Tại sao người Đức không thích thay đổi công việc và rất trung thành?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuyển dụng nhân sự giỏi và làm thế nào để giữ chân họ là một vấn đề khó giải đối với rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, ở nước Đức, người ta thấy rằng có nhiều người đã làm 20 năm, thậm chí gần như cả đời cho duy nhất một công ty. Điều gì khiến họ “lười” thay đổi và trung thành đến vậy?

Những người thuộc thế hệ đi trước đều biết rằng, hầu hết các công ty Nhật Bản từng có hệ thống tuyển dụng nhân công trọn đời; ở Trung Quốc cổ đại, các ông chủ biết cách đối xử tốt với nhân viên để đổi lấy sự phục vụ trung thành của họ, đó cũng là một “hợp đồng” ngầm trọn đời. Ngược lại, xu hướng tư tưởng hiện đại và sự phát triển của khoa học công nghệ đã khiến con người ngày càng chú trọng nhiều hơn vào lợi ích, và “nhảy việc” đã trở thành tiêu chuẩn để điều chỉnh mức lương của chính họ. Tuy nhiên, tại sao người lao động Đức có thể ở lại một công ty suốt đời mà không thay đổi công việc? Bí quyết giữ chân nhân viên ở các công ty Đức là gì?

1. Đối với một doanh nghiệp

Các công ty Đức sẵn sàng trả lương cao

Alex Humpert, chủ tịch của German EM Motive, cho biết tại một nhà máy có tên là Hildesheim, nhân viên trực tuyến áp dụng hệ thống trả lương theo giờ với khoảng 40 USD/giờ.

Mức lương hàng tháng của một kỹ thuật viên cao cấp là khoảng 6.667 USD. Mức lương của hầu hết các công ty Đức cũng cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu do chính phủ quy định.

Các chủ doanh nghiệp ở Đức quan tâm đến nhân viên

Hãy lấy công ty BMW của Đức làm ví dụ, thiết kế bên trong nhà máy có nhiều khu vực dành riêng cho những nhân viên lớn tuổi.

Ví dụ, bố trí thêm các thiết bị chiếu sáng để hỗ trợ người lao động có thị lực kém; để tránh việc người lao động đau mỏi lưng, các kệ được thiết kế sao cho có thể điều chỉnh độ cao; ngoài ra, vì để tránh cho người lao động phải đứng quá lâu, công nhân còn được tạo điều kiện để ngồi và làm việc ở mọi nơi trên những chiếc ghế dài.

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, công nhân thậm chí không cần phải tự mình tìm đến những chiếc ghế dài nữa, thay vào đó, họ mang sẵn một thiết bị đeo trên người có thể giúp nghỉ ngơi mọi lúc.

Ngoài ra, tại đây còn có sảnh khách với những chiếc giường đơn giản, tiện lợi dành riêng cho nhân viên. Thậm chí còn có các nhà trị liệu vật lý để chăm sóc thể chất cho nhân viên; các công ty Đức chăm chút từng chi tiết, từ các cơ sở vật chất nhà máy đến hệ thống y tế.

Các công ty Đức sẵn sàng đầu tư vào tương lai của nhân viên

Mang đến cho nhân viên cơ hội học hỏi và cải tiến liên tục là một trong những bí quyết của nhiều công ty Đức trong việc giữ chân nhân tài. Giống như nhiều công ty chất lượng cao của Đức, công ty sản xuất hóa chất Đức BASF Group đã không sa thải nhân viên trong cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008.

Chủ tịch nhân sự tập đoàn Wolfgang Hapke nhấn mạnh rằng, việc đảm bảo cho nhân viên có cơ hội học tập suốt đời cũng là một sự đầu tư cho tương lai của công ty; bởi vì việc đào tạo nhân viên liên tục cũng là sự đảm bảo cho nhu cầu nhân lực trong tương lai của công ty.

Các doanh nghiệp Đức có truyền thống chú trọng nguồn nhân lực

Một số công ty Đức qua nhiều thập kỷ, thường có những nhân viên kỳ cựu đã phục vụ hơn 20 năm, thậm chí một số nhân viên chỉ ở lại duy nhất một công ty cả đời. Trong nhà máy BMW, có nhiều nhân viên 60 tuổi đã làm việc ở đó suốt 40 năm.

2. Môi trường làm việc khá đồng đều

Các công ty nói chung của Đức có tuổi thọ cao

Nhìn chung, các công ty của Đức có tuổi thọ cao, không chỉ các công ty lớn ở các thành phố lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có nhiều cửa hàng có tuổi đời hàng thế kỷ.

Người lao động Đức có thể yên tâm ở lại công ty suốt đời, chỉ cần chăm chỉ, tập trung nghiên cứu và kịp thời nắm bắt công nghệ, họ sẽ có cơ hội thăng tiến và thu nhập cao; vì không phải lo lắng về vấn đề doanh nghiệp có thể rơi vào phá sản, họ có phải nỗ lực chuyển đổi công việc không?

Theo khảo sát trên tạp chí Fortune của Mỹ, tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ là 2.5 năm, trong khi tuổi thọ trung bình của các công ty thuộc tập đoàn lớn chỉ từ 7 đến 8 năm.

Theo thống kê của Bộ phận Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan, tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đài Loan chỉ 13 năm, nhưng một số chuyên gia phân tích rằng thực ra chỉ là 7 năm. Tuy nhiên, có không ít công ty tập đoàn lớn đã kinh doanh hàng chục năm.

Mức lương trên khắp nước Đức có sự chênh lệch nhỏ

Có rất ít sự khác biệt trong cách đối xử với cùng một loại công việc trên khắp nước Đức. Mức lương của nhân viên kỹ thuật thường cao, bất kể họ làm việc cho công ty nào, họ cũng không phải chật vật hay lo lắng về cuộc sống.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, có nhiều sự chênh lệch giữa các thành phố hoặc thị trấn, cũng như các công ty nhà nước, tư nhân, và các doanh nghiệp lớn nhỏ.

3. Chính sách quốc gia

Chính sách lao động tốt hơn ở các nước khác

Người Đức coi trọng lao động, mức lương và phúc lợi theo luật định tốt hơn nhiều nước. Người ta nói rằng lương và phúc lợi của người Đức cao hơn 66% so với Hoa Kỳ.

Lấy ví dụ về chế độ nghỉ thai sản, nếu người lao động thuộc diện hưởng lương kép thì một trong hai người có thể xin nghỉ việc có lương để chăm sóc con ở nhà, và vẫn được nhận 65% lương trong thời gian nghỉ. Việc hoạch định chính sách lao động tổng thể của đất nước là hoàn hảo.

Nhìn chung, một trong những đặc điểm của các công ty Đức là họ có nhiều nhân viên trung thành cao; các công ty có thể giữ chân được những nhân tài xuất sắc, và hầu hết họ đều ổn định làm việc.

Đối với nhân viên, vì nhận phúc lợi tốt từ công ty và được quan tâm, nhân viên có thể tự tin làm việc và lòng trung thành của họ đối với công ty sẽ tự nhiên tăng lên. Có vẻ như đây là kết quả của một vòng tròn cùng có lợi và tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên.

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người Đức không thích thay đổi công việc và rất trung thành?