Khám phá 7 kỳ quan của thế giới cổ đại: Sự kỳ vĩ tưởng chừng chỉ có trong thần thoại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xuôi dòng lịch sử, 7 kỳ quan thế giới cổ đại là minh chứng về ý chí tuyệt đối và quyết tâm của những xã hội cổ xưa nhằm tôn vinh các vị Thần. Những công trình kiến trúc này kỳ vĩ và hoàn mỹ đến mức người hiện đại ngày nay nhìn vào cũng không thể hình dung được người cổ đại xây dựng như thế nào.

Trong số 7 công trình, chỉ mình Đại kim tự tháp Giza là còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes, Hải đăng Alexandria, Lăng mộ của Mausolus, Đền Artemis, Tượng thần Zeus ở Olympia đều đã bị phá hủy. Riêng vườn treo Babylon đã trở thành một truyền thuyết, và thậm chí một số người còn cho rằng khu vườn này không hề tồn tại trong thực tế.

Mặc dù không thể tận mắt chứng kiến, nhưng các câu chuyện lịch sử về 7 kỳ quan đẹp nhất thế giới cổ đại và một số hình ảnh phục dựng vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.

1. Vườn treo Babylon

Vườn treo Babylon, hay còn gọi là vườn treo Semiramis, là công trình được xây dựng vào khoảng năm 600 TCN. Công trình này được cho là do vua Nebuchadnezzar II của vương quốc Babylon xây dựng để làm khuây khỏa nỗi nhớ quê hương của vợ mình là Amyitis.

Amyitis là con gái vua xứ Medes, đã cưới Nebuchadnezzar để tạo nên một liên minh giữa hai nước. Quê hương bà là một vùng đất xanh tươi với những núi non hùng vĩ, bà cảm thấy buồn chán khi phải ở Lưỡng Hà (một vùng ở phía Tây nam Châu Á ngày nay) – vùng đất bằng phẳng luôn bị Mặt trời thiêu đốt. Nhà vua quyết định tái tạo quê hương hoàng hậu bằng cách xây một vùng núi non nhân tạo bằng những vườn treo trên mái nhà.

Hanging Gardens of Babylon.jpg
Vườn treo Babylon. (Tranh khắc màu thế kỷ XVI của họa sĩ Martin Heemskerck)

Vườn treo Babylon được dựng ngay cạnh cung điện nhà vua, bên bờ sông Euphrate thuộc lưu vực Lưỡng Hà, cách thành Baghdad, Iraq 50 km về phía nam.

Vườn có đủ hoa thơm, cỏ lạ, các loại cây quý hiếm được đưa về từ những vùng mà nhà vua đến xâm lược. Trong vườn treo có một hệ thống đài phun nước gồm hai bánh xe lớn liên kết với nhau bằng dây xích có gắn thùng gỗ. Khi bánh xe quay, dây xích và thùng nước cũng chuyển động đưa nước ở một cái bể phía dưới lên trên cao tưới nước cho cây.

Để tưới nước cho hoa và cây của khu vườn, các nô lệ phải luân phiên nhau đưa nước từ dòng sông Euphrates lên khu vườn. Nước được lấy từ 3 giếng có máy thủy lực quay với hệ thống gàu, nước đưa lên cao chảy theo các rãnh thoai thoải tưới cho toàn bộ khu vườn. Do vườn làm theo hướng gió nên hương thơm lan tỏa cả một vùng rộng lớn.

Dù còn nhiều tranh cãi về hình dáng và đặc điểm, nhưng Vườn treo Babylon đã đánh dấu một thời vàng son của lịch sử vùng Lưỡng Hà, thời kì phát triển rực rỡ của vương quốc Chaldean, hay còn gọi là Tân Babylon. Nhà vua Nebuchadnezzar trị vì đất nước được 44 năm thì qua đời. Sau đó, vườn treo Babylon cũng tàn lụi theo.

2. Tượng thần Zeus ở Olympia

Bức tượng vàng khổng lồ của vua của các vị thần Hy Lạp được xây dựng để tôn vinh những kỳ thi Olympic đầu tiên, khởi nguồn từ thành phố cổ Olympia.

Bức tượng trong tư thế ngồi trên ngai vàng, đầu chạm tới nóc điện làm người xem có cảm tưởng rằng nếu như "chúa tể của các vị thần" đứng lên thì sẽ nâng toàn bộ mái của ngôi đền lên. Các nhà khoa học tính toán nếu như được tạc ở tư thế đứng, bức tượng có thể cao đến 18 mét.

Statue of Zeus.jpg
Mô phỏng Tượng thần Zeus trên đỉnh Olympia. (Public Domain)

Bên tay phải của thần Zeus là thần Victory có cánh – biểu tượng cho chiến thắng trong các kỳ Thế Vận Hội Olympic. Bên tay trái của tượng là quyền trượng với một con chim đại bàng đậu trên đỉnh trượng, chính là biểu tượng của thần Zeus.

Toàn thân của bức tượng được làm bằng 780 mét khối gỗ quý, sau đó được bọc bằng những tấm ngà voi ở bên ngoài. Chất liệu ngà khiến bức tượng tinh xảo và hoàn mỹ đến mức nhìn những bắp thịt trên bức tượng rất sinh động.

Trên đầu thần Zeus được trang điểm bằng một vòng hoa ôliu, trong khi áo và dép của tượng được làm bằng vàng. Thân tượng đặt trên ngai vàng làm bằng gỗ mun và ngà rất công phu. Toàn bộ bức tượng đặt phần đế bằng đá cẩm thạch cao 1 mét. Bức tượng tượng trưng cho quyền lực tối cao của “vua của các vị thần”.

Năm 462 sau CN, một trận hỏa hoạn khủng khiếp đã tàn phá thành phố và tiêu huỷ bức tượng. Bức tượng thần Zeus ở Olympia không hề có bản sao nên tất cả những gì chúng ta biết được về bức tượng là qua sự mô tả trong các ghi chép thời cổ đại và bản vẽ phác trên các đồng tiền cổ xưa.

3. Lăng mộ của Mausolus

Lăng mộ của Mausolus, hay Lăng Halicarnassus, là một lăng mộ được xây dựng trong giai đoạn 353–350 TCN tại Halicarnassus (vùng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay).

Nó được dành cho Mausolus, vị vương hầu một tỉnh thời Đế chế Ba Tư, và hoàng hậu Artemisia – người vừa là vợ vừa là chị của ông. Theo phong tục tại xứ Caria, các vị vua cai trị sẽ lấy chị gái hoặc em gái của chính mình. Một lý do của những cuộc hôn nhân đó là để giữ vững sự giàu có và quyền lực của gia đình.

Được thiết kế bởi hai kiến trúc sư Hy Lạp là Satyrus và Pythius, đây được coi là lăng mộ hoàn mỹ nhất thế giới cổ đại, là một chuẩn mực cho các công trình tương tự sau này.

Công trình cao gần 45 mét, có diện tích hơn 1.216 mét vuông. Mỗi mặt được một trong bốn nhà điêu khắc Hy Lạp nổi tiếng là Bryaxis, Leochares, Scopas và Timotheus trang trí.

Mausoleum of Halicarnassus.jpg
Tranh mô phỏng Lăng mộ của Mausolus. (Public Domain)

Khi hoàn thành, công trình được coi là một thành công lớn về nghệ thuật, tới mức người ta đã coi nó là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại.

Tất cả thông tin về địa điểm lăng đã bị thất lạc vào thế kỷ 15 khi các kỵ sĩ Thánh John tràn vào, đốt đá cẩm thạch để làm vữa vôi và dùng đá công trình để gia cố thành trì của họ ở Bodrum. Chính họ là những người đặt chân đến phòng để thi hài Mausolus nằm dưới đáy của công trình vào năm 1522. Thật không may, toàn bộ của cải, tài sản trong lăng đã bị cướp mất và ngày nay chỉ có một ít chi tiết được ghi lại.

4. Đền Artemis

Đền thờ nữ thần Artemis là một công trình kiến trúc được xây dựng ở thành phố Ephesus vào khoảng năm 550 TCN bởi kiến trúc sư người Hy Lạp là Chersiphron và con trai ông là Metagenes. Ngôi đền được xây dựng để tôn vinh nữ thần Artemis – vị thần của sự săn bắn và là người bảo hộ cho các thiếu nữ trong thần thoại Hy Lạp.

Ngôi đền đã từng trải qua nhiều lần mở rộng và sửa chữa. Đến năm 430 TCN, công trình này đã có chiều dài khoảng 115 mét, chiều rộng 55 mét, với cấu trúc gồm 127 cây cột bằng đá. Theo ước tính, mỗi cột là một khối đá cẩm thạch dài hơn 18 mét và nặng gần 100 tấn.

Temple of Artemis.jpg
Đền thờ Artemis ở Ephesus được mô tả trong một bản khắc màu bằng tay. (Public Domain)

Ngôi đền được coi là viên ngọc quý của thành phố Ephesus và tồn tại yên ổn trong 2 thế kỷ. Ngày 21/7/356 TCN, một nhân vật bí ẩn tên là Herostratus đã quyết định đốt toàn bộ ngôi đền.

Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý vì đền chủ yếu làm bằng đá cẩm thạch nên làm sao một người có thể đốt nó chỉ trong một buổi tối. Tuy nhiên, thủ phạm lại thực hiện nó rất dễ dàng. Hắn lẻn qua những người bảo vệ đền, đặt nhiều tấm vải tẩm đẫm dầu quanh một số dầm gỗ rồi châm lửa.

Ngôi đền bị phá hủy khiến người dân thành phố Ephesus choáng váng. Điều gây sốc hơn là Herostratus công khai thừa nhận tội ác và tự nộp mình cho nhà chức trách Ephesus. Kẻ phóng hỏa ngay lập tức bị tra khảo lý do đốt đền. Hắn tuyên bố làm thế để tên tuổi của mình được lưu danh sử sách.

Lo sợ có nhiều tội phạm bắt chước để được nổi tiếng, giới chức Ephesus đã hành quyết Herostratus một cách dã man và công khai. Sau sự việc, mọi thông tin đề cập tới tên hắn đều bị loại bỏ khỏi hồ sơ. Thành phố còn ban sắc lệnh bất kỳ ai nhắc tên hắn ở nơi công cộng sẽ bị hành quyết tương tự.

Sau đó, vào năm 323 TCN một ngôi đền khác đã được xây dựng lại ngay trên nền đất cũ. Ngôi đền mới này cũng không có số phận khá hơn. Vào năm 262 SCN, bộ tộc người Goth (một chủng tộc German) đã đột kích vào thành phố và thiêu cháy ngôi đền.

Thời kỳ cuối cùng của ngôi đền là vào năm 400 SCN khi người Thiên Chúa giáo trỗi dậy. Các cánh cửa đền đều bị đóng hoặc phá hủy. Đá trong đền được dùng cho các tượng và công trình khác.

Nhiều ghi chép thời cổ đại đều coi Đền Artemis là một trong những công trình vĩ đại, nếu không muốn nói là vĩ đại nhất, từng được xây dựng. Kẻ phá hủy nó thì mãi hai thiên niên kỷ sau mới nổi tiếng, tên hắn ngày nay được sử dụng như một tính từ để nói về sự nổi tiếng bằng cách thực hiện tội ác.

5. Hải đăng Alexandria

Ngọn hải đăng Alexandria được vua Ptolemy Soter khởi dựng vào năm 290 TCN, công trình do kiến trúc sư Sotratus thiết kế xây dựng trên hòn đảo Pharos thuộc thành phố Alexandria, Ai Cập, theo ý nguyện của Alexander đại đế để bất tử hoá tên ông.

Với chiều cao 135 mét, công trình này từng nắm giữ danh hiệu kiến trúc cao thứ 2 thế giới trong thời gian dài, chỉ thua Đại kim tự tháp Giza của Ai Cập. Kiến trúc của ngọn hải đăng Alexandria được xem là một kiểu mẫu để tạo dựng nhiều phiên bản hải đăng khác dọc theo vùng Ðịa Trung Hải thời bấy giờ.

Phare d'Alexandrie (Barclay).jpg
Ngọn hải đăng Alexandria, theo bản khắc từ thế kỷ 19. (Public Domain)

Công trình này cũng có tuổi thọ lớn thứ 2 trong số Bảy kỳ quan thế giới cổ đại – xếp sau Đại kim tự tháp Giza vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Nó vẫn đứng vững khi nhà du hành Hồi giáo Ibn Jubayr tới thăm thành phố năm 1183. Ibn Jubayr đã mô tả sự kỳ vĩ về hải đăng Alexandria như sau: "Mọi lời miêu tả đều không thể hết, mắt nhìn không thể hiểu, và từ ngữ là không đủ, cảnh tượng thật hùng vĩ”.

Năm 956 SCN, một trận động đất gây thiệt hại nhẹ cho ngọn hải đăng. Hai trận động đất mạnh sau đó (năm 1303 và 1323) tiếp tục gây thiệt hại lớn cho công trình.

Năm 1449, thương gia Ả Rập nổi tiếng Ibu Battuta có ghi lại là ông ta không thể đi vào công trình đã đổ nát này. Đến năm 1480, khi xây dựng một pháo đài trên vị trí cũ của Hải đăng, vị vua Hồi giáo tại Ai Cập lúc đó là Qaitbay đã sử dụng một số phiến đá sót lại, ngọn hải đăng Alexandria lúc này mới chính thức biến mất khỏi lịch sử.

6. Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes

Năm 305 TCN, Monophthalmus cho con trai là Demetrius tấn công đảo Rhodes với một đội quân 40.000 người. Tuy nhiên, người dân đảo Rhodes đã phòng ngự vững vàng, đẩy lui nhiều đợt tấn công của Demetrius. Năm 304 TCN, một lực lượng viện binh gồm nhiều tàu chiến do Ptolemy gửi đến cứu viện đảo Rhodes đã buộc quân của Demetrius phải nhanh chóng rút chạy.

Để ăn mừng thắng lợi này, người Rhodes quyết định xây dựng một bức tượng vĩ đại cho vị thần bảo hộ của mình là Thần Mặt Trời Helios.

Tượng Thần Mặt Trời Helios ở Rhodes được dựng nên từ năm 292 tới năm 280 TCN. Bức tượng vĩ đại này cao 34 mét, đứng trên bệ đá cẩm thạch trắng cao 15 mét, bức tượng to lớn đến nỗi một người trưởng thành cũng khó có thể ôm trọn vẹn ngón tay cái của bức tượng.

Colossus of Rhodes.jpg
Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes. (Public Domain)

Người dân đảo Rhodes đã tốn 12 năm để hoàn thành bức tượng vĩ đại này. Tuy nhiên, đáng tiếc là nó chỉ tồn tại 56 năm. Trong trận động đất năm 226 TCN, bức tượng đã bị gãy ở phần đầu gối và hoàn toàn sụp đổ.

Một lời sấm truyền khiến những người Rhodes lo sợ rằng, họ đã xúc phạm đến Thần Mặt Trời. Vì thế, họ đã không dám xây dựng lại bức tượng hùng vĩ. Những phần đổ vỡ của bức tượng tiếp tục nằm trên mặt đất trong hơn 800 năm cho tới khi chúng bị đem bán cho một nhà buôn Thổ Nhĩ Kỳ để lọc lấy những tấm đồng.

7. Đại kim tự tháp Giza

Đại kim tự tháp Giza là công trình cổ xưa nhất trong danh sách Top 7 kỳ quan thế giới cổ đại, đồng thời đây cũng là kỳ quan duy nhất còn tồn tại đến ngày nay. Với chiều cao 146 mét, công trình này từng giữ danh hiệu là kiến trúc nhân tạo cao nhất thế giới tới gần 4 thiên niên kỷ (từ khoảng năm 2500 TCN đến năm 1300 SCN).

Kheops-Pyramid.jpg
Đại kim tự tháp Giza. (Nina Aldin Thun / Wikimedia Commons / CC BY 2.5)

Để xây dựng được công trình này, người ta phải sử dụng tới hơn 2,5 triệu mét vuông đá, với diện tích đáy lên tới 52.198,16 mét vuông.

Điều gây ngạc nhiên là dù công trình đồ sộ như vậy, độ chênh lệch giữa các góc chỉ dao động trong khoảng từ 8-15 cm, một sự chính xác gần như tuyệt đối.

Ngày nay trong giới khoa học còn nhiều tranh cãi về cách thức xây dựng Kim Tự Tháp. Theo cách hiểu thông thường, người Ai Cập cổ đại đã xây dựng kim tự tháp Giza vào khoảng năm 2500 TCN. Tuy nhiên, điều này dấy lên rất nhiều nghi ngờ bởi để xây một công trình đá kỳ vĩ như vậy thì cần có kỹ thuật rất cao, nó vượt quá khả năng công nghệ của thời bấy giờ.

Có một lý giải khác được nhiều người thừa nhận là Kim Tự Tháp được xây bởi một nền văn minh tiền sử có trình độ khoa học kỹ thuật cao. Dù được lý giải theo cách nào thì Kim Tự Tháp vẫn tồn tại sừng sững với thời gian và thách thức trí hiểu biết của nhân loại chúng ta.

Kỳ quan thứ 8

Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại là một danh sách các công trình kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng trong thời kì cổ đại. Danh sách này do nhà văn Hy Lạp Antipater xứ Sidon lập ra trong thế kỉ thứ 2 TCN, dựa trên tầm nhìn của người Hy Lạp thời ấy. Nó chỉ bao gồm các công trình tại vùng Địa Trung Hải mà người Hy Lạp cho là vĩ đại nhất, có thể đại diện cho nền văn minh của nhân loại thời bấy giờ.

Cũng chính vì giới hạn không gian như vậy mà danh sách này đã bỏ sót nhiều công trình cổ đại nổi tiếng khác, chẳng hạn như Vạn Lý Trường Thành tại Trung Quốc, Đền Angkor Wat tại Campuchia, Các tượng Moai trên Đảo Phục Sinh ở Chile, khu di tích Machu Picchu ở Peru,…

Theo các bạn còn những công trình cổ đại nào có thể sánh tầm với 7 kỳ quan đã được liệt kê ở trên và trở thành kỳ quan thứ 8 của thế giới cổ đại?

Lam Phương



BÀI CHỌN LỌC

Khám phá 7 kỳ quan của thế giới cổ đại: Sự kỳ vĩ tưởng chừng chỉ có trong thần thoại