Người đàn ông làm việc vất vả 22 năm để gửi tiền về Trung Quốc, kết cục thật bất hạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người đàn ông Trung Quốc đã vất vả làm lụng tại Mỹ trong suốt 22 năm và đều đặn gửi tiền tiết kiệm về Trung Quốc nhờ em gái giữ hộ, với ý định sau này dùng tiền đó dưỡng già. Nhưng không ai có thể ngờ rằng, một bi kịch xảy ra đã khiến ông gần như mất tất cả...

Làm việc chăm chỉ ở Mỹ trong 22 năm, gửi tiền tiết kiệm về cho gia đình tại Trung Quốc để giữ an toàn

Theo báo chí tiếng Hoa ở nước ngoài đưa tin, ông Liu, một người Mỹ gốc Hoa đến từ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, đã tới Mỹ làm việc vào năm 1997. Ông đã làm việc chăm chỉ tại một nhà hàng Trung Quốc trong suốt 15 năm. Vì nhà hàng bao ăn ở nên hầu như tháng nào ông Liu cũng có thể tiết kiệm được tiền. Vì vậy, trong 20 năm qua, số tiền ông Lưu tiết kiệm được đã trở nên rất lớn.

Thông qua bạn bè hoặc người thân, ông Liu gửi số tiền mặt này về Trung Quốc và nhờ em gái mình là bà Liu cất giữ giùm. Ông dự định sẽ sử dụng số tiền này để nghỉ hưu trong tương lai.

Bà Liu đã ký gửi số tiền dưới tên của mình, hoặc mua các sản phẩm quản lý tài sản khác.

Bà Liu bị giết, số tiền khó kiếm được đã bị bố chồng của bà chiếm đoạt

Không ngờ vào ngày 24/2/2018, chồng bà Liu trở nên điên loạn và giết tất cả vợ lẫn bố mẹ vợ, rồi tự thiêu bằng than củi, chỉ để lại một đứa con duy nhất.

Sau khi gia đình bà Liu qua đời, bố chồng của bà Liu đã trở thành người giám hộ cho đứa cháu trai côi cút. Ông ta đã đến một số ngân hàng để công chứng và rút hết tiền gửi cũng như các sản phẩm quản lý tài sản dưới tên bà Liu. Hơn 6,8 triệu nhân dân tệ (gần 24 tỷ đồng) đã bị bố chồng của bà Liu lấy đi.

Nhận được tin dữ, ông Liu đang ở nước Mỹ xa xôi hoảng hốt. Số tiền này là do ông đã làm việc chăm chỉ trong hơn 20 năm qua mới kiếm được với ý định dùng để dưỡng già trong tương lai. Giờ thì tính mạng của em gái ông đã bị em rể lấy đi, tiền bạc cũng bị bố chồng của em gái cướp mất. Ông Liu đã phải nhận hai cú đả kích quá lớn.

Nộp đơn kiện vượt đại dương để đòi lại số tiền khó kiếm

Ông Liu quyết định thuê một luật sư ở Trung Quốc để đấu tranh cho chính mình và thu hồi số tiền khó kiếm được.

Trong 22 năm ông Liu sống tại Hoa Kỳ, ông đã làm việc cùng với 15 người khác nữa trong cùng một nhà hàng Trung Quốc. Ông rất trung thành với ông chủ, và ông chủ cũng đối xử với ông rất tốt. Ngay từ năm 2005, thu nhập hàng tháng của ông Liu đã lên tới vài nghìn đô la Mỹ, lại được bao ăn ở nên hàng tháng ông đều tiết kiệm được một khoản tiền.

Sau thảm kịch, ông chủ nhà hàng bày tỏ rằng ông sẵn sàng đứng ra làm chứng cho ông Liu.

Ông chủ cho biết tất cả số tiền ông Lưu kiếm được đều được mang về Trung Quốc thông qua bạn bè hoặc người thân. Trong vài năm qua, bản thân ông chủ cũng trở về Trung Quốc vài lần và đã giúp ông Liu mang tiền về giao cho em gái, số tiền tổng cộng là 290.000 USD.

Khi ông chủ đứng ra làm chứng, ông đã đưa ra một chi tiết như thế này: Khi ông đến nhà bà Liu để đưa tiền, ông thấy bà Liu ở trong một căn nhà khá nhỏ, ông đã nói đùa rằng: "Anh trai của bà cho bà nhiều tiền như vậy, tại sao bà không đổi sang một ngôi nhà lớn hơn?". Bà Liu đã trả lời: "Đây là tiền của anh trai tôi, không phải của tôi".

Những người thân và bạn bè đã giúp ông Liu mang tiền về Trung Quốc cũng có mặt tại phiên tòa để làm chứng, nói rằng họ thực sự đã giúp ông Liu mang tiền cho bà Liu. Còn gia đình bà Liu là tầng lớp lao động bình thường, chỉ đủ tiền để duy trì cuộc sống cơ bản, không thể có khoản tiền gửi lớn như vậy.

Tòa án cuối cùng đã ra phán quyết rằng bố chồng của bà Liu sẽ phải trả lại số tiền mặt đó cho ông Liu. Bố chồng của bà Liu đã kháng cáo nhưng tòa vẫn giữ nguyên bản án ban đầu trong phiên sơ thẩm lần hai.

Tiết kiệm tiền tại Mỹ và gửi về Trung Quốc là rất rủi ro

Bà Cao, một người Trung Quốc sống ở New York, Mỹ, nói với Vision Times rằng bà cũng từng trải qua hoàn cảnh éo le gần giống như ông Liu.

Sau khi bà Cao đến Mỹ, bà bắt đầu làm việc để tiết kiệm tiền, rồi nhờ người thân và bạn bè mang tiền về Trung Quốc. Vài năm sau, bà Cao nhờ anh trai mua giúp một ngôi nhà ở quê, dự định sau khi nghỉ hưu sẽ trở về Trung Quốc để tự làm ăn. Do lúc đó bà Cao quá bận rộn với công việc ở Mỹ nên bà không thể rút lui và trở về Trung Quốc. Vì vậy tài sản được mua đã đứng tên anh trai bà.

Không ngờ cách đây khoảng 2 năm, chị dâu và anh trai bà ly hôn. Chị dâu một mực cho rằng căn nhà đó là của chồng mình, nên phải chia đều căn nhà thì mới ly hôn được.

Lúc này, bà Cao đang ở Mỹ và rất lo lắng. Mặc dù tiền mua nhà là của bà, nhưng giấy chứng nhận bất động sản đúng là đứng tên anh trai bà, giấy trắng mực đen rõ ràng. Phải làm sao đây?

Bà Cao không còn cách nào khác đành phải nhờ tới sự tư vấn pháp lý của luật sư ở Mỹ, mặt khác lại phải vất vả tìm kiếm luật sư ở Trung Quốc. Mất rất nhiều công sức, cuối cùng bà cũng đã đứng tên được ngôi nhà. Khi mọi chuyện hoàn tất, bà Cao hoàn toàn kiệt sức. “Tôi cảm thấy như mình già đi 10 tuổi!” - bà thở dài.

Trên thực tế, rất nhiều người Trung Quốc đã từng trải qua những chuyện như vậy. Họ tiết kiệm tiền ở Mỹ, sau đó mang tiền về Trung Quốc dưới dạng tiền mặt nhờ người thân ở Trung Quốc giữ giùm. Sau khi nghỉ hưu trở về Trung Quốc, họ dự định sẽ dùng số tiền đó để tận hưởng cuộc sống...

Tuy nhiên, người Trung Quốc có câu nói cổ như thế này: “Người tính không bằng trời tính”“Kế hoạch không theo kịp biến hóa”. Trong trường hợp gia đình ở Trung Quốc có biến động, như ông Liu và bà Cao đề cập ở trên, những người này có thể sẽ phải “đốt tiền” để lấy lại số tiền vốn thuộc về họ, thật là đau lòng!

Thanh Hương

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Người đàn ông làm việc vất vả 22 năm để gửi tiền về Trung Quốc, kết cục thật bất hạnh