Hàng chục triệu con cua tạo thành ‘biển đỏ’ di cư qua đảo Giáng sinh để đẻ trứng ở đại dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người yêu thiên nhiên hàng năm đổ xô đến đảo Giáng sinh, Úc, vào khoảng cuối tháng 11 để ngắm ​​một vùng biển đỏ tươi với hàng chục triệu con cua đỏ di cư từ rừng xuống để giao phối và đẻ trứng trên bờ biển.

Những con cua đỏ đực bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên, được kích hoạt bởi lượng mưa đầu tiên của mùa mưa; ngay sau đó là số lượng cua đỏ cái lớn hơn cũng ồ ạt di chuyển.

(Ảnh: Parks Australia)
(Ảnh: Parks Australia)
(Ảnh: Parks Australia)
(Ảnh: Parks Australia)

“Nhà tự nhiên học nổi tiếng thế giới, Sir David Attenborough đã mô tả cuộc di cư của cua đỏ ‘giống như một bức màn đỏ rực tuyệt vời di chuyển xuống các vách đá và tảng đá về phía biển’, và coi việc quay cảnh tượng này là một trong 10 khoảnh khắc truyền hình vĩ đại nhất của mình”, Bianca Priest, quản lý Công viên Quốc gia Đảo Christmas cho biết.

Đảo Giáng sinh, Úc. (Ảnh: wikimedia)
Đảo Giáng sinh, Úc. (Ảnh: wikimedia)

“Trong những năm qua, du khách đã đến từ mọi nơi trên thế giới để chứng kiến ​​hiện tượng động vật hoang dã này.”

Những du khách hy vọng bắt gặp làn sóng cua đỏ, có thể thấy một số con đường bị chặn trên đường chúng di cư trong suốt thời gian hoặc một phần trong ngày khi loài giáp xác đỏ thẫm tìm đường đến và quay về từ đại dương.

Các nhân viên của đảo đã thiết lập các rào cản để đẩy đàn con cua đỏ về phía những cây cầu vượt được thiết kế đặc biệt dành cho cua, để chúng an toàn đi qua những con đường có xe chạy nguy hiểm.

(Ảnh: Parks Australia)
(Ảnh: Parks Australia)
(Ảnh: Parks Australia)
(Ảnh: Parks Australia)

Những ngã ba này là một điểm tuyệt vời để du khách có thể ngắm ‘dòng sông đầy cua’ khi chúng di cư hàng năm.

Thật đáng kinh ngạc, hành trình của chúng được tính đúng thời gian hoàn hảo với thủy triều, khi bắt đầu có lượng mưa đầu tiên, chúng đến đúng lúc để sinh sản vào bình minh khi thủy triều rút vào phần tư cuối cùng của mặt trăng.

Nếu cơn mưa đến quá sớm, cua sẽ đi chậm hơn, mất thời gian để ‘ăn uống’ trên đường đi. Nếu mưa đến gần ngày âm lịch đó, chúng sẽ di chuyển nhanh ra biển.

Nếu cơn mưa đến quá muộn, một số cua sẽ ở trong hang cho đến tháng sau.

(Ảnh: Parks Australia)
(Ảnh: Parks Australia)

Những con cua đỏ đực lớn hơn thường đến bờ biển trước, và tỉ lệ cua đực nhiều hơn cua cái. Sau hành trình gian khổ, chúng ngâm mình trong nước biển để bổ sung độ ẩm cho cơ thể.

Sau đó những con cua đực sẽ đào hang, khoảng cách khá gần nhau nên đôi khi sẽ chiến đấu với những con đực khác để chiếm hữu lãnh thổ. Sau đó, chúng tham gia giao phối với những con cái, rồi ngâm mình một lần nữa trước khi lên đường về rừng.

Những con cua đỏ cái sẽ ở trong hang ẩm để đẻ trứng cho đến khi thủy triều rút theo ngày âm lịch. Chúng khệ nệ mang trên mình 100.000 quả trứng ra biển và thả những quả trứng của mình ở đó, biến bờ biển thành một ‘món súp’ đen và đục ngầu.

Trứng cua nở ngay khi xuống đại dương. Các ấu trùng mới nổi trong tháng tiếp theo sẽ trôi nổi và trải qua một số giai đoạn ấu trùng, cuối cùng phát triển thành động vật ‘giống tôm giai đoạn megalopae’, chúng tập trung tại các bể nhỏ trong một hoặc hai ngày trước khi trở thành cua con hoàn chỉnh.

Một số năm, có ít hoặc không có cua con nổi lên mặt biển - do bị ăn thịt bởi cá, cá đuối và cá mập voi khổng lồ đến thăm hòn đảo đã ‘thưởng thức’ bữa tiệc duy nhất trong năm này, theo Parks Australia.

Nhưng một hoặc hai lần mỗi thập kỷ, một số lượng khổng lồ cua con sẽ sống sót để bổ sung quần thể của chúng, chúng bắt đầu hành trình dài trong đất liền, mất khoảng 9 ngày để đến nơi an toàn trên cao nguyên, tại đây, đàn cua con sẽ trú ẩn ở các mỏm đá trong 3 năm đầu đời của chúng.

Bách Diệp
Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Hàng chục triệu con cua tạo thành ‘biển đỏ’ di cư qua đảo Giáng sinh để đẻ trứng ở đại dương