Gửi thế hệ tương lai - Phần 32: Học cách sống ‘cho đi’

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Cho đi”- thông qua việc giúp người khác, chính là giúp chúng ta có một sự hài lòng, giúp chúng ta mở rộng trái tim với tình yêu thương dành cho những người xung quanh. Và đó là một kho báu lâu dài, lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích vật chất nào.

Xem thêm: Chuyên đề 'Gửi thế hệ tương lai'

Có đôi khi, một thế hệ nào đó có được rất nhiều kiến thức và trí tuệ rất hữu ích, nhưng họ không truyền lại cho con cái họ. Vì thế, có rất nhiều kỹ năng dần bị mất đi và chìm vào quên lãng. Cách sống giản dị, cách sống vừa phải - biết thế nào là đủ, cách nhóm lửa hoặc nấu trên bếp củi, cách chế biến thức ăn và bữa ăn được truyền qua nhiều thế hệ, đã được thay thế bằng sự tiện lợi và những gì mà “các chuyên gia” định nghĩa là “tốt nhất". Cuối cùng, kỹ năng, cách nhìn nhận cuộc sống và kiến ​​thức của quá khứ bị dần mất đi.

Những đứa trẻ và cháu của tôi ghét nghe những câu thần chú, khẩu hiệu. Vì thế, bọn trẻ chẳng nhớ những gì người lớn dặn và dạy bảo. Cuối cùng, bùn bẩn rồi cũng dính khắp nơi, dính vào bất kỳ bức tường nào.

Đối với tôi, dưới đây là những điều mà tôi thấy là quan trọng và ý nghĩa. Chúng được thu thập và tích lũy từ những người lớn tuổi. Liệu thế hệ tương lai của các bạn có nên học và làm theo?

Đừng lãng phí

Đừng lãng phí thức ăn. Bạn có thể không thích những gì bạn được phục vụ, nhưng những thứ ấy còn tốt hơn là cảnh bạn phải nhịn đói.

Đừng lãng phí của cải vật chất - đồ chơi, dụng cụ, bút chì, giấy, v.v. Có thể có một ngày chúng không thể thay thế được. Hãy tìm hiểu và học về giá trị của vật chất, trân trọng những gì bạn có một cách sớm nhất có thể, để từ đó bạn có thể nhận lại được những giá trị khác một cách lâu dài.

Đừng lãng phí tiền bạc. Học cách quản lý nó đúng cách, và sau này bạn sẽ có thể không phải đối mặt với cảnh quá túng thiếu.

Hãy tìm hiểu và học về giá trị của vật chất, trân trọng những gì bạn có một cách sớm nhất có thể. (oliveromg/Shutterstock)
Hãy tìm hiểu và học về giá trị của vật chất, trân trọng những gì bạn có một cách sớm nhất có thể. (oliveromg/Shutterstock)

Học hỏi từ những người lớn tuổi

Thế hệ trước có thể dạy cho bạn những bài học quý giá về cuộc sống, ví như cách duy trì những thói quen lành mạnh và những giá trị đạo đức, thay vì bỏ bê thể xác và tâm hồn; kỷ luật thay vì bốc đồng; làm trước hưởng sau, v.v.

Thế hệ trước có thể dạy cho thế hệ sau những kỹ năng mà họ biết từ lâu, và ngày này chúng dần đã được thay thế bởi những tiến bộ công nghệ. Mặc dù những kỹ năng này là công nghệ cũ so với bây giờ, nhưng một ngày nào đó chúng có thể hữu ích; nếu và khi công nghệ hiện đại không còn hoạt động. Chúng thậm chí có thể cứu mạng bạn.

Thế hệ trước cũng có thể chỉ cho bạn cách tránh những sai lầm mà họ đã mắc phải, để thế hệ tương lai của các bạn, không phải lặp lại quá trình học tập như vậy.

Đừng nói dối

Nói dối phá hủy lòng tin. Nếu một người nói dối, việc khôi phục lại lòng tin đối với người khác, đặc biệt là những người thân thiết, sẽ khó hơn nhiều so với việc chưa từng nói dối.

Đừng nông nổi và ngây thơ - Học cách tự suy nghĩ

Không có món quà nào lớn hơn cho bản thân bạn, ngoài việc suy nghĩ kỹ càng và học hỏi sâu sắc.

Đừng vội vã chấp nhận những gì đồng nghiệp của bạn, xã hội, một ngôi sao điện ảnh hoặc một vận động viên thể thao, giới truyền thông, giáo viên, chính trị gia, thậm chí cả bác sĩ của bạn nói với bạn. Hãy nghiên cứu cho chính mình. Những gì có thể hiệu quả với người khác chưa chắc đã tốt cho bạn.

Không bao giờ hài lòng với những gì bạn được yêu cầu phải nghĩ hoặc làm. Hãy tự đặt câu hỏi rằng liệu bạn có thể làm được tốt hơn không, hoặc có thể học hỏi thêm được gì không? Bạn càng đặt ra nhiều câu hỏi, bạn càng thu được nhiều kiến ​​thức. Bạn càng học hỏi nhiều, bạn càng có nhiều kinh nghiệm và trí tuệ hơn khi đứng trước những lựa chọn trong tương lai.

Học cách tìm kiếm Sự thật. Và nó sẽ đến, nếu bạn có đủ sự cố gắng và chăm chỉ để tìm hiểu. Nếu một thứ dễ dàng đạt được, nó sẽ không ở trong trái tim và tâm trí bạn lâu dài. “Sự thật” là khó có thể đạt được, và một khi đã đạt được, bạn sẽ không dễ để nó bị lấy mất bởi những lời nói dối hoặc những ý kiến hời hợt.

Sống nông cạn hời hợt là cố gắng tìm ra lối thoát dễ dàng cho mọi tình huống, dù là nhỏ nhặt đến đâu. Và cuối cùng, điều đó có thể khiến bạn phải trả giá nhiều hơn sau này, so với những gì bạn nên sẵn sàng buông bỏ.

Yêu những gì bạn có và bạn nhận được từ người khác. (Yuganov Konstantin/Shutterstock)
Yêu những gì bạn có và bạn nhận được từ người khác. (Yuganov Konstantin/Shutterstock)

Trên tất cả, hãy học cách cho đi

Học cách sống đơn giản.

Yêu những gì bạn có và bạn nhận được từ người khác. Cũng đừng quá ích kỷ, hãy cố gắng sẵn sàng cho đi, ít nhất là một thứ gì đó.

Trên hết, hãy hào phóng cho người khác. Không có niềm vui nào lớn hơn khi cho người khác, đặc biệt là những người không thể tự lo lắng cho chính bản thân mình.

Sống cho những thỏa mãn và thú vui tức thời của thế giới này, sẽ không bao giờ mang lại sự thỏa mãn lâu dài trong cuộc sống.

Thứ duy nhất mà những thỏa mãn và thú vui tức thời có thể tạo ra chính là việc khiến cho chúng ta càng mong muốn có nhiều thứ hơn, nhiều thú vui hơn.

Nhưng “cho đi”- thông qua việc giúp người khác, chính là giúp chúng ta có một sự hài lòng, giúp chúng ta mở rộng trái tim với tình yêu thương dành cho những người xung quanh. Và đó là một kho báu lâu dài, lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích vật chất nào.

Học hỏi từ những người lớn tuổi, là được học từ những người chứa đầy những bài học cuộc sống vô giá. Trên thực tế, những người lớn tuổi khác sẽ có nhiều bài học khác quý giá không kém so với những gì được liệt kê ở đây.

Không một thế hệ lớn tuổi nào nên bỏ lỡ cơ hội trao những viên ngọc quý của trí tuệ cho những người trẻ hơn mình. Sẽ là ích kỷ nếu giữ những bài học đó cho riêng mình. Truyền đạt kiến ​​thức đó cho tương lai, chính là duy trì đà phát triển.

Hãy nhớ rằng bạn - sẽ chính là một người mẹ, người bố, ông bà, cô, chú - và cũng sẽ là một cầu nối giữa kiến ​​thức bị mất đi hoặc kiến ​​thức được lưu giữ lại cho các thế hệ sau.

Maureen Alley, Georgia

Hoa Long
Theo The Epoch Times



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Gửi thế hệ tương lai - Phần 32: Học cách sống ‘cho đi’