Người giàu nhất Trung Quốc thực sự là ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong "Hồ sơ Panama", "Hồ sơ Paradise" được công khai, gia đình của cựu độc tài Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân không chỉ khẳng định được danh hiệu "tham nhũng số 1 Trung Quốc", mà Giang Chí Thành, cháu đích tôn của nhà họ Giang, cũng lộ ra là "người giàu nhất" thực sự ở Trung Quốc. Vậy Giang Chí Thành đã âm thầm làm giàu như thế nào?

‘Công thức 6 chữ’ giúp Giang Chí Thành phất lên nhanh chóng

Giang Chí Thành (Jiang Zhicheng, Alvin Jiang), sinh năm 1986, là con trai của Giang Miên Hằng – trưởng nam của Giang Trạch Dân. Năm 2009, Giang Chí Thành tốt nghiệp Đại học Harvard và làm việc 9 tháng tại Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư của Mỹ.

Một năm sau, ngày 28/9/2010, Giang Chí Thành khi đó 24 tuổi đã thành lập công ty Boyu Capital ở Hong Kong, bắt đầu tham gia lĩnh vực góp vốn tư nhân. Nhưng cổ đông của Boyu Capital lại là một số công ty vỏ bọc được đăng ký tại các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman, v.v.

Giang Chí Thành đầu tư vào các công ty có lợi nhuận cao nhất ở Trung Quốc, như Alibaba, Ant Group, Didi Chuxing, Tencent, WuXi Biologics, China Cinda, Langjiu Group, Easyhome New Retail Group, Megvii, iQIYI thuộc Baidu, mảng Tài chính tiêu dùng của ngân hàng, v.v.

Giang Chí Thành thường đầu tư “chính xác” vào những công ty có thể kiếm được nhiều tiền trước khi chúng ra niêm yết; sau khi những công ty này niêm yết cổ phiếu thành công, ông ta ngay lập tức bán cổ phiếu và thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Cách kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng này được tóm gọn trong một "công thức 6 chữ": chiếm đoạt, rút tiền, bỏ chạy.

Chậu vàng đầu tiên của Giang Chí Thành

Chậu vàng đầu tiên của Giang Chí Thành là mua lại chuỗi cửa hàng miễn thuế Sunrise Duty Free ở Sân bay Quốc tế Thượng Hải và Bắc Kinh năm 2011.

Vào tháng 4/2014, Reuters xuất bản một bài báo đặc biệt có tiêu đề "Thái tử đảng trong ngành quỹ cổ phần tư nhân". Bài báo cho biết, vào năm 2011, Boyu Capital đã đầu tư khoảng 80 triệu USD để mua lại 40% cổ phần của Sunrise Duty Free, định giá Sunrise Duty Free là 200 triệu USD. Sau đó, Boyu Capital có được cổ phần kiểm soát tại Sunrise Duty Free.

Đến đầu năm 2013, báo cáo của Boyu Capital cho thấy mức định giá mới của Sunrise Duty Free là khoảng 800 triệu USD. Nhưng theo số liệu bán hàng năm 2012 được nộp cho chính quyền Trung Quốc, các chủ ngân hàng cho rằng công ty này được định giá khoảng 1,6 tỷ USD. Ngay cả với mức định giá thận trọng 800 triệu USD, khoản đầu tư của Giang Chí Thành đã tăng gấp ba lần trong 3 năm. Trong ngành quỹ đầu tư tư nhân, việc tăng gấp đôi thu nhập trong 5 năm đã được coi là một thành công.

Theo hồ sơ đăng ký công ty và tài sản của Hong Kong, khi Giang Chí Thành thành lập Boyu Capital vào năm 2010, ông ta trình báo sống trong một căn hộ cao tầng rộng hơn 1.000m2 ở Robinson Place thuộc khu Mid-Levels West, đối diện với cảng Victoria. Đơn vị này do công ty BVI thuộc sở hữu của người sáng lập Sunrise Duty Free là Giang Thế Can (Jiang Shigan) mua lại với giá 16,7 triệu đô-la Hong Kong (2,14 triệu USD). Chiếc Toyota Alphard màu đen 7 chỗ mang biển số Hong Kong mà Giang Chí Thành chuyên dùng cũng do Sunrise Duty Free đứng ra mua. Trên kính chắn gió của chiếc xe còn dán biểu tượng hội viên trong nước của Câu lạc bộ Jockey Hong Kong. Để trở thành hội viên cá nhân của Câu lạc bộ Jockey phải nộp 275.000 nhân dân tệ (gần 1 tỷ VND), còn muốn trở thành hội viên công ty, giá đắt nhất là 880.000 nhân dân tệ (3 tỷ VND).

Về Giang Thế Can, ông này là nhà sáng lập Sunrise Duty Free, một người Mỹ gốc Hoa, được cho là cùng thế hệ với người cha ruột tên Giang Thế Quân (Jiang Shijun) của Giang Trạch Dân, là họ hàng xa của gia đình họ Giang. Sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, Giang Thế Can chuyển đến Thượng Hải làm ăn. Năm 1999, ông ta kinh doanh độc quyền các cửa hàng miễn thuế ở khu vực xuất nhập cảnh của sân bay Bắc Kinh và Thượng Hải.

Giang Miên Hằng (phải) và Giang Trạch Dân. (Ảnh NTD tổng hợp)

Giang Chí Thành đầu tư vào Alibaba

Lại nói về Giang Chí Thành, sau khi mua lại cổ phần của Sunrise Duty Free, ông ta tiếp tục vươn tới các công ty lớn khác.

Theo Reuters đưa tin, Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã gặp Giang Chí Thành vào năm 2012. Khi đó, Boyu Capital đã gia nhập một tập đoàn tài chính do China Investment Corporation (Tổng công ty đầu tư Trung Quốc) dẫn đầu. Jack Ma cần 7,1 tỷ USD để mua lại khoảng 20% ​​cổ phần của Yahoo. Boyu Capital đã huy động được một số vốn cho ông này. Tập đoàn tài chính trên đã có được 5,6% cổ phần của Alibaba, là một thành viên của tập đoàn, Boyu Capital cũng kiếm được rất nhiều.

Hai công ty con của Boyu Capital là Prosperous Wintersweet Limited và Ever Green Growth Limited cũng lần lượt nắm giữ 10,5 triệu và 2,6 triệu cổ phiếu tại Alibaba, với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD.

Vào ngày 20/9/2014, Alibaba chính thức niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ. Đây được gọi là đợt huy động vốn doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Vào ngày đầu tiên niêm yết, giá trị thị trường của Alibaba đã vượt 230 tỷ USD.

Tờ The New York Times đưa tin hôm 21/7/2014, "công ty con của Boyu Capital đã nhận được khoản lợi nhuận hơn 1 tỷ USD sau khi đầu tư 400 triệu USD vào Alibaba".

Giang Chí Thành đầu tư vào Ant Group

Ant Group của Jack Ma ban đầu được lên kế hoạch niêm yết đồng thời tại Hong Kong và Thượng Hải vào ngày 5/11/2020. Nhưng trước khi lên sàn, nó đã bị chính quyền ông Tập Cận Bình tuýt còi.

The Wall Street Journal đưa tin ngày 17/2/2021, chính quyền ông Tập đã điều tra và phát hiện rằng, bản cáo bạch của Ant Group che giấu một cấu trúc cổ phần phức tạp. Đứng sau nó là nhóm lợi ích bao gồm các chức sắc của ĐCSTQ, Boyu Capital của Giang Chí Thành cũng nằm trong số đó.

The Wall Street Journal cho biết, bằng phương thức quanh co, Boyu Capital đã trở thành nhà đầu tư của Ant Group vào năm 2016: Đầu tiên nó thành lập một công ty con ở Thượng Hải; sau đó sử dụng công ty con này để đầu tư vào một công ty đầu tư khác ở Thượng Hải; rồi lại lấy danh nghĩa của công ty đầu tư ở Thượng Hải để đầu tư vào công ty quỹ đầu tư tư nhân của Beijing Jingguan Investment Center (Trung tâm Đầu tư Kinh Quản Bắc Kinh); cuối cùng, công ty quỹ đầu tư tư nhân của Beijing Jingguan Investment Center là bên trực tiếp mua cổ phần của Ant Group.

Trong năm 2016 và 2018, quỹ đầu tư tư nhân của Beijing Jingguan đã đầu tư vào Ant Group hai lần và trở thành một trong mười cổ đông lớn nhất. Nhưng bản cáo bạch hoàn toàn không đề cập đến Boyu Capital.

Giang Chí Thành đầu tư vào Didi Chuxing

Vào ngày 30/6/2021, tám tháng sau vụ tuýt còi của Ant Group, nền tảng gọi xe trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Didi Chuxing được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York. Chỉ 5 ngày sau khi lên sàn, chính quyền ông Tập Cận Bình đã ra lệnh cho công ty này gỡ bỏ ứng dụng khỏi các cửa hàng ứng dụng và tiến hành chỉnh đốn cải cách.

Tờ China Times (Thời báo Hoa Hạ) của Trung Quốc đưa tin ngày 25/6/2021 rằng, trong bản cáo bạch của Didi Chuxing, ban giám đốc có tổng cộng 8 thành viên. Trong đó, ban lãnh đạo của Didi Chuxing chiếm ba ghế, đại diện của Alibaba, Tencent, Softbank, Apple, và 1 nhà đầu tư tài chính, mỗi bên chiếm một ghế. Nhà đầu tư tài chính này chính là ông Trần Trĩ Ngật (Chen Zhiyi), Tổng giám đốc điều hành của Boyu Capital.

Didi Chuxing đã sử dụng cấu trúc mô hình sở hữu đặc biệt VIE (Variable Interest Entity) để che giấu tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông. Nhưng tài liệu niêm yết của công ty đã xác nhận rằng Boyu Capital là một trong những cổ đông lớn.

VIE là cấu trúc được nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent, v.v. sử dụng khi họ lần đầu tiên bán cổ phần của công ty ra nước ngoài. Thông thường, các công ty này sẽ đăng ký một pháp nhân khác tại các thiên đường thuế nước ngoài – nơi không thuộc phạm vi quản chế tư pháp của ĐCSTQ – chẳng hạn như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Do đó, họ không cần phải đối mặt với sự giám sát và xác minh IPO (Lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng) nghiêm ngặt như các công ty Trung Quốc có kế hoạch niêm yết trong nước. Đồng thời, họ cũng có thể chuyển lợi nhuận của công ty trong nước cho thực thể ở nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài tuy sở hữu cổ phần nhưng không có quyền trực tiếp biểu quyết đối với công ty trong nước.

Giang Chí Thành (phải) và Giang Trạch Dân. (Ảnh NTD tổng hợp)

Giang Chí Thành đầu tư vào China Cinda và HNA Group

Nhắc đến Boyu Capital, không thể không nói đến HNA Group, tập đoàn sở hữu hãng hàng không Hainan Airlines.

Cơ cấu cổ đông của HNA Group cũng vô cùng bí ẩn. Ngày 8/8/2018, tờ The New York Post cho biết HNA Group là công ty Trung Quốc đầu tư nhiều nhất vào Hoa Kỳ từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2017. Tuy nhiên, cơ cấu cổ phần của HNA Group lại luôn không minh bạch. Các tài liệu của tòa án Hoa Kỳ cho thấy, từ tháng 7 đến tháng 10/2017, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã gửi ít nhất 77 câu hỏi liên quan đến HNA và các công ty con của tập đoàn này, nhưng họ không đưa ra câu trả lời rõ ràng trong nhiều câu hỏi.

Năm 1989, Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam khi đó là ông Lưu Kiếm Phong (Liu Jianfeng) đã phân bổ 10 triệu nhân dân tệ cho ông Trần Phong (Chen Feng) để chuẩn bị thành lập HNA. Ông Lưu Kiếm Phong từng là cấp dưới của ông Giang Trạch Dân. Khi ông Giang là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Điện tử Trung Quốc, ông Lưu là Thứ trưởng. Sau đó, HNA đã giành được khoản đầu tư 20-30 triệu USD từ George Soros, cá sấu tài chính khổng lồ của Mỹ, đây là khoản đầu tư nước ngoài đầu tiên. Sau hơn 10 năm phát triển và thu hút vốn nước ngoài, cơ cấu cổ phần của HNA đã trở nên vô cùng phức tạp.

Nguyên Giáo sư kinh tế Đại học Bắc Kinh Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang) từng tiết lộ, "Tập đoàn HNA là một kho bạc nhỏ tập thể dành cho các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Rất nhiều quan chức cấp cao, kể cả cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành, cũng sở hữu vốn cổ phần của HNA”. Giáo sư Hạ còn đặc biệt nhấn mạnh rằng, nguồn tin này có độ khả tín rất cao.

Ngoài những điều trên, Boyu Capital của Giang Chí Thành còn dây máu ăn phần với các doanh nghiệp nhà nước, công ty này cũng hoạt động khá tích cực ở nước ngoài.

Về doanh nghiệp nhà nước, lấy công ty quản lý tài sản China Cinda làm ví dụ. Được thành lập vào năm 1999, China Cinda là một doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu 100% của Bộ Tài chính Trung Quốc, chịu trách nhiệm tiếp nhận các khoản nợ xấu từ các ngân hàng quốc doanh. Trước khi niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong, China Cinda đã bán tổng cộng 1,6 tỷ USD cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược bao gồm các ngân hàng và quỹ đầu tư tư nhân. Các nhà đầu tư chiến lược này đều có tài lực hùng hậu, bao gồm UBS, CITIC Capital, Standard Chartered, Quỹ An sinh Xã hội (SSF) toàn Trung Quốc và quỹ đầu tư tư nhân Mỹ The Carlyle Group.

Reuters dẫn lời hai nguồn tin cho biết, Giang Chí Thành đã cho Boyu Capital đầu tư khoảng 50 triệu USD vào China Cinda. Có thể cùng đầu tư vào China Cinda như các tổ chức lớn kể trên, có thể thấy sức mạnh to lớn của Boyu Capital.

Còn ở nước ngoài, Boyu Capital có bốn công ty đều đứng dưới cái tên “Boyu” đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), đó là: Boyu Capital Management Ltd, Boyu Capital Investment Management Co Ltd, Boyu Capital Investment Management Ltd, Boyu Capital Group Holdings Ltd. Tổng tài sản ròng của bốn quỹ tư nhân này là 4,1 tỷ USD.

Bốn công ty này sở hữu cổ phần chéo của nhau, công ty vỏ bọc dưới cái tên Boyu Capital General Partner cũng nắm giữ một số cổ phần. Ngoại giới rất khó để có thể nhìn rõ tình trạng sở hữu cổ phần thực tế của Giang Chí Thành, người nắm thực quyền của Boyu.

Giang Trạch Dân là người chống lưng cho Giang Chí Thành ‘âm thầm phát đại tài’

Ông Quách Văn Quý (Miles Kwok), một tỷ phú Trung Quốc lưu vong ở Mỹ, từng tiết lộ: Giang Chí Thành là người nắm giữ tài sản của gia tộc Giang Trạch Dân, tổng số tiền mặt và tài sản cả trong và ngoài Trung Quốc của nhà họ Giang là hơn 500 tỷ USD.

Tháng 6/1989, Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo ĐCSTQ. Đến tháng 7, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện đã ban hành "Quyết định về một số việc được quần chúng quan tâm trong thời gian gần đây". Trong đó quy định rõ: Kiên quyết ngăn cấm con em của các cán bộ cấp cao làm kinh doanh.

Tuy nhiên, quy định này không thể ràng buộc Giang Trạch Dân. Vào tháng 1/1993, con trai cả của ông ta là Giang Miên Hằng trở về sau khi đi du học Mỹ. Sau đó, Giang Miên Hằng vừa được làm quan vừa được kinh doanh, không thiếu cái nào.

Về con đường làm quan: Giang Miên Hằng từng là Giám đốc Viện Luyện kim Thượng Hải, Phó giám đốc Viện Khoa học Trung Quốc, Giám đốc phân viện Thượng Hải của Viện Khoa học Trung Quốc, Phó tổng chỉ huy Dự án Tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc, Phó tổng chỉ huy Dự án Thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc, Tổng chỉ huy Dự án Nguồn sáng Thượng Hải, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thượng Hải, v.v.

Về phương diện kinh doanh: Giang Miên Hằng trở thành người đại diện pháp luật của Shanghai Lianhe Investment Co Ltd (Công ty TNHH Đầu tư Liên Hòa Thượng Hải) vào tháng 9/1994. Lĩnh vực đầu tư của công ty này bao gồm nhiều ngành như viễn thông và tài chính. Giới kinh doanh Thượng Hải nói rằng, Giang Miên Hằng có vô số chức danh cấp ban giám đốc, ngay cả trong ban giám đốc của công ty xây dựng đường hầm vượt sông Thượng Hải ông ta cũng có phần.

Giang Trạch Dân đã dung túng cho Giang Miên Hằng làm kinh doanh, và "làm gương" cho con cái của các quan chức chính phủ và quân đội của ĐCSTQ. Kể từ đó, việc làm ăn của con cái các quan chức lại trở thành chuyện thường tình. Các cuộc giao dịch về quyền - tiền, quyền - quyền, quyền - sắc như cơn lũ vỡ đê, tràn xa vạn dặm.

Mạng lưới giao dịch quyền - tiền do Giang Trạch Dân và Giang Miên Hằng cùng nhau xây dựng đã trở thành nguồn vốn quan trọng nhất để Giang Chí Thành "âm thầm phát đại tài”.

Nam Phương
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người giàu nhất Trung Quốc thực sự là ai?