Khoảnh khắc ấm lòng khi một con đười ươi chìa tay giúp một người bảo vệ ra khỏi sông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhiếp ảnh gia đã chụp được khoảnh khắc cảm động khi một con đười ươi cái chìa tay ra để giúp một người bảo vệ đang bắt rắn trong một con sông. Bức ảnh cảm động này khiến chúng ta phải nhìn nhận lại vẻ đẹp của loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng này, cũng như trách nhiệm của con người chúng ta trong công cuộc giúp đỡ bảo tồn chúng.

Đối với Anil T. Prabhakar, nhiếp ảnh là một niềm đam mê.

Anh giải thích với The Epoch Times: “Tôi thích ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu trong cuộc sống của các loài động vật hoang dã mà không làm ảnh hưởng đến chúng hoặc môi trường sống tự nhiên của chúng”.

Epoch Times Photo
(Được phép của Anil T Prabhakar )

Vào tháng 9/2019, Prabhakar đã có cơ hội ghi lại khoảnh khắc cảm động này trong chuyến đi thăm khu vực rừng bảo tồn của Tổ chức Sinh tồn Đười ươi Borneo (BOSF) ở Indonesia.

Prabhakar giải thích, vai trò chính của những người bảo vệ động vật hoang dã của tổ chức phi lợi nhuận này là làm sạch sông, và báo cáo sự hiện diện của bất kỳ loài rắn độc hoặc động vật ăn thịt nào. Rắn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của đười ươi trong khu bảo tồn này, nên những con rắn độc được tìm thấy sẽ bị giết hoặc di dời đến nơi khác.

Epoch Times Photo
(Được phép của Anil T Prabhakar )

Trong khi đi bộ, Prabhakar nhận thấy một người bảo vệ lao xuống nước bùn để thực hiện công việc của mình. Khi Prabhakar đang quan sát, anh nhận thấy một con đười ươi cái từ từ di chuyển đến gần bờ sông và nhìn người bảo vệ đang bắt rắn, và anh đã chụp được một số bức ảnh cận cảnh.

Một lúc sau, người bảo vệ có vẻ như bị kẹt trong bùn. Prabhakar nhớ lại: “Anh ấy cứ cố gắng rút chân ra và muốn tiến xa hơn, và đột nhiên con đười ươi cái, vốn đang lặng lẽ quan sát như một khán giả, bỗng đứng dậy, tiến đến gần hơn và duỗi một tay về phía người bảo vệ”.

Epoch Times Photo
(Được phép của Anil T Prabhakar )

Sự tương tác lặng lẽ của họ kéo dài vài phút. Prabhakar than thở rằng người bảo vệ đã không nắm lấy bàn tay của con đười ươi; thay vào đó, anh đã di chuyển sang nơi khác.

Prabhakar kể lại: “Tôi thực sự ngạc nhiên trước cử chỉ ngọt ngào bất ngờ này của con đười ươi. Điều trớ trêu là, chúng ta, những con người, đang phá hủy môi trường sống của chúng, nhưng chúng lại đang giúp đỡ chúng ta".

Prabhakar đã có cơ hội nói chuyện với người bảo vệ sau khi anh ta lên bờ. Lời giải thích của người bảo vệ cho việc không nắm lấy tay con đười ươi là vì nó “vẫn còn hoang dã”; do đó, phản ứng của nó là không thể đoán trước.

Epoch Times Photo
(Được phép của Anil T Prabhakar )

Prabhakar đã chia sẻ bức ảnh xúc động của anh ấy về con đười ươi và bàn tay dang rộng của nó trên Instagram vào tháng 1/2020 với chú thích, “Hãy để tôi giúp bạn?”. Bức ảnh đã nhận được hàng nghìn lượt thích và nhanh chóng lan truyền trên các trang tin tức và mạng xã hội.

Khu rừng bảo tồn của BOSF là không gian phục hồi cho những con đười ươi được giải cứu khỏi nạn phá rừng, săn trộm và mất môi trường sống kể từ năm 1991. Sau khi được xử lý và được thả, các thành viên của giống loài cực kỳ nguy cấp này được đưa trở lại vùng hoang dã của rừng nhiệt đới Borneo.

Epoch Times Photo
(Được phép của Anil T Prabhakar )

Tại thời điểm viết bài, tổ chức đang chăm sóc cho 650 con đười ươi. Hiện chỉ còn khoảng 104.700 con đười ươi Bornean trong tự nhiên.

Prabhakar tin rằng chúng ta nên coi cử chỉ tuyệt vời của đười ươi như một lời nhắc nhở về việc chúng ta ích kỷ như thế nào, và rằng điều khiến con người khác biệt so với động vật chính là "sức mạnh của lý trí và đức tính cố hữu được gọi là 'nhân tính'".

Nhiếp ảnh gia giải thích với The Epoch Times: “Tôi vẫn tin rằng đây là niềm hy vọng cuối cùng, đúng đắn duy nhất cho nhân loại. Đó là yếu tố tư tưởng quan trọng đằng sau bài đăng đang được tán thưởng rộng rãi trên toàn cầu của tôi”.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Khoảnh khắc ấm lòng khi một con đười ươi chìa tay giúp một người bảo vệ ra khỏi sông