Luật sư Do Thái: Đức tin Pháp Luân Công đến từ vị Thần tối cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi đọc hai bài “Vì sao có nhân loại” và “Tại sao Sáng Thế Chủ muốn cứu độ tất cả chúng sinh” của Đại sư Lý Hồng Chí , người sáng lập Pháp Luân Công, trong một cuộc phỏng vấn với NTDTV, độc giả của The Epoch Times - Jeffrey Donner nói: "Tín ngưỡng của Pháp Luân Công xuất phát từ sự mặc khải của một Đấng tối cao", và "những lời dạy của vị Thần này mà họ áp dụng giống với tinh túy của tư tưởng phương Tây".

Xem:

Vì vậy, Donner tin rằng nếu mọi người hiểu về Pháp Luân Công, cũng như biết về lịch sử toàn diện của các tôn giáo phương Tây, và tìm thấy những điểm tương đồng giữa hai tôn giáo này, thì họ sẽ không dung thứ cho sự thù hận Pháp Luân Công của ĐCSTQ và của một số người, và sẽ chấp nhận Pháp Luân Công.

Jeffrey Donner tốt nghiệp Harvard chuyên ngành quan hệ quốc tế, và đến Đại học Boston để học luật. Trong thời gian học đại học, ông gia nhập Hải quân, từng là thẩm phán và công tố viên của quân đội tại một căn cứ hải quân, và chủ tọa nhiều tòa án quân sự. Sau đó, ông thành lập công ty luật riêng, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản và thương mại tài chính. Hiện ông là luật sư xét xử tại tòa án bang New Jersey và tòa án liên bang.

Ngoài ra, Donner, người Do Thái, có lịch sử 16 năm phục vụ tôn giáo dành riêng cho Do Thái giáo. Ông nói rằng ông rất quen thuộc với các lĩnh vực tôn giáo như Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo, đồng thời cũng có một số kiến ​​​​thức về Ấn Độ giáo, và có bạn bè là tín đồ của các tôn giáo khác nhau.

Pháp Luân Công rất giống với suy nghĩ của chúng ta

Donner nói rằng ông quan tâm đến Pháp Luân Công trước khi đọc bài viết của Đại sư Lý, bởi vì vị hôn thê của ông luôn quan tâm về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các tín đồ Pháp Luân Công.

"Theo ý kiến ​​của tôi, Pháp Luân Công có Thần học độc đáo riêng, nhưng tôi cảm thấy rằng hầu hết Thần học cũng như mục tiêu và giá trị của nó, như được trình bày trong bài viết, hoàn toàn thuộc về những gì tôi coi là tư tưởng tôn giáo phương Tây. Theo tư tưởng tôn giáo phương Tây, ý tôi là đạo Do Thái, Cơ đốc giáo, thậm chí là Hồi giáo. Tôi thậm chí còn thấy một số điểm tương đồng với Ấn Độ giáo. Pháp Luân Công là một Thần học đa Thần, nhưng điểm mấu chốt là đạo đức”.

Donner nói: "Trọng tâm niềm tin của Pháp Luân Công là có một Đấng tối cao đã tạo ra mọi thứ. Bài viết này nói về sự hy sinh của Đấng tối cao đó cho thế giới này, điều này phù hợp với Thần học trong tín ngưỡng của tôi".

Ông cũng hiểu rằng, sinh mệnh "Tối cao" này chuyển sinh trong vô số cơ thể. Mặc dù điều này khác với các tôn giáo phương Tây, nhưng "khái niệm này không phải là mới đối với Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo" - Donner nói.

"Bởi vì tôi tin rằng quan điểm chung của chúng ta về các cá nhân là có một phần của Chúa trong họ, rằng có một ánh hào quang thiêng liêng đối với mỗi người trong số họ, và đó là lý do tại sao chúng ta đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng như nhau".

Ông nói: "Các thể chế của chúng ta, đặc biệt là các nền dân chủ của chúng ta, dựa trên các giá trị cá nhân, các cá nhân tập thể trao quyền cho chính phủ và Chúa trao quyền cho các cá nhân trong tập thể. Vì vậy, ngay cả khi thoạt nhìn, những khái niệm này có vẻ không liên quan, nhưng chúng rất gần gũi đến suy nghĩ chủ đạo của chúng ta”.

Khái niệm về Đấng Tạo Hóa cũng gần gũi với chúng ta

Ngoài ra, Luật sư Donner đã đề cập rằng có một khái niệm khác trong bài viết của Đại sư Lý “rất gần gũi” với Do Thái giáo và các tôn giáo phương Tây khác, đó là khái niệm về Đấng Tạo Hóa.

“Khái niệm Pháp Luân Công rất gần với một khái niệm cơ bản trong Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo” - Ông nói rằng mặc dù người Do Thái không thảo luận về vấn đề này hàng ngày, nhưng nó chắc chắn được đề cập đến vào những thời điểm nhất định trong năm. "Chúng tôi tin rằng sẽ có một Đấng Cứu Thế trong tương lai, và tôi hiểu Chúa Giê-su trong Cơ Đốc giáo cũng vậy. Những người theo đạo Cơ Đốc tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, và rằng Chúa Giê-su đã đến lần thứ nhất, và sẽ có lần thứ hai, Chúa Giê-su sẽ đến để trở thành Đấng Mê-si-a. Trong đạo Do Thái, chúng tôi tin rằng Đấng Mê-si-a vẫn chưa đến, rằng nhà tiên tri Ê-li sẽ là người báo trước về Đấng Mê-si-a đó, và rằng chúng tôi mong đợi sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a, sẽ là cái gọi là 'thời kỳ cuối cùng'."

Vì vậy, Donner nói: "Đấng Tạo Hóa" (Sáng Thế Chủ) không nhất thiết phải là một thuật ngữ của người Do Thái, nhưng điều mà người Do Thái tin là vào thời kỳ cuối cùng, "những người đã qua đời sẽ sống lại từ cõi chết và Chúa sẽ giải thích mọi thứ bí ẩn mà chúng ta không thể hiểu được".

“Đó là một phần quan trọng của Do Thái giáo, nó là một phần quan trọng của Cơ Đốc giáo… đó là một sự kiện song song, rất giống nhau đối với Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, và nó phù hợp với các khái niệm trong bài viết của Pháp Luân Công”.

“Tình yêu của Đấng Tạo Hóa, Đấng Tối Cao dành cho con người là mối ràng buộc tuyệt đối trong tất cả các tôn giáo phương Tây, không nghi ngờ gì về điều đó” - Donner nói - “Tình yêu của Đấng Tối Cao dành cho loài người mà Ngài tạo ra là bản chất tuyệt đối của tôn giáo. Đây cũng là một đặc điểm cốt lõi của Pháp Luân Công, cho dù bạn nhìn nó từ quan điểm của người Do Thái, quan điểm của Cơ Đốc giáo hay quan điểm của người Hồi giáo”.

Không thể ủng hộ sự thù hận nếu bạn thực sự biết lịch sử tôn giáo

Với nghiên cứu của Donner về các tôn giáo phương Đông và phương Tây cũng như những nỗ lực của ông trong việc xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc, ông tin rằng nếu mọi người thực sự hiểu về lịch sử của các tôn giáo, tập tục thù hận lẫn nhau giữa các tôn giáo khác nhau sẽ biến mất.

Ông nói: “Chúng ta đã có chiến tranh thế giới và các loại xung đột khác chống lại các niềm tin không thể chấp nhận được, và các phong trào chính trị và tín ngưỡng cấu thành sự đe dọa đối với thế giới. Tất cả những thứ như chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, tư tưởng chống Cơ Đốc giáo… đều có nguồn gốc từ yếu tố thù hận. Nếu bạn thực sự hiểu lịch sử ra đời của những tôn giáo này như thế nào, đồng thời hiểu những gì họ đang cố gắng thúc đẩy, và các tôn giáo liên quan với nhau như thế nào, thì điều đó rất tốt, thì bạn không thể ủng hộ sự thù hận như thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy đó".

Donner tin rằng quá trình tìm hiểu Pháp Luân Công cũng giống như vậy.

Ông nói: "Thoạt đầu, Pháp Luân Công có vẻ xa lạ với suy nghĩ của chúng ta, nhưng trên thực tế môn tu luyện này rất giống với suy nghĩ của chúng ta. Một khi bạn hiểu điều này, thì không có cơ sở nào để khoan dung hay chấp nhận sự căm ghét đối với họ. Vì vậy giáo dục là then chốt, và sự hiểu biết về Pháp Luân Công cũng là then chốt”.

Donner rất khâm phục vị hôn thê của mình vì đã quan tâm đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công. "Cô ấy là một người rất rõ ràng. Cô ấy đã tham gia vào rất nhiều hoạt động chính trị và có quan điểm rõ ràng. Cô ấy là một người rất mạnh mẽ. Lần đầu tiên cô ấy khiến tôi chú ý đến Pháp Luân Công và tình cảnh khốn cùng của họ ở Trung Quốc".

Ông nói: "Cô ấy đang theo dõi vấn đề này và cô ấy kinh hoàng vì nó, giống như cô ấy đã từng làm với người Duy Ngô Nhĩ. Cả hai chúng tôi hoàn toàn không khoan nhượng đối với việc đàn áp một nhóm người chỉ vì quan điểm đạo đức hoặc tôn giáo của họ".

Tôi hy vọng rằng chính phủ của tất cả các quốc gia sẽ tích cực hơn trong việc phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ

Donner nói rằng ông bị sốc và không hài lòng khi mọi người hoặc chính phủ trên thế giới ngày nay không chú ý đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Ông nói: "Thật ngạc nhiên là có nhiều người không biết, mặc dù những câu chuyện này đã được đưa tin. Thật không may, những điều này không nhận được đủ sự chú ý trên các phương tiện truyền thông đại chúng, có lẽ chỉ trên một số tờ báo như The Epoch Times mới được đưa tin. Tôi nghĩ, cái gọi là phương tiện truyền thông chính thống của chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến những câu chuyện này. Trước khi quá muộn, chúng ta nên làm nhiều hơn nữa".

Donner giải thích rằng, ý ông muốn nói là phương Tây nên tuyên bố rõ ràng các nguyên tắc của mình với ĐCSTQ.

Ông nói: “Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng, tôi nghĩ nó rất quan trọng. Tôi hy vọng các chính phủ sẽ tích cực hơn trong việc có lập trường chính thức chống lại điều này (cuộc đàn áp Pháp Luân Công), và đưa vấn đề này vào cuộc đối thoại ngoại giao của chúng ta, đưa nó lên Liên Hợp Quốc, thảo luận công khai tại Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an, và hy vọng rằng các phương tiện truyền thông của chúng ta sẽ chú ý và thảo luận về những gì đang thực sự xảy ra, và nó không thể chấp nhận được như thế nào".

Thi Bình - Epoch Times
Thanh Hà biên dịch



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Luật sư Do Thái: Đức tin Pháp Luân Công đến từ vị Thần tối cao