Khi tình yêu ‘chết yểu', hôn nhân hay ‘cửa tử'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi tình cờ xem được một video lan truyền trên mạng, nói về một chị đã trạc tứ tuần, thu nhập mỗi tháng 50-70 triệu, nhưng lại có một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Mắt chị thâm quầng, lộ rõ vẻ đau khổ; khuôn mặt chị thất thần và thiếu sức sống. Dường như hạnh phúc gia đình chị tỉ lệ nghịch với số tiền chị đem về mỗi tháng.

Chị gặp một chuyên gia tư vấn nổi tiếng để mong cách thoát khổ; để làm sao cuộc sống gia đình chị đỡ bế tắc hơn và chồng chị “ngoan” hơn.

Chị không phải là trường hợp hiếm thấy trong xã hội hiện đại, khi hôn nhân lứa đôi quả thật mong manh như ngọn nến trước gió.

Dĩ nhiên, xây dựng hạnh phúc gia đình cần trách nhiệm của cả hai người. Nhưng có lẽ tôi sẽ bắt đầu từ phái nữ, những nàng eva giữ lửa cho gia đình.

Não phải hay não trái?

Người phụ nữ trong câu chuyện trên luôn thấy chồng mình là một kẻ bất tài. Ngày ngày ông chơi game không đi làm, không giúp đỡ vợ; không quan tâm yêu thương chăm sóc gia đình. Nói chung, người đàn ông chị yêu thương thuở còn mặn nồng giờ biến thành một ông già khó tính, khó ưa và khó bảo. Chị dùng mọi cách từ quát nạt, đay nghiến đến hỏi han, kể lể, nhưng chồng chị vẫn vậy.

Có một nghiên cứu thế này, não bộ con người chứa rất nhiều khả năng. Trong đó, não trái thiên về lý trí, tư duy logic và kinh nghiệm. Não phải thiên về nghệ thuật, cảm xúc và sự sáng tạo. Trong công việc, bạn giỏi vận dụng não trái bao nhiêu, bạn có cơ hội thành công bấy nhiêu. Bạn tư duy sắc sảo, bạn không bao giờ chậm trễ deadline, bạn được việc, bạn nhanh nhẹn v.v. Nhưng có một điều đáng buồn là, bạn mang hình mẫu một nữ giám đốc nơi công sở và áp đặt nó vào gia đình nhỏ của bạn. Bạn chỉ đạo, bạn đòi hỏi, bạn “đánh giá KPI” cho cả chồng cả con; và kết quả, bạn kiệt sức, chồng bạn kiệt sức, con bạn nổ tung.

Một người phụ nữ tuyệt vời là người biết đến sự cân bằng. Những gì bền vững là những gì có sự hoà hợp. Bạn có thể sở hữu kĩ năng đỉnh cao để thành công trong công việc. Nhưng khi về nhà, hãy để con người ấy sau cánh cửa, và trở về là một người vợ, người mẹ, với những cảm xúc giản đơn và sự yêu thương chân thành. Khi người vợ muốn đóng vai chồng, thì người chồng bất đắc dĩ phải đóng vai vợ; nếu cả hai đều muốn làm chồng thì xung đột sẽ không có hồi kết.

Một người phụ nữ tuyệt vời là người biết đến sự cân bằng. (Ảnh Pixabay)

Có người nói, đàn ông chỉ là những đứa trẻ to xác. Và chẳng đấng mày râu nào chịu được cảnh vợ quát nạt, lấn át và cằn nhằn mãi. Họ có lòng tự trọng, và sẽ “xù lông nhím” nếu bạn tước đi lòng tự trọng ấy. Muốn cuộc sống gia đình êm ấm, điều đầu tiên là tuyệt đối không kích hoạt chế độ “núi lửa" của chồng. Hãy vận dụng “não phải” nhiều hơn. Không chê bai, dè bỉu, cũng không mắng mỏ, khinh thường; mà hãy cổ vũ, động viên và chia sẻ.

Yêu nhau hay yêu bản thân mình?

Tôi thấy, rất nhiều người thường lẫn lộn giữa: yêu con người thực tại và yêu một hình mẫu tương lai của đối phương. Nhưng sự lẫn lộn và kỳ vọng này sẽ khiến bạn nhận trái đắng.

Tôi biết một cặp vợ chồng, lấy nhau được khoảng 10 năm rồi, và đã có một mụn con. Nhưng hiện tại họ đã ly thân; chồng một nơi, vợ và con một nơi. Những rạn nứt bắt đầu khi họ mâu thuẫn về quan điểm sống, rồi thất vọng ở nhau. Chồng mơ tưởng một hình mẫu của một người vợ: dịu dàng, ngọt ngào, đoan trang; vợ cũng ước ao một hình mẫu khác của chồng: tâm lý, ga lăng, nuôi con giỏi. Kết quả, họ mâu thuẫn liên miên, nhưng có một điều đặc biệt là, chị vợ chẳng bao giờ chia sẻ những gì mình suy nghĩ với chồng. Và cứ thế, họ đóng sập mọi cánh cửa thấu hiểu và hàn gắn. Mỗi người quay về một góc, gặm nhấm những thương tổn. Chị vợ cắn răng một thân nuôi con, anh chồng chán nản lủi thủi một mình.

Tôi thấy, cặp vợ chồng này vẫn còn yêu nhau lắm. Nhưng thứ tình cảm đó lại quá ích kỉ, thành ra họ tự cầm dao đâm vào tim mình và tim người khác. Khi họ không thể giải quyết nổi cuộc khủng hoảng cảm xúc đang lớn dần trong tâm, họ bắt đầu đổ lỗi, cãi cọ. Rồi sau đó, mỗi người lại xây một hàng rào phòng thủ, nhất quyết không để đối phương gây tổn thương mình lần nữa. Mang con đi, không cho con gặp chồng thực sự là một sự trừng phạt chị vợ dành cho anh chồng. Khi tiếng nói của chị quá yếu ớt, tới mức phải im lặng trước tất cả những lần xung đột, điều đó có nghĩa rằng chị không thể đối thoại với chồng, và những khi cảm xúc đau thương lên đỉnh điểm, chị sẽ có một tâm lý “hận", và trả thù.

Khi cảm xúc đau thương lên đỉnh điểm, chị sẽ có một tâm lý “hận", và trả thù. (Ảnh: Pexel)

Ai cũng chỉ cố gắng trở thành người khác trong một thời gian ngắn; quán tính của bản ngã mãnh liệt hơn mong muốn làm đẹp lòng đối phương nhiều. Họ có xu hướng trở về với chính mình; điều đó dễ dàng, an toàn và thoải mái hơn. Đặc biệt là khi cuộc sống nhiều mệt mỏi, áp lực và trách nhiệm.

Nếu từng đọc tác phẩm Ruồi trâu, bạn sẽ nhớ đoạn văn này: “Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy thiết tha với một điều nào đó, thế là đủ rồi". Ngoài sự “thiết tha tự nguyện" đó ra, chẳng có gì ràng buộc được trái tim con người. Cuối cùng, thành thật mới chính là cốt lõi của tình yêu; thành thật chứ không phải là lời hứa đảm bảo một tương lai, một hình mẫu nào đó. Chỉ cần thành thật, bạn sẽ luôn thanh thản.

Mỗi người là một hành tinh riêng biệt, chỉ “giao nhau” và đi cùng nhau trên đường đời

Có cặp vợ chồng bạn tôi hay lắm! Chồng đi đâu chẳng mấy khi vợ phải hỏi bao giờ về, vợ mua sắm thế nào chồng cũng không ý kiến. Tối tối, vợ nấu cơm, còn chồng ăn xong rửa bát. Ngày nào vợ bận, anh chồng đều đem quần áo bẩn đổ vào máy giặt. Mỗi ngày trôi qua rất bình thản, vui vẻ và hạnh phúc, mặc dù thu nhập của họ không cao. Anh chồng cũng chẳng bao giờ ho he “chán cơm thèm phở", hay chị vợ cũng không sa đà vào các thú vui vô bổ khác.

Bí kíp của họ là gì? Tôi chỉ thấy họ là những con người rất tự do. Ai cũng cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình. Họ chẳng hề bắt ép nhau phải trở thành ông này bà nọ, cũng chẳng quản thúc từng bữa ăn giấc ngủ của nhau. Ở họ có một sự tin tưởng tuyệt đối vào đối phương, đặc biệt là lúc nào cũng xem nhau như “những người bạn thân".

Người xưa có câu: vợ chồng “tương kính như tân". Con người có một thứ tâm lý dễ hư đốn, khi muốn điều gì, họ phải sở hữu nó bằng được. Nhưng khi có được rồi, họ dễ sinh ra tâm lý nhàm chán, và lâu dần biến thứ giá trị trở thành những thứ tầm thường. Vợ chồng cũng vậy, nếu ngày ngày đều dè dặt, đối xử với nhau như những người khách, chắc chắn ai cũng đáng trân trọng hơn.

“Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng..." - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

(Ảnh: Pixabay)

Cuộc ly hôn Trung Nguyên nghìn tỷ, của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, để lại cho chúng ta nhiều dư vị. Trưởng thành là cả một quãng đường dài, và vợ chồng họ đã nắm tay nhau đi qua biết bao thăng trầm của cuộc sống. Từ lúc hai người có ngôi nhà đầu tiên, đến khi đứa con chào đời, rồi nuôi con khôn lớn. Từ lúc mới yêu chỉ nhìn nhau cũng thấy hạnh phúc, đến lúc phải đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm đồng tiền bát gạo. Trong cả quãng đường ấy là sự thay đổi và biến chuyển về nhân sinh quan của cả hai người. Nhưng khi thành công, tiền bạc đầy nhà thì tình yêu ấy lại “chết yểu”. Họ bắt đầu hoài niệm về con người ngày xưa từng yêu thương nay đâu...

Ai cũng phải thay đổi; chấp nhận con người mới của nhau mỗi ngày là một sự thật hiển nhiên. Ngày hôm qua chồng bạn có thể trẻ trung và hào phóng, nhưng ngày hôm nay sau nhiều biến cố anh ấy đã gai góc và trầm lặng hơn. Chẳng lẽ vì vậy bạn bỏ chồng và nghĩ rằng mình cần con người ngày xưa?

Không! Bạn cũng sẽ thay đổi.

Mỗi người đều “lớn lên" trong quỹ đạo số phận của chính mình. Mỗi người là một hành tinh riêng biệt, chỉ giao nhau và đi cùng nhau trên đường đời. Vậy nên hãy giữ cho mình và chồng một khoảng lặng, một khoảng không đủ rộng để ai cũng có thể vùng vẫy, tự do trong đó. Có tự do là chính họ, họ mới có thể yêu thương và đem tự do cho người khác.

Chẳng phải vậy mà tuyên ngôn độc lập của rất nhiều quốc gia đề cao Tự do đó sao? Nguyên tắc đó vẫn luôn đúng kể cả trong cuộc sống gia đình. Người bạn đời của bạn vẫn là một thực thể riêng biệt với bạn; có quan điểm, nhận thức, sở trường, sở đoản khác nhau. Khi bạn chọn lựa bắt đầu cuộc hành trình này, nghĩa là bạn phải sẵn sàng với mọi điều phía trước. Sống hoà hợp trong hôn nhân chính là biết dung hòa sự khác biệt và chấp nhận những điều không như ý. Chẳng có cuộc chiến thắng thua nào giữa bạn và chồng bạn cả.

Sống hoà hợp trong hôn nhân chính là biết dung hòa sự khác biệt và chấp nhận những điều không như ý. (Ảnh: Pixabay)

Hạnh phúc thực sự đến từ bên trong; nó độc lập với tất cả sự phán xét của người ngoài

Một sai lầm lớn của chúng ta là “đẩy" người khác phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc và cảm xúc của mình. Khi họ nghe mình, mình thấy vui. Họ yêu mình, mình thấy hạnh phúc. Họ nói lời cay đắng, mình tổn thương. Họ rũ bỏ mình, mình bất hạnh.

Nhưng hạnh phúc thực sự đến từ chính bạn. Nhiều gia đình đổ vỡ do vợ chồng luôn nhìn thấy điều “chướng tai gai mắt” ở đối phương. Nhưng họ không biết rằng, chính sự bất ổn nội tâm khiến cuộc sống của họ sụp đổ. Khi người ta không thể an định với chính bản thân mình, người ta sẽ mất cân bằng, và đi tìm mọi phương cách giải quyết ở bên ngoài; thậm chí trốn chạy thực tại bằng những bộ phim, những trò chơi điện tử, và nặng hơn là chất kích thích, tệ nạn. Kết quả, càng giải quyết càng rối như tơ vò, càng tìm kiếm sự bình yên thì càng thấy bất ổn. Vì bạn đã đi nhầm hướng rồi!

Trong cuốn sách “Nhà Giả Kim” có kể một câu chuyện thế này. Con trai của một thương nhân đã tìm đến một nhà thông thái để tìm hiểu bí quyết của hạnh phúc là gì. Nhà thông thái bèn đưa cho anh ta cái muỗng với hai giọt dầu và nói anh hãy đi tham quan tòa lâu đài mà không làm sánh hai giọt dầu ra ngoài. Lần đầu tiên anh ta đi và quay trở lại, anh không ngắm nhìn được cảnh vật gì hết vì cứ mải mê gìn giữ hai giọt dầu. Lần thứ hai, anh đã thưởng thức được hết cảnh vật đẹp đẽ của nơi ấy nhưng lại làm sánh hai giọt dầu mất rồi. Nhà thông thái đã nói: “Bí quyết của hạnh phúc là biết nhìn ngắm mọi thứ tuyệt mỹ trên thế gian này mà không quên hai giọt dầu trên muỗng”.

Vì vậy, những người vợ, người mẹ hãy cứ biết yêu nội tâm mình trước đã, sau đó mới có thể trao đi yêu thương một cách vô tư. Còn những ông chồng hãy biết trân quý người phụ nữ bên cạnh mình, họ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân vì bạn, rồi đánh đổi sự thoải mái vì những đứa con bạn. Hôn nhân tốt hay xấu, tất cả đều do mỗi người tự tạo ra. Sau cùng, hôn nhân không phải là “mồ chôn tình yêu", mà là cánh cửa bước đến sự trưởng thành và bao dung dành cho mỗi người.

Mộc Lam



BÀI CHỌN LỌC

Khi tình yêu ‘chết yểu', hôn nhân hay ‘cửa tử'?