Lốc xoáy lửa, mưa máu...: Hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con người có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị, xã hội,...và thường ảo tưởng rằng mình có thể làm chủ được thiên nhiên. Nhưng trên thực tế, khi đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan hay thiên tai, con người chúng ta thật sự vô cùng nhỏ bé và rất dễ bị tổn thương. Những hiện tượng sau đây cũng giúp ta phần nào hiểu rõ hơn điều ấy, và để biết được mình cần làm gì ngay bây giờ trước khi quá muộn.

Hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm các kiểu thời tiết trái mùa, khắc nghiệt, không thể dự đoán, bất thường, bất ngờ và ở điểm cực hạn so với những sự kiện trước đó trong lịch sử.

Những năm gần đây, thế giới ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng cực đoan, phá vỡ rất nhiều các kỷ lục từng có trước nay trong lịch sử. Sự cân bằng của bầu khí quyển ngày càng trở nên mong manh và dần hướng tới một tương lai bất ổn. Các tầng địa chất trên thế giới đang bị tàn phá bởi hỏa hoạn và lũ lụt.

Điều này đã khiến các nhà khoa học cho rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ là "điều bình thường mới" trong những năm tới.

Bất kể chúng ta phát triển khoa học công nghệ cao đến mức nào nhằm bảo vệ con người thoát dần khỏi các yếu tố thiên nhiên, thì chính các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hiện nay lại càng nhắc nhở chúng ta rằng: chúng luôn hiện hữu bên cạnh chúng ta và nó là kết quả của những hành động mà chúng ta đã và đang gây ra.

"Tôi nghĩ mình sẽ thay mặt cho nhiều nhà khoa học để nói lên điều này: Chúng tôi hơi sốc với những gì đang chứng kiến. Đã có sự thay đổi đáng kể trong tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan" - giáo sư khoa học khí hậu Chris Rapley của Đại học London (Anh) nhận định.

Nhiệt độ nóng tới mức 54,4°C

Ngày 16/8/2020, các nhà khí tượng học đã ghi nhận được mức nhiệt độ cao kỷ lục 54,4°C tại Thung lũng Chết ở California, Mỹ. Tại thung lũng này - như đúng với tên gọi của nó - hầu như có rất ít loài động thực vật nào có thể sống sót nỗi bởi điều kiện tự nhiên nơi đây quá khắc nghiệt, và ẩn chứa một sức mạnh thần bí khiến nhiều đoàn thám hiểm không thể thoát ra được để trở về.

Một viên đá tại Thung lũng Chết tự di chuyển trong quãng đường khá dài, dù không phải do áp lực của mưa, gió hay dòng nước (Ảnh: wikipedia) 
Một viên đá tại Thung lũng Chết tự di chuyển trong quãng đường khá dài, dù không phải do áp lực của mưa, gió hay dòng nước (Ảnh: wikipedia)

Tại đây, các nhà cũng ghi nhận là nơi được có cả một tháng xuyên suốt nóng nhất từ trước đến nay. Đó là vào tháng 7/2018 với mức nhiệt độ trung bình hàng ngày là 42,3°C.

Nhiệt độ thấp đến mức -89,2°C

Ngược lại, tại Nam Cực, nhiệt độ có thời điểm xuống đến mức kỷ lục -89,2°C. Con số được ghi nhận vào ngày 21/7/1983 này có biên độ hơn 54°C so với mức trung bình vào Mùa Đông ở vùng đất vốn quanh năm buốt giá này.

Băng tuyết tại Nam cực (Ảnh: pixabay)
Băng tuyết tại Nam cực (Ảnh: pixabay)

Sa mạc khô cằn nhất thế giới bị ngập lụt

Sa mạc Atacama, miền Bắc Chile được ghi nhận là sa mạc khô cằn nhất thế giới, với lượng mưa trung bình hàng năm (từ năm 1964 - 2001) chỉ là 0,5 mm, thấp hơn rất nhiều so với mức từ trung bình từ 100 - 250mm của sa mạc Sahara.

Thế nhưng, vào đầu tháng 2/2019, những cơn mưa lớn đã xả xuống khu vực quanh sa mạc Atacama, gây ngập lụt trên diện rộng. Hậu quả khiến hàng loạt nhà cửa và đường sá bị phá hủy.

Mưa máu xuất hiện ở Ấn Độ

Tháng 7/2001, một trận mưa màu đỏ như máu bí ẩn trút xuống một khu vực rộng lớn ở miền Nam Ấn Độ. Song ngạc nhiên hơn nữa khi các nhà khoa học phát hiện trong hạt mưa thì những tế bào sống không hề có ADN - thành phần cơ bản của sự sống trên trái đất.

Người dân địa phương tin đó là điềm báo trước sự tận thế của thế giới. Trong khi các nhà khoa học thì cố lý giải đây là do ảnh hưởng của bụi sa mạc thổi đến từ Ả Rập hoặc do một loại bào tử vi tảo từ loài Trentepohlia annulata.

'Lốc xoáy lửa' kinh hoàng xuất hiện nhiều hơn

Nếu như vào tháng 1/2003, một cơn lốc xoáy lửa hình thành sau trận cháy rừng tại Canberra, Úc được ghi nhận là cơn lốc xoáy lửa đầu tiên, thì những năm gần đây, thế giới liên tiếp ghi nhận hàng loạt các cơn lốc xoáy lửa tương tự như thế xảy ra tại Mỹ, Canada, Bồ Đào Nha… với sức tàn phá ngày càng nặng nề.

Và mới đây, ngày 31/8/2021, tại bang California (Mỹ), hiện tượng lốc xoáy lửa lại xuất hiện. Ngọn lửa đã phá hủy gần 500 công trình kiến trúc, làm 5 người bị thương và thiêu rụi hơn 177.000 mẫu rừng tại California.

Tia chớp kéo dài lâu nhất

Người ta thường nói “nhanh như chớp” do thông thường một tia chớp chỉ xuất hiện khoảng 0,2 giây. Thế nhưng, ngày 4/3/2019, tại phía bắc Argentina lại xuất hiện tia chớp kéo dài tới 16,73 giây và dài tới 643 km vắt ngang bầu trời.

Độ dài của tia chớp này gần bằng với tia chớp xuất hiện tại Brazil vào năm 2018 nhưng nó có thời gian tồn tại trên bầu trời lâu hơn.

Tia chớp dài 700km trên bầu trời Brazil (Ảnh: Tổ chức khí tượng thế giới)
Tia chớp dài 700km trên bầu trời Brazil (Ảnh: Tổ chức khí tượng thế giới)

Tuyết rơi giữa mùa hè

Ngày 28/7/2020, Bắc Kinh bất ngờ gặp cảnh tuyết rơi giữa mùa hè hiếm hoi. Tiếp đó, đến tháng 5/2021, người dân ở Mông Cổ lại giật mình thức giấc cả thành phố chìm trong tuyết trắng ngay giữa mùa hè, nhiệt độ sụt mất 20oC. Ngay sau đó, thành phố Căn Hà, Trung Quốc cũng đón một mưa lớn và tuyết phủ trắng xóa.

Hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện từ năm 2020 đến nay

Nếu như trước đây, hiện tượng thời tiết cực đoan rất hiếm khi xảy ra. Nhưng trong một năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện liên tiếp của rất nhiều hiện tượng cực đoan, cả từ Đông sang Tây.

Những tai họa thiên nhiên như: mưa đá, lở đất, sạt núi, sụp hố tử thần, cháy rừng, sóng thần, động đất, châu chấu, tuyết rơi giữa mùa hè, nắng lửa giữa mùa đông… với mức độ ngày càng dữ dội, ngày càng thường xuyên như thử thách giới hạn chịu đựng cuối cùng của con người trên khắp hành tinh.

Vào giữa tháng 7/2021, một số nước Châu Âu, đặc biệt là Đức và Bỉ, đã hứng chịu những trận lũ lụt kinh hoàng do các cơn mưa lớn liên tục, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Mưa lũ cũng đã gây nhiều thiệt hại nặng nề ở các nước láng giềng Hà Lan, Luxembourg và Thụy Sĩ. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, lượng mưa trong hai ngày 14 và 15/07 ở những nước đó đã bằng với lượng mưa bình thường của hai tháng.

Trong khi đó, tại nhiều nơi khác, kể cả Canada, nhiệt độ bổng tăng vọt một cách bất thường vào cuối tháng 6, có khi lên tới gần 50°C. Bang California và Oregon của Hoa Kỳ cũng bị đợt nóng tương tự, dẫn đến những vụ hỏa hoạn dữ dội mà cho đến hôm nay vẫn chưa được dập tắt. Vụ hỏa hoạn lớn nhất được mệnh danh là “Bootleg Fire” ở bang Oregon trong hai tuần đã thiêu rụi một diện tích rừng tương đương với diện tích của thành phố Los Angeles.

Tại châu Á, đặc biệt tại Trung Quốc, hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xuất hiện. Từ cơn mưa lũ gây ngập lụt “nghìn năm có một” tại thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam hồi tháng 7/2021, hạn hán, nạn châu chấu tại nhiều tỉnh thành, đến sét đánh, vòi rồng tại Trùng Khánh ngày hôm qua 1/9/2021…

Tất cả đã đưa con người đến điểm tới hạn của sức chịu đựng và buộc phải “sống chung với lũ” trong cái gọi là “thời tiết bình thường mới”.

Đây là thiên tai hay nhân họa?

Có câu nói rằng: “Trăm triệu hạt mưa rơi, không hạt nào rơi nhầm chỗ… mọi thứ đều là duyên phận an bài”. Vậy phải chăng những hiện tượng thời tiết cực đoan ấy chỉ đơn thuần là chuyện ngẫu nhiên của ông trời? Hay đó chính là kết quả của một quá trình dài con người chúng ta đã quá ngạo mạn, "hoán Trời đổi Đất", cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cho mục đích làm giàu vô độ của chính mình, khiến thiên nhiên không thể phục hồi.

Thế nên, những hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian qua chính như thông điệp mà thiên nhiên muốn nhắn gửi đến chúng ta: “Hỡi nhân loại ‘tiên tiến’ và ‘ông chủ’ tự phong của thiên nhiên kia, nên khiêm tốn lại một chút nếu muốn sống yên ổn trên mặt đất này”. Bởi tự nhiên chỉ cần vài trận đại dịch, đại hồng thủy hay động đất quy mô lớn toàn thế giới cũng có thể xóa sổ nhân loại và rồi sau đó lại tự hồi phục như xưa.

Trước những thiên tai, dịch họa ngày nay, rất cần chúng ta nên có những khoảng lặng để nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót của bản thân mình và những gì thật sự ý nghĩa nhất trong cuộc sống. Liệu đó có phải là vật chất, danh lợi hay chính là sinh mệnh của mình, là sự an yên trong một cuộc sống thiện lương, giàu lòng trắc ẩn. Để từ đó, có được những thái độ và hành động đúng đắn khi đối xử với thiên nhiên và con người.

Hoa Long



BÀI CHỌN LỌC

Lốc xoáy lửa, mưa máu...: Hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều