‘Hãy để lũ trẻ được yên’: Phụ huynh mệt mỏi với cách giáo dục ‘đánh bại thế giới’ của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngành “công nghiệp giáo dục” với tiêu chí “đánh bại thế giới” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thu lợi hàng tỷ USD bằng các lớp luyện thi, dạy thêm, dạy kèm, gia sư... Tuổi thơ của nhiều trẻ em nơi đây là “một băng chuyền” chạy không ngừng nghỉ với các lớp học ngoại khóa và học thêm...

Đến bây giờ, cô Ginny Feng vẫn tự hỏi liệu cô có làm đúng hay không? Năm năm trước, khi con trai cô lên 3 tuổi, cô quyết định không cho con học các chương trình toán và tiếng Trung chuyên sâu giống như với các bạn nhỏ khác.

Nhà tư vấn nguồn nhân lực 40 tuổi đến từ Quảng Châu (Trung Quốc) này lo lắng rằng, nếu con trai cô học trước các môn học, bé sẽ không còn chú ý và xao nhãng trong lớp khi bắt đầu học tiểu học.

Nhưng sau đó cô phát hiện ra rằng, các lớp dạy thêm ở trường mầm non là cần thiết. Bởi vì con trai cô đã gặp khó khăn để bắt kịp các bạn trong những năm sau đó. Cô Feng nói với Nikkei Asia: “Các giáo viên sẽ cho rằng tất cả bọn trẻ đều đã học phiên âm tiếng Trung và các phép cộng, trừ cơ bản. Do đó, họ dạy rất nhanh”.

Ngành công nghiệp giáo dục với mục tiêu ‘đánh bại thế giới’

Con trai của cô Feng sắp vào lớp 3, và đang theo một số lớp học thêm sau giờ học và những ngày cuối tuần như: Lập trình máy tính, cờ vua, viết lách, bóng rổ, bóng đá và thư pháp. "Tôi có một người họ hàng không cho con cô ấy đến các lớp học thêm đó, và cô ấy đã khóc suốt một tháng khi trường tiểu học bắt đầu dạy - vì con cô ấy không thể theo kịp”.

Cô Feng kết luận rằng: “Khi đã thấy quá nhiều trường hợp như vậy, bạn sẽ không dám cho con bỏ học thêm”.

Những bậc phụ huynh khác mà tôi quen biết cũng minh chứng cho điều này. Giống như bạn đang xem phim trong rạp. Nếu toàn bộ hàng ghế đầu tiên đều đứng lên thì bạn cũng phải đứng lên - nếu không, bạn sẽ không thể xem được gì”, Cô Feng bộc bạch.

Sự lo lắng của những bậc cha mẹ ở Trung Quốc cho sự nghiệp học tập của con cái, đã thúc đẩy ngành “công nghiệp giáo dục” ở đất nước tỷ dân thu lợi hàng tỷ USD bằng các lớp luyện thi, dạy thêm, dạy kèm, gia sư...

Tuổi thơ của nhiều trẻ em Trung Quốc là “một băng chuyền” chạy không ngừng nghỉ với các lớp học ngoại khóa và học thêm. Đồng thời cũng là cơn ác mộng trong việc quản lý thời gian và tốn kém tiền bạc đối với các bậc cha mẹ, khiến nhiều người không còn mong muốn có thêm con cái, ngay cả khi ĐCSTQ đã bãi bỏ “chính sách một con” trước đó và khích lệ mỗi gia đình nên có từ 2 đến 3 con.

Đầu mùa hè, giới lãnh đạo Trung Quốc đánh giá các chương trình giáo dục trong nhà trường là đủ cho học sinh. Sự cạnh tranh trong các lĩnh vực là tốt, nhưng quá nhiều sẽ trở thành trách nhiệm cộng đồng, và mô hình hiện tại có thể đã đi quá xa.

Vấn đề này đã được công bố vào tháng 6 vừa qua, với việc Bộ giáo dục chính thức giám sát lĩnh vực giáo dục. Quốc hội của ĐCS Trung Quốc, theo đó đã đưa ra một tuyên bố rõ ràng hơn vào ngày 24/7, yêu cầu các Công ty liên quan giáo dục trở thành tổ chức phi lợi nhuận; và cấm họ công khai hoặc huy động vốn.

Điều đó đã đặt ra câu hỏi về tương lai của các công ty lớn như TAL Education Group và New Oriental Education & Technology Group. Tổng cộng, 126 tỷ USD vốn hóa thị trường đã bị quét sạch khỏi các cổ phiếu giáo dục niêm yết tại Trung Quốc, Hong Kong và Mỹ, theo Bloomberg.

Đây rõ ràng là một vấn đề “nan giải” vượt ngoài dự kiến ​​của Bắc Kinh, nhằm điều chỉnh điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "căn bệnh kinh niên" trong giáo dục. Một căn bệnh xuất phát từ việc các doanh nghiệp nắm bắt được “tâm lý phụ huynh”, từ đó theo đuổi lợi nhuận từ các bậc cha mẹ đang lo lắng rằng, con cái của họ có thể bị “rớt lại” trong hệ thống giáo dục theo định hướng “thử nghiệm” của Trung Quốc.

Nhà phân tích Ernan Cui của Gavekal Dragonomics cho biết: "Chương trình nghị sự mới nổi của ông Tập về các mục tiêu xã hội, được nhóm lại dưới tiêu đề 'thịnh vượng chung', đối lập với xu hướng hiện tại và đang làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng của thị trường này”.

Học sinh vừa thở bình oxy vừa ôn bài trong căn phòng thiết kế hình con nhộng. Sau kỳ thi khốc liệt nhất trong cuộc đời, học sinh Trung Quốc xé sách vở để giải toả áp lực, dù ngành giáo dục đã làm nhiều cách để ngăn cấm việc này (Ảnh: tổng hợp)
Học sinh vừa thở bình oxy vừa ôn bài trong căn phòng thiết kế hình con nhộng. Sau kỳ thi khốc liệt nhất trong cuộc đời, học sinh Trung Quốc xé sách vở để giải toả áp lực, dù ngành giáo dục đã làm nhiều cách để ngăn cấm việc này (Ảnh: tổng hợp)

Tâm lý ‘luôn muốn con cái mình đạt điểm tuyệt đối’

Đối với nhiều người, sự thôi thúc phát triển một hệ thống giáo dục thành công vượt trội như Trung Quốc là một điều khó hiểu. Kết quả học tập của sinh viên Trung Quốc được đo lường bởi Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (Pisa) - tổ chức thực hiện các bài kiểm tra tiêu chuẩn trên toàn thế giới ba năm một lần, cho thấy: Trung Quốc xếp hạng đầu tiên, đứng đầu phần còn lại của thế giới về môn đọc, toán và khoa học - trong bài kiểm tra mới nhất vào năm 2018.

Nhiều quốc gia đã cố gắng bắt chước mô hình giáo dục của Trung Quốc. Vương quốc Anh vào năm 2014 đã bắt đầu thử nghiệm chương trình "Làm chủ Toán học" dựa trên phương pháp giáo dục của Trung Quốc và Singapore.

Lenora Chu, tác giả cuốn sách "Little Soldiers: An American Boy, A Chinese School, and the Global Race to Achievement”, cho rằng hệ thống giáo dục của Trung Quốc có giá trị của nó, mặc dù thiếu tính linh hoạt.

Hệ thống của Trung Quốc, về mặt lý thuyết, là một chế độ tài chính đơn thuần. Tập trung vào kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc, định hình tương lai của nhiều trẻ em Trung Quốc, nó được thiết kế nghiêm ngặt để đảm bảo một “sân chơi” bình đẳng cho tất cả những học sinh đang nỗ lực học tập.

Nhưng nhiều người coi “ngành công nghiệp dạy thêm” là một cách để những người giàu có “chơi trò chơi một cách không công bằng” với những gia đình còn lại.

Cô Feng tính toán rằng, cô chi 8.000 nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 28 triệu VNĐ) cho các bài học ngoại khóa, chiếm 7% thu nhập hàng năm của gia đình cô. Cô ấy nói rằng số lượng lớp học của con trai cô được coi là vừa tầm trong khả năng của cô, và tỷ lệ này được coi là thấp.

Các bậc cha mẹ cạnh tranh hơn có thể chi ít nhất hơn 20.000 nhân dân tệ (khoảng 71 triệu VNĐ) một năm cho các khoá học thêm của con họ.

Ngoài sự tốn kém, còn là sự lo lắng. Peter Pan, 27 tuổi, ứng cử viên Tiến sĩ khoa học máy tính cho một tổ chức có trụ sở tại Đức cho biết, anh lớn lên ở tỉnh Chiết Giang, ngay khi còn học ở trường tiểu học, anh đã bị xếp cho một lịch học nghiêm ngặt. Anh ấy có sáu buổi học sau giờ học, vì thành tích ngoại khóa có thể cộng thêm điểm cho kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở. Kết quả là Pan không bao giờ có một ngày cuối tuần rảnh rỗi, kể cả nghỉ đông và nghỉ hè.

"Tôi đã giả vờ bị bệnh nhiều lần khi còn nhỏ. Có lẽ tôi cũng nên thêm mục ‘diễn xuất’ vào chương trình học của mình. Hồi học tiểu học, tôi không dám nói với bố mẹ, ngay cả khi tôi đạt 99/100 điểm trong bài kiểm tra của mình”. Vì phụ huynh của những học sinh này luôn muốn con cái mình đạt điểm tuyệt đối.

“Hầu hết bạn bè của tôi đều có trải nghiệm tương tự. Tôi nghĩ rằng các lớp học thêm đáp ứng nhu cầu ‘cạnh tranh’ của phụ huynh nhiều hơn là của chúng tôi”.

Các bậc phụ huynh trì hoãn vấn đề ly dị vì họ hoàn toàn cảm thấy hoàn thành trách nhiệm làm cha làm mẹ chỉ sau khi kì thi "gaokao" đầy khắc nghiệt kết thúc. Sau khi con cái trải qua kỳ thi, nhiều bậc phụ huynh xếp hàng đợi đến lượt mình lấy hồ sơ ly dị (Ảnh: tổng hợp)
Các bậc phụ huynh trì hoãn vấn đề ly dị vì họ cảm thấy hoàn thành trách nhiệm làm cha làm mẹ chỉ sau khi kì thi "gaokao" đầy khắc nghiệt kết thúc. Sau khi con cái trải qua kỳ thi, nhiều bậc phụ huynh xếp hàng đợi đến lượt mình lấy hồ sơ ly dị (Ảnh: tổng hợp)

Sự quá tải

Một từ khác mà nhiều người Trung Quốc sử dụng để mô tả quá trình giáo dục là “neijuan” (tạm dịch: quá tải, hoặc chỉ về nỗ lực để giỏi giang hơn người khác nhưng không đem lại kết quả tích cực), một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, nơi mà chỉ tiêu nguồn lực quá ít nhưng những người cạnh tranh lại quá nhiều.

Cuộc “chạy đua vào các trường tốp đầu” mà nhiều gia đình tham gia đã khiến chi phí nuôi dạy con cái tăng vọt, khiến nhiều người trẻ hiện nay do dự trong việc lập gia đình.

Có thể thấy được sự khốc liệt của cuộc cạnh tranh thông qua số liệu thống kê. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, 78,4% gia đình đã trả tiền cho dịch vụ giáo dục trong năm qua, theo một báo cáo được công bố vào tháng 3 của Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải, khoảng 70% gia đình đã chi ít nhất 1.800 USD/năm cho các chương trình sau giờ học của con.

Mức lương trung bình hàng tháng ở các thành phố hàng đầu là khoảng 1.300 USD/tháng, theo truyền thông Trung Quốc. Điều này có nghĩa là trung bình, chi phí giáo dục hàng tháng cho một đứa trẻ chiếm ít nhất 12% tiền lương của cha mẹ.

Theo báo cáo của Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải, hơn 84% phụ huynh được khảo sát cho biết họ bị căng thẳng về chi phí học tập; với 55,2% cho biết các hóa đơn giáo dục là "rất căng thẳng”.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt áp lực đối với phụ huynh và học sinh trong nhiều năm, nhưng các chính sách trước đây không mang lại thành công. Quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận gần đây là triệt để hơn các biện pháp trước đó, nhưng các nhà phê bình cho rằng nó chỉ “điều trị triệu chứng hơn là nguồn gốc bệnh”.

Cô Feng cho biết, cô không thấy bất kỳ sự thay đổi nào trừ khi “Gaokao” (kỳ thi cao khảo) - kỳ thi đại học khốc liệt nhất Trung Quốc thay đổi.

"Tôi nghĩ lệnh cấm dạy thêm là có mục đích tốt nhưng nó không thực tế. ‘Neijuan’ đã trở thành nhu cầu của các bậc cha mẹ. Có bao nhiêu bậc cha mẹ thực sự sẵn sàng ủng hộ giảm tải việc học thêm dạy thêm? Tôi nghĩ chính sách của chính phủ không thể dập tắt hiện tượng này; nó chỉ có thể khiến vấn nạn này trở nên kín đáo hơn, hoặc buộc nó phải 'biến tướng' sang một hình thức hoạt động khác”.

"Có cầu thì sẽ có cung và có thị trường. Nắm bắt nhu cầu của cha mẹ là cách kiếm tiền dễ dàng nhất; chính sách không thể ngăn cản thị trường này”, cô Feng nói

Do đó, các công ty dạy kèm sẽ cần được phép dạy các môn học ngoại khóa ở trường. Các lớp học của họ không được phép diễn ra trong các ngày lễ, cuối tuần, hoặc trong kỳ nghỉ đông hoặc hè. Và các công ty không thể thuê người nước ngoài có trụ sở bên ngoài Trung Quốc.

Nuôi dưỡng nhân tài ‘phi tự nhiên’

Gần 10 triệu thí sinh dự thi nên những ngày diễn ra kỳ Gaokao là những ngày đông đúc, chật chội ở đường phố. Tính khốc liệt của cuộc thi cũng làm biến tướng các hình thức gian lận thi cử. (Ảnh: tổng hợp)
Gần 10 triệu thí sinh dự thi nên những ngày diễn ra kỳ Gaokao là những ngày đông đúc, chật chội ở đường phố. Tính khốc liệt của cuộc thi cũng làm biến tướng các hình thức gian lận thi cử. (Ảnh: tổng hợp)

Yong Zhao, một giáo sư nghiên cứu giáo dục tại Đại học Kansas và Đại học Melbourne cũng nói rằng, việc điều chỉnh ngành dạy thêm có thể "không bao giờ có hiệu quả" - bởi vì chính các bậc cha mẹ là những người có kiểu thế giới quan “bằng không”.

“Đó là một hệ thống, một nền văn hóa muốn bạn trở nên tốt hơn những người khác, nói cách khác là một kiểu giáo dục ‘hơn thua’. Trung Quốc sẽ không bao giờ có các trường đạt chất lượng cao thật sự, vì ‘chất lượng cao’ được định nghĩa là 'tốt hơn’ các trường khác”, ông Zhao nói.

Ông Zhao nói rằng, ngay cả với âm nhạc và vẽ, trẻ em cũng cần cạnh tranh và phải vượt qua đối thủ khác để đạt được những cấp độ và giải thưởng.

“Họ luôn cho phép người khác đánh giá mình”.

"Họ đang dạy trẻ em rằng, giáo dục không phải là học tập, không phải để phát triển, mà là cố gắng ‘vượt lên’ những người khác. Nếu thế, bạn đã loại bỏ mong muốn khám phá ý nghĩa chân chính của giáo dục”, ông nói.

Các sinh viên đan xen trong hệ thống giáo dục kiểu này chỉ tập trung vào những bài kiểm tra, các kỳ thi cử, và thường không biết niềm đam mê của mình nằm ở đâu. Họ thiếu kỹ năng lãnh đạo và khả năng sáng tạo.

Khi còn học ở trường trung học, anh Pan sống trong một trường nội trú nghiêm ngặt, nơi mà theo anh nói - đã trở thành "khoảng thời gian đen tối nhất" trong cuộc đời anh. Học sinh phải học từ 6h50 sáng đến 9h50 tối. Mỗi tuần, họ sẽ được nghỉ nửa ngày. Không được phép hẹn hò và tham gia các hoạt động khác không liên quan đến học tập.

Mặc dù có lối sống khắc nghiệt và luôn phải nỗ lực, nhưng Pan cho biết: “Không có nhiều học sinh của trường được nhận vào các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc”.

Bởi vì, các trường tốp đầu luôn có chỉ tiêu tuyển sinh (tỷ lệ chọi) vô cùng hạn chế, mà số lượng cạnh tranh của sinh viên dồn vào các trường này lại quá nhiều. Nhiều bậc cha mẹ lo sợ con mình trượt đại học và kết quả là trở thành một công nhân quét dọn vệ sinh. Một viễn cảnh khiến các bậc cha mẹ ở Trung Quốc, bao gồm cả cha mẹ Pan đặt hết kỳ vọng lên con cái họ.

Có thể nói, sự “tranh đấu” đã ăn mòn trong tâm trí nhiều thế hệ người Trung Quốc.

Joyce Fan, 29 tuổi, một luật sư ở New York, từng theo học trường trung học có tỷ lệ cạnh tranh nổi tiếng, liên kết với Đại học Renmin ở Bắc Kinh. Fan cho biết cô nhận thấy rằng hầu hết các bạn cùng lớp của mình đến từ một số trường trung học bắt buộc phải vượt qua kỳ thi Olympic Toán.

Fan ghét các lớp thi Olympic Toán và thường nhờ bố cô, một kỹ sư phần mềm, làm bài tập giúp cô. Có một vài lần bố cô cũng không thể tìm ra đáp án cho các câu hỏi.

"Bởi vì bố tôi không thể làm một số bài toán khó hơn, tôi đã rất bực mình với ông. Nhưng sau đó tôi phát hiện ra rằng bố của bạn cùng lớp, ông ấy là một giáo sư toán tại Đại học Bắc Kinh, cũng không thể làm được bài toán đó. Khi bố tôi biết được điều đó, ông ấy rất vui mừng, ông đã nói rằng, 'Nhìn này, bố không ngốc đâu. Chỉ là những câu hỏi này thực sự không hợp lý'”, Fan nói và cười khúc khích.

Cuối cùng, các lớp học Olympic Toán đã bị hủy bỏ do cải cách của chính phủ để "giảm bớt gánh nặng cho học sinh”. Nhưng Fan cho biết, chương trình “Olympic Toán” sau đó đổi tên thành "Khóa học thực nghiệm cao cấp" và... tiếp tục dạy toán ở cấp độ đó.

Các công ty về lĩnh vực giáo dục hoặc các tổ chức dạy kèm khi được “lệnh” trở thành công ty và tổ chức phi lợi nhuận, có thể sẽ chuyển hướng sang hình thức tương tự như trên. Nghĩa là “bình mới rượu cũ” mà thôi!

Cơ hội thành công

Cô Feng cho biết các thành phố hàng đầu có nhiều trường học chất lượng hơn. Các nguồn giáo dục bên ngoài trường học như: dịch vụ dạy kèm và các lớp học ngoại khóa rất phong phú và đầy đủ. Điều này khiến mọi người cố gắng hết sức để nuôi gia đình của họ ở những thành phố này, và cha mẹ không dám chuyển về quê vì sợ con cái không có đủ điều kiện học tập.

Feng nói: “Tôi có những người bạn thậm chí còn phàn nàn rằng không có nhiều dịch vụ dạy kèm hoặc các chương trình ngoại khóa gần khu chung cư của cô ấy”.

Robert Yan, 52 tuổi, với kinh nghiệm giảng dạy hơn 30 năm ở Ninh Ba, đồng ý rằng, “Gaokao” là nguyên nhân cơ bản của sự cạnh tranh mất kiểm soát. Nhưng ông nói rằng hệ thống trường học, giáo viên và phụ huynh đều cần thay đổi quan điểm của họ về giáo dục.

"Cả chính phủ và trường học nên làm việc cùng nhau để phụ huynh tin rằng trường nghề cũng không thua kém các trường đại học. Các trường công lập [cũng] cần nhận thức và thực hiện nguyên tắc lấy con người làm trung tâm và mục đích của giáo dục”, Ông Yan nói.

"Tôi nghĩ mọi người quá chú trọng vào địa vị xã hội ở Trung Quốc đến nỗi nếu bạn là một công nhân ‘giai tầng cổ xanh’, mọi người sẽ ngay lập tức coi thường bạn. Nếu chúng ta có thể tôn trọng tất cả các ngành nghề khác nhau và đạt đến mức độ khi một người không có bằng đại học vẫn có thể tìm được một công việc tử tế và được tôn trọng, thì có lẽ chúng ta sẽ không gặp phải vấn đề ‘quá tải’ này”, anh Pan đang sống ở Đức chia sẻ.

Nhưng anh vẫn chưa nhìn thấy cải thiện nào đáng kể từ đó tới nay trong hệ thống giáo dục ở Trung Quốc.

Anh nói: "Một số người bạn của tôi hiện đã kết hôn và có con. Nhưng từ những gì tôi thấy, họ đang lặp lại những sai lầm đó với chính con cái của họ”.

Đông Mai

Theo https://asia.nikkei.com



BÀI CHỌN LỌC

‘Hãy để lũ trẻ được yên’: Phụ huynh mệt mỏi với cách giáo dục ‘đánh bại thế giới’ của Trung Quốc