Khát vọng ‘quốc tịch Mỹ’: Trào lưu ‘du lịch sinh con’ và những hệ lụy khôn lường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ là một trong số ít các quốc gia công nhận quyền công dân đối với những đứa trẻ là con của người nước ngoài nhưng được sinh ra trên địa phận, hải phận, không phận của Mỹ. Chính sách này vô hình chung đã thúc đẩy mô hình “du lịch sinh con”, và tạo ra những đứa trẻ được đặt là “anchor baby - em bé mỏ neo”.

Một đứa trẻ sinh ra tại Mỹ sẽ tự động trở thành công dân Mỹ, và theo luật pháp liên bang, khi đứa trẻ đó đủ 21 tuổi, chúng có thể bảo trợ cho các thành viên gia đình mình xin cấp thẻ xanh, thậm chí xin nhập tịch.

Muốn con có quốc tịch Mỹ để thuận lợi du học, định cư sau này, nhiều bà mẹ đã bay xa vạn dặm để “vượt cạn”, cố gắng hết sức đến Hoa Kỳ sinh con. “Sang Mỹ sinh con" là một trào lưu phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam.

‘Sinh con như đánh trận’

Hầu như những ai dự định sinh con tại Mỹ đều lo xin visa trước khi có bầu hoặc khi có bầu dưới 2 tháng, bởi lúc đó không hề thấy bụng của người mẹ. Visa Mỹ có thời hạn 1 năm nên cũng đủ thời gian để các bà mẹ này chuẩn bị.

Một cặp vợ chồng đã xin visa du lịch Mỹ từ khi hai vợ chồng lên kế hoạch có con. Khi mang thai được 6 tháng, người vợ đã đi du lịch sang Mỹ và sinh con ở đây. Vì Mỹ chỉ cho phép ở lại 3 tháng mỗi lần nhập cảnh với visa du lịch, nên vừa sinh xong một tuần người vợ lại bay qua Canada. Một tháng sau, mẹ con cứng cáp rồi mới bay về Việt Nam.

Theo Tiến sĩ–bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), mang thai là thời gian người phụ nữ cần được chăm sóc, nghỉ ngơi cẩn thận và chu đáo. Mang thai trên 28 tuần, thai phụ không được đi máy bay xa. Mang thai trên 36 tuần, thai phụ không được đi tàu lửa. Khoảng 14-28 tuần là giai đoạn ổn định của thai kỳ, thai phụ có thể đi chơi, du lịch.

Ở những chuyến bay xa, việc ngồi lâu, tư thế không thoải mái cũng gây mệt mỏi cho thai phụ. Việc đến một nơi xa lạ, thay đổi múi giờ, môi trường sống, thói quen sinh hoạt cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi. “Nguy cơ bị thai lưu là có”, bác sĩ Thu Hà nhận định.

“Sang Mỹ sinh con" là một trào lưu phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam. (Ảnh: DIDIER PALLAGES/AFP qua Getty Images)
“Sang Mỹ sinh con" là một trào lưu phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam. (Ảnh: DIDIER PALLAGES/AFP qua Getty Images)

Bất hợp pháp

Một phụ nữ Trung Quốc đã nhận tội điều hành một chương trình du lịch nhằm giúp nhiều người Trung Quốc sang Mỹ du lịch và sinh con để lấy quốc tịch Mỹ. Bà Li đã đào tạo khách hàng để vượt qua sự kiểm tra của hải quan Hoa Kỳ và che giấu việc mang thai. Tiền phí cho dịch vụ này là từ 40.000 đến 80.000 USD/người để huấn luyện cách sang Mỹ sinh con.

Bà cũng thừa nhận đã hướng dẫn khách hàng cách vượt qua cuộc phỏng vấn với lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, bao gồm cả việc khai man rằng họ sẽ ở lại Hoa Kỳ trong hai tuần.

Tại sao điều này bất hợp pháp? Mặc dù việc đến Mỹ và sinh con không phải là bất hợp pháp, nhưng việc khai man là phạm pháp.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nói về việc thu hồi quyền công dân của những trẻ em được sinh ra ở Mỹ (birthright citizenship) - có cha mẹ không phải là công dân Mỹ.

“Anchor baby - em bé mỏ neo”

Sau khi sinh ra một em bé "người Mỹ", được mang quốc tịch Mỹ, vì cha mẹ đều không phải là công dân Hoa Kỳ hoặc người có thẻ xanh nên không thể sống ở Hoa Kỳ lâu dài, họ phải đưa đứa con mới sinh của họ trở lại quê nhà.

Những đứa trẻ này trong tiếng Anh được gọi là “anchor baby - em bé mỏ neo”, có nghĩa là cha mẹ chúng giống như những con thuyền thả “mỏ neo”, để họ có thể cập bến thuận lợi và neo đậu ở nước ngoài.

Những đứa trẻ này trong tiếng Anh được gọi là “anchor baby - em bé mỏ neo”, có nghĩa là cha mẹ chúng giống như những con thuyền thả “mỏ neo”, để họ có thể cập bến thuận lợi và neo đậu ở nước ngoài. (Ảnh: Phyo Hein KYAW / AFP qua Getty Images)
Những đứa trẻ này trong tiếng Anh được gọi là “anchor baby - em bé mỏ neo”, có nghĩa là cha mẹ chúng giống như những con thuyền thả “mỏ neo”, để họ có thể cập bến thuận lợi và neo đậu ở nước ngoài. (Ảnh: Phyo Hein KYAW / AFP qua Getty Images)

Trong mắt các bậc cha mẹ từng sang Mỹ sinh con, những "đứa trẻ mỏ neo" này mang lại cảm giác vượt trội hơn hẳn những đứa trẻ sinh ra trong nước. Tuy nhiên, trong mắt những đứa con của họ, đó là một cảm nhận hoàn toàn khác. Một số trẻ “mỏ neo” đang trải qua cuộc khủng hoảng danh tính và các vấn đề tâm lý.

Li Wei, thạc sĩ tâm lý học tại Đại học Harvard và là nhà tâm lý học giáo dục, đã tiếp xúc với hàng trăm "đứa trẻ mỏ neo" lớn lên ở Trung Quốc hoặc đang theo học tại các trường quốc tế. Ông nói rằng nhiều "trẻ em mỏ neo" trải qua các mức độ khác nhau của trở ngại ngôn ngữ và khuyết tật học tập.

Ví dụ, trẻ sẽ hỏi bố mẹ: "Mẹ ơi, mẹ nói con là công dân Mỹ, nhưng tại sao con không nói được tiếng Mỹ? Mẹ là người Trung Quốc, tại sao con lại là người Mỹ?"

Điều này sẽ khiến những đứa trẻ bị khủng hoảng nhân dạng, ảnh hưởng đến việc học, thậm chí gây ra những căn bệnh lo âu nghiêm trọng hơn.

Sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ gây ra các vấn đề tâm lý và áp lực cho những đứa trẻ “mỏ neo”. Li Wei cho biết, trong những trường hợp mà ông tư vấn, ngoài vấn đề thể chất của chính các trẻ, thì 70% đến 75% vấn đề tâm lý và căng thẳng của những "đứa trẻ mỏ neo" là do sự lo lắng và kỳ vọng của cha mẹ và ông bà chúng.

Xem ra, khát vọng "quốc tịch Mỹ" của các bậc cha mẹ có thể đẩy chính họ và đứa con bé nhỏ - đứa trẻ mỏ neo - vào những hệ lụy khôn lường.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Khát vọng ‘quốc tịch Mỹ’: Trào lưu ‘du lịch sinh con’ và những hệ lụy khôn lường