NASA: Phát hiện một tiểu hành tinh bay sát Trái đất, vào thời điểm cách Bầu cử Mỹ đúng 1 ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Trung tâm Nghiên cứu các vật thể gần Trái Đất (CNEOS), một tiểu hành tinh có tên gọi là 2018VP1 sẽ tiến gần đến Trái Đất chỉ một ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tức là vào ngày 2/11/2020…

Đài quan sát Palomar tại California (Mỹ) đã xác định được 2018VP1 lần đầu tiên vào năm 2018. Khi đó, nó không được coi là "vật thể nguy hiểm tiềm tàng" do kích thước quá nhỏ (2m).

Các vật thể nguy hiểm tiềm tàng, thường là tiểu hành tinh hoặc sao chổi là những vật thể có quỹ đạo đưa chúng đến gần trái đất và đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể ở vị trí nếu xảy ra va chạm.

Thời điểm gần đây, các nhà quan sát phát hiện khá nhiều tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy hiểm cho Trái Đất.

Bất ngờ quan sát thấy

Vào đêm ngày 27/8 tại đài quan sát Campo dos Amarais gần Sau Paulo (Brazil), nhà thiên văn nghiệp dư Leonardo Amara trong khi đang dùng kính viễn vọng “quét” ngang bầu trời, ông đã phát hiện thấy một tiểu hành tinh sắp lao sượt qua Trái Đất.

Tiểu hành tinh này tên là 2020 Qu6 có đường kính 1.000m và đây được coi là một phát hiện gây ngạc nhiên vì hầu hết các vật thể lớn như vậy đã được tìm thấy và đều được lập danh mục.

Qu6 quay quanh Mặt trời 3,26 năm một lần trên quỹ đạo nghiêng 23,5° so với mặt phẳng quỹ đạo Trái Đất (hoàng đạo). Với đường kính lớn tương đương 1km, tiểu hành tinh này có thể gây ra thảm họa không thể lường được nếu nó lao vào Trái Đất. Tuy nhiên nó đã không gây ra mối đe dọa tức thời cho Trái Đất khi bay qua ở khoảng cách 40 triệu km vào ngày 10/9. Khoảng cách này gấp 100 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

Nó được tiên liệu là một trong những tiểu hành tinh có nguy bay sượt gần Trái Đất trong thế kỷ 21. Khám phá được thực hiện nhờ vào khoản tài trợ từ chương trình Shoemaker NEO Grant của Hiệp hội Hành tinh (Planetary Society) - khuyến khích những người nghiệp dư săn tìm các tiểu hành tinh mới, cũng như theo dõi các tiểu hành tinh đã được phát hiện, và tính chỉnh đường đi của chúng trong tương lai.

Khoản tài trợ này cho phép nhà thiên văn nghiệp dư Leonardo Amara nâng cấp giá đỡ kính viễn vọng ổn định hơn, cho phép theo dõi các vật thể trong không gian chính xác hơn, trong một khoảng thời gian dài hơn. Vị trí đài quan sát Campo dos Amarais nằm ở Nam Bán cầu đã đem lại lợi thế cho Amaral, vì bầu trời phía Nam chỉ có thưa thớt vài trạm quan sát, trong khi ở khu vực Bắc Bán cầu có rất nhiều chương trình săn tiểu hành tinh chuyên nghiệp.

Dù NASA đã có chương trình theo dõi tiểu hành tinh, nhưng việc phát hiện 2020 QU6 sát ngày nó sượt qua Trái Đất cho thấy vẫn cần sự hỗ trợ từ những nhà thiên văn như Leonardo Amaral. 2020 QU6 được xếp vào loại tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm.

Casey Drier, cố vấn của Hiệp hội Hành tinh cho biết: "Phát hiện mới là lời nhắc nhở rằng dù chúng ta đã tìm thấy đa số các vật thể lớn gần Trái Đất, đó vẫn chưa phải tất cả".

Hiểm nguy cho Trái Đất: Rất nhiều tiểu hành tinh xuất hiện

Các tiểu hành tinh bay gần Trái Đất nhất đã được phát hiện gần đây gồm tiểu hành tinh 2020 QG bay chỉ cách bề mặt Trái đất 2.950 km vào ngày 15/8/2020. Đây được coi là tiểu hành tinh bay qua Trái Đất với khoảng cách gần nhất. Nó có kích thước gần bằng một chiếc ôtô, và do kích thước bé nhỏ nên tiểu hành tinh 2020 GC không gây ra nhiều mối đe dọa cho Trái Đất, vì nó sẽ bị vỡ ra trong bầu khí quyển nếu hướng trực tiếp đến Trái Đất.

Paul Chodas, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vật thể gần trái đất (CNEOS) thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA cho biết: "Thật thú vị khi có thể nhìn thấy một tiểu hành tinh bay sát Trái Đất như vậy, vì chúng ta có thể quan sát được lực hấp dẫn của Trái Đất bẻ cong quỹ đạo của nó đáng kể như thế nào". Theo tính toán của CNEOS, tiểu hành tinh này đã bị chệch khoảng 45 độ do tác động của Trái Đất.

Một tiểu hành tinh khác, 2011 ES4 đã bay qua Trái Đất ở khoảng cách 1,48 triệu km vào ngày 2/9/2020 ,và được nhà thiên văn học Gianluca Masi phát hiện. Thiên thạch 2011 ES4 được phát hiện lần đầu vào năm 2011, và nó bay qua Trái Đất theo chu kỳ 9 năm một lần.

Cuối cùng là tiểu hành tinh có đường kính khoảng 0.002km (2 mét) có tên là 2018 VP 1 đang gây ra một sự bàn luận sôi nổi, khi nó được chứng minh là có một cơ hội nhỏ - 0,41% va vào Trái Đất ngay trước Ngày bầu cử Mỹ ngày 2/11 tới.

Đài quan sát Palomar tại California (Mỹ) đã xác định được 2018VP1 lần đầu tiên vào năm 2018. Khi đó, nó không được coi là "vật thể nguy hiểm tiềm tàng" do kích thước quá nhỏ (2m).

Bruce Betts, nhà khoa học tại Hiệp hội Hành tinh cho biết trong một thông cáo báo chí gần đây: "Ngày càng có nhiều tin tức về tiểu hành tinh, chủ yếu do khả năng phát hiện và theo dõi các tiểu hành tinh gần Trái Đất của chúng ta đang tốt lên. Không phải số lượng tiểu hành tinh đột nhiên tăng, mà là con người ngày càng tiến bộ trong việc phát hiện chúng".

Vì sao việc phát hiện các tiểu hành tinh ngày càng trở nên quan trọng?

Việc phát hiện ra các thiên thạch nguy hiểm trong hệ Mặt Trời ngày càng trở nên tối quan trọng. Năm 1998, Quốc hội Mỹ yêu cầu NASA xác định 90% tiểu hành tinh bay gần Trái đất có kích thước từ 1 km và lớn hơn. NASA đã đạt được mục tiêu đó, tuy nhiên những quan sát của nhà thiên văn nghiệp dư Leonardo Amaral cho thấy vẫn còn nhiều khám phá cần thực hiện.

Việc va chạm với một tiểu hành tinh có kích thước khoảng 1km trở lên sẽ gây ra những tác động thảm khốc cho địa cầu, nhưng ngay cả những tiểu hành tinh nhỏ hơn cũng có thể gây thiệt hại không hề nhỏ. Vì lý do đó, Quốc hội Mỹ đã mở rộng tiêu chí vào năm 2005, yêu cầu NASA tìm kiếm các vật thể gần Trái đất từ ​​140 mét trở lên vào năm 2020.

Đông Bắc



BÀI CHỌN LỌC

NASA: Phát hiện một tiểu hành tinh bay sát Trái đất, vào thời điểm cách Bầu cử Mỹ đúng 1 ngày