Hãy cứu lấy nước Mỹ vì 'tôi đã sống qua thời kỳ chủ nghĩa xã hội của Hitler và Stalin’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi nhìn thấy những thi thể treo trên những cột đèn dọc theo bờ sông Dniepr (Ukraine), không phải từ dây buộc mà từ những chiếc móc ở cổ họ. Họ là những người bất đồng chính kiến ​​với chế độ và bị treo cổ…

Tôi vừa xem qua một bài phát biểu tại một sự kiện vận động cách đây 4 năm rưỡi về những tệ nạn của chủ nghĩa xã hội. Tôi nghĩ rằng bài phát biểu này cần được phát lại vì nó phù hợp với thời điểm bây giờ. Tôi đã sống qua thời kỳ chủ nghĩa xã hội của Hitler và Stalin, tôi cũng thường tự hỏi làm cách nào để giữ vững bản thân. Ngay cả khi còn là một cô gái rất trẻ vào những năm 1930, tôi đã biết rằng quê hương thân yêu của tôi đang biến đổi mạnh mẽ. Ký ức của tôi về thời kỳ đó đặc biệt lạnh lẽo khi tôi liên hệ nhiều sự đổi khác mà tôi đã chứng kiến ​​với những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ.

Trong những năm 1930, cha tôi là một quản lý đường sắt, vốn là vị trí được đánh giá cao vào thời điểm đó, nhưng ông ấy thường chịu áp lực phải gia nhập “Đảng”. Nhận thấy rằng các đại diện của Đảng chủ yếu là những tên côn đồ đập phá cửa sổ và phá hoại các doanh nghiệp (giống phong trào Black Lives Matter ngày nay không?), cha tôi đã từ chối. Cuối cùng, ông đã bị yêu cầu tham gia hai tháng “cải tạo”. Cha tôi trở về nhà trên xe cấp cứu sau khi kết thúc thời gian cải tạo, ông không bao giờ hồi phục sau những trận đòn và tra tấn tàn bạo mà bản thân đã phải chịu đựng dưới bàn tay của các thành viên Đảng. Cha tôi đã không thể qua khỏi. Nhưng những lời cuối cùng của ông luôn khắc sâu trong tâm trí của tôi: "Con đừng bỏ cuộc. Đừng bao giờ bỏ cuộc".

Tôi nhớ lại năm 14 tuổi và cần làm răng. Sau một ca phẫu thuật đau đớn, tôi lên một chiếc xe điện với miếng gạc trong miệng. Một đặc vụ SS đã đấm vào mặt và ngay lập tức tôi bị gãy răng. Anh ta nghe tôi nói về những gì cha tôi đã trải qua cùng một số lời lẽ phỉ báng “Đảng”, vì vậy anh ta đã bắt tôi phải trả giá cho lời nói của mình. Không ai tránh khỏi việc bị các đặc vụ SS lạm dụng thể chất, bất kể già hay trẻ, nam hay nữ, tất cả đều bị hành hung như nhau.

Trong những năm sau đó, quê hương tuyệt vời của tôi trở thành mồi ngon của chủ nghĩa xã hội độc hại núp dưới cái tên “National Socialistische Arbeiter Partei Deutschlands”, có nghĩa là Chủ nghĩa xã hội quốc gia (còn gọi là Chủ nghĩa phát xít). Các đảng viên sẽ vào trường học ở Đức (kể cả tư nhân hoặc trường học do nhà thờ lập nên) và nói với giáo viên rằng họ sẽ áp dụng một chương trình giảng dạy quốc gia phổ quát (phải chăng giống với hệ thống tiêu chuẩn giáo dục phổ quát ngày nay ở Hoa Kỳ?).

Anh trai tôi nhập ngũ năm 15 tuổi. Tôi đã bị buộc thôi học đại học để tham gia công việc chỉ đạo và theo dõi các đoàn tàu chở vũ khí đạn dược đến Nga (họ phải sử dụng các cô gái trẻ cho nhiệm vụ này vì tất cả nam giới đều lên chiến tuyến). Tôi đã chứng kiến những hình ảnh giết chóc của ​​nước Nga dưới chế độ độc tài Stalin, và những gì mà hình thái chủ nghĩa xã hội đã mang đến đối với đất nước đó. Tôi nhìn thấy những thi thể treo trên những cột đèn dọc theo bờ sông Dniepr (Ukraine), không phải từ dây buộc mà từ những chiếc móc ở cổ họ. Họ là những người bất đồng chính kiến ​​với chế độ và bị treo cổ… Tôi đã thấy rất nhiều, rất nhiều chuyến tàu chở người Do Thái và những người bất đồng chính kiến ​​bị đưa đến các trại cải tạo, nơi đã bị biến thành các trại tập trung vào năm 1940 với mục đích “thanh lọc dân số”.

Chúng tôi không có tự do và không có phương tiện truyền thông. Họ phải công bố những gì họ được mách bảo, chẳng hạn như số lượng máy bay Đồng minh mà người Đức đã bắn hạ hàng ngày và cuộc chiến ở Nga diễn ra như thế nào!

Một ngày nọ, một người hàng xóm gấp gáp đạp xe đến nhà chúng tôi thông báo rằng, ông ấy phát hiện một người Mỹ đang ẩn nấp trong chuồng và ông không thể giao tiếp với người lính đó. Tôi vui lòng đến và giúp đỡ. Hóa ra máy bay của người phi công đã bị bắn rơi. Chúng tôi mất bảy tuần để đưa anh ấy trở lại Vương quốc Anh. Cả tôi và người lính Mỹ vẫn giữ liên lạc cho đến khi anh ấy quay lại, chúng tôi đã kết hôn! Tôi đã trở thành một công dân Mỹ, chấp nhận đất nước mới của tôi, quốc ca của tôi, lá cờ của tôi, Hiến pháp của tôi. Khi tôi bỏ phiếu lần đầu tiên, tôi đã khóc vì sung sướng! Tôi yêu đất nước của tôi vì tất cả vinh quang của nó cùng tất cả những khiếm khuyết của nó.

Chính vì nhiều lý do này mà tôi kiên quyết rằng “Đa số im lặng” không còn im lặng nữa, và rằng các thế hệ trẻ hãy nên tự giáo dục bản thân, học hỏi từ quá khứ và trân trọng đất nước được Chúa ban cho của họ!

Margarete Fallat

Bài viết chỉ thể hiện góc nhìn và ý kiến của tác giả, không đại diện cho quan điểm của NTD Việt Nam.

Hoàng Tuấn
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hãy cứu lấy nước Mỹ vì 'tôi đã sống qua thời kỳ chủ nghĩa xã hội của Hitler và Stalin’