Món ăn ngày Tết cổ truyền Việt Nam 3 miền Bắc-Trung-Nam có gì đặc biệt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi dịp Tết đến xuân về là khoảng thời gian để mọi người trong gia đình đoàn tụ, sum vầy dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình. Không chỉ thể hiện cho sự no ấm, hạnh phúc mà còn mong ước có một năm mới đầy đủ và phát đạt, vì vậy mâm cỗ ngày Tết được mọi gia đình chú trọng. Mâm cỗ có thể lớn hoặc nhỏ tùy theo điều kiện của mỗi nhà, mỗi vùng miền lại mang nét đặc trưng riêng.

Ngày Tết Nguyên đán chứa đựng văn hóa truyền thống ở nhiều phương diện, trong đó có văn hóa ẩm thực, đặc biệt mỗi vùng miền vừa có điểm chung lại mang đặc trưng riêng. Cùng khám phá một số món ăn đặc trưng trong ngày Tết của 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Các món ăn ngày Tết ở Miền Bắc

Mâm cơm Tết truyền thống ở miền Bắc rất chú trọng hình thức, sự phối hợp tinh tế, hài hòa giữa những món nước và món khô, giữa thịt và rau, tạo nên thực đơn phong phú với những món ăn giàu dinh dưỡng.

1. Bánh chưng

Bánh chưng cũng là đặc trưng của ngày Tết Việt, các món khác có thể thiếu nhưng không thể thiếu bánh chưng. Đây là loại bánh có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam từ sự tích Bánh chưng bánh giày, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời.

Bánh chưng là sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu xanh, tiêu cay nhẹ và mỡ heo béo ngậy đã tạo mang đến hương vị vô cùng đặc biệt.

2. Thịt đông

Thịt đông là món ăn truyền thống, độc đáo và tinh túy của người Việt, đặc biệt với người miền Bắc. Món thịt đông dùng trong tiết trời lạnh giá lại trở nên ấn tượng. Thịt đông nấu mềm, thanh mát không ngấy. Khi ăn thường được dùng chung với dưa hành.

3. Gà luộc

Theo quan niệm của người xưa, gà là biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ. Chính vì thế, chúng luôn có mặt trong hầu hết các bữa tiệc, không chỉ vì ý nghĩa dân gian mà đơn giản là vì độ ngon và dễ ăn của nó. Những miếng thịt gà có màu vàng tươi, dai, thơm thịt chấm với muối chanh ớt tạo nên một hương vị quen thuộc, gần gũi.

Đây có thể là một món ăn quen thuộc hàng ngày, trong các bữa tiệc theo quan niệm của người xưa, gà là biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ được sử dụng để cúng gia tiên, cúng giao thừa. Không chỉ mang ý nghĩa dân gian mà đơn giản vì độ ngon và dễ ăn của nó. Những miếng thịt gà có màu vàng tươi, dai, thơm thịt chấm với muối chanh ớt tạo nên một hương vị quen thuộc, gần gũi.

4. Giò lụa

Nói đến các món ăn ngày Tết của người miền Bắc mà bỏ qua giò thật là thiếu sót. Mang ý nghĩa “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”, nên nó thường được đặt ở chính giữa bàn ăn.

5. Nem rán

Là món ăn rất quen trong cuộc sống thường nhật, song với người dân miền Bắc đặc biệt là những người Hà Nội xưa, trong mâm cơm ngày Tết không khi nào thiếu món nem rán. Đặc biệt đây cũng là món yêu thích của nhiều người. Nhân nem được làm từ miến, mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt, giá đỗ, hành lá, thịt xay, trứng gà, gia vị… cuộn trong miếng bánh đa nem và rán thật giòn.

6. Canh măng nấu chân giò

Bát canh măng khô nấu chân giò là món ăn truyền thống trong ngày Tết ở miền Bắc. Để nấu canh măng, những bà nội trợ khéo léo không dùng măng tươi mà dùng măng khô kết hợp với chân giò làm món chân giò bớt ngấy, ngược lại chân giò cũng làm cho măng khô mềm mại dễ ăn. Sự kết hợp đơn giản nhưng lại làm nên một món ăn tinh tế của người miền Bắc trong ngày đầu xuân.

7. Dưa hành

Ông cha ta xưa đã có câu: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Vị chua chua, mằn mặn, ngòn ngọt, giòn giòn của hành muối ăn cùng với bánh chưng thịt mỡ làm tan biến hết ngấy của thịt mỡ.

Câu đối Tết. (Ảnh DKN)

Các món ăn ngày Tết ở miền Trung

1. Bánh tét

Người miền Bắc có bánh chưng xanh thì miền Trung người ta lại sử dụng bánh tét hay còn gọi là bánh đòn. Loại bánh này xuất phát từ ẩm thực của một số dân tộc thiểu số ở miền Nam và miền Trung Việt Nam.

Bánh tét được gói bằng lá chuối thay vì gói bằng lá dong như bánh chưng. Bánh có hai loại nhân là nhân mặn và nhân ngọt, bánh nhân ngọt chỉ có đậu xanh còn bánh nhân mặn có thêm thịt lợn. Bánh được gói thành hình trụ chứ không phải hình vuông như bánh chưng miền Bắc.

2. Nem chua

Cũng là món nem trong ngày Tết nhưng là nem chua, là một trong những đặc sản của miền Trung, họ đem làm món ăn truyền thống trong ngày Tết. Món ăn này được làm từ thịt heo, sau khi đã được tẩm ướp gia vị thì được gói lại trong lá ổi hoặc lá chùm ruột, bọc bên ngoài là lá chuối rồi để vài ngày cho có vị chua chua, cay cay, giòn giòn là ăn được.

3. Dưa món

Dưa món là món ăn kèm "chống ngán" hiệu quả trong ngày Tết, thường dùng ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hay cơm. Có thể làm dưa món từ các loại củ quả như: su hào, cà rốt… Cách làm dưa món không khó, nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận và tỉ mỉ để có thành phẩm hoàn hảo từ hương vị, màu sắc cho đến độ giòn.

4. Thịt lợn ngâm nước mắm

Thịt lợn ngâm nước mắm được xem là thức ăn đặc sản trong các món ngon ngày Tết miền Trung. Với người dân miền Trung, ngày Tết ngoài đôi bánh tét, dưa món, nhất định phải có thêm hũ thịt ngâm nước mắm. Nếu thiếu hương vị ngòn ngọt, mặn mặn của món ăn này, mâm cơm ngày Tết dường như không còn đầy đủ và trọn vẹn. Thịt ngâm nước mắm có vị mặn ngọt, rất dễ kết hợp với nhiều món ăn khác nhau.

5. Giò bò

Giò bò miền Trung có điểm khác so với 2 miền Nam, Bắc là có nhiều tiêu sọ nên rất thơm. Giò bò miền Trung sử dụng hoàn toàn thịt bò để làm, không thêm bất kì nguyên liệu nào khác để trợ vị nên rất đậm vị bò. Một điểm đặc biệt là thịt bò dùng làm giò thường phải có ít mỡ để thành phẩm mềm hơn.

Các món ăn ngày Tết ở miền Nam

1. Bánh tét

Miền Nam người ta cũng ăn Tết với bánh tét như miền Trung. Tuy nhiên, có chút khác biệt đó là miền Trung chỉ sử dụng bánh nhân mặn truyền thống thì ở đây, người ta đã sáng tạo ra nhiều loại hơn để phục vụ nhu cầu của mọi người.

Thường thì họ thích ăn bánh tét ngọt (nhân chuối, thường là chuối Xiêm) hay bánh tét chay (nhân đậu đen). Cá biệt có một số nhà còn làm bánh tét thập cẩm với nhân gồm trứng muối, tôm khô, lạp xưởng, thịt giò, hạt sen, nấm đông cô, đậu xanh. Mỗi một loại lại có hương vị đặc trưng riêng nhưng đều rất hấp dẫn.

2. Thịt kho trứng

Thịt kho trứng có thể gọi với nhiều tên như thịt kho tàu, thịt kho tiêu, thịt kho nước dừa với ý nghĩa trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý và hầu hết các gia đình đều kho một nồi thịt lớn để ăn dần trong ngày Tết, vì phong tục không nấu nướng vào những ngày đầu năm.

3. Canh khổ qua nhồi thịt

Người miền Nam ăn canh khổ qua nhồi thịt với mong muốn cái "khổ" của năm cũ sẽ nhanh chóng "qua" đi, bắt đầu một năm mới thật suôn sẻ và hạnh phúc. Hơn nữa ngày Tết mọi người thường ăn các món có nhiều dầu mỡ thì món canh khổ qua nhồi thịt sẽ giúp đỡ ngán hơn rất nhiều. Vì vị đắng của khổ qua nên món ăn này hơi kén người ăn song nó lại cực kỳ bổ dưỡng và giải nhiệt cơ thể rất tốt.

4. Củ kiệu

Nếu miền Bắc có món dưa hành muối thì ở miền Nam cũng có món củ kiệu muối chua để “chống ngán” trong ngày Tết. Củ kiệu trắng, nhỏ và dài hơn củ hành một chút, thường được dùng trong mâm cỗ Tết với ý nghĩa sang năm mới sẽ được tiền bạc đầy nhà và thăng quan tiến chức.

Mỗi dịp Tết Nguyên Đán, tùy vào thói quen ăn uống mỗi nhà sẽ có những món ăn riêng, song dù là nhiều hay ít cũng đều có các món ăn mang phong vị ngày Tết cổ truyền kể trên.

Nguyên Anh tổng hợp

(Tham khảo Sức khỏe đời sống và Lữ hành Việt Nam)



BÀI CHỌN LỌC

Món ăn ngày Tết cổ truyền Việt Nam 3 miền Bắc-Trung-Nam có gì đặc biệt?