Khoảng 50% hộ gia đình ở TP.HCM có thân nhân là người Việt ở nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thống kê gần nhất, ước tính có khoảng 50% hộ gia đình ở TP.HCM có thân nhân là kiều bào - tương đương gần 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, mang về lượng kiều hối không nhỏ và những đóng góp tích cực cho đất nước.

Thông tin trên đã được ông Võ Thành Chất, Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đưa ra vào ngày 20/4, tại lễ vinh danh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM - giai đoạn 2018-2020.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất, TP.HCM ước tính có gần 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài:

  • Có nguồn gốc, có thân nhân tại TP.HCM;
  • Có hợp tác, làm việc hoặc thường xuyên lưu trú tại TP.HCM.

Lượng kiều bào tập trung đông ở các nước như Mỹ, Canada, Úc, khu vực Tây Âu... Có khoảng 50% hộ gia đình ở TP.HCM có thân nhân là người Việt Nam ở nước ngoài.

Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới

Trong thời gian qua, TP.HCM đã thu hút được nhiều chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước phát triển như Mỹ, Canada, Pháp, Úc… đóng góp:

  • Hơn 15 công trình, đề tài khoa học có chất lượng;
  • Khoảng 40 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín cả ở trong và ngoài nước.

Tính riêng Đại học Quốc gia TP.HCM đã ký kết với 200 trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, lượng kiều hối của Việt Nam luôn đứng trong top 10​ thế giới

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2020 đạt khoảng 16 tỷ USD

Ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, cho biết hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống làm việc, học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính đến tháng 10/2020 có 365 dự án của kiều bào đầu tư tại 27 tỉnh, thành phố trên cả nước - với tổng vốn 1,6 tỷ USD, tạo ra nhiều việc làm đóng góp cho kinh tế xã hội ở các địa phương.

Lượng tiền kiều hối Việt Nam thường xuyên được gửi về từ người gửi ở Hong Kong, Singapore và Hoa Kỳ, theo Intellasia. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới với dòng tiền ước tính đạt 16,7 tỷ USD vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ước tính rằng lượng kiều hối “đổ về” Việt Nam sẽ giảm khoảng 18,1% trong năm 2020 vì hệ quả của đại dịch viêm phổi Vũ Hán. So với các nước Đông Nam Á thì Việt Nam bị ảnh hưởng nặng thứ 2 (sau Philippines với mức giảm là 20,2%).

Lượng kiều hối giảm ở các quốc gia trên thế giới

Kể từ năm 1993, khi Việt Nam bắt đầu có chính sách khuyến khích kiều bào gửi kiều hối về nước, tính đến hiện nay lũy kế đã lên đến 175 tỷ USD, con số rất lớn so với nền kinh tế của Việt Nam. Dù tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh kéo dài trong năm 2020, lượng kiều hối gửi về giảm nhưng vẫn đạt 15,7 tỷ USD, tính riêng TP.HCM là 6,2 tỉ USD, được xem là con số kỷ lục từ trước đến nay.

Một bộ phận người dân Việt Nam vẫn lệ thuộc vào lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về

Một báo cáo mới có tiêu đề Hai mặt của đồng tiền: Câu chuyện của người nhận kiều hối" (Both Sides of the Coin: The Receiver’s Story) của công ty tài chính UniTeller công bố vào tháng 12/2019, lao động Việt Nam thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước ngoài, mỗi tháng gửi về nước trung bình 735 USD, cao xấp xỉ 10 lần so với thu nhập 73 USD/tháng của các gia đình nhận tiền tại Việt Nam.

Alberto Guerra, Giám đốc điều hành UniTeller, cho biết: “Với sự di chuyển toàn cầu ngày càng tăng, kiều hối đang đóng một vai trò quan trọng hơn trong sinh kế của các gia đình và cộng đồng có thu nhập thấp”.

Lượng kiều hối mà các hộ gia đình Việt Nam nhận được được sử dụng vào các mục đích như: các nhu cầu hàng ngày của gia đình (24%), trả nợ hóa đơn và khoản vay (25%), giáo dục (11%), tiết kiệm (14%), các mặt hàng xa xỉ không thiết yếu (9%).

Tuy nhiên, qua phân tích đánh giá gần đây, từ 60-70% lượng kiều hối về nước được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, không chỉ tiêu dùng và tiết kiệm như trước đây.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Khoảng 50% hộ gia đình ở TP.HCM có thân nhân là người Việt ở nước ngoài