‘Made in Việt Nam’: Tại sao Hà Nội muốn tự sản xuất vaccine?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù nhìn theo cách nào đi chăng nữa, thì thành tích của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch là rất đáng chú ý. Trong số gần 100 triệu người Việt Nam, chỉ có hơn 4000 trường hợp mắc Covid-19 và 36 trường hợp tử vong. Mặc dù nguồn cung còn thiếu hụt, Việt Nam hiện đang tìm cách phát triển các loại vaccine Covid-19 của mình.

Giờ đây, trong bối cảnh làn sóng virus mới đang hoành hành ở Đông Nam Á trong những tuần qua, Việt Nam lại trở nên nổi bật một lần nữa.

Là quốc gia duy nhất trong khu vực phản đối lại chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc dù nguồn cung còn thiếu hụt, Việt Nam hiện đang tìm cách phát triển 4 loại vaccine “cây nhà lá vườn” của chính mình.

Nanocovax - loại vaccine Covid-19 có triển vọng nhất hiện nay của Việt Nam, được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen - hiện đang được thử nghiệm lâm sàng tại Học viện Quân y Việt Nam ở Hà Nội và có tham vọng vươn ra toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Sydney Morning HeraldThe Age, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nanogen, Tiến sĩ Đỗ Minh Sĩ cho biết, ông hy vọng loại vaccine này sẽ sớm được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Theo ông, Nanogen có khả năng sản xuất 120 triệu liều vaccine mỗi năm, và hiện đang thỏa thuận mở rộng công suất với các nhà máy sản xuất của Ấn Độ và Hàn Quốc.

Ông nói: “Chúng tôi có thể sản xuất vaccine của mình ở đó, và sau đó chúng tôi có thể bán ra thế giới. Đây là kế hoạch của chúng tôi”.

“Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc tiêm chủng vì chúng tôi đã sản xuất được rất nhiều vaccine cho người dân Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ công nghệ của mình với các quốc gia có thu nhập thấp”, ông nói.

Nanogen hiện đang gấp rút thực hiện giai đoạn ba của thử nghiệm lâm sàng. Tiến sĩ Đỗ Minh Sĩ cho biết, một số thử nghiệm sẽ được tiến hành ở Philippines và Bangladesh, vì Việt Nam có số ca mắc thấp nên rất khó để chứng minh đầy đủ tính hiệu quả của vaccine.

Việt Nam đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới để chuyển giao công nghệ - cho phép một công ty trong nước bắt đầu sản xuất vaccine dựa trên mRNA (các mũi tiêm Pfizer-BioNTech và Moderna cũng được phát triển dựa trên mô hình này).

Tiến sĩ Đỗ Minh Sĩ cho biết, điểm hấp dẫn của Nanocovax là nó có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, không khắt khe như yêu cầu bảo quản dưới 0 độ C của vaccine mRNA, do đó nó rất lý tưởng để phân phối trên khắp Việt Nam và các nước trong khu vực.

“Đây là lý do tại sao tôi rất tin tưởng rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang chờ đợi vaccine của chúng tôi. Chúng tôi không thể chờ đợi vaccine của nước ngoài”, ông nói.

Là quốc gia Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng kinh tế vào năm ngoái, Việt Nam đã chống lại sự gia tăng của COVID-19 với các chiến lược bao gồm: chốt chặn cục bộ, truy vết tiếp xúc nhanh chóng và kỹ lưỡng, đồng thời tuân thủ việc đeo khẩu trang bắt buộc và giãn cách xã hội.

Làn sóng Covid-19 mới hiện đang tấn công Việt Nam khiến các nhà chức trách phải cảnh giác cao độ. Đã có hơn 800 trường hợp mắc mới trên 25 trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam kể từ cuối tháng trước.

Tuy nhiên, những con số này vẫn rất “nhạt nhòa” khi so với mức tăng đáng báo động trong tháng qua ở nước láng giềng Campuchia (tăng vọt từ tổng số 500 ca vào tháng 2 lên hơn 20.000 ca) và Thái Lan (có ít hơn 7.000 ca dương tính vào năm ngoái và hiện có tổng cộng gần 90.000 ca).

Việt Nam hiện đang chuẩn bị phương án cho tình huống cả nước có 30.000 ca mắc Covid-19. Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện Nghiên cứu Công cộng Woolcock tại Hà Nội và Đại học Sydney, cảnh báo đợt bùng phát hiện nay khác với đợt bùng phát trước đây vì virus đã lây lan rộng khắp các tỉnh thành.

“Ngay cả khi vaccine được phát triển trong nước và an toàn, thì việc có đủ nguồn lực để sản xuất đại trà hay không vẫn là vấn đề lớn nhất đối với Việt Nam. Tôi không chắc liệu đất nước có đủ tiềm lực tài chính để biến điều đó thành hiện thực hay không”, bà Thu Anh nói.

Trước đây, Việt Nam đã sản xuất vaccine cúm nhưng Rogier van Doorn, một nhà vi sinh học người Hà Lan, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Hà Nội, đồng ý rằng việc sản xuất số lượng lớn vaccine COVID-19 để đáp ứng nhu cầu là rất khó khăn.

“Có năng lực kiểm soát chất lượng để làm điều đó, nhưng quy mô được yêu cầu hiện nay là chưa từng có ... 200 triệu liều là một vấn đề khác với những gì họ đã làm cho đến bây giờ”, ông cho biết.

Cho dù điều đó có thể đạt được hay không, nhưng ông mô tả phản ứng tổng thể của Việt Nam đối với virus hiện đang khá tốt.

Thanh Hương

Theo The Sydney Morning Herald



BÀI CHỌN LỌC

‘Made in Việt Nam’: Tại sao Hà Nội muốn tự sản xuất vaccine?