Làm thế nào để sống lâu trăm tuổi? 4 chuyên gia chia sẻ bí quyết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày xưa, sống lâu trăm tuổi tuổi dường như là chuyện không thể, hiện nay thì không còn như vậy nữa. Vậy quá trình lão hóa có thể được làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược? Những người sống lâu trăm tuổi có nắm giữ bí quyết có thể giúp tất cả mọi người sống lâu hơn không?

Vào thứ sáu, ngày 2 tháng 1 năm 1903, một bé gái tên là Tanaka Kane được sinh ra tại một ngôi làng nhỏ trên hòn đảo phía nam Nhật Bản. Cùng năm đó, giải đua xe đạp Tour de France đã khai mạc tại Paris và hãng ô tô Ford đã bán ra chiếc xe đầu tiên của mình.

Cụ Tanaka Kane vừa qua đời vào tháng 4 năm nay ở tuổi 119, và được chính thức công nhận là người cao tuổi nhất thế giới. Những năm cuối đời, cụ sống trong viện dưỡng lão, mỗi sáng thức dậy lúc 6 giờ để giải toán, chơi các loại cờ, ăn sô cô la, uống cà phê và soda.

Hiện nay những người sống trăm tuổi như cụ Tanaka Kane không còn là chuyện lạ.

Vậy làm thế nào để chúng ta sống đến 100 tuổi? Chương trình “Điều tra” của đài quốc tế BBC đã mời bốn chuyên gia đến để cùng khám phá câu hỏi này.

Cuộc sống thứ hai

Tiến sĩ Hiroko Akiyama chuyên về lão khoa, cũng chuyên nghiên cứu về sự lão hóa. Bà là cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhật Bản và là giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo.

Bà Hiroko Akiyama cho biết, Nhật Bản là một trong những nước lão hóa hàng đầu trong một xã hội đang bị già hóa nhanh chóng, tuổi thọ trung bình của người Nhật hiện nay là 88 tuổi trong đó hơn 1/4 dân số trên 65 tuổi.

Các quốc gia có tuổi thọ trung bình tương tự như Nhật Bản bao gồm Hồng Kông, Singapore, Thụy Sĩ, Ý và Tây Ban Nha.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết số người trên 100 tuổi ở Nhật Bản đạt kỷ lục 86.510 người vào năm ngoái, tăng hơn 6.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Bà Akiyama cũng chỉ ra rằng tuổi thọ là kết quả của sự kết hợp của nhiều yếu tố, một trong số đó là hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, người Nhật đã dễ dàng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế từ những năm 1960. Thứ hai là, người Nhật có ý thức chú ý đến sức khỏe và có lối sống tương đối lành mạnh. Nhiều người đi khám sức khỏe định kỳ. Người Nhật cũng tập thể thao nhiều hơn trong các hoạt động cuộc sống hàng ngày.

Ngoài ra, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất trong các nước phát triển. Thực phẩm là một yếu tố khác, bà Akiyama nói, người Nhật ăn ít chất béo, ăn nhiều cá, rau, rong biển và trà xanh, nhiều người Nhật tin rằng điều độ sẽ tốt cho mọi mặt của cuộc sống.

Tuy nhiên, trong khi tuổi thọ của người dân đang được kéo dài, tổng dân số của Nhật Bản lại đang giảm. Đó là bởi vì tỷ lệ sinh đã giảm trong một thời gian dài, và đạt mức thấp kỷ lục vào năm ngoái.

Bà Akiyama cho biết, dân số trong độ tuổi lao động đang giảm dần trong khi dân số từ 65 tuổi trở lên, đặc biệt là 75 tuổi trở lên, đang tăng dần.

Khi số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, người ta cũng nhận ra rằng người cao tuổi có nhiều nhu cầu khác nhau.

Chính phủ Nhật Bản đã thừa nhận điều này, nhưng những nỗ lực đưa ra vẫn có xu hướng tiếp tục thúc đẩy các chính sách hiện có.

Bà Hiroko Akiyama nói: "Hiện tại Chính phủ chủ yếu tập trung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, hệ thống lương hưu, nhà ở, và hệ thống giao thông. Nhưng những hệ thống này đã được xây dựng khi dân số trẻ hơn nhiều. Vì vậy, chúng ta cần thiết kế lại cơ sở hạ tầng cứng và mềm của xã hội, chính phủ cũng đang làm rất nhiều việc cần thiết”.

Bà nói: “Chúng tôi đang cố gắng thiết kế lại các cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của một xã hội đang già hóa nhanh. Chúng tôi muốn xây dựng một loại cộng đồng nơi mọi người có thể sống đến 100 tuổi. Vì vậy, đây không phải là một cộng đồng hưu trí. Chúng tôi không chỉ làm việc cho người cao tuổi, chúng tôi làm việc cho mọi người ở mọi lứa tuổi."

Khi ngày càng có nhiều người sống lâu hơn, thì càng có nhiều cơ hội để lấp đầy khoảng trống việc làm trong một thị trường lao động ngày càng thu hẹp. Ở Nhật Bản, việc bắt đầu một công việc mới sau khi nghỉ hưu được gọi là “sự nghiệp thứ hai”, hoặc “cuộc sống thứ hai”. Họ tin rằng, đối với một số người, việc làm mang lại cảm giác sống có ý nghĩa và là quy luật của suộc sống, từ đó góp phần cải thiện sức khỏe. Điều này đã truyền cảm hứng cho một thử nghiệm xã hội khác trong việc tạo ra nơi làm việc cộng đồng trong trường học, văn phòng chính phủ và viện dưỡng lão.

日本老人
Rất nhiều người già ở Nhật bắt đầu 'sự nghiệp thứ 2' sau khi nghỉ hưu. (Getty)

Ở tuổi 78, cụ Hiroko Akiyama, đã bắt đầu sự nghiệp thứ hai của mình.

"Tôi từng là giáo sư nhiều năm dạy trong trường đại học" - bà nói. "Khi tôi 70 tuổi, tôi bắt đầu làm nông nghiệp. Thực tế là có bốn người, bao gồm cả tôi, với nhiều kỹ năng khác nhau, chúng tôi thành lập một công ty cho thuê một khu đất nông nghiệp lớn và bắt đầu sản xuất nông nghiệp nhỏ. Khi tôi còn trẻ, tôi muốn trở thành một nông dân. Vì vậy, đó là ước mơ trong nhiều năm qua của tôi."

Khi được hỏi liệu bà có muốn sống đến 100 tuổi hay không, bà nói: "Tôi cũng không chắc. Mẹ tôi đã mất cách đây 3 năm ở tuổi 98. Mẹ tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời. Tôi không chắc là mình muốn sống lâu hơn bà… Tôi không có mong muốn mạnh mẽ về việc sống quá 100 tuổi. "

Lão hóa là gì?

Cathy Slack, một giảng viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu lão hóa sức khỏe Aston ở Birmingham, Vương quốc Anh, tập trung vào nghiên cứu lý do tại sao con người già đi, và liệu có thể làm chậm lại quá trình sinh học này không.

Các dấu hiệu bề ngoài của sự lão hóa đã được biết đến rõ ràng, như nếp nhăn và tóc bạc, nhưng có nhiều thứ hơn bên trong, dưới da của chúng ta tạo nên sự khác biệt.

Lão hóa là một quá trình rất cá nhân, Slack nói, và không có hai người nào già đi theo cùng một cách.

Bà nói, lão hóa thực sự ảnh hưởng đến tất cả các mô trong cơ thể. Nhiều người khi già đi, họ trải qua cái mà người ta gọi là sự suy giảm nhiều mặt liên quan đến tuổi tác, từ não bộ đến hệ thống sinh sản. "Các biểu hiện lão hóa quan sát thấy ở người cao tuổi, đều là do những thay đổi tiềm tại trong các phân tử và tế bào tạo nên các mô này."

Những thay đổi này là những đặc điểm chính của quá trình lão hóa, còn được gọi là dấu hiệu của quá trình lão hóa. Cho đến nay, chín trong số những dấu hiệu đó đã được tìm thấy.

Slack cũng nói rằng điều này cũng bao gồm nhiều quá trình trao đổi chất trong tế bào, chẳng hạn như mất kiểm soát chất lượng protein trong tế bào, và rối loạn chức năng của ty thể trong tế bào. Ti thể là một phần của tế bào sản xuất năng lượng, và chúng hoạt động kém khi già đi. Các tế bào cũng gặp khó khăn trong việc phân tách hay nhân lên nhanh chóng, và sự tích tụ của các tế bào cũ có thể gây viêm các tế bào mới.

"Vì vậy, chúng tôi thấy rằng khi chúng ta già đi theo tuổi tác, tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến chứng viêm, chẳng hạn như bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng lên. Khi dân số già đi, tỷ lệ mắc nhiều bệnh mãn tính cũng tăng lên. Điều này là do tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh này. "

Mặt khác, bộ não thay đổi khi chúng ta già đi. Slack nói rằng kích thước bộ não của một số người trở nên nhỏ hơn. Sự suy giảm thể tích não này dường như xảy ra ở những vùng não có chức năng nhận thức quan trọng. Kết quả là, người cao tuổi có thể bị suy giảm trí nhớ hoặc giảm khả năng xử lý nhiều việc cùng một lúc, hoặc thậm chí thay đổi hành vi. Họ có thể trở nên lo lắng hoặc trầm cảm hơn. Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là, không phải tất cả người cao tuổi đều trải qua những thay đổi này theo cách giống nhau.

Đôi khi trong một gia đình, một hoặc nhiều thành viên ở độ tuổi 80 hoặc 90, vượt quá tuổi thọ trung bình. Kathy Slack nói rằng gen có một vai trò rất hạn chế trong việc này.

Bà nói: “Chúng tôi biết rằng một số người sống lâu hơn những người khác 20% ​​thời gian, nguyên nhân có liên quan đến thành phần gen của họ, nhưng chỉ 20%. Kinh nghiệm sống và môi trường sống trong suốt cuộc đời cũng có thể tác động đáng kể đến mức độ lão hóa. "

Vậy làm thế nào chúng ta có thể cải thiện tỷ lệ sống của mình lên 100 tuổi?

Slack nói rằng nếu các cặp song sinh giống hệt nhau được đặt trong các môi trường khác nhau, họ sẽ lão hóa theo các hình thức khác nhau. Con người đã sống lâu hơn trước, nhưng lối sống không lành mạnh như trước, "đây là một vấn đề chúng ta cần giải quyết".

Bà nói: "Tôi nghĩ rằng một lời khuyên khá nhàm chán, đó là cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh, cố gắng duy trì hoạt động, và ăn uống điều độ khi chúng ta già đi. Không quá nhiều, không quá ít. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, đó là những lời khuyên nhàm chán mà các nhân viên y tế cộng đồng đã cố gắng nói với chúng ta trong nhiều năm qua.”

Duy trì một lối sống lành mạnh, cố gắng duy trì hoạt động, và ăn uống điều độ. (Ảnh pexels)

Vào cuối ngày, việc giúp các tế bào đổi mới và tu bổ, chính là đảm bảo giấc ngủ. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu những lợi ích chống lão hóa của việc nhịn ăn thường xuyên.

Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về quá trình lão hóa vì lĩnh vực nghiên cứu này còn tương đối non nớt. Theo Slack, nó chỉ mới được nghiên cứu sâu trong ba hoặc bốn thập kỷ gần đây.

Có thể trì hoãn sự lão hóa không?

Thật khó để biết chính xác có bao nhiêu người trên thế giới sống đến 100 tuổi hoặc trên 100 tuổi. Vụ Dân số Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 573.000 người vào năm 2021. Cơ quan này dự đoán con số đó sẽ tăng lên.

Tiến sĩ Nir Barzilai là giám đốc Viện Lão hóa tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở Thành phố New York, và là giám đốc khoa học của Liên đoàn Nghiên cứu Lão hóa Hoa Kỳ.

Ông cho biết: “Trong phòng thí nghiệm của tôi, hàng ngày có thể thấy các biện pháp can thiệp cho quá trình lão hóa, một số trường hợp có thể bị trì hoãn, dừng lại hoặc đảo ngược. Tất cả những điều này đều là có thể.”

Tiến sĩ Barzilai nói: “Chúng tôi muốn ngăn ngừa tình trạng già yếu, chúng tôi muốn can thiệp trước khi mọi người mắc bệnh bởi vì già yếu và bệnh tật làm cho cuộc sống trở nên khó khăn.” Vì vậy, với sự giúp đỡ của 750 người cao tuổi và gia đình họ, ông đang thử nghiệm và phát triển những cách tiềm năng để cho phép nhiều người hơn sống đến trên 100 tuổi.

Ông nói, mục tiêu chính là tìm ra gene để kéo dài tuổi thọ. Đây là những gen làm chậm quá trình lão hóa, giữ cho chúng khỏe mạnh trong một thời gian dài, và sử dụng các kiến ​​thức đó để tìm ra các loại thuốc có tác dụng tương tự đối với những người không sống được đến 100 tuổi, thực sự nhanh già hơn.

Nhóm thí nghiệm của Barzilai đang xem xét ba kịch bản cho sự lão hóa trong tương lai, ông nói:

Đầu tiên là khả năng trì hoãn quá trình này. Nó được gọi là Dorian Gray, đó là một nhân vật hư cấu, người không già đi, nhưng anh ta đã già đi trong một bức tranh.

Thứ hai là cái gọi là Wolverine hay là Suối nguồn tươi trẻ, làm cho người già trẻ lại. Nó rất, rất khó, "nó sẽ là điều phức tạp nhất mà chúng tôi có thể làm."

Thứ ba là cái gọi là Peter Pan. Peter Pan không hề già đi. Điều trị cho mọi người mỗi vài tháng hoặc hàng năm khi họ ở độ tuổi 20 hoặc 30 về cơ bản có thể loại bỏ sự lão hóa và làm cho họ lão hóa chậm lại, điều này cũng có nghĩa là kết quả là tuổi thọ có thể vượt quá tuổi thọ tiềm năng, tối đa là thọ 115 tuổi.

Để đẩy nhanh tiến độ, họ có kế hoạch tăng 750 người cao tuổi tham gia lúc đầu lên 10.000 người.

Dấu ấn sinh học là các phân tử chỉ ra các bệnh tiềm ẩn, giống như cholesterol hoạt động đối với bệnh tim. Nhưng việc tìm kiếm các dấu ấn sinh học có tác dụng tương tự đối với quá trình lão hóa là rất khó.

Barzilai nói: "Cần có một loạt các dấu ấn sinh học cần thiết, nhưng các dấu ấn sinh học mà bạn đang tìm kiếm phải đảm bảo hai điều. Thứ nhất, chúng phân biệt tuổi thật với tuổi sinh học của chúng ta, một số người trông trẻ hơn và một số người trông già hơn tuổi. Thứ hai là những dấu ấn sinh học này thay đổi khi chúng ta sử dụng các loại thuốc chống lão hóa trong giai đoạn phát triển.”

Một số loại thuốc đầy hứa hẹn nhắm vào các dấu hiệu lão hóa đã được các cơ quan quản lý phê duyệt và phổ biến rộng rãi, nhưng các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như thuốc để ngăn ngừa sự đào thải sau khi cấy ghép nội tạng, thì không. Tiến sĩ Barzilai đang nỗ lực hoàn thành một thử nghiệm lâm sàng để tái sử dụng một loại thuốc gọi là metformin, được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2.

Về việc liệu ông có thể nhìn thấy một bước đột phá lớn trong lĩnh vực này trong cuộc đời của mình hay không, Barzilai cho biết câu trả lời là có. "Tôi nghĩ rằng có một làn sóng trong lĩnh vực này, người ta đã phát hiện ra rằng lão hóa chính là bước tiếp theo. Những người giàu có trên khắp thế giới đang đầu tư mọi giá để giải quyết vấn đề lão hóa. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra và nó sẽ ngày càng nhanh hơn mà thôi."

"Hãy chăm sóc cơ thể của bạn"

Robert Waldinger là giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard, và là Giám đốc nghiên cứu về sự phát triển người trưởng thành của Đại học Harvard.

Nghiên cứu bắt đầu vào năm 1938, họ theo dõi các sinh viên tại Đại học Harvard. Một năm sau, thêm 456 người nghèo khác lớn lên ở Boston. Ông lưu ý rằng những người có nhiều kết nối hơn và các mối quan hệ tốt hơn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn những người có ít kết nối với người khác.

Ông nói: "Nghiên cứu này đã được thực hiện 84 năm. Theo như chúng tôi biết, đây là nghiên cứu lâu dài nhất về cùng một người từ thời thanh thiếu niên cho đến khi về già. Bây giờ chúng tôi đang nghiên cứu con cái của họ, tất cả đều là thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby bomber - là thuật ngữ chỉ những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1946 đến năm 1964). Lúc đó, ý tưởng là chúng tôi đã dành rất nhiều nỗ lực để nghiên cứu những gì đã xảy ra trong cuộc sống của con người, và nếu chúng tôi bắt đầu nghiên cứu những gì đã được thực hiện đúng, những người có cuộc sống đang đi đúng hướng để tiến bộ lành mạnh, kết quả sẽ rất hữu ích. "

Ông cho biết ban đầu có 724 người tham gia, nhưng gần như tất cả đều đã chết, nhưng có một số - dưới 50 người - những người ở độ tuổi 90, và thậm chí một số người hơn 100 tuổi và vẫn còn sống.

Một số phát hiện của nghiên cứu bao gồm các lĩnh vực quen thuộc với chúng ta ngày nay - những người lựa chọn lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh có xu hướng sống lâu hơn... và còn có cả những phát hiện khác.


Bữa ăn người Nhật có nhiều loại rau đậu (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 2.0)

Giáo sư Waldinger cho biết có một phát hiện đáng ngạc nhiên hơn là có những người có nhiều mối quan hệ hơn với những người khác, kết nối nhiều hơn với những người xung quanh, có những mối quan hệ ấm áp hơn, thực sự khiến họ khỏe mạnh hơn trong suốt cuộc đời của họ. Nghiên cứu dự đoán rằng họ sẽ sống lâu hơn những người ít tiếp xúc với người khác.

Điều này dường như có nghĩa là, (tuổi thọ) không chỉ là về những gì bạn làm... mà còn là cả những ai bạn biết.

Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng nếu bạn làm những điều có ý nghĩa với bạn và làm điều đó với người khác, tiếp xúc với những người có cùng sở thích với bạn, cuối cùng bạn có thể xây dựng những mối quan hệ mới.”

Vậy, cô đơn ảnh hưởng đến tuổi thọ như thế nào?

Hiện có rất nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, Waldinger nói. Lời giải thích tốt nhất là nó liên quan đến căng thẳng và cơ chế điều chỉnh căng thẳng. Hãy nghĩ về điều đó, nếu bạn gặp một chuyện khó khăn hoặc một cuộc trò chuyện khó chịu trong ngày, bạn có thể đã cảm thấy một gánh nặng thể chất tăng lên. Nếu bạn trở về nhà và nói chuyện với một người sẵn sàng lắng nghe, bạn có thể thực sự cảm thấy bình tĩnh lại. "Chúng tôi tin rằng những người cô đơn rất khó để cảm thấy tĩnh lại được. Cơ thể của họ luôn ở trong tình trạng phản ứng với căng thẳng nhẹ. Điều đó có nghĩa là có lượng hormone căng thẳng tuần hoàn cao hơn, gây ra nhiều chứng viêm mãn tính và tổn thương các hệ thống của cơ thể. Vì vậy, thông qua một số nghiên cứu, dự đoán của chúng tôi là các mối quan hệ tốt sẽ giúp chúng ta giảm căng thẳng. "

Nhưng các mối quan hệ có thực sự cần thiết để kéo dài tuổi thọ? Tất cả chúng ta đều biết rằng có những người chỉ thích ở một mình và tình hình cũng rất tốt.

Về điều này, câu trả lời của ông Waldinger là có những người như vậy. "Một số người hướng nội hơn - đó không phải là vấn đề, một số người hướng ngoại hơn. Có quá nhiều người xung quanh, có rất nhiều áp lực đối với người hướng nội và họ có thể chỉ cần một hoặc hai người thân thiết. Đó là những gì họ cần, đó là những gì họ muốn và là tốt đối với họ. Không có cách chung nào để có một cuộc sống lành mạnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng biết rằng vật nuôi cũng có thể mang lại sự thoải mái và niềm vui, có thể giúp chúng ta bình tĩnh hơn."

Theo dõi mức độ hạnh phúc là một phần của Nghiên cứu Phát triển Người trưởng thành của Đại học Harvard. Tuy nhiên, phải mất nhiều thập kỷ để ý nghĩa đầy đủ của những phát hiện này được chấp nhận rộng rãi hơn.

Waldinger nói: “Chúng tôi đã nghiên cứu một số người, những người chỉ bắt đầu nỗ lực tập trung vào các mối quan hệ cho đến khi họ ở độ tuổi 70 hoặc 80, có tình bạn ấm áp hơn và thậm chí tìm thấy tình yêu lần đầu tiên ở độ tuổi 70 và 80. Vì vậy, không bao giờ là quá muộn."

Vậy, làm thế nào để một người sống đến 100 tuổi?

Câu trả lời là, không có gì đảm bảo, nhưng, cố gắng ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên, tìm một ai đó hoặc trò chuyện với động vật, tất cả đều hữu ích.

Nếu bạn sống ở một đất nước có nhiều người cao tuổi hơn những người trẻ tuổi, bạn có thể đã thấy một số thay đổi vào thời điểm hiện tại để đảm bảo những năm sau này của bạn luôn tràn đầy năng lượng và thoải mái.

Hiện tại, không có một phương pháp nào mà hầu hết mọi người có thể sử dụng để trì hoãn, ngăn chặn hoặc đảo ngược quá trình lão hóa, nhưng các nhà khoa học đang nỗ lực để nghiên cứu.

Trước lúc đó, lời khuyên của Giáo sư Robert Waldinger là: “Hãy chăm sóc cơ thể của bạn và luôn nhớ rằng bạn có thể cần nó trong 100 năm”.

Đức Nhã
Theo aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Làm thế nào để sống lâu trăm tuổi? 4 chuyên gia chia sẻ bí quyết