Lễ hội Rước Đèn Trung Thu năm ấy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời hiện đại thì trời chưa kịp tối, ánh điện đã tỏa sáng lung linh, con người đâu biết đến cái thời của đèn dầu, nến, đốt đuốc soi đường. Thời buổi này họa hoằn lắm người ta mới ngước mắt nhìn bầu trời vào những đêm trăng sáng tỏ, nhưng thế hệ chúng tôi thì trăng rằm tháng tám mãi là những ký ức tuổi thơ đẹp theo suốt cuộc đời.

Biết bao mùa trăng đã đi qua!

Ngày ấy, tôi còn nhớ vào những đêm rằm trăng sáng, bố tôi sai tôi hoặc em trai tôi (là 2 đứa lớn trong nhà 5 chị em) trải 2 chiếc chiếu to ra giữa sân rồi kê một chiếc bàn gỗ cao xinh xắn để bố tôi bày mâm cỗ Trung Thu. Mâm cỗ Trung Thu nhà tôi thường có một đĩa xôi vò thật to, mấy bát chè bà cốt, có thả mấy cánh hoa nhài, bánh Trung Thu (một cặp bánh nướng và một cặp bánh dẻo) cùng với ngũ quả (na, bưởi, chuối, hồng, táo). Có năm thư thả ngày mười tư mẹ tôi còn bầy ra làm cả bánh gấc và bánh gai nữa rất là ngon và màu sắc rất đẹp – lúc cúng thì bóc 2 loại bánh xếp xen kẽ trên đĩa nhìn trông rất bắt mắt và muốn ăn ngay!

Khi trăng lên quá ngọn tre, bố tôi trong bộ quần áo chỉnh tế thắp hương trầm thành kính khấn vái Thần linh, mẹ tôi và mấy chị em im lặng dõi theo.

Làm lễ xong bố tôi ngồi xuống chiếu cùng vợ con. Cô em út sà vào lòng bố, ngước đôi mắt tròn to thơ ngây nũng nịu đòi bố kể chuyện chú Cuội cung trăng…

Bố tôi mắng yêu: "Kể bao nhiêu lần đến thuộc lòng rồi còn kể gì nữa!"

Nó lắc đầu quầy quậy: "Con vẫn muốn nghe!”

Thế là câu chuyện bắt đầu:

Chuyện chú Cuội cung trăng

Chuyện xưa kể rằng: Chú cuội có một cây đa quý, lá có thể chữa bách bệnh, thậm chí khiến người chết sống lại. Một hôm Cuội đi vắng. Vợ Cuội đã đổ nước bẩn vào cây quý chữa cải tử hoàn sinh. Cây tự nhiên lung lay gốc rồi bật gốc bay thẳng về trời. Lúc này Cuội vừa về đến thấy vậy chạy tới bám vào rễ cây níu kéo lại; nhưng không được và bị bay lên cung trăng cùng với cây thuốc quý của mình.

Nhìn mặt trăng có thể thấy một vệt đen rõ hình một cây đa cổ thụ có người ngồi dưới gốc. Ngày rằm tháng 8 là ngày trăng sáng nhất, hình ảnh Chú Cuội được nhìn thấy rõ nhất vào ngày này.

Hằng Nga. (Tranh: NTDVN)

Ngoài ra, Trung Thu ngắm trăng là dịp người ta nhìn ánh trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng đêm Trung Thu mà vàng thì được mùa; nếu trăng đêm đó màu xanh lục thì năm đó sẽ có thiên tai. Nếu trăng màu cam sáng thì đất nước sẽ thịnh trị, yên bình. Tục ngữ có câu rằng:

"Muốn ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng tám";

"Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa"...

Phong tục cổ truyền đêm Rằm tháng Tám

Chuyện kể vừa đến hồi kết thì bố tôi đứng lên vái tạ. Đám múa lân, sư tử cũng vừa đến cửa nhà nhảy múa vui trong tiếng trống phách rộn ràng. Đoàn múa biểu diễn lâu trước cửa nhà nào thì người ta cho rằng năm đó làm ăn có lộc. Múa xong chúng đợi gia chủ phát lộc hoặc tiền cho rồi mới rời đi. Đêm hội thật vui vẻ náo nhiệt.

Mâm cỗ Trung Thu. (Ảnh zunnhi)

Các phong tục cổ truyền ấy gần đây bị nhịp sống hiện đại sô bồ làm biến tướng đi ít nhiều. Người ta làm mâm cao cỗ đầy; nhưng chắc chỉ để bàn thờ gia tiên rồi bỏ xuống “xin lộc” rồi ăn chứ mấy người nghĩ đến đem bày ra để trông trăng. Chú Cuội chị Hằng trên kia dần bị lãng quên do bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Bụi mịn che phủ bầu trời thì một ngày nào đó chú Cuội; chị Hằng cũng rời bỏ chúng ta mà đi thôi!

Đêm rước Đèn Trung Thu năm ấy…

Cuộc đời tôi đã qua đi biết bao rằm Tháng Tám, đã trải qua bao lần lễ hội Rước Đèn Trung Thu. Nhưng cái đêm Rước Đèn Trung Thu năm ấy mãi luôn là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời dạy học của tôi.

Năm ấy nhà trường phát động mỗi học sinh tự làm một chiếc đèn để đêm rằm sẽ tổ chức lễ hội Rước Đèn Trung Thu. Những cô cậu học cho nhỏ lớp 6B do tôi làm chủ nhiệm vừa chuyển từ cấp 1 lên cấp 2 sau mấy tháng bỡ ngỡ; nay đã quen với trường mới, lớp mới, bạn mới và các thầy cô mới. Từ chỗ cái gì cũng lạ lẫm nay chúng bắt đầu thích nghi với môi trường mới. Là một giáo viên cũng có chút năng khiếu về nghệ thuật; nên từ báo tường tới cắm trại lớp tôi đều đạt giải xuất sắc. Đầu tháng 8, tôi triển khai việc chuẩn bị làm đèn được phụ huynh và học sinh nhất trí cao.

Vào tối đêm rằm năm ấy, khi ánh trăng vừa nhô lên khỏi mái nhà phòng thư viện là lúc từng tốp học sinh của trường THCS Thị Cầu cũng từ các ngả đường, các con phố nhỏ tay nâng niu chiếc đèn trung thu do chúng tự tay làm; nên bạn nào cũng khuôn mặt rạng rỡ xem chút niềm tự hào với sản phẩm của mình.

Những Thiên Thần nhỏ bé

Lễ hội Rước Đèn Trung Thu năm ấy. (Tranh: NTD)

Ánh trăng dần sáng tỏ, cũng là lúc học sinh toàn trường đội ngũ chỉnh tề. Khi hiệu lệnh của cô tổng phụ trách vang lên: Toàn trường châm nến! (nến đa phần là những hạt bưởi phơi qua 2-3 nắng xâu chuỗi bằng dây thép nhỏ chứ đâu có nhiều loại nến như bây giờ). Hàng mấy trăm chiếc đèn Trung Thu đủ loại, đủ kiểu, muôn hình muôn vẻ vụt sáng lung linh; nhưng không xa xôi mà hiện hữu ngay sân trường này. Học trò thân yêu của tôi đứa nào cũng khuôn mặt ửng hồng.

Ánh trăng trên bầu trời tỏa sáng chiếu soi ánh sao trong những chiếc đèn, và những vì sao trong những đôi mắt trẻ thơ làm tôi trào dâng một cảm giác khó tả. Các trò yêu của tôi: Những thần tiên nhỏ bé trong đêm rằm thật đẹp thật lung linh và vô cùng sinh động. Con người ta trong thiên khung bao la vô tận này nó trở nên đẹp vô cùng khi ta hòa tan viên dung với nó.

Những ánh đèn lồng dạo quanh khắp con phố

Đội hình rước đèn bắt đầu xuất phát: Các trò trong đồng phục của đội nghi thức thành 2 hàng đánh trống ếch rộn ràng. Kế đến lớp 6A, rồi đến những trò nhỏ lớp 6B của tôi đang nâng cao những cây đèn: Này cái đèn ông sao làm khá cầu kỳ, kia cây đèn thuyền buồm, rồi cây đèn ngôi nhà xinh xắn, đèn quả hồng thật tròn to bằng quả bưởi màu sắc thật bắt mắt, đèn trông như đầu một con gấu nhỏ, nữa là cây đèn chùm như một con thỏ xinh xắn…

Lâu lắm rồi họ mới chứng kiến một cảnh trăng trên trời – chú Cuội chị Hằng đêm nay đang dõi theo dưới mặt đất hẳn cũng cười vui trước cảnh trời đất và con người vạn vật giao hòa – vui chân rảo bước chẳng mấy chốc đã quay về cổng trường. Con trai tôi buột miệng: Mẹ ơi! Đã về đến cổng trường rồi tiếc thế đang vui tôi mới chợt tỉnh. Tôi bảo nó: Vì cũng muộn rồi con à! Thằng bé vẫn tiu nghỉu chưa muốn về. (Lúc ấy thành phố Bắc Ninh nhỏ lắm, 2 con phố chính chỉ khoảng 2 km thôi)!

Những hoài niệm khó quên về đêm rước đèn Trung Thu

Vì đã muộn trường chia quà cho các trò chứ không tổ chức phá cỗ ở sân trường như dự định để các cháu về chuẩn bị cho buổi học sáng hôm sau.

Buổi rước đèn ấy để lại ấn tượng vui vẻ mà lũ học trò còn bàn luận vui vẻ trong những giờ ra chơi đến mấy hôm sau. Ấn tượng về buổi Rước Đèn Trung Thu năm ấy luôn là hoài niệm khó quên trong thành viên có mặt ở đêm rằm Trung Thu ấy. Các trò nhỏ của tôi thời ấy đều đã trưởng thành, là những anh bộ đội, chị công an, cô giáo và những doanh nhân thành đạt ở nhiều ngành nghề.

Mỗi lần gặp mặt nhắc lại những kỷ niệm xưa, chúng tôi đều nhớ như in hình ảnh lễ hội rước đèn trung thu năm ấy!

Thượng tuần tháng 7 năm Tân Sửu.

Thùy Linh
Theo MUCnews



BÀI CHỌN LỌC

Lễ hội Rước Đèn Trung Thu năm ấy