôi thu dọn đồ đạc và rời khỏi Atlanta. Nhưng trong vòng một năm sau đó, cả hai đều bị vào tù. Tôi và chị gái phải vào trại trẻ mồ côi và sau đó được ông bà chúng tôi nuôi dưỡng.

Không còn bóng dáng người cha thực sự trong đời, tôi trôi dạt, học không tốt ở trường. Dù vậy tôi vẫn tốt nghiệp. Tôi chưa bao giờ đổ lỗi cho ai về điều này. Bởi nó mang đến cho tôi bài học tiếp theo.

Hãy làm chủ cuộc đời bạn. Trong trường hợp của tôi, ở tuổi 19, tôi đã quyết định gia nhập Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Kết quả là, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy hình bóng một người cha thực sự. Ông ấy đã đợi tôi khi tôi xuống xe tại Sở Tuyển dụng Thủy quân lục chiến đảo Parris, Nam Carolina. Các huấn luyện viên đã dạy tôi nhiều điều mà đáng lẽ tôi phải được dạy khi còn ở tuổi thiếu niên như: biết tôn trọng người lớn, tự dọn dẹp, dọn giường mỗi ngày và tự hào về bản thân.

Tôi đã học được những kỹ năng mà tôi chưa bao giờ biết là mình có. Tôi đã học cách sống hòa hợp với những người khác bất kể chủng tộc và tôn giáo của họ là gì. Tôi rất ngạc nhiên khi biết mình khỏe hơn mình tưởng và tôi rất thiện xạ. Tất cả những điều này đã truyền cho tôi sự tự tin mà trước đây tôi chưa bao giờ có.

Một trong những bài học quan trọng hơn mà tôi đã sớm được học trong Trại huấn luyện tân binh Hải quân — mà tôi vẫn áp dụng cho đến hôm nay. Bài học từ một khóa học vượt chướng ngại vật vào một ngày nắng nóng tại đảo Parris.

Cứ hai lần mỗi ngày, chúng tôi phải tham gia huấn luyện thể lực. Chúng tôi phải leo lên một sợi dây dài khoảng 6 mét chỉ bằng 2 cánh tay của mình. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ có thể leo lên được nửa đoạn dây. Sau đó, một ngày nọ, khi tôi chuẩn bị thả dây, huấn luyện viên đã nói: "Hãy quấn chân của cậu quanh sợi dây và đứng trên nó, sau đó hãy dùng chân để đẩy cậu lên đến đỉnh".

Trước sự ngạc nhiên của chính mình, tôi leo lên đầu sợi dây một cách dễ dàng. Điều tôi học được là: bạn có thể hoàn thành tốt hơn những gì bạn nghĩ — vấn đề chỉ là: hãy tìm ra cách thực hiện nó. Đây là bài học mà tôi đã truyền cho rất nhiều bạn trẻ. Đừng bao giờ đánh giá thấp những gì bạn có thể làm được.

Một bài học khác giúp tôi có được cuộc sống thành công cũng sớm xuất hiện trong sự nghiệp Thủy quân lục chiến của mình. Tôi là một Chuẩn Hạ sĩ (E3) vào thời điểm đó. Các Chuẩn Hạ sĩ thường được biết đến như những anh chàng hay làm những điều ngu ngốc. Trong một lần, tôi bị bắt quả tang khi đang làm một việc mà tôi không nên làm. Tôi đã được gửi đến cấp Thượng sĩ và khi tôi đứng trước mặt ông ấy để chờ đợi sự trừng phạt, ông ấy hỏi: "Cậu đã làm gì?".

Tôi đã nói sự thật và thừa nhận những gì tôi đã làm. Ngài Thượng sĩ vốn đã biết sự thật - ông ấy chỉ đang chờ xem liệu tôi có nói với ông những lời bào chữa khập khiễng mà ông đã nghe trong suốt hơn 20 năm sự nghiệp Thủy quân lục chiến của mình hay không.

Ông ấy đánh giá cao tôi vì đã nói sự thật và tôi đã học được một bài học quý giá: Hãy luôn nói sự thật và nhận trách nhiệm về hành động của mình. Bạn hãy tự trọng và người khác sẽ tôn trọng bạn.

Tôi đã học được nhiều kỹ năng trong Thủy quân lục chiến và tiếp tục lấy bằng kỹ sư điện sau khi rời quân ngũ. Mặc dù tôi có nhiều kỹ năng và kiến ​​thức kỹ thuật, nhưng sau khi trải qua nhiều va vấp, tôi mới nhận ra rằng: mình đã thiếu khôn ngoan. Điều này đưa tôi đến bài học thành công tiếp theo: Bạn nên cố gắng đạt được sự khôn ngoan ngay từ khi còn nhỏ. Tôi thì không - và kết quả là tôi đã đưa ra nhiều quyết định sai lầm.

Có lẽ bạn sẽ hỏi khôn ngoan là gì và tại sao điều đó lại quan trọng?

Khôn ngoan không phải là mưu mẹo, mà là việc áp dụng kiến ​​thức đúng cách, điều mà không thường được dạy trong các trường đại học ngày nay. Nhiều giảng viên đại học có rất nhiều kiến thức nhưng không nhất định là biết cách ứng dụng - các trường đại học ở Mỹ đầy ắp người như thế. Nhiều người trẻ ở các trường công lập và đại học đang được truyền thụ những kiến ​​thức không hữu ích.

Nếu bạn hành động một cách máy móc dựa trên những kiến ​​thức ấy, nó có thể dẫn bạn đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Bạn chỉ cần nhìn vào những gì đang diễn ra trong các cuộc bạo loạn và biểu tình ở nhiều thành phố để nhận ra nhiều người trong số này có học vấn nhưng chẳng hề khôn ngoan.

Người ta có được sự khôn ngoan ở đâu?

Tôi hy vọng bạn bắt đầu có được từ cha mẹ mình và những người lớn xung quanh. Tôi đã không may mắn như vậy. Tôi bắt đầu học về sự khôn ngoan trong Thủy quân lục chiến - bởi họ khiến bạn phải đau đớn khi đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan.

Tuy nhiên, nguồn tốt nhất của sự khôn ngoan là trong Kinh thánh. Không có cuốn sách nào đầy đủ hơn giúp bạn có được sự khôn ngoan hơn là Kinh thánh. Bạn có thể bắt đầu với 10 Điều răn, và những lời dạy của Đức Chúa Trời. Nếu không có sự thông thái theo lời dạy Đức Chúa Trời thì không có nền văn minh nào có thể tồn tại. Nước Mỹ được thành lập dựa trên niềm tin và Luật của Đức Chúa. Không có tương lai cho nước Mỹ nếu thiếu đi điều ấy.

Tự do - nền tảng của lối sống Mỹ - cũng là điều trong Luật của Đức Chúa. Dennis Prager đã từng nói: "Nếu không có trí tuệ, bạn sẽ không làm được gì có ý nghĩa trong cuộc sống, hoặc tệ nhất là bạn làm điều gì đó xấu xa". Hãy đạt được sự khôn ngoan và biến nó thành một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

Tóm lại:

  • Hãy chấp nhận những gì được ban tặng cho cuộc sống của mình, và đừng ghen tị với những gì người khác có. Chúa ban phước lành cho tất cả chúng ta theo những cách khác nhau và cơ hội phía trước là vô tận, bất kể chủng tộc hay tôn giáo của chúng ta.
  • Hãy làm chủ cuộc đời bạn và bắt đầu làm điều gì đó ý nghĩa. Bạn có khả năng đạt được nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Đặt mục tiêu cho bản thân và phấn đấu để đạt được chúng.
  • Luôn nói sự thật và nhận trách nhiệm về hành động của mình.
  • Cuối cùng, đạt được sự khôn ngoan. Hãy chắt lọc kiến ​​thức của bạn qua lăng kính của sự khôn ngoan trong tất cả những gì bạn làm.

Đây chỉ là một vài trong số những bài học đã giúp tôi rất nhiều trong những năm qua, khi tôi vươn lên từ nghèo khó và tuổi thơ đầy bất hạnh để cuối cùng đạt được giấc mơ Mỹ. Nếu bạn làm được những điều này, bạn cũng có thể thành công và tìm thấy được sự bình yên và thịnh vượng trong cuộc sống của bạn mà ít người có thể nhận ra.

Trân trọng,

Jim Bailey

______

Gửi thế hệ tương lai: Hãy giữ bên mình một cuốn nhật ký

Giao tiếp hiệu quả là chìa khóa thành công - vị giáo sư báo chí tại đại học đã nói với lớp chúng tôi như thế. Đó là một tuyên bố đầy thách thức đối với tôi khi đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành quan hệ công chúng.

Kể từ lúc ấy, tôi đã cố gắng để ý hơn những từ ngữ mà tôi bày tỏ với người khác. Qua nhiều năm, tôi nhận thấy rằng viết nhật ký là một cách thực hành tốt để giúp tôi diễn đạt đúng ngôn ngữ.

Bà của tôi đã chỉ tôi viết nhật ký khi tôi còn nhỏ. Cả bà Nội và bà Ngoại đều giữ những cuốn nhật ký mà giờ đây tôi rất trân quý. Nó lưu lại một phần cuộc đời tôi và truyền cho tôi nguồn cảm hứng.

Bà đã viết những lời vui vẻ trong nhật ký của mình vào ngày tôi được sinh ra và trong ngày cưới của tôi. Khi đọc những dòng nhật ký này, tôi hiểu rằng: những thời khắc quan trọng trong cuộc đời bà đã được bà viết ra trong nhật ký của mình.

Một người bà khác của tôi vẫn viết nhật ký khi bà đã ngoài 80 tuổi. Các bài viết của bà thường là về các sự kiện hiện tại. Có một bài trong nhật ký của bà chỉ có 1 dòng: "Nếu bạn không có điều gì tốt để nói, hãy đừng nói gì cả". Đó thật sự là một lời nhắc nhở quý giá về việc: Những lời nói không hay có thể làm tổn thương người khác.

Nhật ký là nơi để đưa những suy nghĩ ra khỏi đầu bạn và chuyển lên giấy, nơi bạn có thể phân tích chúng. Trước khi bày tỏ suy nghĩ của mình trên mạng xã hội, hãy viết chúng vào nhật ký trước. Một luồng ý thức chưa rõ ràng được viết trong nhật ký có thể giúp bạn hiểu rõ hơn trước khi chia sẻ suy nghĩ của mình thông qua tin nhắn, tweet hoặc với bạn bè trên Facebook.

Vua Solomon - người cai trị Israel cổ đại - thường được coi là người khôn ngoan nhất nhân loại. Ông đã viết cuốn Châm ngôn trong Kinh thánh. Châm ngôn số 10:19 nói: Càng nói nhiều, càng ít thành thật - Sự khôn ngoan được đo lường qua lời nói.

Bạn có thể chọn cách nói súc tích như một cách để thể hiện ý kiến bản thân. Một ví dụ cho ngôn ngữ súc tích là dạng bài thơ haiku - một hình thức nghệ thuật của châu Á - diễn tả một ý nào đó chỉ cô động trong vài dòng.

Đây là một ví dụ:

Viết lách là tự do

Viết nhật ký giúp bạn thấy rõ

Những suy nghĩ lớn - nhỏ.

Mỗi năm một lần, hãy xem lại những dòng nhật ký của bạn. Một ngày nào đó, suy nghĩ của bạn sẽ trở nên lỗi lạc và đáng để lưu lại cho cháu con. Nhật ký cũng giúp ghi lại những trăn trở mà bạn cảm thấy lúc bấy giờ.

Thật sự, viết nhật ký đã dạy cho tôi cách diễn đạt suy nghĩ của mình bằng lời nói và giúp tôi suy nghĩ thấu đáo hơn những gì sẽ nói với người khác. Thông điệp của tôi gửi đến thế hệ tương lai là: Viết nhật ký mang lại cho các bạn một nơi an toàn để xử lý từ ngữ, giúp bạn có thể trở thành những người giao tiếp thành công.

Leslie Stewart, Georgia

“Gửi thế hệ tương lai” bao gồm những lời chia sẻ của thế hệ đi trước dành cho thế hệ trẻ - đúc kết những giá trị vượt thời gian, xác định điều gì là khôn ngoan, giúp bạn phân định giữa đúng và sai, khích lệ tinh thần và truyền cảm hướng cho người trẻ tiến bước.Thông qua kinh nghiệm dày dặn, những bài viết của những người lớn tuổi là “sự truyền lại trí tuệ” - vốn đang bị giảm dần theo thời gian. Bởi vì chỉ với một nền tảng đạo đức vững chắc thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển tốt.

Hà Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Gửi thế hệ tương lai - Phần 13: Hãy làm chủ cuộc đời mình, và đừng đánh giá thấp những gì có thể đạt được