Ngôi làng kỳ lạ: Đàn ông và phụ nữ sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ubang là một ngôi làng nông thôn rất đặc biệt ở miền nam Nigeria. Đàn ông và phụ nữ ở đây nói các ngôn ngữ khác nhau. Điều kỳ lạ là, mặc dù ngôn ngữ sử dụng của nam và nữ khác nhau nhưng họ có thể hiểu người kia đang nói gì mà không gặp rào cản trong giao tiếp.

Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie từng thực hiện nhiều nghiên cứu ở Ubang cho biết, hai ngôn ngữ này có một số từ vựng chung, còn lại là những từ hoàn toàn khác nhau. Chúng không chỉ có cách phát âm khác nhau mà các chữ cái được sử dụng cũng khác nhau.

Ví dụ, trong ngôn ngữ nam của Ubang, khoai lang là "itong" và trong ngôn ngữ nữ là "irui"; từ chó con được gọi là "abu" trong ngôn ngữ nam và "okwakwe" trong ngôn ngữ nữ. Những khác biệt này lớn hơn nhiều so với sự khác biệt giữa tiếng Anh Anh và tiếng Anh Mỹ. Việc phân loại hai ngôn ngữ này không có quy tắc nào để tuân theo, không liên quan gì đến việc chúng có được sử dụng phổ biến hay không.

Tuy nhiên, cả nam giới và phụ nữ ở Ubang đều có thể hiểu hoàn toàn ngôn ngữ của nhau. Ông Oliver Ibang - Tộc trưởng của làng giải thích rằng, nguyên nhân có thể là do các bé trai chủ yếu theo mẹ khi còn nhỏ nên hiểu và nói tiếng nữ, nhưng đến khoảng 10 tuổi thì bắt đầu nói tiếng nam. Đó là cách để trở thành một người đàn ông trưởng thành.

Ông Ibang nói rằng, sẽ không ai bảo một cậu bé khi nào thì cần chuyển ngôn ngữ. Khi những cậu con trai bắt đầu nói tiếng nam một cách có ý thức, điều đó có nghĩa là chúng đã trưởng thành. Nếu một đứa trẻ chưa chuyển sang ngôn ngữ chính xác ở một độ tuổi nhất định, nó sẽ bị coi là điều "bất thường". Đây có thể hiểu là một loại “ngôn ngữ giới tính”.

‘Ngôn ngữ giới tính’ và nguy cơ ‘biến mất’

Trong những năm gần đây, sự di cư dân số và việc phổ biến tiếng Anh khiến “ngôn ngữ giới tính” của Ubang đang dần bị mai một, cũng như nhiều ngôn ngữ trên thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng “biến mất”.

Ở Ubang, cả ngôn ngữ nam và nữ đều không được ghi chép lại. Nó được truyền từ đời này qua đời khác trong nếp sống thường ngày và văn hoá bản địa. Tương lai của ngôn ngữ này phụ thuộc vào sự tiếp nối của thế hệ trẻ. Nhưng những người trẻ ngày nay hiếm khi nói trôi chảy, họ thường trộn lẫn với ngôn ngữ chính hoặc tiếng Anh.

Ngoài ra, trừ tiếng Anh và một số ngôn ngữ chính, các ngôn ngữ bộ lạc như "ngôn ngữ giới tính" vẫn chưa nhận được sự quan tâm và bảo vệ của các cơ quan hữu quan. Trẻ em thậm chí có thể bị phạt vì nói "ngôn ngữ giới tính" trong trường học, ngay cả khi đó là tiếng mẹ đẻ của chúng.

Giáo viên trung học Steven Ochui nói rằng, ông lo lắng về sự "biến mất" của tiếng mẹ đẻ. "Nếu bạn đánh con của bạn vì nó nói tiếng mẹ đẻ của nó, ngôn ngữ đó sẽ không tồn tại".

Ông Ochui tin rằng, để bảo tồn “ngôn ngữ giới tính” của Ubang, mọi người nên làm nhiều hơn nữa, chẳng hạn như sử dụng những ngôn ngữ này trong sách giáo khoa, tiểu thuyết, tác phẩm nghệ thuật và phim ảnh, và giáo viên cũng nên được phép dạy những ngôn ngữ này trong các trường học.

Là tộc trưởng của Ubang, ông Ibang nói rằng, ông ước mơ một ngày nào đó ngôi làng sẽ thành lập một trung tâm ngôn ngữ để giới thiệu sự độc đáo của hai ngôn ngữ này.

Ngôn ngữ của các dân tộc là sự thể hiện trình độ phát triển, văn hoá và tư duy của từng dân tộc. Vì thế, khi một ngôn ngữ biến mất thì đồng nghĩa với việc một phần lịch sử và văn hóa của nhân loại cũng bị “nghèo đi” một cách đáng tiếc. Do đó, ở nhiều nơi rất coi trọng việc bảo tồn văn hoá ngôn ngữ bản địa để chúng không bị mai một, hoặc thậm chí biến mất.

Thiên Cầm

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngôi làng kỳ lạ: Đàn ông và phụ nữ sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau