Ngôi làng uống thuốc độc không chết - 7 Bí ẩn về những ngôi làng có một không hai trên thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn sẽ cảm giác thế nào nếu đến một ngôi làng và bắt gặp rất nhiều người giống hệt nhau, nhưng hỏi ra thì họ không hề có cùng huyết thống? Hay đến một nơi mà bạn chỉ thấy cây cối, không thấy làng, rồi thì tìm được đường vào làng thì lại không thấy nhà nhưng nghe thấy nhiều tiếng nói cười vọng lên từ lòng đất.

Nếu điều ấy chưa đủ làm bạn sốc, thì xin mời bạn đến một ngôi làng ở Argentina để tận mắt gặp những người mỗi ngày đều uống một loại nước cực độc mà không hề hấn gì, hay đến làng luân hồi, nơi bạn sẽ rất dễ dàng nghe mọi người kể lại kiếp trước của mình một cách rất rõ ràng.

Cuộc sống quanh ta luôn có rất nhiều điều thú vị và bí ẩn. Có những điều mà khoa học hiện tại chưa thể giải thích được, hoặc những điều hiếm khi xảy ra trên thế giới, nhưng lại tồn tại trong một số ngôi làng kỳ lạ.

Xin mời các bạn cùng khám phá 7 ngôi làng huyền bí có một không hai trên thế giới ấy nhé!

  1. Ngôi làng người dân ‘uống thuốc độc mà không chết’

Đó là ngôi làng San Antonio, tọa lạc trên vị trí cao của dãy Andes, Argentina. Điều nguy hiểm ở đây là nguồn nước của San Antonio bị nhiễm thạch tín nặng, nhưng kỳ lạ là người dân uống vào lại không sao.

Thạch tín là một trong những chất độc nhất từng được con người phát hiện ra. Trong quá khứ từng được sử dụng để đầu độc những vị vua và chính khách như vua Quang Tự của Trung Quốc, Vua Faisal Đệ Nhất của Iraq… nó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phát điên của vua George Đệ Tam của Anh và vị tướng lừng danh người Pháp Napoleon Bonaparte.

Trên khắp thế giới, tình trạng ngộ độc thạch tín do nguồn nước hoặc thực phẩm nhiễm độc đã ảnh hưởng tới hơn 137 triệu người.

Ngay cả ở mức nhiễm độc thấp cũng có thể gây ra tổn thương cho nội tạng, dẫn tới nguy cơ ung thư, tim mạch và tiểu đường. Với liều lượng cao hơn, chúng có thể làm tổn hại hệ miễn dịch, động kinh, và nặng hơn là hôn mê và tử vong.

Tuy nhiên, hàng ngàn năm qua, dân làng San Antonio đều sống, sinh hoạt và uống nước đã bị nhiễm độc thạch tín cao gấp 20 lần cho phép, nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường.

Dân làng San Antonio đều uống nước đã bị nhiễm độc thạch tín cao gấp 20 lần cho phép, nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường (Ảnh: wikimedia commons)

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loạt đột biến quan trọng trong gen của người bản địa, tạo cho họ khả năng chống chịu với việc phơi nhiễm hàm lượng thạch tín cao. Đây chính là một ví dụ về sự thích nghi của con người trước chất độc môi trường, điều mà trước đây chỉ thấy trên động vật.

  1. Làng Bát Quái của hậu duệ Gia Cát Lượng - “Chiến tranh không tới, Kẻ ác không qua”

Tại vùng Lan Khê, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, có một ngôi làng rất đặc biệt mang tên “Làng Gia Cát” với bố cục cực kỳ độc đáo, như một trận đồ Bát Quái. Nếu đến đây mà không được người làng dẫn đường, rất có thể bạn sẽ cảm thấy như lạc vào mê cung mà không tài nào thoát ra được.

Làng Gia Cát được mệnh danh là “Đệ nhất kỳ thôn” bởi lẽ:

  • Thứ nhất, phần lớn người dân trong làng đều là con cháu đời sau của Khổng Minh Gia Cát Lượng.
  • Thứ hai, làng có bố cục hết sức huyền diệu. Theo ghi chép, làng được cháu trai đời thứ 28 của Gia Cát Lượng là Gia Cát Đại Sư thiết kế, dựa trên phong thủy học âm dương và cấu tứ cửu cung bát quái. Dùng hồ lớn Chung Trì có hình thái cực làm trung tâm, và 8 con hẻm nhỏ hướng ra ngoài hình thành “nội bát quái”. Lại dựa vào 8 ngọn núi nhỏ bao quang làng tạo thành “ngoại bát quái”.
Làng có thiết kế như một trận đồ bát quái hết sức huyền diệu (Ảnh: chụp từ video)

Mỗi ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc mặt trước đối nhau, mặt lưng dựa vào nhau, còn ngõ ngách thì ngang dọc đan xen, khiến đường đi giống như thông nhau nhưng lại là ngõ cụt, tựa như một mê cung. Tuy nhà mặt đối mặt, nhưng đều lệch đi một chút. Chính lối kiến trúc “môn không đăng, hộ không đối” này đã giúp họ giữ được quan hệ hàng xóm luôn thuận hòa.

  • Thứ ba là giá trị nghệ thuật. Làng Gia Cát là nơi bảo tồn nguyên vẹn rất nhiều văn vật và kiến trúc cổ của ba đời Nguyên – Minh – Thanh. Dẫu triều đại thay đổi, xã hội rối ren, nhưng nhờ thiết kế độc đáo mà làng đã tránh được bao thiên tai, nhân họa.

Tương truyền vào thời Bắc phạt năm 1925, đã có cuộc chiến ác liệt trong ba ngày liên tiếp ngay cạnh làng. Vậy mà không một viên đạn nào lọt vào trong, toàn bộ ngôi làng không tổn hại gì. Tương tự, vào thời chiến tranh Trung - Nhật, một đội quân Nhật đi qua con đường lớn bên ngoài làng, điều kỳ lạ là họ không hề phát hiện ra ngôi làng, nên người dân lại được bình an vô sự.

Khi xưa còn có một nhóm đạo tặc xông vào làng tấn công, nhưng cuối cùng do không tìm được lối ra nên đành phải đầu hàng, đưa tay chịu trói, nhờ dân làng chỉ lối thoát ra.

Thế là trải qua hàng trăm năm, nhưng con cháu họ Gia Cát trong làng vẫn bảo tồn và duy trì lối sống giản dị, chất phác, khác biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Nếu có dịp ghé qua nơi đây, chắc chắn bạn sẽ ấn tượng với không gian cổ kính và thán phục trước trí tuệ của cổ nhân.

  1. Ngôi làng ‘tàng hình’

Khi viếng thăm làng tàng hình, bạn sẽ gặp hiện tượng “vào thôn không thấy nhà, nghe tiếng không thấy người”, chỉ nhìn thấy cây cối, nghe văng vẳng tiếng người nói cười, tiếng gà gáy hay tiếng chó sủa… nhưng không thấy gì cả. Nhưng khi nhìn xuống những “hố” vuông dưới mặt đất, bạn sẽ giật mình vì chứng kiến cảnh người dân sinh hoạt, đông vui nhộn nhịp không khác gì những thôn làng khác trên mặt đất. Vâng, họ sống dưới lòng đất!

Ngôi làng như thể tàng hình, nhưng khi nhìn xuống những hố vuông dưới đất, mọi người không khỏi giật mình sửng sốt.

Ngôi làng này có tên là “Địa Khanh Viện”, có niên đại từ 1.500-2.000 năm, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Người dân ở đây chọn cách sống có một không hai trên thế giới. Họ xây những ngôi nhà trong lòng đất ở độ sâu 6-7m, dài 12-15m, phải mất từ 2-3 năm đào đất rồi mới tiến hành xây nhà.

Những ngôi nhà dưới lòng đất này đa số hình vuông, có đường hầm dẫn ra bên ngoài, nhiệt độ ổn định vào khoảng 200C, mùa đông không sợ dông gió. Ngôi nhà lâu đời nhất đã hơn 200 năm tuổi và có 6 thế hệ gia đình.

Có thể các bạn sẽ thắc mắc “Vậy họ sẽ thoát nước như thế nào?”. Họ sẽ đào những cái giếng để lấy nước sử dụng, để trữ nước mưa hoặc chứa nước thải. Để tránh không cho nước thấm sâu vào trong, cũng như ngăn việc ngập nước, họ xây những bức tường, viền mái nhà và một đường bao xung quanh.

Dưới lòng đất ấy, người dân có một cuộc sống sôi động không khác gì những ngôi làng trên mặt nước. (Ảnh: tổng hợp)

Tựu trung lại những ngôi nhà này không khác nhà trên mặt đất là mấy, chỉ là vị trí chúng nằm trong lòng đất mà thôi.

Hiện tại, nơi đây còn hơn 100 thôn xóm dưới mặt đất, tức gần 10.000 ngôi nhà như vậy. Người dân sống đơn giản, thân thiện và cũng thường có những lễ hội rất đặc sắc.

Năm 2011, kỹ thuật xây nhà dưới lòng đất độc đáo này đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Trung Quốc.

  1. Ngôi làng kỳ lạ ở Việt Nam sử dụng ngôn ngữ riêng

Nằm giữa ngã ba sông Lương và sông Nhuệ, làng Đa Chất cách Hà Nội khoảng 40km - được coi là người “anh cả” của xã Đại Xuyên, Phú Xuyên. Đây là ngôi làng duy nhất của Thủ đô đang lưu giữ một dòng ngôn ngữ cổ mà nếu không phải là người dân sở tại, muốn nghe được, hiểu được bạn phải có người… phiên dịch!

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, ngôn ngữ của làng Đa Chất được lưu giữ từ thời Văn Lang - Âu Lạc, và đây cũng là ngôi làng duy nhất còn giữ được tiếng cổ.

Làng Đa Chất vẫn lưu giữ được ngôn ngữ riêng từ thời Văn Lang - Âu Lạc

Cụ Lê Đình Hiệp (91 tuổi), người nhiều tuổi nhất làng và cũng là người am hiểu về ngôn ngữ riêng biệt này cho biết: “Chỉ có người làng Đa Chất mới sử dụng ngôn ngữ này, những người ngoài làng thì không thể. Vùng đất làng này có một mãnh lực mà chỉ khi sống ở đất làng mới có thể thông thạo được ngôn ngữ làng. Cứ ra khỏi làng là quên, các cô gái trong làng đi làm dâu xứ khác cũng chỉ một thời gian là không nói thành thạo được tiếng làng mình nữa”.

  1. Ngôi làng ‘người giống hệt nhau dù không cùng huyết thống’

Có đúng là bạn có thể tìm được “anh em song sinh” của mình ở đâu đó ngoài kia trên thế giới không? Câu trả lời có lẽ là có, nếu bạn là cư dân của ngôi làng Harragona thuộc bang Karnataka, miền bắc Ấn Độ.

Bề ngoài, ngôi làng này trông cũng giống như bao ngôi làng khác. Nhưng khi đặt chân đến đây, bạn chắc chắn sẽ rất ‘sốc’ khi bắt gặp quá nhiều người giống nhau như đúc, rất khó để phân biệt và điều này chẳng khác nào ảo ảnh.

Theo ông Biharz, một chuyên gia di truyền học người Đức, có đến 237 người dân nơi đây có ngoại hình rất giống nhau. Ngoài một số khác biệt về tuổi tác, chiều cao hay cân nặng thì về ngoại hình trông họ cứ như thể anh chị em sinh đôi.

Ngôi làng Harragona có rất nhiều ‘người giống hệt nhau dù không cùng huyết thống’ (Ảnh: tổng hợp)

Lý giải về hiện tượng này, một chuyên gia hóa sinh học đã phân tích mẫu đất và nguồn nước ở làng và phát hiện các yếu tố platin (bạch kim) và bitmut, có thể đã ảnh hưởng tới những sản phụ, làm thay đổi tế bào của họ và tác động tới thai nhi. Còn theo các nhà nhân chủng học thì ngôi làng tri thức kém, người dân lại không đi xa, nên hôn nhân cận huyết là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân gì, thì cũng không thể sinh ra nhiều trường hợp giống nhau như đúc đến vậy. Cho đến nay, hiện tượng kỳ lạ này vẫn là một trong những bí ẩn lớn khiến các nhà khoa học thế giới đau đầu.

  1. Làng luân hồi: Hơn 100 trường hợp nhớ được tiền kiếp

Thôn làng Bình Dương, huyện Thông Đạo, Hồ Nam, Trung Quốc đã nổi tiếng trên khắp thế giới trong những năm qua. Với dân số chỉ khoảng 7.800 người, nhưng có đến hơn 100 trường hợp luân hồi chuyển sinh trở lại.

Người tái sinh có thể nói rõ kiếp trước tên là gì, nhà ở đâu, đã làm qua những việc gì, sống như thế nào, vì sao mà chết, còn kể ra những người thân thích và hàng xóm xung quanh. Thậm chí có người còn tìm ra người thân kiếp trước, từ đó tiếp tục tiền duyên.

Làng luân hồi ở Bình Dương có hơn 100 trường hợp nhớ được tiền kiếp.

Các chuyên gia đã lập cả một “Trạm quan sát người tái sinh ở Thông Đạo”. Ngoài ra, từ năm 2015, học giả Lý Thường Trân đã đến làng phỏng vấn hơn 100 người chuyển sinh và viết cuốn sách “Những người tái sinh tại Bình Dương”.

Có trường hợp một cậu bé trong làng tên là Ngô, từ lúc chỉ 2-3 tuổi, mỗi lần có dịp gặp người bán thịt heo Dung Mỗ là cậu đều khóc thét và bỏ chạy. Khi thấy ai cắt rau cho heo ăn, cậu thường nói về loại rau này đắng lắm, loại rau kia cay lắm… người lớn nghĩ cậu nhỏ chưa biết gì nên chỉ thấy buồn cười.

Khi lớn lên, cậu đã kể về kiếp trước của mình khiến mọi người phải sửng sốt. Hóa ra, cậu từng là một con heo trắng ở nhà ông Ngoại. Một ngày, Dung Mỗ dẫn theo một người đến mua heo, heo trắng thấy không ổn liền liều mình bỏ chạy, nhưng vẫn bị ông ấy đuổi theo bắt và mang về làm thịt. Khi đã đầu thai thành bé trai trong kiếp sống này, cậu vẫn nhớ lại cảm giác kinh hoàng ngày xưa.

Từ đó, người dân trong làng đều gọi cậu là “Tiểu Bạch Trư”, còn người bán thịt Dung Mỗ cũng thề rằng đời này sẽ không sát sinh nữa.

Có lẽ khi tin vào “chuyển sinh” và “luân hồi”, thì sẽ thấy rằng cuộc sống hiện tại thật đáng trân quý phải không các bạn?

  1. Ngôi làng sinh đôi kỳ lạ với hơn 450 cặp song sinh

Kodinhi chỉ là một ngôi làng nhỏ bé vùng nông thôn của bang Kerala ở Ấn Độ. Tuy nhiên, làng vô cùng nổi tiếng vì tỷ lệ phụ nữ sinh đôi ở đây cao một cách lạ thường. Theo thống kê, với dân số chưa đến 2.000 hộ nhưng đã có đến hơn 450 cặp đôi song sinh.

Nếu so với tỷ lệ sinh đôi trung bình của thế giới thì nơi đây cao gấp 6- 7 lần. Và tỷ lệ trẻ song sinh nơi đây vẫn không ngừng tăng theo thời gian, chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Theo Ông Mustafa Shaikh – Chủ tịch Hội đồng nhân dân của ngôi làng Kodinhi cho biết; hiện tượng này không phải có từ xa xưa mà mới xảy ra từ 60 – 70 năm về trước.

Làng Kodinhi có hơn 450 cặp song sinh (Ảnh: tổng hợp)

Thêm một điều khó hiểu nữa là không chỉ những phụ nữ dân gốc trong làng Kodinhi; mà phụ nữ ở nơi khác đến lấy chồng và ở đây cũng có tỷ lệ sinh đôi cao như vậy. Hơn nữa, những năm gần đây, làng còn xuất hiện số lượng ca sinh ba và sinh tư tăng cao.

Hiện tượng kỳ lạ và thú vị này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học. Năm 2010, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều tổ chức khác nhau của 3 nước Ấn Độ, Anh và Đức đã bắt tay vào chiến dịch “giải mã” bí ẩn của ngôi làng sinh đôi này, nhưng cũng chưa thể đưa ra kết luận cụ thể.

Khi hỏi cụ bà Pathuty – một trong hai chị em sinh đôi cao tuổi nhất làng về điều này; bà vui vẻ chia sẻ: “Điều này là do trời ban thôi, khoa học không thể giải thích được đâu”.

***

Vậy là chúng ta đã cùng xem qua 7 ngôi làng bí ẩn nhất thế giới. Câu chuyện về những ngôi làng kỳ lạ, đã tốn không ít giấy mực của các nhà báo; và công sức nghiên cứu của các nhà khoa học.

Thế giới quả là rộng lớn, ẩn chứa nhiều điều thần bí mà con người khó có thể tưởng tượng nổi. Nếu có điều kiện, hãy cùng đến đây khám phá tận mắt nhé!

An Nhiên
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Ngôi làng uống thuốc độc không chết - 7 Bí ẩn về những ngôi làng có một không hai trên thế giới