Học cách làm chủ thói quen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi có một người bạn thường hay hút thuốc, dưới sự thuyết phục và động viên của mọi người, anh ấy đã quyết tâm bỏ thuốc. Nhưng chỉ được vài ngày, sự thèm muốn lại trỗi dậy. Khi bị bắt gặp đang cầm điếu thuốc, anh biện bạch rằng: “Tôi quen rồi, không thay đổi được”.

Vậy quen rồi thay đổi được hay không? Điều này đưa ra một chủ đề về thói quen của con người.

Các thói quen được hình thành như thế nào? Thực ra là quá trình tích lũy từ từ qua thời gian lâu

Người bạn nghiện thuốc lá của tôi bắt đầu từ việc thỉnh thoảng hút một điếu rồi từ từ gia nhập hàng ngũ những người hút thuốc.

Những thói quen xấu không chỉ hình thành từ từ mà những thói quen tốt cũng hình thành từ từ.

Mỗi người đều có những thói quen riêng trong công việc, cuộc sống xã hội, cuộc sống giải trí, chế độ ăn uống và sinh hoạt. Nghĩ lại, tất cả những thói quen này đều được hình thành từ từ từng chút một. Sự khác biệt duy nhất là việc hình thành thói quen xấu thường là vô thức, trong khi việc hình thành thói quen tốt cần một thời gian dài nỗ lực chủ động. Một thói quen xấu đã hình thành thì không dễ gì thay đổi được, ngược lại, một thói quen tốt đã hình thành nhưng một khi thả lỏng thì lại càng dễ mất đi.

Những thói quen xấu có thể thay đổi được không? Có thể thay đổi. Người bạn hút thuốc bắt đầu bằng việc hạn chế số điếu, mỗi ngày giảm một điếu, muốn bỏ dần. Sau một thời gian thử nghiệm, hiệu quả vẫn không tốt. Nhiều người bạn từng hút thuốc xung quanh tôi cũng có kinh nghiệm bỏ thuốc lá tương tự.

Điều này làm tôi nhớ đến một câu chuyện của Paul, một tấm gương mà giới trẻ cần học tập. Một lần Paul tham gia vào một cuộc tranh luận giữa các thành viên của liên đoàn thanh niên: Liệu người ta có thể vượt qua những thói quen đã hình thành, chẳng hạn như hút thuốc lá không?

Paul nói: “Con người nên chi phối thói quen, chứ không phải thói quen chi phối con người”.

Vào thời điểm đó, một thanh niên đã cười nhạo một cách chế giễu và nói: “Paul nói thì hay lắm… Hãy thử hỏi anh ta có hút thuốc hay không? Anh ta có hút. Hỏi xem anh ta có biết hút thuốc không tốt không? Anh ta biết. Nhưng để bỏ thuốc lá thì anh ta lại không thể làm được”.

Paul lấy điếu thuốc đang hút trong miệng, bóp nát nó rồi nói: "Từ hôm nay, tôi sẽ không bao giờ hút thuốc nữa".

Kể từ đó, Paul đã bỏ thuốc lá. Đối với anh, đó từng là một thói quen hút thuốc đã được hình thành và phát triển gần như từ khi nhỏ.

Thói quen xấu được hình thành từ từ nên cần phải kiên trì lâu dài mới có thể bỏ được thói quen xấu.

Một lý do quan trọng khiến một thói quen xấu khó bỏ là một người thường không có đủ sự quyết tâm và kiên trì. Benjamin Franklin, một thành viên trong nhóm lập quốc của Hoa Kỳ và cũng là nhà phát minh nổi tiếng đã nói: “Thói quen lợi dụng sự buông thả, còn sở thích đôi khi mạnh hơn lý do”.

Đối với thói quen hút thuốc, nhiều người muốn thay đổi nhưng tại sao có người làm được, có người không? Điều quan trọng không chỉ là nhận ra sự nguy hiểm của những thói quen xấu mà còn phải quyết tâm thay đổi chúng. Bằng cách này, các thói quen xấu như hút thuốc, lạm dụng rượu và khạc nhổ có thể được thay đổi.

Làm thế nào mọi người có thể kiểm soát thói quen? Bởi vì con người và động vật khác nhau. Hành động của động vật xảy ra không chủ ý, còn hành động của con người do suy nghĩ chi phối và ý chí điều chỉnh. Như Friedrich Engels đã nói: "Con người càng rời xa động vật, họ càng có những mục tiêu rõ ràng, có kế hoạch và nghĩ nhiều hơn về vai trò của mình trong thế giới tự nhiên". Đối với hầu hết mọi người, điều này nên xảy ra. Bạn cũng có thể lựa chọn, thiết kế, kiểm soát và điều chỉnh bản thân theo nhu cầu của xã hội và hoàn cảnh cụ thể của bạn. Một trong những khuyết điểm lớn của con người là họ có xu hướng dung túng cho những khuyết điểm của mình. Đối với một người có niềm tin cao cả và ý chí mạnh mẽ, anh ta không chỉ có thể loại bỏ những thói quen xấu của mình mà còn có thể yêu cầu bản thân phát triển nhiều thói quen tốt khác nhau.

Thói quen của một người phản ánh sự giáo dục văn hóa và truy cầu tinh thần của họ theo một nghĩa nào đó. Mọi người ở các độ tuổi khác nhau, quốc tịch khác nhau và thành tựu văn hóa khác nhau có những thói quen rất khác nhau. Những thói quen khác nhau này cũng phản ánh quan điểm tinh thần của một quốc gia. Bước sang năm mới, chúng ta hãy thử một lần suy nghĩ: Chúng ta nên khắc phục những thói quen xấu nào, và những thói quen tốt nào chúng ta nên trau dồi để tiến bộ văn minh?

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Học cách làm chủ thói quen