Hai tuần cấp phép 1 sân golf, còn vấn đề về ‘Rừng’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước có 75 sân golf đã đi vào hoạt động, chưa kể hàng chục sân golf khác đang được đầu tư xây dựng. Phương án về kinh doanh, thu hút du lịch đang được triển khai, thế còn bài toán về "môi trường" đã có lời giải?

Ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có 75 sân golf đang hoạt động, trong đó 3/4 do nhà đầu tư Việt Nam làm chủ, 1/4 do người Hàn Quốc đầu tư.

Ông Trí cho biết: "Thời gian gần đây, tính trung bình cứ 2 tuần Việt Nam có thêm 1 sân golf được cấp phép. Sắp tới mỗi năm Việt Nam có thể thêm 50 - 100 sân golf".

Ông Nguyễn Văn Đính, tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng tình trạng các địa phương ồ ạt xin cấp phép sân golf - sau khi không còn quy hoạch sân golf - cần được cảnh báo, rà soát lại, chỉ nên cấp phép cho những địa phương có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng đầu tư sân golf để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

"Đất đai có hạn, dự án sân golf luôn cần diện tích lớn nên không thể cấp phép ồ ạt, dành quỹ đất quá lớn nhưng không phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Đính khuyến cáo.

Lợi bất cập hại

Gần đây, tỉnh Hòa Bình đã thu hồi hơn 61 ha trong tổng số hơn 140 ha rừng trồng để giao cho nhà đầu tư xây dựng sân golf. Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng điều này là sai với quy hoạch sân golf quốc gia.

Đất đai có hạn, dự án sân golf luôn cần diện tích lớn nên không thể cấp phép ồ ạt (Ảnh: vietnamtourism.gov)
Đất đai có hạn, dự án sân golf luôn cần diện tích lớn nên không thể cấp phép ồ ạt (Ảnh: vietnamtourism.gov)

Vấn đề là theo một số chuyên gia, việc kinh doanh sân golf không hiệu quả vì chi phí bảo dưỡng sân rất đắt tiền. Vậy tại sao vẫn cứ ra đời nhiều sân golf?

Lợi ích kinh tế thực sự của sân golf không hề đơn giản. Nghiên cứu cho thấy một sân golf 18 lỗ như sân Phan Thiết, muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải là 33.000 lượt người chơi/năm. Trong khi đó, số người chơi golf ở Việt Nam chỉ khoảng 15.000 người, đa phần là người nước ngoài. Có thể thấy, các dự án sân golf muốn lấy lại vốn đã khó chứ chưa nói đến việc sinh lời.

Tính bình quân trên mỗi dự án sân golf, các nhà đầu tư hoạch định sẽ tạo được chừng 200 – 300 việc làm cho người dân xung quanh. Một con số còn khá khiêm tốn. Nhưng vấn đề gây nhức nhối về giải tỏa mặt bằng, tạo kế sinh nhai cho người dân bị chiếm đất của các dự án bất động sản, thì các dự án golf cũng không giải quyết được.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư, mỗi một sân golf chiếm một diện tích trung bình khoảng 374 ha/dự án – vốn chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích thiểu số.

Sân golf Đắk Đoa 36 lỗ với diện tích 174,01 ha được thông qua chủ trương đầu tư theo đề xuất của tỉnh Gia Lai. Nhiều ý kiến cho rằng có đến 155,93 ha rừng sẽ phải nhường chỗ cho sân golf Đắk Đoa, chưa kể danh thắng đồi cỏ hồng đẹp như tranh cũng sẽ chỉ còn là hoài niệm.

Bài toán môi trường?

Để duy trì sân golf, cần một lượng nước và hóa chất rất lớn để nuôi cỏ. Theo phân tích của Tạp chí Golf Digest (Mỹ), một sân golf 20 lỗ cần tới 150.000 mét khối nước sạch mỗi tháng, tương đương nhu cầu sử dụng của khoảng 20.000 hộ gia đình. Điều này cũng trực tiếp gây hại môi trường xung quanh sân golf.

Lượng nước tiêu thụ cho sân golf được khai thác từ nguồn nước ngầm, sau một thời gian có nguy cơ gây sụt lún đất, do nước ngầm bị lấy đi quá nhiều, mực nước ngầm sâu hơn và ô nhiễm nước ngầm do hoá chất từ sân golf - là không thể tránh khỏi và không thể khắc phục.

Sự tác động của phá rừng là không kể hết: lũ lụt, xói mòn, hạn hán, dân đói khổ do thiên tai, ô nhiễm môi trường... (Ảnh: quangbinh.gov.vn)
Sự tác động của phá rừng là không kể hết: lũ lụt, xói mòn, hạn hán, dân đói khổ do thiên tai, ô nhiễm môi trường... (Ảnh: quangbinh.gov.vn)

Để duy trì thảm cỏ phi tự nhiên xanh mượt phải sử dụng rất nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu độc hại. Máy phun phát tán 90% độc chất vào không khí. Đặc biệt, các sân golf nằm gần sông, đầu nguồn hay gần khu dân cư thì hiểm họa không thể đo đếm nổi.

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ EPA thống kê rằng trên mỗi ha sân golf sử dụng trung bình lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho canh tác nông nghiệp. Các độc chất này ngấm vào đất, nước ngầm, không khí.

Sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm “ngốn” 189.468 tấn phân hóa học; 8,88 tấn thuốc trừ sâu, khử trùng… Bảo trì sân golf cần dùng đến các chất như chlorpyrifos, diazinon, isazofos, axit silic, oxit nhôm, oxit sắt... Trong đó, acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người.

Chính vì thế mà Ủy ban Tổ chức thế vận hội quốc tế IOC từ lâu đã bác bỏ đưa golf vào danh mục thi đấu, do sự độc hại mà sân golf đem tới cho môi trường.

Toàn cầu đã có phong trào chống lại sân golf “The Global Anti-golf”. Ngày 29/4 hàng năm được chọn là ngày thế giới không có golf “World-No-Golf Day”.

Đáng báo động là hầu hết diện tích đất làm sân golf là từ chiếm dụng đất trồng lúa và cả phá rừng nguyên sinh.

Sự tác động của phá rừng là không kể hết: lũ lụt, xói mòn, hạn hán, ô nhiễm môi trường, dân đói khổ do thiên tai... Những trận lở đất và lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung năm 2020 vừa qua đã chứng minh điều đó.

Với việc cho phép tán phá 160 ha rừng làm sân golf, và tốc độ phát triển sân golf ồ ạt như hiện nay, thì bài toán môi trường làm sao giải được?

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Hai tuần cấp phép 1 sân golf, còn vấn đề về ‘Rừng’?