Hòa thượng Trung Quốc đương đại là "cha" của 400 đứa trẻ (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông là hòa thượng, nhưng thường xuyên giao tiếp với phụ nữ. Ông không có gia đình, nhưng có hơn 400 đứa trẻ. Ông đã cố gắng cứu mạng người, nhưng bị chính quyền gây khó khăn.

Hòa thượng Đạo Lộc, 47 tuổi, tục danh là Ngô Binh, sinh ra ở một thành phố cấp huyện thuộc thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Trước khi xuất gia, ông vốn là một doanh nhân thành đạt, có nhà máy riêng, làm kinh doanh thương mại với nước ngoài, thu nhập khá tốt, gia cảnh giàu có. Ông ly hôn năm 2007. Năm 2011, ông cạo đầu xuất gia, pháp hiệu Đạo Lộc.

Sau khi xuất gia, Đạo Lộc phát hiện ra rằng, phần lớn các bài vị siêu độ trong chùa là do người mẹ thiết lập cho đứa trẻ bị phá thai, điều này khiến ông bối rối. Bằng kinh nghiệm của mình, ông biết, có được một đứa bé thật không dễ dàng, vì sao những phụ nữ này sau khi mang thai lại nhẫn tâm phá thai?

Một buổi tối năm 2012, sau khi các vị khách dâng hương ra về, hòa thượng Đạo Lộc đang chuẩn bị đóng cửa lại thì một thiếu nữ đi tới, khăng khăng muốn vào chùa "siêu độ cho con mình". Thì ra lúc ấy cô ấy đang mang thai, chuẩn bị siêu độ xong thì sẽ đi phá thai.

Trong mắt người xuất gia, phá thai là sát sinh tạo nghiệp, cứu mạng người mới là từ bi. Bất kể hòa thượng Đạo Lộc can ngăn như thế nào, cô gái đó vẫn tuyệt vọng nói: "Con có thể làm gì khác được? Gia đình sẽ không đồng ý, con không có nơi nào để đi, không ai có thể giúp con”.

Thì ra, cô gái này vẫn là một sinh viên đại học, bị người yêu đùa giỡn tình cảm, sau khi mang thai, anh ta đã biến mất, thật sự không có cách nào mới nghĩ đến phá thai. Hòa thượng Đạo Lộc bừng tỉnh ngộ: Những phụ nữ từ bó đứa con bé nhỏ kia, phần lớn đều có đủ loại khổ tâm, đều là bất đắc dĩ.

Hòa thượng Đạo Lộc sinh lòng bi thương, khuyên nhủ cô gái, hứa sẽ giúp đỡ tiền bạc. Khi đứa bé sinh ra, nếu cô gái không có năng lực nuôi dưỡng, hoặc không muốn nuôi dưỡng, cũng có thể giao cho ông thay thế nuôi dưỡng.

Những phụ nữ từ bó đứa con bé nhỏ kia, phần lớn đều có đủ loại khổ tâm, đều là bất đắc dĩ. (Ảnh minh họa: pixabay)

Ngay sau đó, hòa thượng Đạo Lộc đã đăng tải thông tin trên mạng: "Bất cứ ai mang thai ngoài ý muốn, và không muốn phá thai, có thể đến chỗ tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ".

Cùng với thông tin trên, hòa thượng Đạo Lộc công bố thông tin liên lạc của mình. Sự nghiệp cứu trợ của Đạo Lộc bắt đầu từ đó.

Cung cấp cho phụ nữ mang thai một sự lựa chọn

Sau khi đăng tải thông tin trên mạng, cứ dăm ba hôm, hòa thượng Đạo Lộc lại nhận được một số yêu cầu giúp đỡ. Những phụ nữ tìm đến ông có đủ loại người, có sinh viên chưa lập gia đình, cũng có những người phụ nữ ly dị, từ các tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng có một điểm chung đều là các bà mẹ đơn thân. Họ có thể là do hôn nhân thất vọng, hoặc vì tình cảm bị lừa dối, sau khi mang thai phải đối mặt với tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

"Không có người phụ nữ nào là không bị lừa, có người thậm chí ngay cả tiền cũng bị lừa hết sạch" - hòa thượng Đạo Lộc nói: "Người phụ nữ thảm hại nhất là cả nhà cửa cũng đã thế chấp để giúp người yêu trả nợ nặng lãi, mình cô xoay xở với cái bụng hơn 8 tháng, cuối cùng người đàn ông đó đã biến mất”.

Hòa thượng Đạo Lộc cũng không chủ động hỏi thăm chuyện riêng tư trong quá khứ của các cô, cố ý duy trì khoảng cách với những phụ nữ đến đây, bởi vì ông biết, trên thân mỗi người đều mang theo câu chuyện khó nói, "càng biết nhiều thì tâm càng mệt mỏi".

Đối với thai nhi trong bụng họ, ý tưởng của hòa thượng Đạo Lộc rất đơn giản: "Sống tốt hơn là không sống, hễ còn sống thì còn có cơ hội, còn có hy vọng”. Vì vậy, ông thường khuyên họ nên sinh con, ông có thể trả tiền để nuôi dưỡng và giúp những đứa trẻ lớn lên thành người.

Đối với thái độ của hòa thượng Đạo Lộc, nhiều phụ nữ ban đầu không dám tin. Một người đàn ông lạ, chủ động cung cấp tất cả các chi phí đi lại, nằm viện, sinh con và nuôi dạy con, điều kiện tiên quyết duy nhất là: Chỉ cần cô nguyện ý sinh đứa trẻ ra.

Những năm này, lừa gạt lừa đảo đầy rẫy khắp nơi, vậy mà có người giúp người khác không đòi hỏi gì thì quả là quá khó tìm.

Sau khi tiếp xúc với hòa thượng Đạo Lộc, họ dần dần có niềm tin. Hòa thượng Đạo Lộc nói với họ rằng, phá thai hay không thì cuối cùng là quyết định của họ, nhưng nếu họ gặp khó khăn, thì ông rất sẵn sàng giúp đỡ.

Những người mẹ lựa chọn giữ lại đứa trẻ, cần phải ký một bản "Giấy ủy quyền toàn quyền", cam kết rằng họ sẽ chủ động giao con cho hòa thượng Đạo Lộc nuôi dưỡng và chăm sóc đến 18 tuổi, nếu có tai nạn hoặc cái chết hoặc các tình huống bất ngờ khác, thì sẽ không truy cứu trách nhiệm của hòa thượng Đạo Lộc. Các bà mẹ có thể đến thăm, cũng có thể đổi ý bất cứ lúc nào, nếu họ có đủ khả năng kinh tế, họ có thể bất cứ lúc nào đưa đứa nhỏ về nuôi dưỡng.Toàn bộ chi phí sinh hoạt, sinh sống và những chi phí khác cho những đứa trẻ ở lại sẽ do hòa thượng Đạo Lộc chịu.

Giấy ủy quyền này tương đương với việc hòa thượng Đạo Lộc cho các bà mẹ đơn thân, vào lúc bất lực nhất, có thêm một quyền lựa chọn.

Phương thức quản lý độc đáo

Ban đầu, hòa thượng Đạo Lộc giới thiệu người phụ nữ được giúp đỡ đến một ngôi chùa ở tỉnh ngoài, nơi có một nơi dành riêng cho việc cứu trợ trẻ sơ sinh. Nhưng nhân lực và tài nguyên của ngôi chùa đó nhanh chóng không còn đủ, vì thế hòa thượng Đạo Lộc trở về quê nhà Nam Thông và tự mình đứng ra lo liệu.

Ông bỏ tiền ra thuê một số ngôi nhà của dân để cho những phụ nữ này lưu trú. Từng làm giám đốc điều hành, ông có phương thức quản lý riêng của mình.

Những phụ nữ mang thai được cứu trợ, sau khi đến Nam Thông sẽ được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Thứ nhất là để đảm bảo sức khỏe của thai nhi, thứ hai, để tránh lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm. Sau khi nhận phòng, họ cũng phải tuân thủ "nguyên tắc chung sống" và không gây rắc rối.

Ngoài ra còn có các yêu cầu về quyền riêng tư: Mua sắm trực tuyến không được gửi trực tiếp đến nơi cư trú, có thể được chuyển qua nhà chùa. Không được cung cấp định vị vị trí cho bên ngoài. Không được tiết lộ hình ảnh của phụ nữ mang thai và trẻ em.

Những quy tắc này không phải là không có lý do. Đã từng có phụ nữ mang thai mua sắm trực tuyến đưa đến cửa phòng, nhân viên chuyển phát nhanh thông qua khe cửa nhìn thấy một số phụ nữ mang thai, trong phòng còn truyền ra tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Người giao hàng quay lại và báo cảnh sát, nghi ngờ có một băng đảng bán trẻ sơ sinh ở đây. Mặc dù sau đó đã được làm rõ, nhưng cũng phơi bày địa điểm cứu hộ, nên sau đó phải thay đổi một nơi mới.

Không phải tất cả phụ nữ thì hòa thượng Đạo Lộc đều giúp đỡ, đôi khi ông cũng loại bỏ một số đối tượng không phù hợp. Có một cô gái tìm cách để yêu cầu một "khoản trợ cấp nuôi dưỡng" cao. Có một người phụ nữ hỏi các tình nguyện viên rằng đứa trẻ có thể được bán khi sinh ra hay không. Những người như vậy sau đó đều bị hòa thượng Đạo Lộc đuổi đi. "Không trợ giúp phong khí tà vạy" - ông nói.

nhân viên chuyển phát nhanh thông qua khe cửa nhìn thấy một số phụ nữ mang thai, trong phòng còn truyền ra tiếng khóc của trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa: pixabay)

"Cha" của nhiều trẻ em

Năm 2014, hòa thượng Đạo Lộc sử dụng ngôi nhà của mình ở quê nhà Nam Thông, chuyên tiếp nhận những phụ nữ mang thai và trẻ em này. Đây là một tòa biệt thự ba tầng, vốn là nhà riêng dành cho con gái của Đạo Lộc, ông đổi tên thành "hộ sinh tiểu cư".

Phụ nữ mang thai cần cứu giúp trước tiên nghỉ ngơi trong nhà hộ sinh, đợi đến khi sinh con mới đến bệnh viện. Tất cả các bệnh viện ở Nam Thông, Đạo Lộc đều biết rõ như lòng bàn tay. Bởi vì ông đi lại quá nhiều lần, ngay cả nhân viên dọn dẹp bệnh viện cũng nhớ đến nhà sư này.

Khi điền vào mẫu đơn tại bệnh viện, tên của người cha được yêu cầu viết ra. Hầu hết phụ nữ mang thai không muốn viết, đó là nỗi đau của họ. Hòa thượng Đạo Lộc đành phải viết tên mình hết lần này đến lần khác trong cột "cha".

Khi đứa trẻ được sinh ra và lớn đến khi biết nói, hòa thượng Đạo Lộc cũng yêu cầu chúng gọi mình là "cha". “Đối với sự phát triển của một đứa trẻ, có một người cha là đầy đủ" - ông nói: "Chúng là trẻ em, bất kể đó có là con ruột của tôi hay không, miễn là do tay tôi cứu trợ thì chúng đều là con của tôi”.

Hòa thượng Đạo Lộc thỉnh thoảng từ chùa về quê thăm, lúc này thường là lúc náo nhiệt nhất. Hòa thượng Đạo Lộc vừa vào cửa, một đám trẻ liền nhào tới "ba, ba", "ba, ba" không ngừng gọi ông, hòa thượng Đạo Lộc cũng thân mật với từng đứa.

Một đám trẻ liền nhào tới "ba, ba", "ba, ba" không ngừng gọi ông. (Ảnh minh họa: pexels)

Theo ước tính của hòa thượng Đạo Lộc, đến cuối năm 2021, ông đã cứu được hơn 400 phụ nữ mang thai và trẻ em. Cũng có nghĩa là, có hơn 400 trẻ em đã gọi ông là "cha".

Đương nhiên, một mình hòa thượng Đạo Lộc không có nhiều tinh lực như vậy. Đối với trẻ sơ sinh, ông thường tìm người giữ trẻ, những phụ nữ địa phương để nhờ nuôi giúp, mỗi gia đình nuôi một bé, và ông trả tiền. Sau khi nuôi dưỡng trẻ đến ba tuổi, ông mới đưa về “hộ sinh tiểu cư”. Việc chăm sóc trẻ hàng ngày ở “hộ sinh tiểu cư” cũng là những nữ tình nguyện viên.

Người "cha" bất thường này từ lâu đã thu hút sự chú ý của người ngoài. Thường xuyên có người tốt bụng báo cảnh sát, rằng đây có lẽ là bắt cóc buôn bán trẻ em. Cảnh sát cũng thường xuyên đến điều tra, so sánh tất cả trẻ em với kho lưu trữ của trẻ em mất tích, và cuối cùng tìm thấy không có trường hợp nào phù hợp. Sau này, cảnh sát cũng quen, khi điện thoại nhắc tới "hòa thượng kia", cơ bản họ đã biết là chuyện gì rồi.

Xem tiếp phần 2

Thanh Hà
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Hòa thượng Trung Quốc đương đại là "cha" của 400 đứa trẻ (Phần 1)