Một ngôi làng cổ cách đây hơn vạn năm và tòa tháp nơi những người vô hình nói chuyện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Iran có rất nhiều di tích cổ lâu đời, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau điểm qua 2 "Di sản Thế giới" lâu đời và đặc biệt của Iran. Một ngôi làng hang động hàng vạn năm và một ngọn tháp hùng vĩ với những âm thanh huyền bí.

Cảnh quan văn hóa Meymand

Có một ngôi làng lịch sử ở quận Shahri Babak, tỉnh Kerman, Iran, có niên đại từ 12.000 năm trước được gọi là "Meymand".

"Meymand" nằm trong khu vực sa mạc trên cao nguyên Iran, nơi có điều kiện sống khó khăn với khí hậu nóng nực vào mùa hè và lạnh giá vào mùa đông. Nơi đây những người dân bán du mục sinh sống, làm nghề nông và chăn nuôi. Họ sử dụng ngôn ngữ cổ xưa, là ngôn ngữ cổ của triều đại Sassanid và ngôn ngữ Ba Tư cổ đại. Từ mùa xuân đến mùa thu, họ sống ở các vùng khác nhau trên núi, vào mùa đông, họ vào đá các hang động dưới đáy thung lũng để sinh sống. Một số hang động có tuổi đời lên đến 3.000 năm, và có khoảng 350 hang động như vậy.

Các tác phẩm chạm khắc trên đá có niên đại gần 10.000 năm tuổi, đồ gốm khoảng 6.000 năm tuổi được tìm thấy xung quanh "Meymand", điều này cho thấy những di tích này đã trải qua một thời gian rất lâu dài. Vào năm 2015, khu vực này đã được công nhận là một trong những Di sản Thế giới với "Cảnh quan văn hóa Meymand".

Meymand, Kerman Province, Iran (28015836387).jpg
Một số hang động có tuổi đời lên đến 3.000 năm, và có khoảng 350 hang động như vậy. (Ảnh: wikipedia/ CC BY SA 2.0)

Có hai giả thuyết về nguồn gốc của di tích làng cổ vạn năm này.

Giả thuyết thứ nhất là: Khoảng thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ tám trước Công nguyên (TCN), ngôi làng "Meymand" này được thành lập bởi các bộ lạc Arya. Những người theo chủ nghĩa Mithraism tin rằng mặt trời là tối cao và những ngọn núi được coi là linh thiêng. Do đó các nghệ nhân đã tích hợp tôn giáo vào cuộc sống, trình bày các ý tưởng này trong các cấu trúc kiến trúc của “Meymand”

Giả thuyết thứ hai là: Trong thời đại "Đế chế Parthia" từ năm 247 đến năm 224 TCN, nhiều bộ lạc ở miền Nam Kerman đã di cư theo nhiều hướng khác nhau để tìm kiếm những nơi thích hợp để định cư. Lập luận này có độ tin cậy nhất định bởi vì một số đồ vật thuộc thời đại Sassanid đã được tìm thấy trong pháo đài Meymand gần làng.

Tháp Gonbad-e Qābus

Có một tháp lăng mộ khổng lồ ở trung tâm thành phố Golestan, tỉnh Golestan, Iran - "Tháp Gonbad-e Qābus " ở trung tâm thành phố.

Vào năm 1006, Qābus, người cai trị của triều đại Ziyarid, đã ra lệnh xây dựng và khắc một dòng chữ Ả Rập dưới đáy tháp, có nội dung: "Tòa tháp này được xây dựng theo lệnh của Qābus, được xây dựng năm 397 âm lịch và là năm 375 dương lịch.”

Nó thể hiện trình độ khoa học và công nghệ Hồi giáo thời bấy giờ và là một kiệt tác của kiến ​​trúc Hồi giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến các công trình tôn giáo ở Iran, Anatolia và Trung Á. Tòa tháp này cũng là nơi yên nghỉ của Qābus. Ông không chỉ là một vị vua, mà còn là một nhà thơ, nhà thư pháp và là một nhà chiêm tinh học, yên nghỉ trong quan tài thủy tinh trên đỉnh tháp.

برج هزار ساله.JPG
"Tháp Gonbad-e Qābus" cũng là nơi yên nghỉ của Qābus. (Ảnh: wikipedia/ CC BY SA 4.0)

"Tháp Gonbad-e Qābus" cao 53 mét, có đường kính 17 mét và tường dày 3 mét. Tháp có hình thập giác và đỉnh hình nón. Trong tháp này có một hiện tượng âm thanh đặc biệt, khi bạn nói chuyện trong đó, bạn sẽ nghe thấy tiếng vọng bị bóp méo. Khi đứng cách lối vào duy nhất của tòa tháp 20m nói chuyện, âm thanh sẽ được phản xạ liên tục trong tháp, cuối cùng truyền lại bên tai người nói chuyện, như thể có một người vô hình đang nói. Tác giả người Anh Robert Byron đã nói trong cuốn sách "Du lịch đến vùng đất của Amu Darya": "Tháp Gonbad-e Qābus là kiến trúc vĩ đại nhất trên thế giới."

“Tháp Gonbad-e Qābus” cách “Thành phố cổ Jorjan” ở phía bắc Iran khoảng 3 km. Thành phố cổ này bị người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng vào năm 1048 và bị biến mất vào thế kỷ 14 đến thế kỷ 15 bởi người Mông Cổ. Tháp Gonbad-e Qābus” rất có ý nghĩa lịch sử bởi nó đã chứng kiến ​​sự giao lưu giữa nền văn hóa cổ đại Iran và các dân tộc du mục ở Trung Á. Nó đã được công nhận là một trong những Di sản Thế giới vào năm 2012.

Đức Nhã
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Một ngôi làng cổ cách đây hơn vạn năm và tòa tháp nơi những người vô hình nói chuyện