Nghị lực phi thường của 'chàng trai mặt sẹo' (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cậu bé Ngô Quý Hải mang những thương tích trầm trọng trên gương mặt vì tai nạn bỏng khi còn bé. Vượt qua mặc cảm và sự ghẻ lạnh suốt những năm tháng thơ ấu, Hải trở thành ‘ông chủ nhỏ’ của một tiệm bánh ở Kon Tum, và truyền cảm hứng cho nhiều người có hoàn cảnh giống mình.

Ngô Quý Hải, sinh năm 1994 ở xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Khi mới gần một tuổi cậu gặp tai nạn thương tâm, ngã vào nồi nước đang sôi và bỏng toàn bộ khuôn mặt. Tuổi thơ của Hải không có bạn bè, không một đứa trẻ nào muốn lại gần hay làm quen với Hải vì ngoại hình đáng sợ của cậu.

Năm Hải 6 tuổi, cha mẹ đưa cậu tới trường nhưng chỉ được 4 tháng là cậu một mực không chịu đi học nữa, vì bị bạn bè chế giễu, trêu chọc. Từ đó, Hải chỉ quanh quẩn trong tiệm tạp hoá của mẹ và phụ ba những việc lặt vặt.

Người bạn duy nhất của Hải những năm tháng ấy là cậu bạn bị câm điếc gần nhà, Hải kể: "Cả hai chúng tôi có chung nỗi buồn là không ai chịu làm bạn với mình".

Năm 10 tuổi, Hải và người bạn thân được lên thành phố chơi, lần đầu tiên trông thấy một tiệm bánh ngọt sang trọng với nhiều loại bánh đẹp mắt, cả hai cậu bé đều vô cùng thích thú. Hải và cậu bạn thân ao ước một lần được nếm thử và quyết định cùng nhau để dành tiền để mua.

Đến ngày sinh nhật cậu bạn câm điếc, cả hai có đủ tiền để mua một chiếc bánh nên hào hứng rủ nhau lên thành phố, nhưng trái với mong chờ của hai đứa nhỏ, tiệm bánh đuổi 2 đứa trẻ đi mà không buồn nghe chúng giải thích.

“Khi bước vào tiệm, chúng mình bị đối xử như những kẻ ăn xin, thậm chí không có cơ hội để giải thích với nhân viên trước khi bị đuổi ra ngoài" - Hải nhớ lại. Một đứa trẻ với khuôn mặt dị dạng, một cậu bé câm điếc bẩm sinh, ngày hôm đó là bữa tiệc sinh nhật đáng quên nhất trong cuộc đời.

Cậu bạn thân khóc nức nở. Hải thì không, nhưng tâm trạng buồn bã và hụt hẫng. Cậu tự hứa với bản thân rằng, một ngày nào đó sẽ tự mở cửa hàng bánh của riêng mình, chấp nhận tất cả mọi người dù họ có nghèo khổ hay ngoại hình như thế nào.

Ước mơ tuy nhỏ bé và không quá khó đối với một người bình thường, nhưng với Hải nó phải mất những 17 năm để thành hiện thực.

Năm 15 tuổi, Hải bắt đầu nghĩ về tương lai. Cậu mạnh bước ra khỏi nhà, đi tìm chỗ học nghề nhưng không nơi nào nhận vì những lý do như: Không biết chữ, ngoại hình xấu xí hay không đủ sức khỏe.

Hải kể lại: "Đã có một khoảng thời gian hơn hai năm, mình không bước chân ra khỏi nhà. Mình thả trôi và buông xuôi, mặc kệ số phận".

Đến năm 22 tuổi, thế giới của Hải cũng chỉ gói gọn trong căn nhà nhỏ của gia đình. Càng lớn, Hải càng cảm thấy cô độc, không thể vượt qua mặc cảm với khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo của mình.

Cậu bé Ngô Quý Hải đầy rụt rè và tự ti về ngoại hình của mình (Ảnh facebook)
Cậu bé Ngô Quý Hải đầy rụt rè và tự ti về ngoại hình của mình (Ảnh facebook)

May mắn mỉm cười với Hải vào năm 2016, Hải được một tổ chức từ thiện tài trợ chi phí bay sang Đức phẫu thuật để tách phần da dưới cằm dính chặt với phần da ngực. Ở đây, Hải phải trải qua hơn 10 ca phẫu thuật trong suốt 6 tháng, lại chịu cảnh xa nhà - đó là nỗi đau cả về thể xác và tinh thần khó vượt qua. Thấy cậu buồn vì nhớ nhà, các bác sĩ, y tá người Đức đã bật cho Hải nghe những bài nhạc quê hương. Họ còn học những câu chào hỏi tiếng Việt cơ bản để hỏi thăm và động viên cậu.

Không những thế, biết tin Hải nằm viện, những cô bác trong hội đồng hương người Việt đã vượt một quãng đường rất xa để đến thăm Hải. Lần đầu tiên chàng trai đón tuổi mới với những người xa lạ với một bữa tiệc sinh nhật ấm áp.

"Mình không nghĩ có nhiều người tốt đến thế, không phải ai cũng kỳ thị và xua đuổi mình. Nằm viện mình thấy nhiều người đến phẫu thuật với vết bỏng nặng hơn họ vẫn lạc quan. Được đi ra bên ngoài, mình thấy mình còn may mắn lắm" - Hải trải lòng.

Chuyến đi lần đó đã thay đổi thế giới quan của Hải một cách sâu sắc. Trở về Việt Nam sau cuộc phẫu thuật, Hải bắt đầu lên kế hoạch thực hiện lại ước mơ mở một tiệm bánh để tiếp đón tất cả mọi người. Hải đăng ký lớp nghề bếp ở một trung tâm dạy nghề của Hà Nội, buổi tối thì cậu đi học “con chữ”.

"Bỏ học từ bé nên mình không biết chữ. Hồi nhỏ, mình có mượn truyện tranh về nghe anh trai đọc, nhìn mặt chữ rồi đọc theo. Những vần nào khó thì bỏ qua. Hai tuần sau, mình đọc được chữ, nhưng không biết viết" - Hải kể.

Những lúc khó khăn muốn bỏ cuộc, Hải nghĩ về lý do mình đã bắt đầu.

Buổi học đầu tiên ở trường nghề, trong khi các bạn cùng lớp chép được 2 trang vở, Hải chỉ viết được 2 dòng với những chữ cái đơn. Sau gần hai tháng với những đêm thức tới 2 giờ tập viết, Hải đã có thể viết thành thạo.

"Ở trường nghề, lần đầu tiên trong đời mình được tiếp xúc với nhiều người và có nhiều bạn bè. Họ khoác vai lúc chụp hình lưu niệm, mình thấy không lạc lõng. Mỗi người ở đây đều có một hoàn cảnh khó khăn riêng, chúng mình coi nhau như anh em và mình không còn thấy khác biệt" - Hải hạnh phúc chia sẻ.

Một người bạn trong lớp nghề bếp của Hải nhớ lại: "Hải không chỉ là người có ngoại hình khác biệt nhất so với những bạn trong lớp mà còn là người có xuất phát điểm thấp nhất vì không biết chữ. Vừa học nghề, Hải phải tranh thủ giờ nghỉ, buổi tối để tập viết. Người khác học vất vả một phần thì Hải phải mười phần".

Chị Nguyễn Thanh Thúy, một giáo viên dạy kỹ năng sống ở trung tâm nơi Hải theo học kể lại: "Ngày bạn ấy tốt nghiệp tôi đã khóc vì cố gắng của Hải đã đạt kết quả".

Sau khi tốt nghiệp, Hải không về quê ngay mà vào Sài Gòn làm thêm 2 năm nữa tại các nhà hàng. Cậu làm song song hai địa điểm, một nơi 8 tiếng, chỗ còn lại thêm 4 tiếng và có đủ tiền để trang trải cuộc sống ở thành phố.

Ngô Quý Hải miệt mài trau dồi kỹ năng nấu nướng trong nhà hàng (Ảnh: Facebook)

Hải chia sẻ: "Thế giới của mình vẫn còn nhỏ lắm, mình nghĩ cần nên ra ngoài để va chạm".

Đầu năm 2021, sau khi học hỏi được chút “vốn liếng” để tự kinh doanh, Hải trở về quê nhà mở tiệm bánh ngọt trà sữa của riêng mình - chính thức trở thành “ông chủ nhỏ” để hiện thực hóa ước mơ năm 10 tuổi của bản thân.

Giờ đây, Hải vừa là ông chủ, vừa là nhân viên, vừa làm bánh, pha chế, vừa phục vụ khách. Buổi tối, cậu thuê thêm một nhân viên phụ chạy bàn. So với trước, giờ đây Hải tự tin tiếp xúc với mọi người và khách hàng. Dù cũng có lần, khách hàng bước vào quán và thấy Hải liền vội vã bỏ đi khiến cậu rất buồn. Những lúc như thế, Hải lại chơi đàn giúp tinh thần ổn định trở lại.

Tiệm bánh của cậu có tên là "Sunhouse" - Có nghĩa là “Ngôi nhà mặt trời” - để bất cứ ai ghé đến đều cảm thấy ấm áp và được chào đón. Đặc biệt là những đứa trẻ nông thôn không cần phải lên tận thành thị mới có thể nhìn thấy những chiếc bánh được làm xinh xắn và ngon miệng.

Hải nói: "Mong rằng câu chuyện của mình sẽ giúp mọi người nhìn nhận cuộc sống theo cách lạc quan và yêu thương. Ai trong chúng ta đều sẽ chạm tay đến ước mơ, chỉ cần không bỏ cuộc, không ngừng nỗ lực và cố gắng, thì đích đến có thể ngay trước mắt mình".

Thiên Cầm

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Nghị lực phi thường của 'chàng trai mặt sẹo' (Radio)